Thứ sáu tuần IV Mùa Chay

Thứ hai - 11/03/2024 20:07 625 0
 

Thứ sáu tuần IV Mùa Chay
Chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thánh Giá để sống tin yêu phó thác

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con tôn vinh, chúc tụng, ngợi khen Cha về muôn ơn lành Cha đã dành cho chúng con trong cuộc sống mỗi ngày. Đặt biệt cha đã cho mỗi người được bình an- mạnh khỏe đến sáng nay. Chúng con xin dâng những giây phút đầu ngày cho Cha cùng hiệp nhất với Thánh Tử Giêsu, trong Chúa Thánh Thần và Các Thánh xin tạ ơn Cha đến muôn đời.

Lạy Chúa Giêsu, Chúng con tin Chúa đang ở đây với chúng con. Nhờ Chúa mang phận con người mà chúng con được làm con cái Thiên Chúa. Chúa đã thiết lập bí tích Thánh Thể như dấu chỉ sự hiệp nhất chúng con nên một trong Chúa. Sự hiện diện của Chúa đã quy tụ chúng con thành một nơi gia đình Cộng đoàn. Niềm vui của sự xum vầy và hạnh phúc của tình huynh đệ sẽ chan hòa nếu chúng con biết sống trong sự hướng dẫn và quan phòng của Chúa. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa và là chị em của nhau bằng đời sống bác ái yêu thương. Xin giúp chúng con đừng vì tính ích kỷ, kiêu căng, ghen ghét, hơn thua, so bì đố kỵ để rồi làm mất vẻ đẹp hiệp nhất nơi Cộng đoàn; nhưng luôn biết sống khiêm tốn để cùng nhau tôn vinh chúc tụng Chúa trong từng ngày sống của chúng con nhờ năng nhớ đến sự Thương Khó của Chúa đã chịu vì nhân loại hơn 2000 năm trước.

Suy niệm:

Giây phút đầu tiên của ngày sống mới này, chị em chúng ta hãy dành để chiêm ngắm và kính thờ thánh giá Chúa Giêsu. Khi chiêm ngắm và kính thờ thánh giá, sẽ có nhiều câu hỏi xuất hiện nơi mỗi người: “Vì sao Chúa Giêsu bị treo trên Thánh giá? Tại sao Chúa phải chết ? Sẽ có những cảm xúc khác nhau. Có thể, có người sẽ nhớ lại những đau thương của bản thân, gia đình, cộng đoàn và những ghánh nặng của trách nhiệm- bổn phận ? Có người sẽ liên tưởng đến những khó khăn đang xảy xa cho thế giới, cho cộng đoàn? Có người sẽ cảm nhận được ơn an ủi? Có người sẽ cảm ngiệm được niềm vui vì đang thông phần đau khổ với Đấng mình yêu mến? Có người sẽ cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót của Đấng Chịu Đóng Đinh nhờ trải qua một quá khứ bị tổn thương ...
Một lần nữa, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm thánh giá và chúng ta sẽ thấy – nghe được thánh giá nói với chúng ta nhiều điều.
Thánh giá minh chứng cụ việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài. Ngoài Ngài ra, không ai đã biết Thiên Chúa, và cũng trừ Ngài ra, không Thiên Chúa nào đã làm người để nói với con người về về Thiên Chúa (x. Ga 3, 13 ; 31-36). Đức Giêsu Kitô đến trần gian là để thực hiện lời hứa và thánh ý của Thiên Chúa Cha. Cả cuộc sống và sứ vụ của Đức Kitô là thực thi thánh ý và làm cho lời hứa của Thiên Chúa thành hiện thực. Chúa Giêsu đã từng nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý của Đấng đã sai Thầy” (Ga ,34)

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa Cha. Sự hoà giải này không đến từ những nổ lực của chúng ta, mà là khởi nguồn từ Thiên Chúa và ân sủng của Ngài. Hình ảnh của sự hoà giải là sự trở về giống như sự trở về của người con hoang đàng trong Tin Mừng Thánh Luca. (Lc 15, 1-3.11-32). Hình ảnh người cha nhân hậu, yêu thương và trân trọng từng người con. Ông yêu người con theo từng cá tính của chúng. Và dù mỗi người con có xử thế nào, cha vẫn ân cần biểu lộ tình yêu thương và muốn dùng tình yêu thương để cảm hóa chúng. Chính nhờ tình yêu thương, người con hoang đàng mới trở về thực sự. Trở về nhà, nghĩa là trở về với Thiên Chúa. Sự trở về của người con hoang đàng lại thúc đẩy chúng ta hãy trở về với Thiên Chúa? Bởi vì, Thiên Chúa là nguồn Sự Thật và Tình Yêu. Chính Sự Thật và Tình Yêu của Thiên Chúa được miêu tả nơi đặc tính của người cha là động lực và khởi nguồn cho sự trở về của người con hoang đàng. Cũng vậy, khi chúng ta trở về với Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm nếm được kinh nghiệm thế nào là tình yêu của Thiên Chúa, và chính tình yêu của Người sẽ làm cho chúng ta được trọn vẹn và tròn đầy trong Lòng Thương Xót và Chân Lý của Người.

Chúng ta hãy lắng nghe lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trên thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,33). Lời nguyện xin ơn tha thứ. “Thật, tôi bảo cho anh biết, ngày hôm nay anh sẽ ở với tôi trên thiên đàng.” (Lc 23,43). Lời nguyện diễn tả sự bảo đảm về ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. “Thưa Bà, đây là con của Bà. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh” (Ga 19, 26-27). Lời nói diễn tả sự uỷ thác chúng ta cho sự chăm sóc, che chở của Mẹ Maria. “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con” (Mt 27,46). Lời cầu nguyện của Đức Giêsu là niềm hy vọng cho những ai bị bỏ rơi, bị lãng quên. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi bất cứ ai. “Ta khát” (Ga 19,28). Lời nguyện diễn tả một thân xác khô cằn, một thân xác cần nước cũng là một thân xác khao khát biết bao tâm hồn. “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30). Lời nguyện cầu diễn tả sự trọn vẹn và vinh quang cho chính Đức Giêsu và cho cả chúng ta. “Cha ơi, Con phó tâm hồn của con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Lời nguyện trao hiến tất cả chúng ta cho Chúa Cha. Đức Thánh Cha Phanxico đã nói: “Cầu nguyện là mở lòng đón nhận và tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Ý nghĩa của cầu nguyện là chúng ta nói với Thiên Chúa. Lạy Chúa, con không có gì cả. Con cần Ngài. Ngài là cuộc sống của con. Ngài là ơn cứu độ của con.”

Mỗi chúng ta đã lắng nghe tiếng nói từ Thập Giá dành cho mỗi người trong hoàn cảnh của mình,  một lần nữa Thập Giá mời gọi chúng ta kiên trì trong những gì chúng ta làm vì vinh danh Chúa và hạnh phúc cho tha nhân; kiên trì để thực thi kế hoạch mà Thiên Chúa là Cha nhân hậu đang dành cho mỗi người vì Người là Đấng hết lòng thương xót công trình sáng tạo của Người,
Và để cảm sâu hơn về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta nơi Thập Giá Đức Kitô, mỗi người hãy làm theo lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2020 ngài đã mời gọi toàn thể Giáo Hội như sau: “Hãy chăm chú nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy cho phép mình được cứu, hết lần này đến lần khác, mãi mãi. Và khi các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi”.  
Đôi tay dang rộng là sự trao dâng tất của Đức Giêsu trên thánh giá, đây chính là hành động của tình yêu. Đấng đã chết để biểu lộ tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Do đó, chúng ta được mời gọi hiến trao cho Thiên Chúa và cho tha nhân, khi chúng ta để mình ngụp lặn trong tình yêu của Người.“Khi chúng ta bước đi mà không có thánh giá, khi chúng ta xây dựng cuộc sống này mà không có thánh giá, khi chúng ta rao giảng Tin Mừng mà thiếu vắng thánh giá, chúng ta không phải là môn đệ đích thật của Chúa Giêsu. Nếu thiếu vắng thánh giá trong cuộc đời, chúng ta chỉ đơn thuần là những Kitô hữu, chúng ta không phải là môn đệ của Đức Giêsu.” (ĐTC. Phanxicô )

Con Thiên Chúa đã chết vì chúng ta và cho tất cả những yếu đuối của chúng ta. Sự trao hiến của Đức Giêsu Kitô là hành động của niềm tín thác vào thánh ý Chúa Cha. Như vậy, chúng ta cũng có thể hiến trao, tín thác và dâng tất cả những khó khăn, đau khổ, buồn phiền, thất bại và cả sự sống sự chết của chúng ta cho Đức Kitô Đấng Chịu Đóng Đinh vì chúng ta... Sự trao dâng tất của Đức Giêsu trên thánh giá chính là hành động của tình yêu, chúng ta cũng hãy dâng hiến tất cả bằng tình yêu, với tình yêu và trong tình yêu đơn mọn của chúng ta cho Đấng Tình Yêu.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, mỗi lần Chiêm ngắm Chúa trên thập giá xin cho con nhận ra giá trị tuyệt hảo của những đau khổ và những từ bỏ trong đời sống để vui lòng bước đi theo Chúa. Xin cho con hiểu thêm rằng nếu con đón nhận thập giá cách vui lòng, vác đi trong bình an và chịu đóng đinh các nết xấu cùng với tội lỗi của mình cách tự nguyện với cả tình yêu dành cho Chúa Cha và nhân loại, thập giá đời con sẽ trở nên nhẹ nhàng. Là biểu chứng của tình yêu, sự tha thứ, yêu thương, hòa giải, xây dựng và nối kết trong đời sống chung nơi cộng đoàn. Thánh Giá sẽ nâng đỡ thân thể chịu thương tích của Chúa nơi mỗi thành viên trong gia đình Hội thánh thành niềm hy vọng, cậy trông và là ơn cứu độ cho con người.

Lạy Chúa Giêsu, tạ ơn Chúa đã cứu chuộc chúng con nhờ cái chết của Ngài trên Thánh Giá. Xin thương xót chúng con. Xin cho chúng con được sống trong ân sủng của Thánh Giá Chúa và biết đón nhận thập giá cuộc đời như là điều kiện cần để đạt đến vinh quang của ơn cứu độ (x. Lc 24,26); đồng thời xin cũng cho chúng con biết sẵn sàng, quảng đại chia sẻ thập giá với người khác bằng sự cảm thông, nâng đỡ, ủi an...Để được tràn niềm vui, xin cho mỗi chúng con biết đón nhận mọi khốn khó trong đời với lòng tin yêu cậy mến, đón nhận mọi sự để trở nên khí cụ của bình an và sự hiệp nhất với nhau, cùng nhau thi hành sứ vụ với một tinh thần mới, tình thần của người đã thuộc về Chúa. Amen.


 

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây