Thứ sáu tuần V thường niên

Thứ hai - 05/02/2024 19:06 627 0

Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thánh Giá
để sống đức vâng phục

“Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự” (Pl 2,6-8)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng con xin tôn vinh, chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần ngay từ giây phút đầu tiên của ngày sống mới này. Tri ân Ba Ngôi đã thương gìn giữ, ban muôn phúc lành và cho chúng con thêm cơ hội để được hiện hữu trên trái đất này.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, sự hiện diện thầm lặng, khiêm tốn của Chúa nơi Nhà tạm cho con thêm niềm xác tín Chúa đang ở đây với chúng con thật gần gũi thân thương, bình dị nhưng cũng đầy uy quyền. Với quyền năng và trong ngôi vị là Con một của Chúa Cha, Chúa có tất cả mọi quyền năng trên trời dưới đất nhưng vì yêu nhân loại và muốn cứu chúng con nên Chúa đã “Vâng Phục” Chúa Cha để trở nên người bình thường như chúng con. Suốt hành trình 33 năm trong phận người, Chúa luôn nêu cao gương vâng lời. Chúa không làm đều gì phiền lòng Mẹ Maria,Thánh Giuse nơi mái nhà Nazaret. Trên Thập Gía Chúa đã bày tỏ tình yêu vâng phục tột cùng đối với Chúa Cha để đem nhân loại tội lỗi về với Đấng Chí Thánh.

Sống linh đạo Mến Thánh Gía, chúng con được mời gọi chiêm ngắm Chúa trên Thánh giá để học sống “ Vâng phục” trong đời sống của chúng con. Xin Chúa ban cho mỗi chúng con những ơn cần thiết để có thể thân thưa với Chúa lời “ xin vâng” trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Xin cho chúng con dám bỏ cái Tôi của mình và luôn suy niệm lời dạy của Thánh Phaolô “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự” (Pl 2,6-8) để can đảm sống tâm tình người con thảo với Chúa Cha qua trung gian của “lời khấn vâng phục” nơi gia đình Hội dòng của chúng con.

Suy gẫm:

Đức Giêsu được Kinh Thánh giới thiệu là mẫu gương hoàn hảo về sự vâng phục. Trong cuộc sống gia đình trần thế, sự vâng phục của Người được thánh sử Luca ghi lại thế này : “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nadarét và hằng vâng phục các đấng” (Lc 2,51). Tuy nhiên, nơi Đức Giêsu thì sự vâng phục còn vượt lên trên cao hơn nữa, vì là Con hiếu thảo đối với Cha trong tương quan yêu thương: “Con là Con của Cha...” (Lc 3,22). Nơi Đức Giêsu, mọi lời nói, suy nghĩ và hành động của Người dù có ở trong tình trạng nào, thì cũng được xây dựng trên sự vâng phục. Thái độ này được thánh sử Gioan giới thiệu rất rõ ràng: Người đến là để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa Cha (x. Ga 8,28-29); Người luôn luôn kết hợp với Chúa Cha: “Ta và Chúa Cha là một” (x. Ga 10,38); Người đã mặc khải: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34). Đỉnh cao của sự vâng phục nơi Đức Giêsu được thánh Phaolô tóm lại trong cuộc thương khó của Người: “ Người vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá” (x. Rm 5,19). Thư Do Thái cũng đồng một quan điểm: “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục, và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người đã trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai vâng phục Người” (Dt 5,8-9). Chúng ta xác tín rằng: chính nhờ sự vâng phục mà Đức Giêsu đã trở nên nguồn ơn cứu độ đời đời cho toàn thể nhân loại và mọi thụ tạo (x. Rm 5,19).

Như thế, Đức Giêsu là khuôn mẫu của chúng ta trong hành trình sống đời tận hiến. Đức vâng phục Tin Mừng mà chúng ta tuyên khấn dựa theo gương của Đức Giêsu và sự vâng phục của Người trở nên nguồn động lực thúc đẩy chúng ta nỗ lực sống lời khấn này cách vui tươi, tự nguyện. Chúng ta hãy suy gẫm lời của thánh Phaolô, Đức Kitô “tuy là Thiên Chúa, nhưng Người đã không nghĩ phải dành cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa. Song Người đã hủy mình ra không, là lãnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn phàm nhân, đem thân đội lốt người phàm. Người đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết thập giá” (Pl 2,6-7).

Lời mà Thánh Phaolô đã gởi cho các tín hữu Philipphe trên đây, cho chúng ta hiểu sâu hơn về bản chất của ơn cứu chuộc. Sự vâng phục của Đức Giêsu Kitô được nhắc tới như yếu tố đầu tiên và tạo nên của việc cứu chuộc. Tư tưởng này được củng cố trong một bản văn khác của thánh Phaolô Tông Đồ trích từ thư gửi tín hữu Rôma: “Vì do sự bất tuân của một người, nhiều người đã bị liệt hàng tội nhân; cũng vậy, vì sự vâng phục của một người, nhiều người sẽ được liệt hàng công chính” (Rm 5,19).

Lời khấn vâng phục của người sống đời thánh hiến là lời mời gọi rút ra từ sự vâng phục “cho đến chết” của Đức Kitô. Những người đón nhận lời mời gọi này được diễn tả qua lời mời gọi “hãy theo Ta”, theo giáo huấn của Công Đồng – đi theo Đức Kitô “Đấng, do sự vâng phục của mình cho đến chết trên thập giá…, đã cứu chuộc loài người và thánh hóa họ”.
[1] Khi thực hiện cụ thể lời khuyên Phúc Âm về đức vâng phục, họ nắm được bản chất thẳm sâu của tất cả nhiệm cục cứu chuộc.

Sự vâng phục của Đức Giêsu – tràn đầy vui sướng – đạt tới tột đỉnh trong cuộc thương khó và trên thập giá: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này đi khỏi con; song đừng cho ý của Con, mà là ý của Cha được thành sự!” (Lc 22,42). Sự sẵn sàng của Đức Kitô để chu toàn ý Chúa Cha cho dù đầy đau khổ đã trở thành sự vâng phục “cho đến chết và chết trên thập giá” mà thánh Phaolô nói đến.

Do lời khấn vâng phục của mình, người sống đời tận hiến quyết tâm bắt chước gương khiêm tốn vâng phục của Đấng Cứu Thế và bắt chước một cách đặc biệt. Đối với hết mọi người, bất luận ở vào bậc nào, sự phục tùng ý Thiên Chúa và sự vâng phục luật của Người là điều kiện để sống đời Kitô hữu; nhưng trong “bậc tu trì”, trong “bậc trọn lành”, lời khấn đức vâng phục đặt trong lòng mỗi người các con, hỡi anh chị em thân mến, cái nghĩa vụ phải quy chiếu đặc biệt về Đức Kitô “vâng lời cho đến chết”. Và bởi vì sự vâng phục của Đức Kitô ở trong chính trọng tâm công cuộc cứu chuộc, căn cứ vào những lời thánh Tông Đồ trích dẫn trên đây, thì trong việc thực hành lời khuyên Phúc Âm về đức vâng phục, người ta cũng phải nhận ra như một khoảnh khắc có một ý nghĩa đặc biệt của “nhiệm cục cứu chuộc” chiếm đoạt tất cả ơn gọi của các con trong Hội Thánh. (x. Tông Huấn Hồng Ân Cứu Chuộc Của ĐGH Gioan Phaolô II số 13)

Từ đó xuất phát sự phục tùng trong đời tu mà, trong tinh thần đức tin, các người tận hiến vâng phục bề trên hợp pháp là những người thay mặt Thiên Chúa; tuân thủ kỷ luật như là thánh Ý Chúa. Trong thư gửi các tín hữu Do Thái, chúng ta thấy có một chỉ dẫn rất rõ nghĩa về vấn đề này: “Anh em hãy vâng phục những người lãnh đạo anh em, hãy biết phục tùng, vì họ canh giữ linh hồn anh em, như những kẻ phải trả lẽ, để họ được vui mừng thi hành phận sự, chứ không phải than phiền, vì điều ấy chẳng béo bổ gì cho anh em” (Dt 13,17).

Thật vậy, đức vâng phục mà mỗi người tự ý ràng buộc khi hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng việc tuyên giữ những lời khuyên Phúc Âm là một biểu thị đặc biệt của sự tự do nội tâm, cũng giống như sự biểu thị quyết liệt của Đức Kitô về sự tự do của Người là sự vâng phục “cho đến chết”: “Tôi thí mạng sống tôi, để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống tôi được; nhưng chính tôi tự mình thí mạng sống tôi” (Ga 10,17-18)

Có thể nói vâng phục chính là cánh cửa đưa chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân. Qua vâng phục, ta lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa, kết hiệp nên một với Người, sống phục vụ tha nhân như Đức Giêsu. Vâng phục chính là trung gian của các nhân đức khác và là điều kiện để trở thành người môn đệ Đức Giêsu. Đấng đáng  kính Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận đã nói: “Nếu khiết tịnh là chết cho nhục dục, thì vâng phục là chết cho ý riêng” (ĐHV 392).

Vậy, chúng ta hãy tập bỏ ý riêng để khiêm tốn nghe được tiếng Chúa qua mọi biến cố, mọi hoàn cảnh trong cuộc sống để sẵn sàng vâng lời theo gương Đức Kitô- Đấng đã vâng phục cho đến chết để mang ơn cứu độ cho nhân loại và cho mỗi chúng ta.
 
Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, càng suy gẫm về Mầu Nhiệm Thập Giá con càng thấy Chúa yêu thương con. Con được Chúa yêu thương không phải vì con xứng đáng mà vì Chúa muốn yêu thương con. Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa phủ lấp tội lỗi của con. Vì thế, Chúa không để con phải ngụp lặn mãi trong tội. Trái lại, Chúa đã đi bước trước và đã đến tìm gặp con trong chính vũng lầy tội lỗi...Lạy Chúa của con, Chúa đã sẵn sàng vâng lời người phàm để nêu gương khiêm nhường cho con. Con xin cám ơn Ngài,

Lạy Chúa Giêsu, Đấng sáng lập dòng- Đức Cha Lambert đã để cho Tình yêu đối với Chúa trên Thánh Giá chiếm một vị trí quan trọng và tuyệt đối trong tâm hồn cũng như trọn cuộc sống của ngài. Theo ngài, tất cả mọi ước muốn của con người đều phải đạt đến cùng đích là làm cho mình yêu mến Chúa hơn. Đó quả là thú vui chân thật, thánh thiện và duy nhất của những tâm hồn hằng chiêm ngắm Đức Kitô trên Thánh Giá và ước ao được sống kết hợp với Người cách đặc biệt. Đó là gương khiêm nhường để khao khát được đồng hóa với Chúa trong mầu nhiệm tử nạn. Xin cho mỗi chị em chúng con biết trút bỏ những thứ hành trang cồng kềnh và những lối mòn của tầm thường, để biết sẵn sàng canh tân đời sống của mình bằng tình yêu duy nhất dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh và vì phần rỗi anh chị em mình - có như thế đời sống chúng con càng tiến tới sự thánh thiện là thuộc về Chúa trong mọi sự. Amen



------------------
[1] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá.., 1668” (Luật Tại Thế), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte…, sđd., I,1-4, tr.87.

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây