Tinh thần Mùa Vọng mời gọi sống Hiệp thông với Chúa và với nhau

Thứ ba - 12/12/2023 05:45 604 0
 


Tinh thần Mùa Vọng mời gọi sống Hiệp thông với Chúa và với nhau

“Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho” (Lc 7,35)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã mời gọi chúng con thức dậy để tiếp tục thổ lộ tình yêu dành cho chúng con. Chúng con xin dâng lời tôn vinh chúc tụng và yêu mến Chúa. Cám ơn Chúa đã ban cho nhân loại Người con yêu dấu để ở với nhân loại. Người chấp nhận thân phận của một con người mong manh nghèo hèn, đã hy sinh đến tận cùng của kiếp sống để giới thiệu cho muôn dân mọi thời về tình yêu ơn cứu độ Cha dành cho nhân loại. Con một yêu dấu của Cha đã kết nối nhân loại trong biến cố làm người và sống giữa gia đình nhân loại. Chúng con cùng bước đi với mẹ Giáo Hội để sống Hiệp hành, Hiệp thông, Tham gia trong mọi sứ vụ. Chúng con được mời gọi trở nên chuyên viên của tình Hiệp thông và tham gia, nhưng đâu đó trong cuộc sống còn nhiều chia rẽ nó trở nên một gương mù và cản trở lớn cho tinh thần Hiệp Thông. Thế nên “hiệp thông” đã trở thành lời gọi cấp bách trong cuộc sống của chúng con hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa đã mượn trò chơi của trẻ em Do thái để khiển trách những kẻ kém lòng tin. Chúa so sánh dân chúng thời đó như đám trẻ em khó tính, khó nết, nay rầy mai khác, không sao làm vừa lòng họ được. Khi thấy thánh Gio-an Tẩy Giả không ăn không uống thì họ cho là bị quỉ ám. Còn Chúa ăn uống như mọi người thì họ bảo là mê ăn ham uống, là bạn với kẻ tội lỗi! Xin ban cho con một tâm hồn thiện chí, xin mở lòng trí con, giúp con khiêm tốn nhận ra thân phận nhỏ bé của mình để con dễ dàng đón nhận sự khôn ngoan của Tin mừng. Xin ban cho con ơn can đảm để con thực thi tiếng Chúa mời gọi và dấn thân theo đường lối Chúa. Xin cho chúng con hiểu lời giáo huấn của Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XVI trong thư gởi cho các chủng sinh Ngày 18-10-2010, để áp dụng trong đời sống thánh hiến của mình: “Đời sống tập thể không chỉ cần thái độ quảng đại, bao dung và chịu đựng lẫn nhau, nhưng điều quan trọng là làm cho nhau được thêm phong phú, đến độ mỗi người có thể đóng góp năng khiếu riêng của mình cho tập thể, trong khi tất cả đều phục vụ cùng một Giáo hội, cùng một Chúa”.

Suy Niệm:

Đức Giêsu nói : “ Đức khôn ngoan được nhận ra bởi con cái của mình”(Lc 7, 35). Để nhận ra Đức Khôn Ngoan, vốn là chính Đức Kitô, chúng ta phải là con cái của Đức Khôn Ngoan, phải thuộc về Đức Khôn Ngoan, phải hướng về Đức Khôn Ngoan, phải trăn trở và đi tìm kiếm Đức Khôn Ngoan, phải có thiện cảm và ước ao Đức Khôn Ngoan.

Làm thế nào để chị em chúng ta nhận ra nhau là con cái Thiên Chúa, là chị em trong gia đình thiêng liêng là Hội dòng? Làm thế nào để mỗi người nhận ra Thiên Chúa nơi các dấu chỉ, và nhất là nơi “Dấu Chỉ Giêsu” ?

Mùa Vọng và Giáng Sinh nhắc lại mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Đây là điểm đặc thù của Kitô giáo, không gặp được nơi một tôn giáo nào khác. “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết”(Ga 1,18). “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,11-12). Chúng ta có thể nói rằng hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu Kitô phải là mục tiêu tối hậu cho mọi người trên trần gian này hầu đạt tới ơn cứu rỗi đời đời. Và chúng ta là những người sống linh đạo Mến Thánh Giá đạt đến hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu Kitô và trở nên chứng từ sống động cho anh chị em trong đời sống của mình nơi các cộng đoàn địa phương.

Đức Giêsu mượn trò chơi của trẻ em Do thái để khiển trách những kẻ kém lòng tin. Ngài so sánh dân chúng thời đó như đám trẻ em khó tính, khó nết, nay rầy mai khác, không sao làm vừa lòng họ được. Khi thấy thánh Gioan Tẩy Giả không ăn không uống thì họ cho là bị quỉ ám. Còn Đức Giêsu ăn uống như mọi người thì họ bảo là mê ăn ham uống, là bạn với kẻ tội lỗi!. Nhưng không vì thế mà Thiên Chúa bỏ chương trình cứu độ của Người. Người vẫn tiếp thục hoạt động cách khôn ngoan trên thế giới. “Đức khôn ngoan được nhận ra ngang qua những hoa trái của mình”  (Mt 11, 16-19). Và để nghiệm được sự thơm ngon của hoa trái, chúng ta không có cách nào khác, là liều mình nếm thử. Cầu nguyện với Lời Chúa và để “cảm nếm” những gì thuộc về Đức Giêsu, nhất là Lời và Ngôi vị của Ngài.

Qua dụ ngôn trò chơi của trẻ em Do thái, chúng ta thấy người Do thái khước từ Gioan Tẩy Giả cũng như khước từ Đức Giêsu vì những lý do trái ngược nhau. Sự thật là vì họ không muốn nghe lời Chúa cũng như thánh Gioan Tẩy Giả mà ăn năn thống hối tội lỗi, trở về tin tưởng Chúa, cả hai vị đều đưa ra hai đường lối để giúp họ hoán cải: thánh Gioan chỉ vạch con đường khắc khổ hy sinh, còn Đức Giêsu lại nêu lên cách sống giản dị đơn sơ. Do đó, mỗi người chúng ta đều có thể dùng hai phương cách đó mà cải thiện đời sống, đón nhận ơn cứu độ của Chúa. Người Do thái cố chấp và chủ quan, họ bắt mọi người phải có cái nhìn và lối suy luận của họ. Họ là những người thiếu thiện chí, chỉ tìm cách bắt bẻ, lên án người khác. Cái xấu không phải là ở nơi người khác, nhưng là ở chính họ. Vì con mắt họ xấu, vì lòng họ không ngay chính, nên họ đoán xét mọi việc cách sai lạc.

Trong đời sống cộng đoàn, nhiều lúc chúng ta cũng gặp phải những con người khó tính như vậy. Nhưng cần hiểu rằng, là con người, đầy những yếu đuối và bất toàn, lúc khoẻ lúc đau, lúc mạnh lúc yếu, lúc vui lúc buồn. Cần phải thông cảm, nhường nhịn, chịu đựng lẫn nhau, thông cảm cho nhau. Nếu không ý tứ, chính ta cũng có thể giống như bọn trẻ khó tính và những người Do thái khó tính ấy, nghĩa là chúng ta cũng dễ coi mình là trung tâm, là thước đo, là tiêu chuẩn cho mọi sự:
  • Khi sống với kẻ khác, ta sẽ luôn khó chịu vì không thấy ai làm vừa ý mình.
  • Khi làm việc, ta dễ quan trọng hóa công việc của mình, luôn đánh giá cao công việc của mình mang lại hiệu quả tông đồ, công việc của mình mới mang lại cho Hội dòng, Cộng đoàn thành quả này, hiệu quả kia; việc người này người kia làm chẳng đáng kể gì hết....trong khi chỉ có ơn Chúa mới thực sự có sức mạnh tông đồ, chỉ khi nào ra trước toàn Chúa ta mới nhận công trạng của mình. Thậm chí đối với đường lối nên thánh, ta cũng không thích đi theo con đường chung hoặc không muốn chấp nhận gương sống của một ai cả.

Như thế, con đường Hiệp thông, Hiệp hành thì lại càng xa thăm thẳm!

Chúng ta cùng kiên trì cầu nguyện để được ơn biến đổi vì với cái nhìn của Chúa, mỗi chúng ta cũng có thể là đứa trẻ ngỗ nghịch luôn đòi người khác làm theo ý mình, còn mình thì từ chối ngay cả lời mời gọi của Chúa. Có thể mình áp đặt quan điểm của mình trên tư tưởng người khác và đánh giá người khác theo tiêu chuẩn của riêng chúng ta, có khi mình còn nghi ngờ cả đường lối của Chúa và đòi Chúa thực hiện theo suy nghĩ của bản thân.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Lời Chúa hôm nay mời gọi con nhìn lại chính mình. Thật con chẳng khác gì những người Do thái xưa kia:lòng đầy dẫy những núi đồi của sự kiêu căng, tự cao tự đại. Con đường quanh co trong lòng chưa được sửa lại cho ngay thẳng do tính hẹp hòi, ích kỷ… vì thế mà nhiều lần, thay vì làm theo ý Chúa, con đã làm làm theo ý con, nhiều lần con dùng lời biện minh để thoái thác thực thi ý Chúa. Sống tâm tình mùa vọng này, con xin Chúa biến đổi tâm hồn con, mở trái tim con để con biết tìm Chúa trên hết, biết tin tưởng, phó thác trong bàn tay yêu thương quan phòng của Chúa, biết cảm thông, yêu thương và đón nhận nhau, nhất là biết lắng nghe Lời Chúa, sống và thực hành đức tin, vì “đức tin không việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Xin tình yêu của Chúa thấm nhập vào cuộc sống con, để Chúa trở nên sức mạnh lôi kéo con đến với Chúa. Ước gì khi con cảm nhận được những việc kỳ diệu Chúa thực hiện nơi cuộc đời con, con càng vững tin vào Chúa hơn – Lạy Chúa, con tin, xin ban thêm đức tin cho con. Amen.

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây