Thứ Sáu tuần 17 Thường Niên

Thứ tư - 31/07/2024 04:25 201 0

Thứ Sáu tuần 17 Thường Niên

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,!” (Ga 3,13-17)

Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Ba Ngôi, chúng con tin Chúa toàn năng và đầy tình yêu thương. Khi suy ngắm mầu nhiệm Thánh Giá, chúng con càng cảm nghiệm hơn về tình yêu Chúa dành cho loài người chúng con. Xin cho chúng con luôn trung thành tin yêu, phụng thờ Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của chúng con. Xin cho chúng con biết sống yêu thương hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa nơi đời sống thánh hiến của mình. Thiên Chúa là tình yêu. Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương nhau, hiệp nhất trong một Thiên Chúa. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm của tình yêu và đã được Ðức Giêsu mạc khải. Tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi được thể hiện trong chương trình cứu độ: Chúa Cha ban sáng kiến - Chúa Con thực hiện - và Chúa Thánh thần chuyển thông ơn cứu độ.

Ðón nhận, cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta sẽ sống với tất cả tâm tình người con thảo hiếu. Lòng tin và yêu mến ấy được thể hiện bằng đời sống cầu nguyện, kết hiệp với Ðức Giêsu và trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần trong đời thường của chúng con.
Lạy Chúa chúng con xin tôn thờ và yêu mến Chúa, xin Mẹ Maria, Thánh Giuse cùng chư thánh giúp chúng con trong giờ nguyện gẫm này.

Suy niệm:

Tin Mừng (Ga 3, 13-17)

Thánh Gioan trình bày cách rõ ràng cho chúng ta mục đích Chúa Cha sai Con Một đến trong thế gian (x.Ga 3. 16-17).Thánh sử đã đưa vào trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Nicôđêmô câu chuyện nói về việc Chúa Cha sai Con Một đến để mang sự sống cho thế gian. Chúng ta không thể không cảm thấy hạnh phúc và an ủi khi nghe những lời đầy yêu thương này. Vì yêu thế gian nên Con Một Thiên Chúa xuống thế gian để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ của tội lỗi, của ác thần để trao ban sự sống thần linh, sự sống của Thiên Chúa cho con người. Tất cả là cho vinh quang của Thiên Chúa mà vinh quang của Ngài là con người được sống. Không phải là sự sống đời tạm ở thế gian mà là sự sống đời đời trong vương quốc của Ngài. Hành động của tình yêu trao ban nơi Thiên Chúa được thể hiện qua lời tuyên xưng của Thánh Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,16-18).

“Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,17-18). Đức tin sẽ là tiêu chuẩn để phân biệt người bị lên án hoặc không bị lên án. Ở đây, chúng ta thấy một câu khẳng định mang tính Kitô học, đó là ơn cứu độ chỉ có được nơi Đức Kitô. Chính niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng yêu thế gian đến nỗi ban con một của mình là điều mang lại cho chúng ta sự an ủi và cũng là một thách đố cho chúng ta. An ủi vì chúng ta biết Thiên Chúa luôn yêu chúng ta và mọi sự Ngài làm cho chúng ta xuất phát từ tình yêu vô bờ bến của Ngài; thách đố vì chúng ta được mời gọi sống xứng đáng với tình yêu đó để không phải bị lên án. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng đức tin là một cái gì đó rất trừu tượng. Thật ra, đức tin là ‘sự gặp gỡ cá vị giữa tôi với Chúa.’ Chính trong cuộc gặp gỡ cá vị này mà chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa, cũng như qua đó chúng ta diễn tả tình yêu của mình dành cho Ngài. Chính việc gặp gỡ Chúa Giêsu mỗi ngày sẽ giúp chúng ta hiểu được tình yêu của Thiên Chúa.

Thiên Chúa Cha thực thi ý định tình yêu nhiệm mầu đối với nhân loại thông qua cầu nối là Đức Giêsu Kitô. Vì vậy, “thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Con của Người là trung gian cứu độ duy nhất, vì “không ai có thể đến với Cha mà không qua Thầy”. Do đó, ai ở lại trong tình yêu  thì phải sống như Ngài đã sống, yêu như Ngài đã yêu bằng con tim và khối óc của Ngài, bằng toàn thể quan điểm và nhân cách cao cả của Ngài. Muốn sống được như vậy thì kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô phải ý thức sâu sắc lời Ngài chỉ bảo: “Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em” (Ga 14,20). Động từ “ở trong” mời gọi người môn đệ Chúa Kitô kết hiệp với Ngài bằng một sự sống, một tình yêu, một tinh thần, một ý chí, một hành động: “Ở trong Ngài, chúng ta là óc để suy tư; là mắt để nhìn thực tại trần thế; là tai để nghe tiếng rên rỉ, đòi hỏi; là vai để gánh vác; là tay để cứu vớt; là chân để đi đến với người đau khổ; là quả tim để khắc khoải yêu thương; và là miệng để nói những lời bác ái, an ủi”
[1]. Người môn đệ chân chính phải quy hướng đời mình về Thiên Chúa là tình yêu, đồng thời cũng phải lấy Đức Kitô làm trung tâm điểm của đời sống mình như lời xác quyết mạnh mẽ của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống trong xác phàm, là sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2,20).

Người ta nói: “Vô tri thì bất mộ”, không biết thì không yêu mến mà không biết bởi vì không tin. Sở dĩ những ai không tin thì không được cứu độ vì không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa thì làm sao yêu mến Ngài và sống trong tình yêu của Ngài được. Tin vào con người Đức Giêsu Kitô và thực hiện niềm tin là điều kiện duy nhất để được ơn cứu độ. Trọng tâm của đức tin quy hướng vào Chúa Giêsu là Kitô và là Con Thiên Chúa và kết quả của đức tin là sự sống vĩnh cửu.
 
Kinh nghiệm nào trong đời sống đã giúp mỗi chúng ta thấy rõ Chúa yêu thương mình ? Làm thế nào để Đức tin của mỗi chúng ta được nuôi dưỡng và vững vàng hơn trong cuộc sống đầy khó khăn thử thách, nhiều cạm bẫy hôm nay ?

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu lớn lao Chúa đã dành cho chúng con. Để bước theo Chúa và thực hiện niềm tin vào Chúa giữa đời thường, Chúa mời gọi chúng con từ bỏ chính mình, đồng thời vác lấy thánh giá mình mà theo Chúa. Xin cho chúng con biết nhìn lên Thánh giá Chúa để cảm nghiệm được tình thương Chúa dành cho mỗi người cách riêng tư, cá vị, để biết đáp đền cách cụ thể nơi đời sống gắn kết với Chúa nơi đời sống mình.

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Thánh giá đã trở thành biểu tượng của ơn cứu độ và tình yêu thương tha thứ Chúa dành cho chúng con. Khi nhìn ngắm thập giá Chúa, con hiểu được phần nào tình Chúa yêu con. Vì yêu Chúa chấp nhận khổ hình thập giá: Thập giá đồng nghĩa với tình yêu, đường tình yêu cũng là đường thánh giá. Xin giúp con không chối từ những thập trong đời, nhưng vui lòng chấp nhận, vì con tin rằng: con đường thập giá không phải là đường cùng, nhưng mở ra một chân trời mới. Thập giá nặng nề và khó nhọc để có thể vác đi, nhưng thập giá luôn có giá trị cho một sự đổi mới. Chúa muốn dẫn con đến sự sống hạnh phúc, nhưng phải khởi đi từ thập giá. Xin gắn chặt thập giá đời con vào thánh giá Chúa, để con biết yêu mến thánh giá Chúa trong đời thường. Xin Chúa biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp con thăng tiến và thể hiện tình yêu lớn nhất con dành cho Chúa trong đời con. Amen


[1] Đấng đáng kính Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, Trên Đường Hy Vọng, tr. 341.

 
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây