Ngày IV – Tuần cửu nhật mừng Lễ Suy Tôn Thánh giá năm 2023
Ngày thứ tư (08/9/2023):
Sống hy lễ trong Cộng đoàn, thực thi bác ái huynh đệ
Lời Chúa: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, và như vậy là chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6,21)
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Giây phút đầu tiên của ngày sống mới chúng con đến với Chúa với tất cả niềm tri ân, tôn kính, mến yêu. Giờ này, chúng con muốn cùng nhau chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu Chúa đã dành riêng cho mỗi người, chúng con không thể dùng ngôn từ để diễn tả tình yêu Chúa dành cho, chúng con chỉ biết dâng hiến trọn con người và cuộc sống để tôn vinh, chúc tụng, cảm tạ Chúa. Đặc biệt, chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con cùng nhau chia sẻ ơn gọi Mến Thánh Giá trong nếp sống cộng đoàn. Nơi cộng đoàn chúng con cùng nhau sống mầu nhiệm vượt qua và thông phần với Chúa trong cuộc Khổ Nạn đồng thời cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh qua việc thực thi tình huynh đệ với nhau và sống đức ái với mọi người.
Lạy Chúa, con hiểu sống cộng đoàn còn là một hy lễ khi mỗi người mang lấy ghánh nặng cho nhau, ghánh nặng trách nhiệm, ghánh nặng của tuổi tác, sức khỏe, công việc, suy nghĩ, trình độ, tính tình, quan điểm...nhưng đó chỉ có thể là công trình của Chúa. Xin hiệp nhất chúng con trong Chúa và với nhau - nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để cuộc sống của chúng con từng bước phản chiếu, tỏa lan tình yêu thương, niềm vui Phục Sinh cho nhau và cho anh chị em chung quanh.
Lời Chúa: Lc 10, 25 – 37
Suy Niệm:
Lời mời gọi của Chúa Giêsu nơi Tin Mừng Thánh Gioan “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12), là ý Chúa mong muốn mỗi người tu sĩ hãy sống và thực hành. Để có thể sống tình tỉ muội với nhau trong cộng đoàn thì không gì khác hơn là chúng ta phải sống mối dây liên kết trọn lành với chính Đức Kitô qua các giới răn của Ngài, ngang qua chính cộng đoàn mình thuộc về, là nơi dễ dàng giúp mỗi người bày tỏ tình yêu thương dành cho chị em mình nhất. Làm thế nào để trong cộng đoàn không có lối sống tình bác ái giả hình, giả bộ. Để sống được tình Bác ái cách chân thật, trước hết chúng ta phải thực thi và sống lời mời gọi của Đức Giêsu: "Anh em hãy yêu thương nhau"; từ đó chúng ta mới có được đời sống chan hòa với hết mọi người, vì mỗi người chúng ta được mời gọi là để sống với người khác và sống cho người khác. Nhất là trong gia đình thiêng liêng nơi cộng đoàn tu viện, nơi đây chị em càng phải thực hiện câu tục ngữ “chị ngã em nâng” một cách rốt ráo hơn bao giờ hết. Có như thế thì đời sống cộng đoàn mới diễn tả hết tinh thần huynh đệ mà Đức Kitô mông muốn, và Ngài cũng chỉ thực sự hiện diện khi mỗi thành viên trong gia đình cộng đoàn biết thực thi thánh ý của Thiên Chúa qua tình tương thân tương ái với nhau. “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta sống chân tình và biết cảm thông cho nhau, xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau” (Pl 2,1-2).
Khi người tu sĩ sống mối tình tương thân tương ái trong cộng đoàn đòi buộc chính họ phải sống tích cực tinh thần bác ái yêu thương huynh đệ, vì mỗi thành viên đều là chi thể trong một thân thể duy nhất là Đức Kitô và cũng là chi thể duy nhất trong Hội Dòng, cộng đoàn. Khi ta đã từ bỏ mọi sự để trở nên thành viên của Hội Dòng thì không ai có thể thay thế ta vì mãi mãi ta vẫn là chính ta, một hữu thể cá vị và tự do. Một khi chúng ta chọn theo lý tưởng của Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, thì đây là gia đình của ta và dù sống, dù chết ta cũng ở trong vòng tay của Hội Dòng, chúng ta trở thành chị em của nhau nhờ lời khấn dòng mang lại “ Con tận tình phó thác đời sống con cho Hội dòng này, để cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Gía” ( Hc Điều 31. Công thức khấn A). Nếu mỗi người chúng ta sống được như vậy thì chúng ta dễ dàng cảm thông và bỏ qua cho nhau, dù người chị em đó có sai lầm đến thế nào đi nữa; trái lại, thì chuyện bé xé ra to, không có cũng tạo ra cho có. Nhìn vào thực tế của đời sống thì nơi Hội Dòng hay cộng đoàn vẫn còn rất nhiều vấn đề nan giải; vì thế mỗi người chúng ta hãy đón nhận và tha thứ cho nhau. Về phía cá nhân mỗi người hãy tự nhận ra sự yếu đuối mỏng giòn nơi bản thân mình; nếu không, sẽ dẫn đến nguy cơ mỗi người không còn nhìn nhận công sức của người khác, không còn liên đới với nhau và tự cho rằng mình làm được tất cả mà không cần đến ai.
Để sống được sự cảm thông, yêu thương trong đời sống cộng đoàn, trước hết ta phải biết dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về sự hiện diện của chị em nơi cộng đoàn, biết mời Chúa đồng hành với từng người chúng ta qua mỗi công việc lớn nhỏ. Phải biết trao cho nhau những nụ cười chân thành, những chia sẻ, giúp đỡ tận tâm... Đức Thánh Cha Phanxicô đã kỳ vọng nơi đời sống của người sống đời thánh hiến “Ở đâu có các tu sĩ, thì có niềm vui”. Đức Thánh Cha lý giải nhận định đó như sau: "Chúng ta được kêu gọi để cảm nghiệm và tỏ ra rằng Thiên Chúa có thể làm tràn đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta hạnh phúc, mà không cần tới việc đi tìm nơi khác, hạnh phúc của chúng ta là tình huynh đệ đích thực được sống trong cộng đoàn của chúng ta". Điều này thật hợp lý, vì dưới nhãn quan của những người sống tích cực, nhân gian xưa nay vẫn cho rằng: "Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ". Có thể một nụ cười, một lời động viên hay một lời chia sẻ chân thành và cảm thông sẽ xua đi những buồn phiền, chán nản, mệt mỏi nơi chị em và ngược lại. Bên cạnh đó, ta cũng sống tinh thần lạc quan và phó thác tất cả tương lai Hội Dòng, cộng đoàn, và cá nhân cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa: Cái gì con người không làm được thì Chúa sẽ thực hiện.
Đời sống tu trì dành cho những ai dám hiến thân mình cho tình yêu của Đức Giêsu Kitô để cùng nhau sống chung dưới một mái nhà, trở thành chị em với nhau và cùng nhau sống gắn bó yêu thương trong tình bác ái huynh đệ, nhất là giúp nhau thăng tiến về đời đời tinh thần cũng như thể lý để mọi người nhận ra được hình ảnh của Đức Kitô. Về mặt lý thuyết, ai trong chúng ta cũng hiểu và biết phải sống thế nào; nhưng khi bước vào thực tế của đời sống chung, còn đó biết bao phiền muộn và tiêu cực, bởi vì nhiều khi trong cách đối xử của chúng ta với chị em của mình còn tệ hơn những người ngoài đời. Vì thế, đây là cơ hội mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta để chúng ta có thời gian nhìn lại mối tương quan của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với nhau; nhờ đó mỗi người phải thay đổi đời sống, thay đổi cung cách hành xử sao cho hợp với đời tu hành, chúng ta sẽ là men, là chất xúc tác làm dậy lên sức sống mới mỗi ngày nơi cộng đoàn mình đang sống.
Là thành viên trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, Hiến chương điều 40 dạy chúng ta: “Chị em hãy yêu mến Cộng đoàn mình đang là thành viên, đem hết sức lực xây dựng Cộng đoàn trở thành một gia đình. Chị em cần tránh xa mọi lời chỉ trích trong hay ngoài Cộng đoàn, vì sẽ làm tổn thương đức ái và lòng tín nhiệm lẫn nhau”. Vậy tinh thần huynh đệ và việc thực thi bác ái làm nên sự hiện diện đầy huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa, thôi thúc chúng ta yêu thương chị em mình đến nỗi nhận lấy những yếu đuối, khó khăn của nhau, sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm của nhau, tha thứ và nâng đỡ nhau thăng tiến để sống tròn đầy Đặc sủng và Linh đạo của Đấng Sáng lập đã vạch cho chúng ta khi cùng nhau bước đi trên con đường Thánh giá.
Để sống được như thế, thiết tưởng không có cách nào khác là mỗi người chúng ta cần hiểu nhau, lắng nghe nhau, đón nhận và cảm thông cho nhau. Để rồi chúng ta có thể dùng đức tin và lòng yêu mến để xây dựng Hội Dòng, cộng đoàn trên nền tảng là Thánh Ý của Thiên Chúa và lòng yêu thương dành cho nhau ngõ hầu mọi người có thể nhận ra được hình ảnh của Đức Kitô đang thực sự hiện diện trong Hội Dòng, trong cộng đoàn và nơi sứ vụ của chúng ta.
Và,
Mọi sự đều bắt nguồn từ trái tim, không có sức thúc đẩy của con tim thì tay chân bất động. Người Samari nhân hậu trong Tin mừng Luca đã hành động: lấy dầu, rượu đổ lên vết thương, băng bó, đặt nạn nhân lên lưng lừa, đưa về quán trọ săn sóc, trả tiền cho chủ quán và hứa trở lại trả thêm nếu cần. Tất cả khởi đi từ lòng thương xót (Lc 10, 33). Chị em chúng ta cùng nắm tay nhau thực hiện mọi sứ vụ trong yêu thương và bằng lòng thương xót mà Thiên Chúa đã đặt để trong mỗi người.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, Lòng thương xót của người Samari nhân lành đã trở thành điển hình của lòng xót thương của Chúa nghiêng mình trên nhân loại đang bị tổn thương vì tội lỗi, đã mang lấy trên mình tất cả những nỗi đau khổ và tội lỗi của trần gian. Chúa đã phải trả giá đắt để cho chúng con được sống. Chính khi yêu thương chúng con cho đến cùng mà Ngài trở thành người thân cận của chúng con. Và hôm nay, con lại nghe Chúa nói với mỗi người “ con hãy đi và làm như vậy”, Xin Chúa cho con học cách yêu thương và tiếp cận người khác như Chúa. Xin dạy con có tâm hồn nhạy bén, sẵn sàng ra tay giúp đỡ chị em, nói một lời khich lệ, động viên...đó là dấu chỉ thân cận Chúa đòi hỏi; xin giúp chúng con đừng chỉ mong đợi người khác tỏ ra thân cận với mình, trái lại tích cực tỏ ra thân cận với chị em bằng lời nói, việc làm cụ thể với tất cả con tim chân thành. Đó chính là thái độ bác ái huynh đệ để chúng con sống hy lễ trong Cộng đoàn. Amen
Thực hành: Âm thầm làm một việc bác ái cụ thể và không nói điều tiêu cực về chị em.