Cùng với Mẹ Maria đi vào mầu nhiệm tình yêu dành cho Đức Giêsu trên Thánh Gía

Thứ ba - 07/05/2024 03:51 736 0


Cùng với Mẹ Maria đi vào mầu nhiệm tình yêu dành cho Đức Giêsu trên Thánh Gía

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con xin chúc tụng, ngợi khen và yêu mến Chúa. Cám ơn Cha đã ban cho chúng con muôn phúc lành trong đời sống. Đặt biệt, cám ơn Cha đã ban Chúa Giêsu để Người ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế. Và hôm nay, nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng con muốn cùng với Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá để nhờ Mẹ mỗi chúng con đi sâu vào mầu nhiệm tình yêu dành cho Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, nhờ mẹ chúng con sống mầu nhiệm Thập Gía đời mình trong tin tưởng, cậy trông và tín thác.

Suy niệm:

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người… Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19,25-27)

Hơn bất cứ ai trong nhân loại, Mẹ Maria là người đã chứng kiến hàng loạt những biến cố bi thương xảy đến với Chúa Giêsu: từ lúc được truyền tin đến khi được sinh hạ và phải đi tị nạn vì bạo chúa Hêrôđê. Đến thời sống đời công khai và những ngày cuối cùng trên trần gian của Người..,các môn đệ thân tín chối bỏ Chúa vì sợ bị liên lụy; những người trước đây được nghe Chúa giảng dạy và được Chúa chữa lành bệnh tật... giờ đây đồng thanh gào thét đòi kết án tử hình Người: “Đem nó đi, đóng đinh nó vào thập giá” (Ga 19,6).

Khi mọi người trốn chạy, chối bỏ Đức Giêsu, Mẹ vẫn thầm lặng đi bên Chúa. Mẹ không trách mắng các môn đệ, không chối từ, ghét bỏ cũng không tỏ thái độ căm ghét, hận thù ai. Mẹ lặng lẽ đứng dưới chân thập giá, đau nỗi đau của Chúa Giêsu, chịu nhục nỗi nhục của Người... Mẹ tận mắt nhìn thấy tất cả. Mẹ cảm thông với Giêsu con mẹ trong cơn hấp hối trên cây thập giá. “Một lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ”. Khi nhìn người Con trong thân thể nát tan, máu loang khắp mình trên cây gỗ… mẹ cảm nhận Lời tiên báo của cụ Simêon ngày nào giờ đã thành sự (x. Lc 2,34-35). Lưỡi giáo đâm xuyên qua cạnh sườn Chúa Giêsu cũng chính là lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn Mẹ.

Khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, dường như Mẹ bị mất tất cả, bị tước đoạt tất cả những gì yêu quý nhất, thân thiết nhất. Mẹ trở nên một người nghèo nhất, chẳng còn gì cho riêng mình, chẳng còn điểm tựa để bám víu. Nếu như Chúa Giêsu trên đồi Canvê đã hoàn tất hy lễ đời Ngài thì Đức Maria dưới chân thập giá tiếp tục dâng lên Chúa Cha hiến lễ đời Mẹ. Mẹ đứng đó âm thầm lặng yên. Sự âm thầm lặng yên của Mẹ không phải là sự ơ hờ vô cảm, mà là một sự lặng thầm của đón nhận, của vâng phục Thiên ý. Mẹ đứng đó chết đi tình mẫu tử thiêng liêng để cho công cuộc cứu độ của Con Mẹ được hoàn tất.

Mỗi người chúng ta- người nữ tu Mến Thánh Gía được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tận hiến của Mẹ dưới chân Thập giá trên đỉnh đồi Canvê năm xưa. Chiêm ngắm và cảm nếm giây phút đau thương nhất trong cuộc đời Mẹ, Mẹ đã đi trọn vẹn con đường Thập giá với Chúa Giêsu. Mẹ đã hiệp thông trọn vẹn những khổ hình Thập giá trong hiến lễ cứu độ của Chúa Giêsu con Mẹ. Và Mẹ đứng đó để đón nhận nhân loại làm con và Mẹ trở thành Mẹ của cả nhân loại. Như thế, đời tận hiến trọn vẹn của Mẹ không chỉ dành cho Thiên Chúa mà còn cho cả nhân loại và cho mỗi chúng ta.

Điều gì đã giúp Mẹ đứng vững dưới chân thập giá nơi treo con mình? Xin thưa, Đó chính là Lời Chúa. Lời mà Mẹ đã từng khắc ghi và suy đi gẫm lại trong lòng. Việc suy đi gẫm lại Lời Chúa giúp Mẹ hiểu được sứ mạng của Giêsu, con mẹ. Mẹ đã nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa để rồi Mẹ dũng cảm dâng hiến con mình làm của lễ toàn thiêu đền tội thay cho nhân loại. Mẹ hiểu và sống Lời Chúa qua Chúa Giêsu, cuộc sống của Chúa Giêsu là toàn bộ Lời mà Chúa Cha muốn nói với Mẹ và với toàn thể nhân loại. Mẹ luôn đồng hành và hiệp thông trọn vẹn với Chúa Con trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống: những nơi Chúa đến, những điều Chúa làm, những lời Chúa giảng dạy được Mẹ nghe và khắc ghi. Mẹ biết nhìn  xuyên qua những biến cố vui – buồn – đau thương để thấy ý của Chúa Cha mà xin vâng. Đó chính là mẫu gương cho những ai muốn đi theo làm môn đệ Chúa: đọc ra thánh ý Chúa Cha qua mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Nếu không suy gẫm và hiểu Lời Chúa thì Mẹ cũng như những phụ nữ khác, sẽ kêu gào khóc lóc, chửi rủa những người đóng đinh con của mình vào thập giá. Hoặc sẽ thù ghét cả những môn đệ, những bạn hữu thân thích của Chúa. Giây phút đau thương và linh thiêng dưới chân thập giá, Mẹ hiểu thấu hai tiếng “xin vâng” mà Mẹ đã thưa với Sứ Thần trong ngày truyền tin. Xin vâng để hy sinh. Xin vâng để hiến tế con mình. Xin vâng để dâng trọn cuộc sống của Mẹ cho Thiên Chúa như một hiến lễ.

Có thể nói Đức Maria là nữ tu đầu tiên đứng vững dưới chân Thập giá. Mẹ đứng vững để giúp chúng ta cũng đứng vững trước những đau khổ, thử thách chúng ta gặp trong cuộc đời. Không dễ dàng chúng ta nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong các biến cố, nhất là trong những thất bại - đau khổ - bệnh tật… của riêng ta hay của những người ta yêu thương. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được Lời Chúa, nhận ra ý Chúa chúng ta mới có thể đón nhận mọi sự trong tin yêu, tín thác mà thôi.

Vì thế, chỉ có Tình yêu dành cho Thiên Chúa cách mạnh mẽ, tinh tuyền mới làm cho thập giá đời mình trở thành hiến tế. Ơn gọi của Mẹ được thành toàn khi sứ mạng Chúa Giêsu hoàn tất trong hy tế Thập giá. Mẹ cùng hiệp thông với Chúa Giêsu trong lễ hy sinh này. Cuộc đời của Mẹ hiến dâng trọn vẹn cho kế hoạch của Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta cũng thế, làm sao đời chúng ta trở thành hiến lễ nếu chối bỏ thập giá, không muốn hy sinh ?

Nhờ việc năng suy gẫm Lời Chúa, Mẹ Maria đã để tùy Chúa sử dụng đời mẹ cho kế hoạch cứu độ nhân loại. Cũng vậy, nếu không gẫm suy Lời Chúa chúng ta không ai có thể hiểu được những biến cố vui buồn xảy đến cho cuộc sống của mình “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Nếu như Đức Giêsu trên Thập giá đã dạy cho chúng ta về bài học tự hủy, bài học tình yêu, thì Mẹ Maria dưới chân Thập giá dạy cho ta rất nhiều bài học. Bài học lớn nhất là từ bỏ chương trình riêng tư, từ bỏ những gì thân thiết của mình để đi vào chương trình của Thiên Chúa, để trọn vẹn phó thác cho Thiên Chúa.
Chúng ta hãy ý thức rằng: Con đường thập giá là con đường đau khổ: đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta hôm nay. Chúng ta hãy suy niệm cuộc thương khó của Người và theo gương Người đi vào con đường Ngài đã đi: “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Đồng thời chúng ta hãy đón nhận mọi đau khổ trong đời sống hằng ngày với mục đích thông hiệp vào sự thương khó của Chúa Giêsu để mang ơn cứu rỗi cho chính chúng ta và cho nhiều người khác.
Hiệp thông với hy tế thập giá của Chúa bằng cách dâng những đau khổ thể xác và tinh thần cho Chúa, hiệp thông với đau khổ của Chúa, để cầu nguyện cho Hội Thánh và những ai chúng ta muốn cầu nguyện cho họ: “Trong Bí tích Thánh Thể, hy tế của Chúa Kitô cũng trở thành hy tế của các chi thể trong Thân Thể Người. Đời sống của các tín hữu, lời ca ngợi, sự đau khổ, lời cầu nguyện, việc lao động của họ, được kết hợp với cùng những khía cạnh đó trong đời sống Chúa Kitô và với toàn bộ lễ tế của Người, và như vậy chúng có giá trị mới. Hy tế của Chúa Kitô hiện diện trên bàn thờ đem lại cho mọi thế hệ Kitô hữu khả năng được kết hợp với lễ tế của Người” (SGLHTCG 1368).

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Chính niềm tin trung tín đã làm cho Đức Maria trở nên mạnh mẽ, nhờ niềm tin Mẹ đã vượt qua mọi thử thách. Nhờ Niềm tin Mẹ đã đón nhận cả nhân loại làm con Mẹ. Xin Chúa ban cho chúng con có chút kinh nghiệm của Đức Mẹ khi đứng dưới chân thập giá đau thương của cuộc đời, của hành trình ơn gọi để chúng con luôn sống niềm vui và hạnh phúc bởi sự sống mới của Đức Kitô đang hoạt động và lớn lên trong chúng con từng ngày.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương tuyệt vời của đời thánh hiến. Xin Mẹ giúp chúng con luôn biết nhìn ngắm và noi theo Mẹ trong việc sống và thi hành ý Chúa. Xin Mẹ giúp chúng con can đảm bước theo Mẹ, biết dâng hiến toàn vẹn cuộc đời để phụng sự Chúa và biết vận dụng mọi hy sinh trong ngày sống- kết hợp với thập giá và sự Phục Sinh của Đức Kitô mà góp phần cứu rỗi các linh hồn. Xin Mẹ luôn đồng hành, nâng đỡ, dìu dắt và gìn giữ chúng con trên hành trình dâng hiến. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ luôn suy gẫm Lời Chúa để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa trong cuộc đời mình và tin yêu phó thác cho Chúa luôn luôn. Amen.


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây