Ngày II – Tuần cửu nhật mừng Lễ Suy Tôn Thánh giá năm 2023
(06/9/2023)
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, chân nhận Bí tích Thánh Thể là trung tâm.
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu, Bí Tích Thánh Thể nơi Chúa ẩn thân thật khiêm tốn, thầm lặng, mắt phàm con không thấy nhưng lại là trung tâm và nguồn mạch của lòng thương xót Chúa dành cho mỗi người trong nhân loại. Qùy trước Thánh Thể Chúa chúng con thật an bình, ở đây bên Chúa con như được dìm trong dòng nước mát, được san sẻ, cảm thông, yêu thương và tha thứ… chúng con cám ơn Chúa về sự hiện diện đơn sơ nơi nhà chầu hèn mọi để trao ban sự sống đời đời cho tất cả những ai rước Mình và Máu thánh Chúa“Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6: 53-54). Cám ơn Chúa đã liên kết chúng con nên một trong cùng một thân thể là Hội thánh. Chị em chúng con được qui tụ nhân danh Chúa trong gia đình Hội dòng, có Chúa làm trung tâm cho đời sống chúng con. Xin liên kết chúng con nên một trong Chúa và với nhau để giữa đời thường chúng con trở nên chứng nhân của sự hiệp thông giữa Chúa và mọi người. Nhờ đó, chúng con và mọi tín hữu có thể cùng nhau tiến đến cuộc sống vĩnh cửu.
Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy hoạt động trong chúng con bằng sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con, mãi mãi đến muôn đời. Amen.
Suy Niệm:
Lời Chúa: Ga 6, 51 – 58
Khi chiêm ngắm và sống Mầu Nhiệm Thánh Thể, người sống đời thánh hiến được mời gọi trở nên dấu chỉ của sự hiệp thông, xây dựng và gìn giữ mối dây bác ái với anh chị em cùng sống đời tu cũng như những hoạt động mục vụ giữa đời, bởi vì: khi bẻ bánh tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân Thể của Chúa Giêsu, nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Ngài và với nhau. Thế nên, tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân thể ấy (x. 1Cr 12,27), và “mỗi người là chi thể của nhau” (Rm 12,5).
Trong lời nguyện tiến lễ, lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô đã diễn tả sự hiệp thông đó thật sâu xa: “Lạy Chúa, bao hạt lúa mới làm nên tấm bánh này, bao trái nho mới ép thành chén rượu đây, tượng trưng sự đoàn kết giữa con cái Chúa”.
Như vậy, khi gắn bó với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được tháp nhập vào trong đại dương tình yêu bao la của Chúa, và được liên kết với anh chị em đồng loại như cành cây gắn liền với thân cây: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15, 5).
Khi hướng tâm hồn chúng ta và kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta cũng sẽ trở nên quà tặng để hiến dâng lên cho Thiên Chúa:“Mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô hợp nhất với Người trong cuộc hiến dâng mạng sống lên cho Chúa Cha nhờ Thánh Thần” (ĐSTH số 95).
Đời tu của chúng ta sẽ rất hạnh phúc nếu chúng ta kết hiệp với mầu nhiệm Thánh Thể và sống mầu nhiệm ấy trong đời sống thường ngày. Thật vậy, trong đời tu giây phút trầm lắng bên Thánh Thể là niềm hạnh phúc nhất của mình!
Điểm cốt lõi của Bí Tích Thánh Thể chính là tự hủy, hòa tan và tình yêu tự hiến cho nhân loại.
Sống đức ái cụ thể trong cộng đoàn thánh hiến là biết tha thứ và yêu thương nhau. Tha thứ cho những xúc phạm của người khác với mình, và biết khiêm nhường nhìn nhận những lỗi lầm của bản thân để xin sự tha thứ của chị em và người khác.
Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta thấy lòng nhân hậu của Chúa Giêsu được lộ hiện rất rõ trong cuộc đời của Ngài qua những mối tương quan như: Chúa Giêsu đã tha thứ cho Phêrô, Phaolô, người phụ nữ ngoại tình, và ngay cả Giuđa và những người gây nên cái chết bất công cho Ngài... Cuối cùng, vì yêu thương, nên Ngài sẵn lòng ngự vào lòng ta cho dù không một ai xứng đáng để đón nhận Ngài vào trong tâm hồn qua Bí tích Thánh Thể.
Khi kết hiệp nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống yêu thương nếu không muốn nói là bắt buộc, bởi vì: khi đón nhận Mình và Máu Chúa Giêsu vào trong lòng mà không sống yêu thương thì thật là quái gở, mâu thuẫn, không bình thường.
Như thế, tha thứ, xây dựng sự hiệp nhất và sống mầu nhiệm hiệp thông phải là điều căn bản trong đời tu của chúng ta.
Chu toàn bổn phận được giao phó là điều rất cần trong đời sống thánh hiến, vì đây là điểm căn bản để chúng ta sống trong mọi chiều kích của đời tu. Tuy nhiên, người được cho là đạo đức, thánh thiện thật thế nào được nếu không yêu thương anh em mình? Đạo đức thật mà không tha thứ cho nhau? Đạo đức thật không chỉ có tương quan hàng dọc với Thiên Chúa mà bỏ qua hàng ngang là tương quan với anh chị em mình? Xin nhớ rằng, thập giá chỉ là Thánh Giá khi được kết hợp cả thanh ngang và thanh dọc. Nếu chỉ có thanh ngang hoặc thanh dọc thôi thì nó là khúc gỗ không hơn không kém.
Sống mầu nhiệm tự hủy trong cộng đoàn là dám hy sinh vì người khác, sẵn sàng hy sinh vì ích chung. Mỗi dịp như thế chúng ta càng trở nên giống Đức Giêsu, trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Lúc đó Chúa ở trong ta, ta ở trong Chúa và tình yêu như được tan chảy trong đời sống của mình.
Thật Thế, Thánh Thể rất cao trọng trong đời sống của người nữ tu Mến Thánh Giá . Đức Cha Lambert rất tôn sùng Bí Tích Thánh Thể và thích cầu nguyện lâu giờ trước Nhà Tạm, nhất là khi phải tìm giải pháp cho những vấn đề khó khăn. Ngài luôn khát khao đồng hóa với Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Tử Nạn. Ngài muốn tiếp nối cuộc đời đau khổ của Chúa Cứu Thế và sẵn sàng cho Người mượn thân xác để tiếp tục hy sinh. Có lần ngài nói với các linh mục của mình: “Hãy học hỏi Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh, đó là phương thế chắc chắn đem lại sự khôn ngoan và lòng yêu mến”.
Và, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dạy: “Cộng đoàn của các con đã được tập hợp nhân danh Thánh Thể, thì tự nhiên là có Thánh Thể làm trung tâm, vì Thánh Thể là “bí tích của tình yêu, là dấu chỉ hợp nhất, là mối dây đức ái”. Cho nên thật là xứng hợp khi chúng con công khai tập họp tại một nguyện đường, nơi đó sự hiện diện của Thánh Thể biểu lộ và thực hiện sứ mạng chính yếu phải có của toàn thể gia đình tu trì, cũng như của tất cả cộng đoàn Kitô giáo... Ước chi những thử thách các con gặp trở nên cơ hội để các con chịu đựng với Chúa, và dâng lên Chúa Cha biết bao tai hoạ và đau khổ bất công đang xâu xé anh chị em chúng ta, và chỉ nhờ đức tin soi dẫn, chỉ có hy sinh của Đức Kitô mới có thể làm cho những đau khổ và tai hoạ ấy có một ý nghĩa”.
Tôi có thói quen cầu nguyện lâu giờ trước Thánh Thể Chúa? Tôi có biết chạy đến với nguồn mạch sự sống của tôi là Thánh Thể mỗi khi gặp trái ý, khó khăn hay tôi chỉ biết đi than vãn với người đời?
Nhờ năng gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể, chị em chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa cuộc đời, nhận biết cùng đích, nhận ra nét đẹp của người khác và của bản thân, đồng thời đón nhận dạt dào ân sủng của Chúa giúp chúng ta thăng tiến và kiện toàn tình yêu thương tỉ muội với nhau, làm triển nở ơn gọi thánh hiến giữa cộng đoàn.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Thánh Thể là bí tích tình yêu, là quà tặng cao quý nhất phát xuất từ tình yêu của Ba Ngôi cho con người vạn vật, và là Bí tích biến đổi, Xin cho chúng con được ơn biến đổi nhở kín múc sức mạnh từ Thánh Thể và học với Chúa tinh thần tự hủy, xả kỷ, yêu thương, tha thứ, đón nhận, chia sẻ, trao ban sự sống trong khiêm nhường và phục vụ lẫn nhau.., và trở nên nhân tố tích cực có khả năng dấn thân chữa lành, bảo vệ cộng đoàn chúng con đầy sức sống trong sự sung mãn hài hòa với nhau, cùng nhau thực thi kế hoạch mà Thiên Chúa đặt để nơi mỗi người.
Lạy Chúa Giêsu, hồng ân Thánh Thể Chúa ban thật vô cùng lớn lao và quý báu, xin cho tâm hồn chúng con tràn đầy hoan lạc trước hồng phúc vô giá và khao khát tiếp nhận ân ban này với hết lòng cảm tạ tri ân. Xin Chúa cho chúng con biết sẵn sàng dâng hiến và từ bỏ những gì mau qua, những vui thú tạm thời để mua lấy kho tàng vĩnh cửu. Nhờ sống mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể và theo sát Chúa hơn trong tinh thần tự hủy, biết sống tinh thần từ bỏ như một hy lễ để mỗi chị em chúng con luôn được sống vui, sống hạnh phúc, sống dồi dào trong tình yêu Chúa và mến thương nhau giữa cộng đoàn mà mình đang là thành viên. Amen
Thực hành: Liên lỉ nhớ và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể trong cả ngày sống.
ĐGH. Phaolô VI, Theo Chúa Kitô, Tông huấn Chứng tá Phúc âm (Evangelica testificatio), ngày 29.06.1971, số 47 – 48, tr. 71 – 72.