Thứ sáu Tuần 21 Thường Niên

Thứ ba - 27/08/2024 22:13 267 0

Thứ sáu Tuần 21 Thường Niên

“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm đối với người đời, nhưng là sự khôn ngoan đối với những người Thiên Chúa kêu gọi”. (1 Cr 1, 17-18)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện giữa chúng con. Chúng con thờ lạy, ngợi khen, cám ơn Chúa về hồng ân sự sống Chúa ban, để giờ này chúng con được ở đây để sống thân tình hơn với Chúa trong giờ nguyện gẫm và tham dự tiệc Thánh Thể mà chính Đức Giêsu sẽ hiến tế để dưỡng nuôi chúng con.
Cám ơn Chúa đã cho Đức Giêsu Kitô làm người để biểu lộ tình yêu duy nhất mà Chúa dành cho nhân loại. Trong hành trình sống đức tin, chúng con được thánh hiến trong linh đạo Mến Thánh Giá, đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Nhờ Ngài với ngài và trong Ngài chúng con được mời gọi hiến tế chính mình để sống cho tình yêu và dám từ bỏ những tầm thường mỗi ngày để diễn tả tình yêu lớn nhất dành cho Cha và cho con người trong thế giới hôm nay.

Lạy Chúa Giêsu, muốn đi theo Chúa, chúng con phải chấp nhận lội ngược dòng, chấp nhận đi vào lộ trình Thập gía.“Ai tìm giữ mạng sống mình thì sẽ mất, và ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được”. Chúa còn cho chúng con biết thêm “thập giá”, cớ vấp phạm đối với người đời, nhưng là sự khôn ngoan đối với những người Thiên Chúa kêu gọi”. (x. 1 Cr 1, 17-18)

Nguyện xin Ân sủng của Chúa Thánh Thần tác động trên chúng, nhờ ơn Người hướng dẫn chúng con bắt đầu ngày mới với tinh thần hiến tế trong niềm vui, bình an. Xin cho chúng con trở thành người khôn ngoan thật sự nhờ sống gắn bó với Đấng chịu đóng đinh và ra sức làm cho đời sống mình trở thành hy lễ với mọi tư tưởng, lời nói, hành động luôn hướng về Đức Kitô, hiệp thông, hiệp nhất với Người trong mọi phút sống đời con. Amen

Suy gẫm:

Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã viết : “Trong khi người Do Thái đòi dấu lạ, người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Đấng Kitô bị đóng đinh vào Thập giá, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là sự điên rồ” (1 Cor 1, 22).

Thời đế quốc Rôma, Thập gía là khung hình phạt dã man và ghê sợ nhất, dành cho những phạm nhân bị kết án tử hình. Tên tử tội bị đóng chặt vào hai thanh gỗ và được treo lên cao, nằm phơi thây giữa trời, ngực dãn ra rất khó thở, vừa đói khát, vừa bị lột trần truồng để cho thiên hạ nguyền rủa. Người khỏe nhất cũng chỉ cầm cự tối đa được một đến hai ngày rồi chết. Sau khi chết, xác của họ sẽ bị chim trời đến rúc rỉa và không được đem đi chôn để lòng đất khỏi bị hoen ố do tội lỗi bẩn thỉu họ gây ra.

Đế quốc Rôma chỉ sử dụng hình phạt này cho ngoại bang, còn công dân Rôma được miễn. Trong bối cảnh xã hội như thế, người Do Thái xem án phạt này là một sự sỉ nhục, bởi vì họ coi mình là dân tộc ưu tú được Chúa tuyển chọn. Còn người Hy Lạp thì nhìn những phạm nhân bị treo lên cây gỗ như là những người điên khùng, không sống theo lý tưởng khôn ngoan của nền triết học mà họ vẫn theo đuổi.

Nhưng, chính Đức Giêsu đã tự nguyện chọn cái chết ô nhục này. Ngài chấp nhận bị dìm xuống tận đáy bùn đen trong xã hội loài người, sống tận căn mầu nhiệm tự hủy để trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho chúng ta. Chính vì thế, khi Đức Giêsu nói về hành trình Thập gía mà Ngài sẽ trải qua, các tông đồ không thể chấp nhận, đặc biệt, Phêrô đã kịch liệt cản ngăn. Tuy nhiên, chính nghịch lý của Thập gía đã khai mở cho nhân loại một chân trời mới. Qua Thập gía sẽ đến vinh quang, qua cái chết khổ nhục của Đức Kitô, chúng ta sẽ được sống lại trong khải hoàn. “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được cùng sống với người” (Rm 6,8).

Theo Chúa là chấp nhận đi vào con đường khổ nạn và hy sinh. Sống Mầu nhiệm Thập gía là đi vào mầu nhiệm của sự tự hủy. Cái chết trên Thập gía của Đức Giêsu là cao điểm của hành trình tự hủy này. Việc từ bỏ cha mẹ, vợ con, ruộng vườn, khước từ những đam mê trần tục…chỉ là bước khởi đầu. Sự từ bỏ cái tôi ích kỷ, bỏ mạng sống mình mới là sự từ bỏ tận căn. Chúa Giêsu đã nói: “Ai tìm giữ mạng sống mình thì sẽ mất, và ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được”.

Chúng ta tuyên xưng Đức Kitô tự hạ và vâng lời cho đến chết – chết trên Thập Giá. Đối với thế giới, đó là sự ngớ ngẩn hoặc ngu xuẩn, nhưng đối với chúng ta, những người được cứu thoát, thì Thập Giá là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Bóng tối không thể điều khiển bóng tối, mà chỉ có ánh sáng mới làm được điều đó. Hận thù không thể điều khiển hận thù, tình yêu mới có thể làm điều đó. Kiêu ngạo không thể điều khiển kiêu ngạo, chỉ có khiêm nhường có thể điều khiển nó. Tội Nguyên Tổ và mọi tội lỗi cá nhân là khái niệm kiêu ngạo cho rằng chúng ta biết nhiều hơn Thiên Chúa. Thói kiêu căng ngạo mạn của Satan nó tự nhận ngang hàng với Thiên Chúa, tự yêu mình thái quá, tự cao tự đại và kiêu hãnh nhưng rồi nó đã chào thua.

Satan bất tuân lệnh Thiên Chúa, còn Đức Giêsu khiêm nhường tuân phục Thiên Chúa. Ngài không ỷ vào đặc quyền của Ngài, mà Ngài chỉ coi mình là Người Con. Vì thế Ngài tự hạ và vâng lời đến nỗi chấp nhận chịu chết trên Thập Giá.
Thật ngạc nhiên về đức khiêm nhường của Chúa Giêsu, Ngài triệt tiêu thói kiêu căng của Satan và thói tự phụ của chúng ta. Nghịch lý to lớn của Thập Giá là sự khiêm nhường chiến thắng kiêu ngạo, sự yếu đuối có thể chiến thắng sức mạnh và sự quá khích của con người, tình yêu chiến thắng hận thù, và ánh sáng đẩy lui bóng tối.

Đối với chúng ta, những người Nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta không thể theo Đức Kitô trong những ngày lễ hội, ngày tuyên khấn. Chúng ta cũng không sống Linh đạo Mến Thánh Giá dựa trên màu cờ sắc áo, trên chữ ký, không thể chọn Chúa cách nửa vời, theo kiểu bắt cá hai tay. Sách Khải Huyền, thánh Gioan đã ghi lại mặc khải Chúa ngỏ cho Hội thánh ở Laodakia: “Ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Vì ngươi hâm hẩm không nóng cũng không lạnh, nên ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,16). Vì thế, muốn trở nên môn đệ Chúa Kitô thật tình, thật lòng, chúng ta phải đặt Ngài vào chỗ tối thượng cách tuyệt đối trong mọi chọn lựa của mình. Đức Kitô phải là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận những nghịch lý, nhất là nghịch lý của Thập giá. Đây là điều mà thánh Phaolô đã để lại:“Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm đối với người đời, nhưng là sự khôn ngoan đối với những người Thiên Chúa kêu gọi” (1 Cr 1, 17-18)

Ước gì mỗi chúng ta không thỏa hiệp với lối sống tầm thường để sự khôn ngoan của người được Thiên Chúa kêu gọi mỗi ngày càng lớn lên và lan tỏa trong đời sống của chúng ta.

Chúng ta phàn nàn về tinh thần đời sống tu trì xuống cấp, đời sống chung không được nồng ấm mặn mà trong tình Chúa, tình người. Đâu là nguyên nhân? Chúng ta chỉ ngắm nhìn Thánh Gía và dừng lại ở đó trong suy tư thần học cao siêu?

Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày Lễ Trọng Chúa Kitô Vua Vũ Trụ hôm 20 tháng 11 năm 2022, tại Nhà thờ Chính Tòa Asti ở miền bắc nước Ý đã nói thế này: “Hôm nay, Chúa Giêsu, Vua của chúng ta nhìn chúng ta từ trên thập giá, “Việc chúng ta sẽ là người bàng quan đứng nhìn hay người nhập cuộc là tùy thuộc vào chúng ta lựa chọn”.

“Tôi là người đứng nhìn hay tôi muốn nhập cuộc?”, Đức Thánh Cha nói. “Chúng ta chứng kiến những khủng hoảng của thời điểm hiện tại, sự suy đồi đức tin, thiếu sự tham gia… Chúng ta phải làm gì? Chúng ta có hài lòng với việc lý thuyết hóa và chỉ trích, hay chúng ta xắn tay áo lên, dám liều mình mạo hiểm, và chuyển từ ‘nếu’ của những lời bào chữa sang ‘sẵn sàng’ với việc cầu nguyện và phục vụ?”. “Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng mình biết điều gì đó không ổn trong xã hội, tất cả chúng ta; hàng ngày chúng ta nói về những điều không ổn với thế giới, và ngay cả với Giáo hội – nhiều điều không ổn với Giáo hội. Nhưng sau đó chúng ta phải làm gì? Chúng ta có vấy bẩn đôi tay của mình như Thiên Chúa của chúng ta, chịu đóng đinh trên thập giá? Hay chúng ta đứng đút tay vào túi như những người đơn thuần chỉ bàng quan đứng nhìn?” [1]

Chúng ta hãy chiêm ngắm Đức Kitô Chịu Đóng Đinh với một tâm tình mới, một lòng yêu mến thực sự, nhờ đó can đảm để nhìn lại chính mình, đi theo con đường của sự tin tưởng phó thác và cầu xin, để bày tỏ chân dung người nữ tu Mến Thánh giữa thật đẹp và thánh thiện giữa đời thường. Hãy xắn tay áo lên, dám liều mình mạo hiểm...đừng suy nghĩ, thao thức trong ý tưởng, cùng nhau hành động với Đức Kitô, trong Đức Kitô...mọi sự sẽ thay đổi. 

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, chiêm ngắm Chúa trên thánh giá không phải là lúc chúng con tôn vinh khổ nhục, đau đớn; cổ võ cho sự tàn ác, bất công ...nhưng là để lắng nghe, cảm nhận sứ điệp Tình yêu Thiên Chúa ban cho nhân loại. Chiêm ngắm Thánh Giá Chúa với lòng xác tín, tin yêu vì trên đó có Đấng cứu độ trần gian.
Chiêm ngắm Chúa trên thánh giá cho con thêm sức mạnh và sự can đảm để sống những nghịch lý giữa đời, lao nhọc, đau khổ trong cuộc đời chúng con sẽ trở thành Thánh Giá nếu chúng con biết kết hợp tất cả với Đức Kitô.

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, khi đối diện với những nghịch lý, những đau khổ trong đời; Xin đừng để con phàn nàn, than trách, phản ứng tiêu cực nhưng biết phân định, chọn lựa và đón nhận với lòng yêu mến, tin tưởng, phó thác và gắn kết thập giá đời mình với Thánh Giá Chúa, nhờ đó đời sống tâm linh và nhân bản của con được trưởng thành hơn mỗi ngày. Amen 

[1] ( x. Đức Phanxicô: Qua nghịch lý của thập giá, Chúa Giêsu ‘ôm lấy sự chết của chúng ta’

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây