Thực thi lòng thương xót nơi cộng đoàn nhờ liên kết với Thập Giá Đức Kitô

Thứ tư - 18/10/2023 10:34 847 0
 
Thực thi lòng thương xót nơi cộng đoàn nhờ liên kết với Thập Giá Đức Kitô

Lời nguyện đầu:

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, cứ mỗi ngày Thứ Sáu chúng con dành những giây phút đầu tiên của ngày sống mới để cùng nhau chiêm ngắm Thánh Giá Chúa, chiêm ngắm tình yêu cao vời, vĩ đại Chúa đã dành cho nhân loại và đặc biệt cho chị em chúng con. Vì tình yêu này mà chúng con tự nguyện đi vào “con đường khác thường” để bước theo Chúa trong đời thánh hiến. Sống ơn gọi Mến Thánh Giá là từng ngày khám phá tình yêu lớn lao Chúa dành cho nhân loại và riêng từng người chúng con. Đi theo Chúa không phải lúc nào chúng con cũng cảm nhận sự bình an, thanh thản nhưng vẫn có đó những vị ngọt của niềm vui, hạnh phúc đan xen với những khổ đau cay đắng, buồn phiền buông xuôi. Nhưng sức mạnh từ nơi Thánh Giá vẫn hấp dẫn và cuốn hút chúng con từng ngày qua mỗi hoàn cảnh sự kiện khác nhau. Chúng con tin và cảm nhận tình yêu và lòng thương xót của Chúa luôn bao dung, tha thứ, làm cho tâm hồn con được an ủi và hy vọng ngay cả những lúc buồn phiền, thất vọng.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho lòng trí con thật sự được thanh thản, bình an ngay trong giây phút đầu ngày mới này. Xin Tình yêu của Thánh Thần Chúa khơi gợi, thúc bách chúng con để mỗi người nhận ra tình trạng của tâm hồn mình, quyết tâm làm mới lại nhiệt huyết thuở ban đầu để sống xứng đáng hơn với tình Chúa thương yêu và mong muốn của Giáo Hội nơi đời sống chúng con. Xin vì cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa giải thoát con người khỏi mọi nguy hiểm ở đời mà đạt tới hạnh phúc muôn đời trong Nước Chúa.

Suy gẫm: 

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mạc khải nơi Ngôi Lời Nhập Thể. Nơi Đức Giêsu, lòng thương xót của Chúa Cha trở nên sống động, hữu hình và cụ thể. Cuộc đời công khai và hành trình Tử nạn - Phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu là tột đỉnh của lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho chúng ta vì “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga, 15,13). Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Tông Sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót, ngài mong muốn mọi người Kitô hữu “hãy liên lỉ chiêm ngưỡng mầu nhiệm của lòng thương xót”. Điều đó không chỉ giúp mỗi người trở thành dấu chỉ hữu hiệu cho lòng thương xót của Chúa Cha mà còn là điều kiện để mỗi người chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Thật đúng như vậy, nhìn lại cuộc đời mỗi người, chúng ta nhận thấy mình chỉ được cứu độ khi được Chúa xót thương. Chúa đã dựng nên tôi từ hư không, đã chọn gọi tôi vào đời sống dâng hiến vì Ngài muốn chứ tôi không có công trạng gì, Ngài đã thứ tha cho tôi biết bao lần vì những vô ơn, phản bội, thất tín khi tôi chưa triệt để sống theo những giá trị của Tin Mừng, chưa cố gắng sinh lời những nén bạc Chúa trao, chưa yêu thương và tha thứ như Chúa đòi hỏi.
Khi cảm nghiệm tình yêu thương xót của Chúa đối với bản thân, chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót đối với chị em mình. Lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha nhưng còn là tiêu chuẩn để nhận biết ai là con cái thật của Ngài. Chúng ta được mời gọi thực thi lòng thương xót đối với chị em mình vì lòng thương xót chúng ta nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa. Với tất cả sự chân thành mỗi người hãy nhìn lại mình, tôi đã thực thi lòng thương xót như thế nào trong đời sống? Đối với những người tôi có trách nhiệm phục vụ, người chị em sống bên cạnh tôi, người đã xúc phạm đến tôi ? Không phải người khác làm tổn thương mình, nhưng đâu đó tôi cũng đã làm tổn thương người khác thì sao? Cộng đoàn tôi đang sống có phải là cộng đoàn của lòng thương xót hay chỉ là quán trọ, nhà nghỉ không hơn không kém. Cộng đoàn là nơi mỗi người dám sống con người thật của mình với những yếu đuối bất toàn, với khao khát được thông cảm, yêu thương, đỡ nâng và chữa lành. Tôi đã sống tâm tình nào đối với Cộng đoàn tôi đang là thành viên, nơi đây phải là gia đình đích thực của tôi không?

Là con người, chúng ta cần phải học biết sống chung với nhau, biết cư xử tử tế, nhân ái với nhau để tạo nên một môi trường lành mạnh, dễ sống và đem lại hạnh phúc cho nhau. Dường như con người tự bản năng khao khát điều đó cho chính mình và cho người thân, và cho đồng loại nữa. Giáo huấn của các tôn giáo khác cũng luôn nhấn mạnh đến lòng nhân, lòng từ bi, từ tâm, hành động che chở, bảo vệ những người cô thân cô thế
[1].

Để xây dựng cộng đoàn mình đang sống trở thành cộng đoàn của lòng thương xót mỗi người cần biến lòng thương xót thành những hành động cụ thể. Đức Thánh Cha Phanxicô đề nghị trong đời sống cộng đoàn phải tránh “nhiều chuyện”. Ngài nói: “Trước khi nói xấu về người khác, hãy cắn vào lưỡi của bạn để lưỡi sưng to lên trong miệng của bạn và bạn sẽ không thể nói xấu.” Ngài nhấn mạnh: “Xin hãy tránh thói nhiều chuyện, điều phá hoại cộng đoàn!” và phải có tính hài hước. Ngài nói: “Luôn luôn có nhiều điều không xuôi thuận. Từ bề trên, từ cố vấn, từ người khác... Luôn có những điều chúng ta không thích, phải không? Đừng đánh mất tính hài hước của anh chị em; điều này sẽ giúp chúng ta rất nhiều. Nó giúp chống lại tính nhiều chuyện: biết cách cười chính mình với trái tim nhân hậu, cười trước các tình huống và thậm chí với người khác; nhưng đừng để mất đi tính hài hước của anh chị em. Những gì tôi khuyên anh chị em không phải là những lời khuyên quá giáo điều, mà là nhân bản để phát triển tính kiên nhẫn.”[2]

Trong thực tế, có ai sống mà không khổ đau, không có Thập giá? Có ai đã từng không đau bệnh, đã không hề vấp ngã hay thất bại bao giờ ? Vì thế, sức nặng của Thập giá sẽ được sẻ chia, nâng đỡ... nếu như chúng ta biết ra khỏi mình đến với tha nhân, giúp đỡ và xoa dịu nỗi khổ đau của người khác.“Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho đi, nhưng cái quan trọng đầu tiên là cho đi chính mình.” (ĐGH. Phanxicô)
Hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu để ta sống những biến cố đau thương trong cuộc đời mình với lòng tin yêu phó thác. Người chiến thắng là người tin rằng Thiên Chúa vẫn ở với mình ngay lúc mình cảm thấy như Thiên Chúa hoàn toàn vắng bóng. Kẻ chiến thắng là kẻ trải qua những kinh nghiệm cùng cực nhưng vẫn xác tín rằng mình vẫn đang nằm trong vòng tay đầy yêu thương của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Chúa Giêsu đã qui hướng mọi sự về Cha, đã trao phó tất cả cho cha, và cuối cùng dâng trong tay Cha chính sự sống của mình, và qua đó cũng chính là sự sống của mỗi người chúng ta. Rồi “Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19, 30).

Tình yêu tột độ của Chúa Giêsu trên Thánh Giá thúc đẩy chúng ta sống mọi đau khổ như Ngài và trong Ngài. Chúng ta làm được điều này, nếu biết nhìn nhận trong mọi đau khổ của bản thân và tha nhân có bóng dáng đau khổ của Chúa. Chúng ta không xua đuổi và tránh né, nhưng tiếp nhận đau khổ cùng với Đức Kitô.

Tâm tình hiếu thảo của Chúa Giêsu đã đạt đến mức độ tối hảo trong việc làm vinh danh Cha nơi cuộc thương khó của Người. Noi gương Đức Giêsu chúng ta cũng hãy sống tình con thảo với Cha và tình tỉ muội với chị em trong cuộc sống hôm nay bằng việc đón nhận thập giá của mình và của chị em với lòng tin yêu, tín thác và thương xót thực sự.  

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con ân sủng và tình yêu dọc dài trong đời sống, nhưng chúng con đã không nỗ lực sống yêu thương như Ngài muốn. Xin tình yêu Ngài biến đổi, thôi thúc chúng con nỗ lực hơn nữa trong việc hy sinh, khổ chế, sẵn sàng tha thứ và bỏ qua cho nhau những khiếm khuyết trong đời sống; Để thăng tiến cộng đoàn và làm lan tỏa tình yêu, lòng thương xót của Chúa trong mọi lúc, mọi nơi có chị em chúng con hiện diện. Xin cho chúng con cảm nghiệm được Chúa yêu thương dù trong khó khăn, buồn phiền “Bởi vì, nếu chúng con chịu đau khổ nhiều với Chúa Kitô, chúng con cũng sẽ được chứa chan niềm an vui của Ngài” (x. 2Cr 1, 5). Amen 




[1]Tứ Vô Lương Tâm của Phật Giáo: Từ-Bi-Hỉ-Xả. Lòng Nhân của Khổng Giáo.
[2]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-02/dtc-phanxico-tu-si-noi-hanh-noi-xau-hai-huoc.html

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây