Thứ sáu tuần III Thường niên B

Thứ ba - 23/01/2024 18:27 200 0

Thứ sáu tuần III Thường niên B
Lạy Cha, xin cất chén này xa con

Lời nguyện đầu

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chúng con cảm tạ Chúa vì tin rằng: nhờ Ngài, với Ngài, trong Ngài, và nhân danh Ngài, chúng con được quy tụ nơi đây, trong Hội Thánh và nơi Hội dòng này. Xin cho việc chúng con gẫm suy về cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa càng làm cho chúng con thêm hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Xin cho việc suy niệm, tưởng nhớ Chúa trong cuộc sống càng làm cho con thuộc về Chúa và cảm thấu ân huệ cao quý ấy để trí lòng và cuộc sống chúng con luôn quy hướng về Chúa, thể hiện trong từng suy nghĩ, từng hành động của chúng con. Điều này thật không dễ chút nào, nhưng với ơn Chúa và sự cố gắng nỗ lực mỗi ngày, chúng con tin rằng chúng con có thể vững bước theo Chúa trọn con đường Mến Thánh Giá. Xin Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse cùng Đấng Sáng lập Dòng đồng hành và trợ giúp chúng con.

Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Mátthêu (Mt 16: 24-28)

Suy gẫm:

“Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo tôi”. 

Bất cứ ai trên trần gian cũng sợ vác thập giá, bởi nghĩ đến nó, người ta không bỏ qua hình ảnh Chúa Kitô thân hình trần trụi, vai vác thập giá lê thân từng bước dưới sức gặng của cây gỗ và khí trời oi bức, bên cạnh bọn lính hung tợn, đám dân ô hợp hiếu kỳ đi theo..., một hình ảnh đáng sợ cho con người mọi thời đại. Con người vốn thích sự dễ dãi, nhẹ nhàng tiện nghi nên chỉ nghĩ đến những gì khó khăn hay trắc trở đã thấy không vui, tìm cách thoái thác, chứ nói chi đến phải vác thập giá, chịu chết như Chúa Giêsu? Tuy vậy, mấy ai tránh được thập giá của đời mình!

Lời khuyên của Đức Giêsu dành cho các Kitô hữu là ai sợ mất mạng sống mình thì sẽ mất còn ai liều mất mạng sống vì Chúa thì có nó vĩnh viễn. Thật khó hiểu phải không? Sợ mất thì lại mất, không sợ mất thì lại có vĩnh viễn. Sự sống mỗi người đang cố níu kéo trong hiện tại có phải sự sống bất tử không? Còn Chúa Giêsu đang hướng chúng ta về sự sống bất tử, sự sống mà không ai lấy mất của chúng ta. Cũng dễ hiểu thôi, chúng ta muốn có cái vĩnh cửu thì phải đành mất cái tạm bợ.

Nhìn vào Chúa Giêsu khi đối diện với giờ phút sinh tử của mình, chúng ta thấy Người sợ hãi và muốn né tránh, nhưng thánh ý Chúa Cha mạnh mẽ và chiếm trọn con tim cùng với ý chí nên Người đã liều mạng sống để giúp chúng ta có nơi nương tựa tinh thần vững chắc cho cuộc sống mình. Vì thế, nếu Chúa Giêsu chỉ nói mà không làm thì có lẽ chăngai theo Người, nhưng vì Người đã nóilàm cho nên ai nấy cũng muốn dấn bước theo Người, ít ra trong sự nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi từng ngày để đi theo. Chúng ta cũng được Chúa dủ lòng thương và cứu vớt, bởi vì Chúa Giêsu đã làm điều đó, để cứu chúng ta khỏi chết đời đời.

bỏ chính mình, vác thập giá”, “con đường chẳng mấy ai đi”. Chính vì thế mà mỗi người khi dấn bước trên con đường đó, phải biết mình đi đâu và tại sao lại đi vào còn đường đó? Không phải biết cách chung chung nhưng là biết cách chính xác, rõ ràng. Và còn phải can đảm sống điều mình biết. Phải bạo dạn dấn thân và chấp nhận hy sinh từ bỏ. Vì theo sự thường, “lựa chọn là hy sinh”. Và chính Đức Giêsu đã khẳng định cách dứt khoát: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo". (Mt 16, 24)

Thật vậy, chính Đức Giêsu không đi ngoài con đường thập giá ấy. Dù thấy trước những cực hình phải chịu, những khổ đau phải mang vác vào thân, có lúc hoảng sợ đến thốt lên cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cất chén này xa con” (x. Lc 22, 42), thế mà Ngài vẫn tiếp tục bước, bởi tình yêu trong Ngài đã khỏa lấp tất cả. Ngài quyết chọn con đường tình yêu. Chính Đức Giêsu đã từ bỏ ý muốn riêng của mình để hiến dâng cho Thiên Chúa và nhân loại trọn vẹn trái tim Người.
Nhìn lại cuộc đời người tu sĩ qua lời khấn dòng, liệu rằng chúng ta có can đảm để khước từ mọi tình cảm, mọi ý muốn riêng tư  để dành trọn vẹn tình yêu và con người mình cho Đức Kitô hay không?

Để hoàn toàn thuộc về Đức Kitô bằng lời khấn dòng, người tu sĩ cần thấy rõ giới hạn của bản thân rất mỏng dòn và đầy yếu đuối để từ đó luôn ý thức hồng ân kỳ diệu mà Thiên Chúa tặng ban cho mình qua lời kết ước. Dâng hiến không có nghĩa là biến trái tim trở nên khô khan, cứng lạnh. Dâng hiến cũng không có nghĩa là trở nên lạc lõng, cô độc, khinh thường tình yêu trần thế. Trái lại người sống lời khấn phải nhạy cảm hơn trước những gì cao đẹp Chúa ban. Họ vẫn là người giữa cuộc đời, vẫn có thể bị rung động trước một đối tượng mình tiếp xúc. Họ vẫn nhìn thấy những điều kỳ diệu trong tình yêu đi. Họ nhìn, họ thấy và hiểu biết nhưng họ dám từ bỏ tất cả chỉ để dâng tình yêu cho Thiên Chúa mà thôi.

Với con tim không san sẻ nhưng chỉ dành cho Thiên Chúa, người tu sĩ yêu mà không chiếm giữ, cho mà không đòi đền đáp. Họ yêu một mình Thiên Chúa và họ diễn tả tình yêu ấy trong sứ mạng phục vụ con người. Càng yêu các linh hồn, họ càng dấn thân phục vụ. Không hoàn cảnh nào, dù khó khăn đến mấy cũng như không ai có thể khiến họ hết yêu Giêsu và con người được. Bởi lẽ, tình yêu là căn tính của người tu sĩ. Một khi yêu mến Thiên Chúa và say mê con người như thế, người tu sĩ sống đời thánh hiến một cách hạnh phúc và thành toàn. Hạnh phúc vì cảm nếm được sự hiện diện của Đấng đã ngỏ lời mời gọi họ sống riêng tư với Ngài.

Sống lời cam kết khấn dòng giúp người tu sĩ hiến mình cho Chúa Giêsu, để phục vụ Người, trong một tình yêu tuyệt đối. Khi sống theo lời khuyên Tin Mừng, chúng ta sẽ khao khát đào sâu tình thân với Thiên Chúa, sự đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, tình bạn với tất cả chị em trong Hội dòng, và việc phục vụ tha nhân, dù họ là ai đi nữa; đồng thời qua lời khấn giúp cho người tu sĩ lớn lên trong sự trưởng thành cá nhân và khả năng yêu mến. Nhờ thực hiện lời khấn cách trung tín và khiêm nhường người tu sĩ được thánh hiến và kết hợp với Thiên Chúa cách rõ ràng, vì Thiên Chúa đang hoạt động trong mọi sự cho công cuộc cứu rỗi con người.
 

Lời nguyện kết:


Lạy Chúa Giêsu, xin cảm tạ Chúa vì đã thương ban cho chúng con hồng ân sống đời thánh hiến. Xin cho chúng con mỗi ngày dám dâng hiến đời mình để theo sát Chúa hơn,  xin tiếp tục thắp lên ngọn lửa tình yêu của Ngài để nung nấu trái tim của chúng con. Nhờ đó, mỗi chúng con có thể luôn rạng ngời niềm vui, ngập tràn tình yêu vì được bén rễ sâu trong tình thương của Chúa. Nếu lúc nào đó tình yêu trong chúng con vơi đi, sức hấp dẫn của đời tu yếu dần, xin Chúa  mau đến và ở lại trong trái tim chúng con. Ước mong sức mạnh tình yêu từ thập giá qua việc sống lời khấn được hồi sinh và tiếp tục giúp chúng con yêu Chúa hết mình và sống đời tu hạnh phúc. Amen.



 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây