Thứ Sáu tuần VIII Thường niên

Thứ tư - 29/05/2024 20:06 149 0


Chiêm ngắm cái chết vì yêu của Chúa trên thập giá để sống cho tình yêu.

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con cám ơn Chúa đã gìn giữ chúng con đến sáng nay. Chúng con xin tôn thờ, yêu mến chúc tụng và ngợi khen Chúa. Chúng con muốn sống tâm tình chuyển cầu ngay trong phút này. Chúng con xin dâng Chúa mọi người thân yêu của chúng con, những người chúng con có trách nhiệm trong sứ vụ giáo dục đức tin, hướng dẫn trong đời sống nhân bản, những người chúng con chưa yêu mến, những người có lần đã làm tổn thương con cách này cách khác…xin vì tình yêu lớn lao của Chúa ban muôn phúc lành trên tất cả.
Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Chúng con cám ơn Chúa về tình yêu lớn nhất Chúa dành cho Chúa Cha và nhân loại. Chúa đã chọn “Vâng phục” để đi vào con đường khổ nạn đau thương, đón nhận cái chết nhục nhã trên Thập Giá và Phục Sinh vinh hiển để cứu độ chúng con. Nơi cuộc Khổ nạn và Phục sinh Chúa mời gọi chúng con đi sâu vào Mầu nhiệm Tình yêu Chúa dành cho Chúa Cha, cho nhân loại và cho riêng mỗi chúng con. Xin Chúa giúp chúng con cảm sâu tình Chúa yêu, biết sống quảng đại thứ tha và xót thương nơi đời sống chung để có thể chuyển thông tình yêu của Chúa và sẵn sàng phục vụ lẫn nhau giữa đời thường.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết mở lòng đón nhận nguồn sinh lực mới, mà Chúa đang đợi chờ để thi ân cho chúng con. 

 Suy niệm:

Khi nói đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, con người không thể hiểu được mầu nhiệm tình yêu cao vời ấy. Con người chỉ có thể cảm nghiệm đôi chút khi biết yêu thương người khác và biết mình được yêu thương giữa đời thường “Thiên Chúa là tình yêu, và hễ ai ở trong tình yêu thì ở trong Chúa, và Chúa ở trong người ấy”(1 Ga 4:16)
 
Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, mỗi người sẽ có những suy nghĩ và cảm nghiệm khác nhau. Ngắm nhìn Thánh giá có người sẽ nghĩ đến một biến cố đau thương đang phải ghánh chịu hoặc vừa trải qua. Có thể là những trăn trở về đời sống cộng đoàn, về những mối tương quan đổ vỡ chưa được hàn gắn, về những bất công, hiểu lầm chưa được tháo cởi, về những lỗi lầm chưa được tha thứ, về những yếu đuối vấp ngã ...và đâu đó giữa những cảm nghĩ không vui thì lời Thánh Kinh “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì... được sống muôn đời”. (Ga 3:16) vẫn vang vọng trong chúng ta, thôi thúc mỗi người không chỉ nghĩ đến bản thân nhưng nghĩ đến tình yêu mà Đức Kitô đang dành cho mình và tình yêu mình dành cho Người...Điều này đã được Thánh Phaolô nhiều lần trả lời cho các tín hữu khi họ không hiểu hoặc có những nghi vấn, thắc mắc về cái chết của Đức Giêsu trên thánh giá “Con Thiên Chúa đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì tôi”(Gl 2,20),“Chúa kitô đã yêu thương Giáo hội và đã hiến mình vì Giáo Hội”(Ep 5,25). Và điều này đã được Thánh Gioan,“người môn đệ Chúa yêu”, đã từng thốt lên: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình”(Ga 15,13). Đây thực sự là câu trả lời dứt khoát cho mọi nghi vấn vì sao Chúa lại tử nạn.

 Thật vậy, với những câu trả lời của các thánh Tông đồ những người đã từng theo Chúa, sống với Chúa, nhất là lời khẳng định của thánh Gioan, lần nữa cho ta thấy một cách rõ ràng: Chúa Giêsu đã chịu đau khổ và chết nhục nhã trên thập giá một cách tự nguyện vì yêu. Không phải vì tình cờ, không phải vì những thế lực nào đó hay các nguyên nhân lịch sử đã đưa Người đến chỗ thiếu ý thức hoặc miễn cưỡng. Nhìn lại điều này để chúng ta nhận thấy mình là người có phúc , phẩm giá của ta cao quý dường nào!  Càng khám phá, càng đi sâu vào tình yêu Chúa dành cho ta, thì ta càng cần biết rằng, ta không phải là những khán giả bàng quan; làm ngơ, đứng ngoài cuộc, coi như không dính líu gì đến mình, mà phải can đảm thấy được bộ mặt thật của mình qua các nhân vật trong cuộc khổ nạn chứ đừng đứng đó để xác định ai là người đã giết Đức Giêsu. Có lẽ chúng ta cần nói với chính mình: chính tôi cũng là một trong những kẻ góp phần trong sự kiện đó! Đâu đó trong tôi có bóng giáng của Phêrô đã chối Thầy không chút ngượng ngùng; là tôi trong Giuđa vì chút lợi lộc mà bán rẻ Thầy, nộp Thầy bằng cái hôn bội bạc, là tôi trong các môn đệ thân tín bỏ mặc Thầy cô đơn trong Vườn Dầu; là tôi trong Philatô nhát đảm, tham quyền cố vị mà chối bỏ sự thật; là tôi trong đám quân dữ khi đánh đòn Người, nhẫn tâm gắn thêm gai nhọn vào mão gai, phỉ nhổ vào mặt Người, nhạo báng Người và đóng đinh Người!

Khi nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, tôi đã góp phần trong cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, thì chắc rằng tôi sẽ không cứ ở lì trong nỗi sợ hãi thất vọng, mà cần phải đứng lên, ra khỏi thân xác yếu hèn, để thấy và tin tưởng vào tình yêu cứu độ của Chúa dành cho chúng ta, vì yêu chúng ta. Mọi tội luỵ của ta Chúa đã đưa lên cây thập giá, qua những mũi đinh ghim chặt Chúa, nơi mũi giáo đâm thấu cạnh sườn, và rồi chôn vùi tất cả trong nấm mồ vì một chữ “Yêu” – yêu cho đến cùng”. Tình yêu đến cùng đó đã làm hài lòng Chúa Cha, để rồi Cha “siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9).

Đức Kitô đã chiến thắng tử thần, Ngài đã lật tung cửa mồ bước ra khỏi mồ trong ánh sáng vinh quang rạng rỡ. Ngài đã vốn sẵn lòng yêu chúng ta, Ngài cũng muốn chúng ta bước vào trong vinh quang với Ngài. Nhưng để có thể tham dự vào sự sống mới một cách trọn vẹn, chúng hãy luôn nhớ rằng: ta luôn mang trong mình sức sống của Chúa, sức sống căng tràn của Đấng đã phục sinh từ cõi chết. Vậy ta hãy mạnh mẽ, can đảm để sống sự sống mới của Đức Kitô. Sức sống mới nơi Đức Kitô là gì nếu không phải là cùng thực thi lời dạy của thánh Phaolô: “giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em” 
(Cl 3,5a). Đừng cúi xuống tìm bới những thứ hèn mạt nơi “hạ giới” của: những quyến luyến lệch lạc, “gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam…” (Cl 3,5b). Và  từ bỏ lối sống cũ: “Nào là giận dữ, nóng nảy giận hờn…”. Ta đã mặc lấy con người mới, “con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá”. Đặc biệt chúng ta “là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3,10). Quyết buông bỏ mọi thứ không thuộc về Thiên Chúa, những thứ nằm ngoài tình yêu để, sống tiết độ, làm chủ những ham muốn thế gian; quyết vươn tới cuộc sống cao hơn, để tâm hồn được nhấc bổng lên với những lý tưởng cao đẹp; quyết luôn hướng lòng trí và kiếm tìm những gì thuộc“thượng giới” nơi Đức Kitô đang ngự trị và chờ đợi chúng ta.

Là người Kitô hữu, người sống đời thánh hiến, chúng ta sẽ đi trên con đường tình thập giá dẫn tới sự sống và vinh quang: Khi nào được dương lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. Vì thế, Hãy sống và yêu như Chúa Giêsu đã yêu chúng ta. Người đã “hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”. Tình yêu đã thúc đẩy Ngài đi bước trước trong việc chọn và cắt cử, sai các tông đồ, môn đệ đi ra với muôn dân hầu sinh hoa trái. Qua đó, chúng ta nhận thấy hai đặc tính quan trọng mà tình yêu Chúa Giêsu dành cho các môn đệ là hy sinh tính mạng cho họ và chọn gọi để họ trở nên bạn hữu của Ngài.

Chúa Giêsu đã yêu, yêu đến sẵn sàng chết cho những người bạn dù họ “bất trung, thất tín” với mình. Tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và tha nhân thế nào? Chúng ta có yêu những người chúng ta không thích? Chúng ta có sẵn sàng tha thứ cho những người làm chúng ta bị tổn thương cách này cách khác ? Hãy biến kẻ mình không ưa thành bạn, vì họ là những người đáng thương hơn là đáng ghét! Đây là điều Chúa Giêsu đã thực hiện trong suốt cuộc đời và đỉnh cao trên Thánh Gía. Chúng ta suy niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu để sống mầu nhiệm tình yêu giữa đời thường mỗi ngày.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin lỗi Chúa vì thái độ sống chưa tích cực của mình: một đời sống thiếu lửa yêu thương, một cõi lòng chưa biết bao dung tha thứ dù đã cảm nghiệm Chúa yêu con hơn con được như thế! Con đã nhận biết Chúa thương con và sẵn sàng quên đi những tội lỗi và thiếu sót của con từng giây phút qua hiến tế của Chúa trên Thánh Gía và Hy tế Thánh Thể mỗi ngày, vậy mà con vẫn cứ hờ hững, vô tâm trước bao khó khăn, yếu đuối...của người khác. Xin Chúa khơi lên trong chúng con sự sống của Chúa, cho chúng con luôn nhớ Chúa đã sống lại, đã bước vào đời sống mới nhờ cuộc thương khó, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa. Xin giúp chúng con trở nên mạnh mẽ can trường với tình yêu lớn dành cho Chúa và tha nhân; nhờ đó tâm hồn chúng con luôn tươi mới, như lời thánh Phaolô dạy “để tỏ lòng biết ơn anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh ca do Thần Khí linh hứng”. Vâng! Từ này chúng con sẽ cất cao bài ca của ba chữ “H”: ‘Hăng say’, ‘Hoan hỷ’, ‘Hoà thuận’, để đời thánh hiến của chúng con thật sự có ý nghĩa, thật sự phản chiếu hình ảnh của Đức Kitô Hằng Sống. Amen



 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây