Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu đóng đinh Để học biết Khen tặng, Khích lệ người khác

Thứ ba - 19/09/2023 09:25 442 0


Chiêm ngắm Đức Giêsu chịu đóng đinh Để học biết Khen tặng, Khích lệ người khác

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con tôn thờ, yêu mến chúc tụng, cám ơn Chúa đã luôn dành cho mỗi chúng con những gì tốt nhất để được hưởng hạnh phúc đời này và đời sau. Cám ơn Chúa đã cho chúng con giống hình ảnh Chúa, đặc biệt cho chúng con có ngôn ngữ riêng để hiểu nhau và giúp nhau đạt tới đức bác ái trọn hảo trong đời thánh hiến cũng như các tương quan trong xã hội. Giúp nhau nhận biết Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một nơi mọi hoạt động sống thường ngày.
Giờ suy gẫm hôm nay chúng con muốn chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá, cùng với Người học biết cách sử dụng ngôn ngữ Chúa ban mà hiểu nhau hơn, khích lệ nhau trong cuộc sống, cùng nhau vươn tới sự thánh thiện. Và cũng muốn thân thưa với Chúa về những ân hận, thiếu sót mà vì lời nói không đẹp, không tích cực khiến người khác thêm mặc cảm, khổ đau...nhiều lần con đã đánh mất cơ hội giúp người khác vượt lên chính mình vì lời nói không tốt, không tích cực để rồi ai đó đang phải hứng chịu bất công do lời nói xấu, hoặc bị tổn thương vì sự bịa đặt do lời nói chẳng ngay lành của con gây ta.
Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, trong suốt cuộc thương khó từ dinh Phi-la-tô đến Núi sọ và khi bị đóng đinh trên Thập Gía, Chúa đã không nói lời nào, có nói Ngài nói lời khích lệ, yêu thương, tha thứ để rồi đã hoán cải tướng cướp, tên tội phạm bên phải cùng chịu đóng đinh“Quả thật, Ta bảo với anh: Hôm nay anh sẽ được ở với Ta trong thiên đàng” (Lc 23,43). Xin vì cuộc thương khó và sự chết của Chúa, xin liên kết chúng con với nhau trong tình Chúa và tình chị em nơi gia đình cộng đoàn mình đang sống. Con mong ước đạt tới sự thánh thiện và tình bác ái trọn hảo trong khi lại không biết chế ngự miệng lưỡi mình“Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão.” (Gc 1, 26 ). Xin cho con biết dùng lời nói để ca tụng Chúa - để truyền thông cho nhau  sứ điệp tình thương của Chúa; đừng để thói xấu “nói hành nói xấu nhau” như thứ dịch bệnh nguy hiểm tồn tại trong đời sống thánh hiến của chúng con.
Suy Niệm:
Trong Quà tặng cuộc sống có kể câu chuyện thế này: Nhiều năm về trước, có một cậu bé mồ côi tên Jim, 12 tuổi, gầy gò. Jim sống lang thang, là đầu mối của mọi trò cười và trêu chọc của mọi người sống trong thị trấn. Không ai đối xử tử tế với Jim. Những nghi ngờ của mọi vụ ăn cắρ hay rắc rối đều có tên Jim đầu tiên. Cậu chỉ nhận những lời nói cay độc, nghi ngờ. Kết quả là Jim luôn lẩn tránh những người xung quanh. Cậu càng lẩn tránh, người ta càng nghi ngờ cậu.
Tài sản duy nhất của Jim là chú chó Tige, cũng luôn khéρ nép và lẫn tránh mọi người như chủ nó. Jim không đối xử thô lỗ với Tige nhưng cậu cũng luôn dùng thứ ngôn ngữ cay độc mà mọi người dùng với cậu. Phần vì cậu đã quen với những ngôn ngữ đó, ρhần vì để trút đi mọi nỗi uất ức.
Một hôm, Jim thấy cô gái phía trước làm rơi một gói nhỏ. Cô cúi xuống nhặt thì một gói khác lại rơi khỏi tay. Jim chạy đến, nhặt hai cái gói lên đưa trả cô gái.
– Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt
Cô gái cười và xoa đầu Jim. Jim hoàn toàn sốc. Đó là những lời nói tử tế đầu tiên cậu nghe thấy trong suốt 12 năm. Jim nhìn theo cô gái cho đến khi cô đi khuất.
Jim huýt sáo gọi Tige, con chó ve vẩy đuôi chạy tới bên. Cả chủ và chó đi vào rừng… Jim ngồi xuống cạnh bờ suối và trong đầu cứ vang lên: “Cảm ơn cậu bé, cậu thật tốt!”
Jim cười một mình. Rồi cậu gọi: “Đến đây Tige!”
Tige chạy lại ngay, Jim xoa đầu nó và nói: Cảm ơn mày! Mày thật là tốt!”
Tige rất ρhấn kích và ngạc nhiên. Tai nó vểnh lên, mắt hướng về phía Jim chăm chú, đuôi vẫy lia lịa.

“Đến con chó cũng thích nghe lời nói dịu dàng!”
Jim nghĩ và lôi trong túi ra một mảnh gương vỡ. Cậu bé thấy một khuôn mặt lấm lem. Jim rửa mặt thật cẩn thận.
Sau đó, Jim lại nhìn vào gương. Cậu bé ngạc nhiên. Lần đầu tiên, cậu nhìn lên cao thay vì chỉ cúi mặt như mọi khi. Một cảm giác, cũng là lần đầu tiên cậu cảm thấy: cảm giác tự trọng.
Từ khoảnh khắc đó, cuộc đời Jim hoàn toàn thay đổi bởi quyết tâm để xứng đáng với những lời nói dịu dàng.

                 ***
Ngưng một lát, nhà tỷ phú tiếρ tục nói:

“Thưa các bạn, tôi chính là cậu bé đó. Thị trấn nhỏ mà tôi vừa kể đến chính là thành phố này 40 năm về trước. Cái cây ở đằng kia mà quý vị có thể thấy chính là nơi một người phụ nữ đã… gieo hạt giống đầu tiên của lòng nhân hậu xuống cuộc đời tôi.
Mong sao ai cũng có thể làm được như thế!

Sự khích lệ là một động lực thuộc linh mạnh mẽ trong đời sống của tất cả những ai đang chạy đua để nên giống Đức Kitô. Khích lệ giúp dẹp bỏ mọi sợ hãi, khơi gợi lòng can đảm để tiến về phía trước. Chúa không tạo nên chúng ta là những chi thể riêng biệt nhưng kết nối trong Đức Kitô bởi tình yêu của Ngài, Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống của người Kitô với một cuộc chạy đua. Người Kitô cảm nghiệm được những nhọc mệt trong lộ trình này, nhưng họ luôn kiên trì vì biết chắc đích điểm và phần thưởng đang chờ đợi họ.“Trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9:24-25).

Trong đời sống thiêng liêng, cuộc đua không mang tính thi đua như các cuộc thi thể chất ở đời. Trong cuộc đua trần gian, người ta có thể dùng “xảo thuật” hoặc “mánh lới” để triệt hạ người khác, miễn sao mình thắng cuộc. Nhưng trong cuộc đua tâm linh, người ta không thể đè bẹp người khác để giành chiến thắng, ngược lại còn phải giúp “kéo” người khác cùng chiến thắng với mình. Nếu đè bẹp người khác thì ta đã thua trận không cần phân minh. Cuộc đua đường tâm linh cần sức khỏe tinh thần hơn cả sức khỏe thể lý. Vì mỗi khi chúng ta khích lệ người khác, thì một lần nữa chính bản thân chúng ta được khích lệ, thánh Phaolô đã trải nghiệm thế này “Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó. Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Ki-tô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi.Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu. Chúng tôi lấy làm an tâm về anh em, vì biết rằng anh em thông phần thống khổ với chúng tôi thế nào, thì cũng sẽ được thông phần an ủi như vậy” ( 2Cr 4-7),

Nhà tỷ phú trong câu chuyện đã thành công nhờ lời khích lệ như hạt giống tốt của lòng nhân hậu mà người phụ nữ đã gieo xuống lòng ông ta thế nào?
Người trộm bên phải đã hạnh phúc thế nào khi nghe Đức Giêsu khích lệ ông?
Tình thương của Chúa Giêsu đã đón nhận những người thu thuế và dân ngoại, không kết án người đàn bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khiến cho người Pharisiêu, những nhà thông thái, thông luật thời ấy phải lủi thủi bỏ đi. Vì thế, chỉ Thiên Chúa mới đặt con người đứng trước lương tâm và trách nhiệm về những hành vi của họ.

Trong đời sống chung nếu có những sự kiện, sự việc không ổn thì hãy im lặng cầu nguyện cho người chị em mình, có thể họ sai lỗi nhưng đừng bao giờ nói hành nói xấu hoặc kết án họ bằng những lời cay độc “anh em đừng nói xấu nhau. Ai nói xấu hoặc xét đoán anh em mình là nói xấu và xét đoán Lề Luật. Nếu anh xét đoán Lề Luật, thì anh không còn là kẻ vâng giữ, mà là kẻ xét đoán Lề Luật.Chỉ có một Đấng ra Lề Luật và xét xử, đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt. Còn anh là ai mà dám xét đoán người thân cận?( Gc 4,11-12)
Một câu nói dịu dàng có thể chữa lành một trái tim tan vỡ. Bởi nó chính là món quà tinh thần chứa đựng nguồn năng lượng yêu thương to lớn, giúp con người và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Vì vậy, chúng ta đừng tiếc gì nhưng hãy trao cho nhau câu nói dịu dàng dễ thương để động viên, khích lệ nhau trong đời sống mỗi ngày. “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1Pr 5,7). “Xin anh chị em vui lòng đừng nói hành nói xấu. Đây là một thứ dịch, nguy hiểm hơn cả dịch Covid-19”[1]

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Khi chịu đóng đinh trên Thánh Gía, Chúa đã đón nhận mọi tủi nhục, đau khổ đến tột cùng. Những người vu khống, bịa đặt để kết tội Chúa, những kẻ kết án Chúa, những người đóng đinh Chúa hả hê vì chiến thắng của họ - nhưng Chúa vẫn nói lời tha thứ, nói lời yêu thương dành cho họ. Cách hành xử đầy tính nhân văn của Chúa đã trở nên mẫu gương tuyệt hảo cho chúng con trong hành trình cuộc sống hôm nay. Xin cho chúng con hiệp nhất với Chúa bằng đời sống nội tâm sâu sắc, bằng những lời nguyện tắt hằng ngày. Luôn nghe được Tiếng Chúa bằng một tâm hồn trầm lắng thực sự để những lời con nói ra đều phát xuất từ tâm trí của người hiểu biết, tấm lòng trong sáng của người quảng đại. Một khi đã cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho bản thân là một tội nhân, con sẽ dễ dàng đến với người khác bằng tình yêu và mỗi lời con thốt trong giao tiếp hằng ngày là lời gieo mầm sự sống, gieo tình thương, gieo đoàn kết, hiệp nhất, khích lệ, động viên người khác hầu có thể tỏa lan niềm vui ơn cứu độ của Chúa cho những người chúng con có trách nhiệm phục vụ nơi sứ vụ mỗi ngày. Amen

_________________

[1] ( Trích Huấn từ của ĐTC Phan xicô trưa Chúa nhật 6/9/2020)
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây