Chiêm ngắm Đức Kitô trên Thánh giá mỗi ngày để chuẩn bị cho mình cái chết lành thánh
TT/MTG QN
2023-11-01T08:51:08-04:00
2023-11-01T08:51:08-04:00
https://hoidongmtgquinhon.org/suy-niem-ben-thanh-gia/chiem-ngam-duc-kito-tren-thanh-gia-moi-ngay-de-chuan-bi-cho-minh-cai-chet-lanh-thanh-2612.html
https://dongnuvuonghoabinh.org/Image/Picture/H%C3%ACnh%20%C4%91%C4%83ng%20web/Cam%20nghiem%20-%20suy%20tu/a5ff0258215de903b04c.jpg
MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
Chiêm ngắm Đức Kitô trên Thánh giá mỗi ngày để chuẩn bị cho mình cái chết lành thánh
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa là cha của chúng con, từ ngàn đời Chúa đã yêu thương chúng con cách nhưng không. Chúa đã cho chúng con được sinh vào đời và được nhận biết Chúa là Cha yêu thương. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần cho chúng con để Người dẫn dắt mỗi người trong cuộc hành trình về nhà Chúa với một tâm hồn thanh khiết, một con tim đầy yêu mến và một thái độ sống tràn niềm vui, loan lạc, bình an giữa bao thử thách theo gương Đức Giêsu Kitô. Đừng để chúng con bị lạc buớc trên đường đời vì những yếu đuối, khó khăn, hiểu lầm, chống đối.
Lạy Chúa, chỉ có Chúa là cùng đích và ý nghĩa cho cuộc sống của chúng con. Chúa là gia nghiệp duy nhất của đời chúng con. Có Chúa, chúng con sẽ có tất cả. Dù sự sống hay sự chết, dù yếu đau bệnh tật, khổ sở lầm than, gian nan hay thư thái xin đừng khi nào tách con ra khỏi Tình Yêu của Chúa. Xin Chúa chúc lành cho đời sống chúng con luôn luôn.
Lạy Mẹ Maria, Cha Thánh Giuse cùng chư thánh cùng với chúng con hợp lời tôn vinh chúc tụng, ngợi khen Thiên Chúa Ba Ngôi bây giờ và mãi mãi.
Suy Niệm:
Trong thân phận con người, cái chết là điểm cuối cùng mà ai cũng phải chạm tới. Chỉ có điều là, chẳng ai trong chúng ta biết được mình sẽ chết khi nào, chết cách nào, và chết ở đâu,… Nhưng liệu chúng ta có thể chuẩn bị cho mình có một cái chết lành thánh không ?
Thánh Gioan Vianney đã từng nói: “Nếu phải chết hai lần, chúng ta có thể chọn lựa cái chết tốt hơn, nhưng vì chỉ chết một lần, nên đời sống vĩnh cửu của chúng ta tuỳ thuộc vào cái chết này”.
Đức Cha Lambert, Đấng sáng lập dòng của chúng đã viết thư cho hai nữ tu tiên khởi là Anê và Phao-la, thế này:“Hỡi các nữ tu của cha, chắc hẳn các con thấy được rằng ơn gọi của mình cao trọng dường nào và các con đã chết đi đối với thế gian, nghĩa là đối với các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chỉ sống bằng những châm ngôn, những thực hành và bằng chính đời sống của Chúa Giêsu Kitô.”[1]
Thật vậy, chúng ta chỉ có một cái chết, nên khi bước đi trên hành trình dương thế, chúng ta đừng bao giờ rời mắt khỏi đích đến, khỏi phần thưởng tối hậu - sự sống với Thiên Chúa - và, đừng bao giờ quên thực hiện những gì có thể, để đạt được điều đó.
Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần sáng thứ tư , ngày 09 tháng 02 năm 2022, Đức thánh cha Phanxicô nói: “Tôi chưa bao giờ thấy một chiếc xe dọn nhà nào đi sau xe tang!”. Ngài đưa ra lời khuyên để đối diện với cái chết, để không bị nỗi sợ lấn át. Lấy cảm hứng từ hình ảnh Thánh Giuse, Thánh phù trợ để được chết lành, vì theo truyền thuyết, ngài trút hơi thở cuối cùng bên cạnh Mẹ Maria và Chúa Giêsu. Đức Phanxicô nhấn mạnh, đức tin Công giáo không phải là để khỏi sợ chết, nhưng giúp chúng ta đối diện với cái chết.
Văn hóa an sinh muốn “loại thực tại của cái chết” nhưng Đức Phanxicô kêu gọi có một cái nhìn tích cực với cái chết, việc suy ngẫm về cái chết, “giúp chúng ta nhìn cuộc sống bằng con mắt mới.” Ngài nói: “Có quá nhiều câu hỏi cần được đặt lại, có ích gì khi tranh cãi với bạn bè, với anh chị em trong nhà, với anh chị em trong cộng đoàn đức tin nếu một ngày nào đó chúng ta sẽ chết? Nổi giận với người khác có ích gì? Tốt hơn nên chết trong hòa thuận, không hối tiếc, không oán giận!”
Đức Phanxicô nhận xét, khi đối diện với cái chết, tích trữ cũng chẳng có ích lợi gì, vì “chúng ta sẽ ra đi một mình, chiếc khăn liệm không có túi”. Nhưng, “những gì chúng ta cần tích lũy là lòng bác ái, khả năng chia sẻ, khả năng không thờ ơ với nhu cầu của người khác”. Ngài kết luận, “tất cả chúng ta đều đang trên đường đi đến cái chết”, nhưng với người tín hữu Kitô, chết lành là trải nghiệm về lòng thương xót của Chúa và được soi sáng bởi mầu nhiệm phục sinh.”
Đối với chúng ta những người nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta bước theo Đức Kitô cách tự nguyện và công khai, đời sống của chúng ta thật cao trọng, chúng ta chết đi cho thế gian...và là người trải nghiệm về lòng thương xót của Chúa cách thiết thực nhất. Chúa Giêsu yêu mến những người Chúa đã chọn và tất cả những ai thuộc về Người. Ngài muốn ấp ủ họ như gà mẹ ấp ủ con dưới cánh và đã tha thiết cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành” (Ga 17, 24). Như thế để được chiêm ngưỡng vinh quang mà Chúa Cha ban cho người tín hữu, mỗi người cần đi theo sau Đức Giêsu để Người dẫn lối vào Nước Trời. Đường vào Nước Trời tuy hẹp nhưng Chúa Giêsu đã đi trước và mở lối đưa đường. Bao thế hệ thánh nhân đã đi vào con đường ấy. Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (x. Ga 14, 6). Đi vào con đường hẹp của Tin Mừng cũng là cách mỗi người chuẩn bị cho mình cái chết lành thánh. Hãy cùng nhau tuân giữ những giới răn lớn nhất mà Chúa Giêsu đã dạy, và những người muốn trở nên giống như Người cần thực hành: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Ðiều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 30-31) và thể hiện lòng thương xót của mình dành cho thân nhân như chính chúng ta đã được Đức Giêsu thương xót. “Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết. Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được? Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa”(1Ga 3,14-19).
Để chuẩn bị cho mình một cái chết lành thánh, chúng ta thường xuyên chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Người là Đấng giàu có vô cùng nhưng đón nhận cái chết thầm lặng và trần trụi trên Thánh giá. Trên Thánh Giá Đức Giêsu đã diễn tả điều mà Thư thứ Nhất của Thánh Gioan vừa nói với chúng ta.Trên thánh giá Đức Giêsu đã yêu cho đến cùng, yêu cho đến đón nhận cái chết thật lành thánh với lời tha thứ thật tuyệt vời “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)
Cái chết trên Thánh giá của Đức Giêsu Kitô mời gọi chị em chúng ta không tích lũy bất cứ thứ gì dưới đất, nhưng hãy lưu tâm tích lũy kho tàng ở trên trời ... Một khi sống thanh thản với mọi của cải vật chất và buông bỏ của cải tinh thần - kể cả bản thân, chúng ta sẽ nhìn nhận sự chết như là một điểm chấm dứt nhiệm vụ. Nhiệm vụ kết thúc, mỗi người tin tưởng phó thác tất cả cho sự phán xét công bình của Thiên Chúa. Nhiệm vụ được trao phó cùng với những nén bạc Chúa ban có được hoàn thành, phát triển và sinh lợi hay không, đó là chuyện khác và đó mới là điều quan trọng. Chúa sẽ phán xét công minh về điều đó. Vì thế, chúng ta hãy khởi sự từ bây giờ quyết tâm tận dụng thời gian còn lại và những phương tiện trong tầm tay để chu toàn các nhiệm vụ được trao một cách tốt đẹp. Nhất là tỉnh thức ưu tiên đón nhận Nước Trời bằng lòng sám hối chân thành và tin mến khiêm cung, quảng đại tha thứ. Khi chúng ta làm hết sức mình mọi bổn phận được giao vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân, chúng ta sẽ hân hoan và tin tưởng nơi Thiên Chúa - Đấng giàu lòng thương xót, chúng ta thanh thản chờ đợi chuyến xe cuối đến là sự chết. Sự chết lúc này chỉ là một bước ngoặc mới sang bờ bên kia, bờ của sự sống mới vô cùng tốt đẹp đang chờ đợi chúng ta.
Lời nguyện kết:
Lạy Thiên Chúa là cha của chúng con,
Cám ơn Chúa vì hồng ân sự sống mà chúng con đang lãnh nhận, đang tận hưởng đến giờ phút này. Đây là hồng ân lớn lao và nhưng không vì nó hoàn toàn do bởi Chúa. Cám ơn Chúa về những giây phút Chúa ban trong giờ suy gẫm vừa qua, Chúa cho mỗi người thêm cơ hội để suy niệm về sự chết, giúp chúng con biết quý trọng hồng ân sự sống và biết sống sao cho đẹp lòng Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết chuẩn bị cho giờ chết của mình bằng những việc làm thánh thiện với lòng yêu Chúa thâm sâu.
Chúng con thấy rất rõ những hiện tượng khác thường, đa dạng nơi người sắp chết : Có những lo âu sợ hãi, những khắc khoải đợi chờ, những ngóng trông mệt mỏi, những cái nhìn xa xăm vô vọng, đau đớn, buông xuôi. Cũng có thể là những bất bình tức giận, những chán nản phiền muộn, những tiếc nuối...Cũng có những cái chết thanh thản, bình an toả sáng, mang dấu ấn của một tâm hổn đầy nghị lực thiêng liêng và một tâm hồn ngập tràn niềm vui vì đã đi đến trạm cuối của hành trình dài đầy tin tưởng, yêu mến.
Lạy Chúa, con người siêu nhiên của con muốn được gặp Chúa, nhưng con người tự nhiên của con lại không muốn chết. Xin cho con biết phó thác vào sự quan phòng của Chúa, để dù sống hay chết bất cứ lúc nào, nơi đâu, chúng con vẫn thuộc trọn về Chúa. Amen
[1] Bức Tâm Thư, s.10
Tác giả bài viết: TT/MTG QN