Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá Để tập sống hiến thân cách quảng đại

Thứ hai - 25/09/2023 02:28 692 0
 
Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá Để tập sống hiến thân cách quảng đại
 
“Chẳng phải là Đức Kitô phải chịu đau khổ
để vào trong vinh quang của Ngài sao?” (Lc 24,26)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Cha Chí Thánh, trong ánh sáng đức tin, chúng con nhận biết Cha là nguồn cội đích thực và vững bền của chúng con. Trong giờ phút linh thiêng này, chúng con đến bên Cha với tâm tình con thảo, cùng với niềm tin, cậy, mến mà Cha đã thương ban, nhờ ơn soi dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng con xin hiệp cùng với Chúa Giêsu dâng lên Cha tâm tình thờ lạy, mến yêu và cảm tạ. Đặc biệt, chúng con tạ ơn Cha đã cho chúng con được bước theo Chúa Giêsu con Cha trên đường Thập Giá, con đường sẽ dẫn chúng con tiến đến sự hoàn thiện ngang qua linh đạo Mến Thánh Giá mà mỗi người đang bước đi.

Xin cho con biết nhận ra Chúa luôn đồng hành trong mọi hoàn cảnh để sẵn sàng tuyên xưng Chúa khi vui lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại. Xin Chúa đừng để con chỉ tuyên xưng đức tin ngoài môi miệng, nhưng bằng hành động: Bằng việc cầu nguyện kết hiệp với Chúa; chu toàn bổn phận với lòng yêu mến; Biết cậy trông phó thác mọi sự trong tay Chúa quan phòng; Biết tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Vì hiểu rằng tất cả những gì Chúa để xảy đến đều là hồng ân, và đều mang lại ích lợi cho phần rỗi đời đời của mỗi người. Xin giúp con năng nhìn lên thánh giá Chúa, để học sống tình thương hiến thân quảng đại của Chúa, vì : “Chẳng phải Chúa đã chịu đau khổ để bước vào trong vinh quang của Ngài hay sao?”(x. Lc 24,26)

Suy Niệm:

Một hôm chiếc cốc sứ tâm sự: “Ban đầu tôi chỉ là một cục đất sét nhỏ, và người thợ gốm đã không ngừng hành hạ làm khổ tôi: Đầu tiên bác ta nhào nặn tôi, lăn qua lăn lại và đập vào người tôi khiến tôi bị đau. Khi bị đau đớn tôi đã kêu xin: “Đừng, đừng đập tôi nữa, hãy đối xử nhẹ nhàng với tôi”. Nhưng bác thợ gốm chỉ cười và đáp: “Chưa đủ đâu!”.

Rồi tôi được đặt lên một chiếc guồng quay và bị quay cuồng chóng mặt và mất phương hướng. Trong khi bị hành hạ, tôi gào thét lên: “Dừng lại! Làm ơn dừng lại”. Nhưng bác thợ vẫn im lặng làm việc và nói: “Chưa hết đâu!”.

Một lát sau, bác đặt tôi vào trong lò nướng. Tôi chưa khi nào trải qua sự đau đớn khủng khiếp đến như vậy. Tôi tuyệt vọng kêu la: “Cứu tôi với, làm ơn đưa tôi ra khỏi nơi này”. Nhưng bác thợ chỉ nhìn tôi và vẫn… lắc đầu.
Khi nghĩ mình không thể chịu đựng thêm một phút giây nào nữa, thì cửa lò bỗng mở ra. Bác thợ cẩn thận đưa tôi ra bên ngoài, đặt tôi lên chiếc kệ và quạt mát cho tôi. Tôi cảm thấy mọi thứ dường như đã tốt lên và hy vọng mình đã qua khỏi cơn đau. Nhưng sau đó bác lại nhìn tôi, lắc đầu và nói: “Chưa xong đâu!”.

Rồi bác ta tiếp tục đặt tôi vào trong lò lần thứ hai. Vì đã từng trải qua những phút đau khổ trong chiếc lò đó nên tôi nghĩ chắc mình sắp bị chết. Tôi sợ hãi khóc lóc và muốn từ bỏ tất cả. Nhưng bác thợ vẫn lạnh lùng bỏ ngoài tai lời van xin của tôi. Tôi muốn chết ngay để khỏi phải chịu đựng những cơn đau hành hạ. Rồi chính lúc bị tuyệt vọng nhất thì cánh cửa lò lại mở ra. Lần này, tôi được lấy ra đặt trên kệ, được làm lạnh và chờ đợi. Một giờ sau, bác thợ đưa cho tôi một tấm gương và nói: “Bây giờ bạn hãy nhìn vào mình đi”. Tôi ngỡ ngàng thốt lên: “Đó không phải tôi, không thể là tôi và không còn là tôi nữa! Quả thật, một hình ảnh hoàn toàn khác hiện ra trước mắt, một chiếc cốc sứ đẹp hoàn hảo và nhiều màu sắc xuất hiện trong tấm gương soi, thay vì một cục đất sét lúc ban đầu.

Sau cùng, bác thợ gốm điềm tĩnh kết luận: “Khi tôi nhào nặn bạn, tôi biết điều đó sẽ làm cho bạn bị tổn thương. Nhưng nếu tôi không làm như vậy thì bạn vẫn chỉ là một cục đất sét tầm thường vô dụng. Khi tôi đặt bạn lên guồng quay, tôi biết nó sẽ làm bạn bị mất phương hướng. Nhưng nếu tôi dừng lại quá sớm, bạn sẽ bị té ngã và bị bể tan. Tôi biết ở trong lò, bạn sẽ bị sức nóng thiêu đốt đau đớn. Nhưng nếu không có những cơn đau đó, bạn sẽ không bao giờ trở nên cứng cáp và có màu sắc đẹp như bây giờ. Vì thế, trong cuộc sống, bạn cần phải luôn dũng cảm đón nhận mọi nỗi đau khổ gặp phải để ngày một nên hoàn thiện hơn bạn nhé” [1] . Câu chuyện nói gì với chúng ta, phải chăng tác giả muốn cho chúng ta hiểu thêm về giá trị của đau khổ và hãy quảng đại hiến thân để được thanh luyện mà đạt đến nét đẹp của sự trọn lành ?

Đau khổ là một thực tế hiển nhiên trong đời sống của con người dù có niềm tin hay không.
Đây là một thực trạng mà không ai có thể phủ nhận hay tránh được trong cuộc sống trên trần gian này. Nào đau khổ vì bệnh tật, vì nghèo đói, vì bất công xã hội, vì thiên tai, động đất, bão lụt. Nào đau khổ vì bị tù đầy, tra tấn, bị kỳ thị, khinh chê và cô lập, chiến tranh  (cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ) trong hiện tại. Đau khổ lớn lao nhất là cái chết.

Đau khổ là một thực trạng không thể tránh được trong trần gian này như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa : “Trong thế gian, Anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng hãy can đảm lên Thầy đã thắng thế gian. (Ga 16, 33)

Là người tín hữu, người sống đời thánh hiến chúng ta được mời gọi hãy tin rằng sự đau khổ về thể lý hay tâm hồn cũng là phương tiện mà Thiên Chúa dùng để cho chúng ta được thông phần sự thương khó đau khổ với Chúa Kitô. Đấng đã vui lòng chịu mọi sự khốn khó cho đến chết đau thương trên thập giá để cho chúng ta được cứu độ và có hy vọng được hưởng hạnh phúc Nước Trời.  

Phêrô, môn đệ được Chúa khen ngợi vì đã tuyên xưng đúng - Người là “ Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng khi nghe Chúa nói đến những đau khổ mà Người sắp phải chịu trước khi chết, sống lại và lên trời vinh hiển, Phêrô đã tìm cách can ngăn Chúa “Xin Thiên Chúa thương đừng để cho Thầy gặp chuyện đó” (Mt 16, 22).

Để trả lời cho Phêrô và cũng để dạy cho chúng ta biết giá trị của đau khổ, Chúa đã quở trách ông như sau: “Xa tan, hãy lui lại đàng sau Thầy! anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23).

Phêrô can ngăn Chúa cũng đúng thôi vì rất phù hợp với ước mong của mọi người trần thế, không ai muốn lao vào nơi khó khăn, đau khổ. Người người luôn muốn được khỏe mạnh, sung sướng , an nhàn, đạt đến danh vọng, có nhiều tiền lắm của ở đời. Ngược lại, không ai muốn bệnh tật, nghèo đói và bị khinh chê, tù đầy hay bắt bớ, chiến tranh...

Không ai có thể tránh được đau khổ trong cuộc sống trên trần gian. Với người có niềm tin nơi Chúa thì đau khổ là phương thế tốt nhất cho ta được trở nên giống Đức Kitô, Người đã đi vào vinh quang phục sinh qua khổ hình thập giá để dẫn đưa chúng ta vào hưởng hạnh phúc Nước Trời, nếu chúng ta vui lòng vác thập giá theo Người. Nghĩa là chúng ta vui lòng chấp nhận những sự khó, sự đau khổ mà chúng ta không đi tìm kiếm; cũng không hậm hực kêu trách, phàn nàn khi gặp phải những khốn khó, đau thương trong cuộc sống trên trần gian này. Đó là cách chấp nhận đau khổ đẹp lòng Chúa, đúng theo lời dạy của Chúa Kitô,“ ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,  24).

Đức Giêsu, qua đau khổ và cái chết, Ngài đã mang ấy tội lỗi của chúng ta và dạy chúng ta con đường phải đi, nhất là chỉ cho chúng ta cùng đích đời mình là : Sự Sống lại. Mẹ Têrêxa đã làm gì trong những đêm đen đau khổ tăm tối vì sự im lặng của Thiên Chúa, dù mẹ có lòng bác ái và sức mạnh của đức tin? Mẹ đã hiệp thông với sự thương khó của Chúa Giêsu Kitô.

Vậy chúng ta hãy can đảm và bằng lòng chịu những sự khó, sự đau khổ mà không ai kiếm tìm nhưng không thể tránh được, vì Chúa đã cho xảy ra để ta được thông phần sự thương khó của Chúa Kitô để đền tội mình và tội của người khác, cũng như để cùng với Người, ta cầu xin cho nhiều người được nhận biết và tin yêu Chúa nhờ đó cùng được hưởng ơn cứu độ Người ban. Vì  “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế ! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu”.( 1 Cr 15,19-20)

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày Chiêm ngắm Thánh Giá Chúa trên thập giá xin cho con dần nhận ra giá trị tuyệt hảo của những đau khổ và những từ bỏ trong đời sống để vui lòng bước đi theo sau Chúa. Cho con thêm xác tín từ khi Chúa đón nhận thập giá vác đi trong thanh thản bình an và chịu treo trên đó cách tự nguyện với cả tình yêu dành cho Chúa Cha và nhân loại, thập giá ấy đã trở thành Thánh Giá, là biểu chứng của sự tha thứ, yêu thương, hòa giải, xây dựng và nối kết. Thánh Giá nâng đỡ thân thể chịu thương tích của Chúa thành niềm hy vọng, cậy trông và là ơn cứu độ của con người mọi thời.

Để được nên giống Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết đón nhận mọi khốn khó trong đời với lòng tin yêu cậy mến, quảng đại đón nhận mọi sự để trở nên khí cụ của bình an và sự hiệp nhất với nhau, cùng nhau thi hành sứ vụ với một tinh thần mới, tình thần của người đã thuộc về Chúa: không ghanh tị, ghen ghét, giận hờn vu vơ, cạnh tranh, chấp nhất... Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết đón nhận thập giá cuộc đời như là điều kiện cần để đạt đến vinh quang (x. Lc 24,26); đồng thời xin cũng cho chúng con biết sẵn sàng, quảng đại chia sẻ thập giá với người khác bằng sự cảm thông, nâng đỡ, ủi an...Amen.

[1](x. https://phunuvietnam.vn/chiec-coc-su-cua-thu-thach-va-long-dung-cam-2203.htm


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây