Thứ sáu Tuần 5 Mùa Chay

Thứ tư - 20/03/2024 20:46 493 0
 

Thứ sáu Tuần 5 Mùa Chay
Chiêm ngắm Tình yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm đau khổ.

Lời nguyện mở đầu:
         
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chúng con xin ngợi khen, tôn vinh, chúc tụng, cám ơn Chúa về tình thương nhưng không Chúa dành cho chúng con. Tri ân Chúa về những ơn ích thiêng liêng và vật chất Chúa luôn ban dồi dào trên chúng con. Cám ơn Chúa ban ánh mặt trời rực rỡ soi sáng cho mọi hoạt động của con người, cho mọi sinh vật quang hợp để phát triển làm lương thực nuôi sống chúng con. Cám ơn Chúa đã cho chúng con có việc làm để nuôi sống mình và cộng đoàn, cùng để chia sẻ cho anh chị em nghèo khổ xung quanh.
Cám ơn Chúa một ngày mới tràn trề ân sủng nhờ Thánh lễ chúng con sắp tiến dâng ( đã dâng tiến). Đặt biệt, tạ ơn Chúa đã qui tụ chúng con nơi gia đình thiêng liêng là cộng đoàn để cùng nhau ca tụng Chúa, phản ảnh sự hiện diện của Chúa nơi đời sống tận hiến của chúng con. Xin Chúa cho mỗi chúng con luôn cảm nghiệm tình yêu Chúa dành cho từng người để mỗi người trong hoàn cảnh của mình biết quảng đại dâng hiến, đón nhận những không vừa ý, cực lòng cả những đau bệnh nơi thể xác và tâm hồn để thông phần với cuộc khổ nạn của Chúa, mang ơn cứu rỗi cho bản thân và tha nhân. Đồng thời, diễn tả tình yêu đơn mọn của Chúng con dành cho Chúa trong ơn gọi Mến Thánh Giá của mình.
   
Nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hóa, chúc lành để lời kinh nguyện và mọi việc chúng con làm hôm nay nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu mang ơn cứu rỗi đến cho muôn người.

Suy gẫm:

Hiến tế Thập Giá là ngôn ngữ diễn tả tình yêu sống động và tuyệt đối của Chúa Giêsu đối với Thiên Chúa và nhân loại. Hy tế này mang hai chiều kích: thứ nhất liên quan đến mối tương giao với Thiên Chúa: đó là sự tuân phục, sự gắn bó toàn thân với Thánh Ý Thiên Chúa; thứ hai liên quan đến loài người; đó là sự trao ban toàn thân, biểu lộ tình liên đới huynh đệ.

Hy tế của Đức Kitô đã bắt đầu với việc Nhập Thể  “khi vào trần gian, Người nói: “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”… theo ý đó, chúng ta được thánh hóa, nhờ Chúa Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, một lần cho mãi mãi” (Dt 10,5-10). Ngay từ phút đầu tiên Người nhập thể, Chúa Con đã gắn bó với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu chuộc của mình: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Ngài” (Ga 4,34). Hy lễ của Chúa Giêsu “đền bù tội lỗi cả thế gian” (1 Ga 2,2) là sự diễn tả tình yêu hiệp thông của Người với Chúa Cha: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,17). Người bước vào trần gian để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Hy tế ấy trải dài suốt cuộc đời tại thế của Người và được biểu lộ cách hoàn hảo qua cái chết trên Thập Giá. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nộ lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người là còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8)

Khi nói đến Thập Giá, chúng ta nghĩ ngay đến Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nói đến cuộc Khổ Nạn của Chúa, mỗi người kitô hữu đều được thông phần khi chịu phép rửa. “Tôi sống, những không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,  Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2,20). Và theo thánh Máccô huyền nhiệm về Đấng Cứu Thế chỉ được bộc lộ rõ rệt khi Người bị chết treo trên thập giá với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng: “Quả thực người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).

Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh là nguồn linh hứng cho mọi ơn gọi. Hồng ân Thánh Thần của Thập Giá là nguồn gốc mọi hồng ân, đặc biệt là hồng ân đời sống thánh hiến. Điều này đã được Tông Huấn Đời sống thánh hiến(số 23) nhắc đến, “mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều bắt nguồn từ Thập Giá Chúa Kitô.  

Đức Giêsu Kitô đã chọn Đường Thập Giá để đem lại sự sống cho con người. Đường của Người ngược với đường của A-đam và E-và, vì đường của Nguyên Tổ dẫn đến sự chết. Chiêm ngắm Đường Thập Giá của Đức Giê-su Ki-tô cho phép chúng ta cảm nghiệm được chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa đối với con người. Thiên Chúa đã không chọn đi con đường nào khác để đến với con người ngoài Đường Thập Giá. Như vậy, Đường Thập Giá phải là đường có ý nghĩa nhất.

Nếu tin tưởng rằng Đức Giê-su Ki-tô đã đau khổ, chịu nạn, chịu chết vì chúng ta, thì chúng ta cũng tin tưởng rằng tình yêu của Thiên Chúa luôn bao phủ chúng ta. Đồng thời, chúng ta không bao giờ thất vọng cho dù chúng ta phải đương đầu với muôn vàn thử thách và ngay cả vực thẳm sự chết. Chúng ta đau khổ ư? Đức Giê-su Ki-tô đang đau khổ với chúng ta. Chúng ta buồn sầu ư? Đức Giê-su Ki-tô đang đồng hành với chúng ta. Chúng ta cô đơn ? Đức Giê-su Ki-tô luôn bên cạnh chúng ta. Chúng ta chán nản, buồn phiền? Đức Giê-su Ki-tô luôn là nguồn trợ lực của chúng ta.

Thế nhưng, Cơn cám dỗ thoát khỏi thập giá, trốn chạy trước đau khổ, khước từ hy sinh, liều thân để sống dễ dãi là cơn cám dỗ thường xuyên đối với chúng ta hôm nay. Con người thời nay tìm kiếm một Đức Giêsu không thập giá, muốn một thứ “Kitô Giáo” dễ dãi và hợp thời hơn, khát khao một thứ “Tin Mừng” không nhuốm nước mắt. Ước mong đời tận hiến không bao gồm hy sinh, khổ chế, từ bỏ, thích tự do không muốn phân định để chọn lựa theo những giá trị của Phúc Âm.

Cũng giống như Phêrô, ta thường kéo Chúa Giêsu ra ngoài và can ngăn về chuyện Ngài muốn tuyên bố quá rõ ràng về thập giá. Nhưng rồi cần phải nhận rằng, tin mừng của Chúa Giêsu là một thứ tin mừng hy sinh, khổ chế, nghĩa là không phải chỉ có rao giảng mà chủ yếu là thực thi, làm chứng (tử đạo trong cuộc sống hằng ngày), nghĩa là chết đi cho bản thân mình để Chân Lý và Tình Yêu được tỏ hiện. Nếu không như thế, thì tin mừng trở nên mơ hồ, thập giá trở thành món đồ trang sức, và đạo lý cứu độ biến thành mớ lý thuyết để che chắn và làm bình phong cho một số hạng người nào đó được yên thân an vị.

Bước theo Đức Kitô là đi vào con đường khổ nạn của Thầy. Yêu mến Đức Giêsu và bước theo Ngài là góp phần làm dịu các nỗi khổ đau của loài người, sống và làm chứng về ơn cứu độ của Đức Kitô không dừng lại ở các phép lạ người làm nhưng là can đảm đi với Người trên con đường Thập giá. Bước theo Chúa Giêsu là biến các thập giá hằng ngày thành môi trường và cơ hội cho sự phục sinh, cho tình yêu và công lý.

Khi chọn đời sống dâng hiến mỗi chúng ta tự nguyện “cởi bỏ con người cũ”, mặc lấy con người mới nhờ thực hành các đòi hỏi của Tin Mừng. Sống đời dâng hiến đòi phải từ bỏ và thông phần mầu nhiệm thập giá Chúa Kitô, trước hết hãy để cho Chúa Thánh Thần, Đấng mình lãnh nhận trong Phép Rửa, tháp nhập chính mình vào cuộc khổ nạn của Chúa. Sống đời thánh hiến là sống ơn gọi Phép Rửa cách triệt để hơn. Ơn gọi đời sống thánh hiến là đỉnh cao của ơn gọi Phép Rửa. Trong Phép rửa, mỗi người chúng ta cùng chết với chúa Kitô để cùng sống lại với Người, chúng ta được thông phần mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, tức là thông phần vào cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô, trót cuộc đời của người dâng hiến là chết đi và sống lại với Người.

Người sống đời thánh hiến là người nghe tiếng gọi của Chúa Cha và được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã chọn con đường đặc biệt bước theo Đức Kitô (sequela Christi), để tự hiến cho Đức Chúa với một con tim không chia sẻ (x. Tông huấn đời thánh hiến. Số 1).

Là người nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta được mời gọi hằng ngày chiêm ngắm thập giá Chúa Ktiô để góp phần tôn vinh tình thương của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20). Với tất cả tâm tình yêu mến dành cho Đấng chịu đóng đinh, chúng ta sẽ đủ sức mạnh để đón nhận đau khổ, thập giá của phận người. Đồng thời trở nên tông đồ của Đấng Chịu đóng đinh để xoa dịu những nỗi khốn khổ của anh chị em đồng đạo, đồng bào của mình.  

Đau khổ hẳn không hoàn toàn vô ích, nhưng nó đang thanh luyện ta, và có sức mạnh cứu độ con người. Làm sao chúng ta nhận được phúc lành ngay trong nỗi sầu đau mất mát ? Làm sao chúng ta bước trọn cuộc đời với những bước xiêu vẹo, khập khiễng của phận người ? Khi kinh nghiệm, cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa bên đời và thực sự Người đang đi cùng với chúng ta, thì chúng ta sẽ cảm nhận được trong nỗi đau có vị ngọt của tình yêu.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng thập giá để cứu chuộc con. Chúa đã không chọn cách nào khác ngoài việc chịu đau khổ và chết trên thập giá. Như thế con hiểu được Chúa yêu con vô cùng. Chúa đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới: ý nghĩa của tình yêu trọn hảo. Xin Chúa giúp mỗi người cũng biết đón nhận thập giá của bản thân với trọn vẹn tâm tình tín thác, yêu thương: Yêu Chúa và yêu mọi người, để tình Chúa luôn mãi ở trong con. Và cuộc đời con luôn diễn tả tình yêu Chúa.

Lạy Chúa, con thường than trách, phàn nàn khi phải đối diện với khổ đau, thất bại, trái ý...nhưng lại không biết rằng Chúa đang đi bên con, đang nắm lấy tay con và ẵm con trên cánh tay của Ngài. Xin Chúa cho con nhận ra sự quan phòng và nâng đỡ của Ngài, không chỉ  lúc con hạnh phúc, nhưng cả trong những khi phải đối diện với những thách đố. Ước gì con luôn biết nhìn lên Thập Giá để chiêm ngưỡng một Vị Thiên Chúa Tình yêu, không chỉ thấy nơi đó một tấm hình hài trần trụi khổ đau, nhưng nhìn thấy, cảm nghiệm Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đang ôm trọn những khổ đau của nhân loại nơi Đấng Chịu đóng đinh. Amen

 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây