Ngày III – Tuần cửu nhật mừng Lễ Suy Tôn Thánh giá năm 2023

Thứ tư - 30/08/2023 03:10 521 0
 
Ngày III  – Tuần cửu nhật mừng Lễ Suy Tôn Thánh giá năm 2023
Ngày thứ ba (07/9/2023):


Sống hy lễ trong Cộng đoàn, tuân giữ kỷ luật Dòng
 
Lời nguyện mở đầu:

Lạy Ba Ngôi cực thánh, chúng con xin tạ ơn, tôn vinh, ngợi khen chúc tụng tình thương nhưng không Cha đã dành cho chúng con qua Thánh tử Giêsu, chính Ngài đã hiến thân nên của ăn thiêng liêng nuôi chúng con trong bàn tiệc thánh. Tri ân Ngôi Ba Thánh Thần dạy chúng con hiểu biết về Chúa để đón nhận Ngài trong niềm tin tưởng mến yêu.
Chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con Lề Luật, Lề Luật của Thiên Chúa không phải là gánh nặng nhưng là người giám hộ đưa con người đến với Chúa Giêsu. Nên con phải luôn tự hỏi mình, tôi có còn đang sống “dưới sự giam cầm của Lề Luật” hay đã hiểu rằng, khi trở thành con cái của Thiên Chúa, mỗi người được kêu gọi để sống trong tình yêu thương.1 Xin cho tình yêu của chúng con dành cho Chúa thật sâu sắc để việc tuân giữ kỷ luật của chúng con có giá trị, có ý nghĩa, đẹp lòng Chúa và mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho đời sống cá nhân, cộng đoàn và cho sứ vụ…
Xin cho việc yêu mến và bước theo Chúa Giêsu Kitô trong đời thánh hiến mang lại sự tự do thiêng liêng giúp giải phóng chúng con khỏi những cảm giác nặng nề, trói buộc của Kỷ Luật nhưng luôn yêu mến và tuân giữ Kỹ Luật cách vui tươi bình an vì nó một món quà từ của Thiên Chúa, Lề Luật được kiện toàn trong sứ điệp Tin Mừng về sự sống mới và sự tự do trong Chúa Thánh Thần.
         
Lời Chúa: Mt 5, 17 – 19

Việc giữ kỷ luật để bước theo Chúa Kitô đòi hỏi một sự từ bỏ lớn lao, đó là từ bỏ chính mình như lời Chúa nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Người tu sĩ khi vâng giữ kỷ luật phải từ bỏ con người cũ, con người tự nhiên của mình với những ích kỷ, lười biếng, tự mãn, hưởng thụ, dễ dãi với chính mình, cùng những thói quen không phù hợp trong đời tu…Đồng thời đón nhận những thập giá trong đời sống hàng ngày của mình để bước theo Người cách trọn vẹn và thanh thoát.

Sống chung thành cộng đoàn là bản chất, là điều cốt yếu của Hội dòng chúng ta (x. Hc. Điều 37). Mỗi người chúng ta đều thuộc về một nơi chốn, một cộng đoàn, nơi đó chúng ta chia sẻ cuộc sống, nâng đỡ nhau về tinh thần lẫn vật chất để thi hành sứ vụ của Hội dòng. Hiến chương điều 38 còn nêu lên điểm cốt yếu làm nên đời sống cộng đoàn, trong đó: điều quan trọng là cùng nhau tuân giữ kỷ luật, kỷ luật là phương tiện hữu hiệu giúp cho cá nhân và cộng đoàn tăng trưởng trên đường hoàn thiện. Kỷ luật cần thiết cho sự ổn định, hài hòa, gắn kết, nuôi dưỡng bảo vệ mỗi thành viên trong ơn gọi thánh hiến. Tuy nhiên, sự giằng co, so đo được mất hơn thua giữa cái “chúng ta” và cái “tôi”, giữa cái “chung” và “cá nhân” trong mỗi người đã làm cho việc sống kỷ luật trở thành rào cản, khó chịu, vướng bận, mất tự do…

Kỷ luật đem lại cho chúng ta nhiều lợi ích cả tinh thần lẫn vật chất. Ích lợi tinh thần là giúp ta hoàn thiện con người mình, tiến lên đỉnh cao của trọn lành. Kỷ luật là khuôn mẫu và thước đo để rèn luyện con người. Một danh nhân nói : “Nếu không có cái thước thẳng, sao biết mình đã có chỗ cong. Đã không biết được chỗ nào mình sai thì làm sao biết sửa mình cho ngay ngắn được”. Một đời sống có kỷ luật ví như một tòa nhà có họa đồ kích thước, “Muốn tròn phải có khuôn. Muốn vuông phải có thước. (Ca dao)

Trong một cộng đoàn dù lớn hay nhỏ, phải có kỷ luật hay nội qui cho mọi người tuân giữ nhằm bảo vệ công ích,“Ở đâu mà mỗi người gọi được là tự do hành động theo ý mình và buông thả theo phóng túng thì hỗn độn mất trật tự nhanh chóng hiện ra lan tràn”(N. Machiavel).

Sống chung trong cộng đoàn thường có cọ xát giữa cái “ tôi” và “chúng ta”, giữa lợi ích cá nhân và tập thể…nhưng khi có phân định và chọn lựa sẽ giúp cho mỗi người tăng trưởng và tiến bộ hơn trong đời sống nhân bản và siêu nhiên. Những đụng độ tất yếu phải có trong đời sống chung giúp mỗi người có cơ hội rèn luyện bản thân. Những cọ sát, khó dễ, mâu thuẩn... có khi mang lại những tổn thương nhưng đó lại là cơ hội để mình lập công trước mặt Chúa. Những khó khăn trong đời sống chung giúp ta tập sống khiêm nhường, bỏ mình, tự hủy để nên thánh thiện hơn. Một cộng đoàn lý tưởng mọi người yêu thương nhau, trên thuận dưới hòa, chị bảo em nghe, sẵn sàng nâng đỡ chia sẻ, hết lòng yêu thương, không có chút trục trặc, lủng củng e rằng đó là cộng đoàn trong sách, trong các bài nghiên cứu…
Nhiều người chán nản, không thấy vui trong cộng đoàn nên đã đi tìm niềm an ủi ở bên ngoài. Họ thích làm việc bên ngoài vì ở đó có người tung hô, ca ngợi tài năng của mình, người ngoài dành cho họ nhiều sự ngưỡng mộ và lời khen tặng, trong khi ở cộng đoàn, họ bị coi thường hay chẳng ai đoái hoài gì đến. Có nhiều người luôn sẵn sàng, hy sinh quên mình vì người khác, ngoại trừ chị em trong cộng đoàn. Họ nhận thấy đời sống cộng đoàn như hoả ngục và cố công đi tìm một thiên đường nào đó bên ngoài cổng tu viện. Nhưng đây là một sai lầm, một lối sống ảo tưởng. Chẳng hạn khi mình ngã bệnh, người ngoài có thể đến thăm với quà cáp, bì thư nhưng chị em trong cộng đoàn mới là người sẵn sàng chăm sóc, túc trực đêm ngày để mớm cho miếng cháo; pha cho ly sữa, lấy cho liều thuốc và nhiều sự khác nữa…rồi khi tắt hơi, người ngoài có thể đến thắp cho một nén hương, xúc động rơi vài giọt nước mắt và quên hẳn ta theo thời gian. Chỉ có chị em trong cộng đoàn mới thật sự cùng hiệp thông cầu nguyện, chia sẻ, lo lắng cho ta vào những khoảnh khắc khủng khiếp nhất của kiếp người và luôn đi với ta đến ngày cuối cùng của kiếp nhân sinh và cho đến khi Đức Kitô trở lại trong vinh quang. Chỉ có chị em trong Hội dòng mới nhớ đến chúng ta dù khi ai đó đã đi về bên kia thế giới bằng chứng cụ thể mà Hiến chương điều 61/2 dạy và Nội Qui điều 26 đã qui định.
  
Vì thế, cần lắm bản lĩnh và sự thánh thiện của một tu sĩ được thể hiện nơi đời sống chung trong cộng đoàn. Nơi sự hòa hợp giữa đời sống kỷ luật chung cộng đoàn và kỷ luật bản thân. Đời sống cộng đoàn tuy có nhiều chấm trắng - đen, đan xen giữa cái “ tôi” và “chúng ta”, giữa “bản ngã” và “hướng thượng” nhưng chính nó lại giúp cho người tu sĩ hoà điệu và hoàn thiện đời sống mình. Chúng ta nên tập luyện nhân đức phân định để có thể chọn lựa sống kỷ luật theo Hiến Chương, Nội qui của Hội dòng như là Thánh Ý Chúa. Nhờ kinh nghiệm luôn hướng về Mầu nhiệm Thánh giá của Chúa Giêsu, luôn hướng về Chân Thiện Mỹ ta có thể vượt qua những cám dỗ …


Và, ta xin Ơn Chúa giúp mình trung thành với việc tập luyện một nhân đức cần thiết, hay từ bỏ một tính xấu nền tảng nào đó đang ngăn cản ta sống mật thiết với Chúa và tình nghĩa với chị em; hoặc đang không muốn khép mình để sống kỷ luật dòng, kỷ luật của bản thân, đang đứng chân trong chân ngoài, đang đi nước đôi…

Sống kỷ luật giúp người tu sĩ xây dựng đời sống của mình trong khuôn khổ nề nếp vững chắc, an toàn: “Khi bạn nghiêm khắc với bản thân, cuộc sống tự nhiên sẽ dễ dàng. Khi bạn dễ dàng với bản thân, cuộc sống tự nhiên sẽ khó khăn” (Zig Ziglar).

Đức Giêsu đến thế gian không gạt bỏ luật Thiên Chúa được trao cho Môsê, nhưng Ngài giải thích luật ấy đúng với ý Thiên Chúa, vì chẳng ai biết rõ ý Chúa Cha bằng Chúa Con. Ngài mời chúng ta tuân giữ luật nghiêm túc theo cách mới mẻ, hoàn chỉnh và trưởng thành để không làm mất đi căn tính của một Kitô hữu, một tu sĩ nhưng kiện toàn tất cả nên giá trị cao quý hơn.

Cộng đoàn tu trì vừa mang tính thánh thiêng, vừa mang tính xã hội. Do đó, cộng đoàn vẫn phải có các luật lệ, quy định chung, nhằm duy trì sự hoạt động thống nhất và ổn định, để tạo sự bình an cho từng thành viên trong cộng đoàn. Có những luật được ghi cụ thể trong Hiến chương, Nội quy và những thông lệ truyền thống tốt đẹp của Hội dòng mời gọi các thành viên trong cộng đoàn cần phải tuân giữ. Tóm lại, luật lệ là cần thiết để có trật tự chung, để duy trì sự phát triển của cộng đoàn và công bằng với mọi người. Chúng ta tuân giữ kỷ luật Dòng để trở nên dấu chỉ của Nước Thiên Chúa nơi trần gian.
           
Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa biết không, nhiều lần con cảm thấy sợ hãi khi nghe đến Kỷ luật. Kỹ luật là cái gì cầm giữ, kiềm nén con trong khuôn khổ nhàm chán, khó ưa. Nhưng từng ngày theo Chúa con hiểu thêm rằng kỷ luật có tên gọi khác của tình yêu, nó là giám hộ đưa con đến gần Chúa và sống hiệp thông với nhau trong nếp sống cộng đoàn. Xin giúp con yêu Chúa nhiều hơn đến mức những hy sinh nhỏ nhỏ trong ngày sống trở nên ngọt ngào và là cơ hội để chứng tỏ con yêu Chúa nhiều như thế nào. Nơi nào Chúa muốn con thi hành tính tự giác của mình con xin sẵn sàng trong bình an, vui tươi. Xin làm cho trái tim con hợp nhất với lý trí và đức tin, để cuộc sống của con không bị chi phối bởi cảm xúc nhưng luôn yêu mến và vâng giữ Kỷ Luật cách trọn hảo để được kỷ luật nâng đỡ và dẫn đưa đến sự hoàn thiện trong đời tu của mình.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin rằng Chúa đã yêu thương, chọn đích danh và thánh hiến mỗi chị em chúng con nơi gia đình cộng đoàn này. Xin ban thêm đức tin, lòng yêu mến để chúng con luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, cùng nhau tuân giữ Luật Lệ cần có để thánh hóa bản thân, giúp nhau trung thành với ơn gọi, sống Linh đạo Mến Thánh Giá cách vui tươi, thanh thoát, nhẹ nhàng, cùng nhau thi hành sứ vụ cách trưởng thành, để đời sống thánh hiến của chúng con ngày càng trở nên hạnh phúc, bình an; trở nên chứng nhân sống động của Chúa nơi nếp sống cộng đoàn. Amen

Thực hành: Nhạy bén,mau mắn giữ các giờ sinh hoạt chung của Cộng đoàn.
 
  1. (x. Đức Thánh Cha - buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 18/8/2021
 
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây