Bước theo Đức Kitô là trở nên người mang thập giá đời mình
TT/MTG QN
2023-10-04T06:30:40-04:00
2023-10-04T06:30:40-04:00
https://hoidongmtgquinhon.org/suy-niem-ben-thanh-gia/buoc-theo-duc-kito-la-tro-nen-nguoi-mang-thap-gia-doi-minh-2533.html
https://mtgtanlap.vn/wp-content/uploads/2022/04/saua.jpg
MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
Bước theo Đức Kitô là trở nên người mang thập giá đời mình
“Tôi mang trong thân mình cuộc tử nạn của Ngài, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10).
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa đang ở đây với chúng con trong nhà tạm đơn sơ khiêm tốn để trở nên nguồn sống dưỡng nuôi chúng con từng ngày trong ơn thánh. Là sức mạnh giúp chúng con bước đi với Chúa trên con đường thánh giá mà Chúa Cha đã mời gọi trong đời thánh hiến.
Lạy Chúa Giêsu, vì tình yêu mà Chúa chấp nhận khổ hình thập giá, xin Chúa cho con càng chiêm ngắm Chúa càng thêm xác tín về tình yêu Chúa dành cho con, càng hiểu sâu xa lời nói của Thánh Phaolô “Tôi mang trong thân mình cuộc tử nạn của Ngài, ngõ hầu sự sống của Chúa Giêsu cũng được tỏ hiện nơi thân xác chết dở của tôi” (2Cr 4,10). Thân xác chết dở của con là những giờ phút tâm hồn khô khan, nguội lạnh trong đời sống thiêng liêng; chán chường không muốn nỗ lực tập luyện nhân đức. Thập giá con đang trải qua là bổn phận nặng nề vất vả, sức khỏe suy nhược, thất bại trong mục vụ, gánh nặng đời sống chung....
Lạy Chúa, nếu con chối từ, buông xuôi trước những khó khăn như thế làm sao con có thể nói mình đang thông phần cuộc thương khó với Chúa được. Xin Chúa gia tăng đức tin và lòng yêu mến Chúa nơi con, giúp con can đảm nhận lấy thánh giá đời mình. Xin biến những khó chịu, đau khổ trong đời sống thành cơ hội giúp con chia sẻ với cuộc thương khó của Chúa; khi biết mình đang chia sẻ với Chúa, con được lớn lên trong tình yêu. Khi mang lấy thập giá đời mình trong bình an, phó thác là con đang suy tôn Thánh Giá Chúa mỗi ngày giữa đời thường.
Suy niệm:
Thập giá thường là dấu chỉ của khổ hình ô nhục, xưa kia quân Roma dùng nó để đóng đinh những tội phạm nô lệ và người dân phạm trọng tội đối với đế quốc. Nhưng đối với người Hy lạp, Thập giá trở thành hoa văn xin đẹp trang hoàng trên các lâu đài sang trọng. Đối với người Ai cập, thập giá tượng trưng cho sự bất tử. Những người thám hiểm Tây Ban Nha đã khám phá thấy thập giá nơi thổ dân Trung Mỹ xưa là biểu tượng của thần mưa ân phúc. Các nước Tiểu Á và Đông Á vẽ thập giá hình chữ vạn hay chữ thập tượng trưng trời chiếu sáng khắp bốn phương.
Nhìn chung, nhân loại phân chia Thập giá làm hai thứ: một thứ thập giá nhục hình tử tội đen tối, một thứ thập giá vinh quang sáng ngời. Cả hai đều mang dấu vết thương đau khác nhau: một đàng thương đau xấu xa tiêu diệt, nên gọi là KHỔ GIÁ, một đàng thương đau để được sống trường sinh nên được gọi là THÁNH GIÁ.
Trong đời sống Kitô hữu ai cũng phải vác thập giá vì không ai có thể trốn tránh được đau khổ. Đau khổ chính là thập giá chúng ta phải vác hằng ngày. Chúng ta vác thập giá với thái độ nào: tự nguyện hay miễn cưỡng? Kinh nghiệm của chúng ta và cũng là của thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, nếu ai vác bổng thánh giá lên thì sẽ thấy nó nhẹ, còn ai vác uể oải hay kéo lê thì thánh giá sẽ trở nên nặng nề...
Trong cuốn “Một tâm hồn”, thánh nữ Têrêsa Hài đồng có kể: “Hai chúng con giùng giằng lèo xèo làm cho mẹ Bề trên (đang liệt bệnh) mở mắt thức dậy, thế là mọi lỗi đổ cả lên đầu con. Chị kia liến thoáng nói một thôi dài, mà đại ý chỉ có thế này: Chính là tại Têrêsa Hài đồng đã làm om sòm. Nóng mặt, con muốn cãi lại ngay... Nhưng con bảo mình: nếu mà cãi phải cho mình bây giờ, chắc sẽ mất sự bằng an trong lòng. Đàng khác, vì còn kém nhân đức lắm, nên con đã không thể đứng yên để nghe chị ấy đổ tội cho mà không thưa lại một vài lời cho ra nhẽ, con liền tính kế “Dĩ đào vi thượng sách”. Nghĩ xong, con lủi đi như con quốc... nhưng vì trái tim quá hồi hộp thổn thức không thể bước đi xa được, chân như rủn ra, con phải cưỡng bách ngồi xệp xuống chân thang để được bình tĩnh tạo hưởng cái thú không chiến mà thắng. (Trích Một tâm hồn, tr 40-41)
Kinh nghiệm thiêng liêng của Thánh nữ Têrêxa rất thân thương, gần gũi với đời sống của chúng ta. Để tập cách xử lý những tình huống trong đời sống chung, đó cũng là những thập giá trong đời sống thường ngày. Chúng ta học theo lời của Đức thánh Cha Phaolô VI trong buổi triều yết chung cho giáo dân ngày 11.03.1970, ngài nói: “Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và cũng có thể nói ít được thiện cảm nhất trong đời sống Công giáo: đó là sự từ bỏ. Từ bỏ mình tức là từ bỏ ý riêng mình mà chấp nhận thánh ý Chúa. Người ta nói: 3 với 4 là 7, có đúng không? Chưa đúng. Muốn thực hiện 3 với 4 là 7 thì phải làm sao cho tan rã hai con số 3 và 4, rồi đúc nó lại thành con số 7 mới được. Chớ cứ để 3 với 4 kề nhau mãi thì làm gì thành 7 được, mà vẫn là 3,4. Cũng thế, muốn từ bỏ chính mình là phải làm tan rã ý riêng của ta cho hòa vào ý Chúa, lúc đó chúng ta mới thực sự là từ bỏ chính mình.
Quả vậy, theo Chúa thì phải nỗ lực, cố gắng trong việc sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin mừng trong sự chịu đựng, từ bỏ và kiên trì.
Chị em chúng ta, người nữ tu Mến Thánh Giá dù ít nhiều, lâu hay mau phải tập cho mình đạt tới sự hiểu biết và say mê Đấng Chịu đóng đinh nhờ siêng năng chiêm ngắm thập giá Chúa Ktiô hầu góp phần tôn vinh tình thương của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì con” (Gl 2,20). Để cảm nhận điều nầy, chúng ta cùng nghe chứng từ của đấng đáng kính ĐHY F.X. Nguyễn Văn Thuận: “Chúng ta có thể làm được, nếu biết nhìn trong mọi đau khổ của bản thân và tha nhân một bóng dáng đau khổ vô biên của Chúa, một khía cạnh, một nét mặt của Ngài. Mỗi khi đau khổ xuất hiện, chúng ta không xua đuổi nó, nhưng tiếp nhận nó trong tâm hồn, như thể chúng ta đón nhận Chúa. Và rồi nếu quên mình đi, chúng ta đáp ứng đầy yêu thương những gì Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta trong giây phút hiện tại, nơi tha nhân mà người đặt trước chúng ta… Tôi nhớ lại kinh nghiệm của tôi trong những năm đen tối của cảnh tù đày. Trong thẳm sâu những đau khổ của tôi, có một vài tâm tình mang lại cho tôi an bình trong tâm hồn: tôi không loại trừ một ai khỏi tâm hồn tôi. Tôi tự nhủ: chính Thiên Chúa là tình thương sẽ xét xử tôi, chứ không phải thế gian, không phải Nhà nước, không phải guồng máy tuyên truyền. Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn lại một mình Thiên Chúa không thay đổi…"[1].
Noi gương chịu đau khổ với các thánh vì lòng yêu mến Chúa hoặc mang trong mình cuộc thương khó của Đức Kitô theo cách của Đức cha Lambert, chúng ta cho Chúa Kitô mượn thân xác mình để tiếp tục hiến tế, thì thử hỏi có niềm vui nào lớn hơn niềm vui được chịu đau khổ vì yêu mến Chúa hay không?
Ai có kinh nghiệm về sự liên kết mật thiết với Đức Giêsu thì luôn phản ứng tích cực trước các hình thức đau khổ, kể cả sự chết. Chẳng hạn, cảm nhận được sự liên kết mật thiết với Đức Giêsu, thánh Phaolô minh định: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35). Cũng theo thánh nhân: “Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,38-39)
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, đối với người không có niềm tin thì Thập giá biểu hiện cho một hình thức khổ đau nhục nhã, và rao giảng về Thập giá như thế là sự điên rồ. Mỗi lần đối diện với Thập giá cuộc đời, con thường bực dọc, than van, chối từ...Nhưng, nhờ thường xuyên chiêm ngắm Chúa trên Thánh Giá, con càng hiều thêm Chúa chết trên Thánh giá vì ai? Chúa mang đến cho khổ đau Thập giá ý nghĩa linh thánh, giá trị cứu độ trần gian. Xin cho con luôn xác tín rằng theo Chúa là mang lấy thập giá đời mình từ nay cả cuộc đời con, từng phút giây, từng biến cố vui buồn sướng khổ là những bước chân tiến vào con đường thập giá cùng với Chúa. Xin cho con luôn biết mang lấy thập giá đời mình và của tha nhân để trở nên người Kitô hữu trưởng thành nhờ vui vẻ vác Thập Giá Chúa trao trong tin yêu, phó thác. Amen.
----------------------
[1].ĐHY F.X. NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng Nhân Hy Vọng, sđd, tr. 151-152.
Tác giả bài viết: TT/MTG QN