Ngày thứ 7- Suy niệm chủ đề Suy Tôn Thánh Giá, Năm 2024

Thứ bảy - 07/09/2024 00:57 230 0
 

Ngày thứ 7-
 Suy niệm chủ đề Suy Tôn Thánh Giá, Năm 2024


“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tin Chúa đang ở đây với chúng con. Chúng con xin tôn thờ, yêu mến và chúc tụng Chúa. Cám ơn Chúa đã cho chúng con nhận biết Chúa là Đấng rất mực yêu thương, chỉ mình Chúa biết điều gì là tốt và phù hợp nhất cho riêng từng người trong chúng con. Xin đừng để chúng con mải mê với ý riêng mà quên đi ân tình Chúa dành cho qua từng ngày sống. Xin cho chúng con biết noi gương Chúa Giêsu, sống tâm tình phó thác của người con hiếu thảo đối với Chúa mọi ngày trong đời sống chúng con. 

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu Cha và thực thi ý Người. Chúa đã ẩn thân trong tấm bánh đơn sơ nhỏ bé nơi Bí Tích Thánh Thể để đi vào cuộc đời chúng con. Chúa trở nên nguồn sống cho con người với hình thức thật giản dị, đơn sơ. Chúa đến với chúng con không bằng quyền uy mà bằng tình thương của người cha, người thầy, người bạn. Chúa đồng hành với chúng con như một người tôi tớ luôn ân cần chăm sóc, sẵn sàng giúp đỡ chúng con trong khiêm tốn phục vụ. Chúng con xin cám ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa để chúng con cũng có thể cúi xuống mà phục vụ, sống bác ái với nhau nơi cộng đoàn. Xin đừng để thói kiêu căng, tự mãn, tự phụ, trên trước làm chủ trong lòng chúng con, khiến chúng con trở thành nô lệ cho sự dữ, sự ác mà đánh mất tình Chúa - tình người nơi đời sống chung. Xin giúp chúng con luôn khiêm tốn nhận ra sự bất toàn của bản thân, để chúng con biết sống cảm thông và tha thứ cho nhau mà sẵn sàng cộng tác, chia sẻ, yêu thương trong nếp sống cộng đoàn. Để nhờ cố gắng sống thánh thánh thiện chúng con cũng được thân thưa với Chúa Cha “ Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” mọi giây phút trong đời sống con.

Suy niệm:

Khi chiêm ngắm cuộc đời công khai của Đức Giêsu, chúng ta được nghe những lời nói kinh ngạc, thán phục và đầy quyền năng của Ngài. Ngài dùng Lời để chữa lành và mang lại bình an cho con người. Nhưng trong cuộc Thương Khó và nhất là trên Thập Giá, dường như Ngài không nói, Ngài im lặng. Im lặng ngay lúc những lời tố cáo trở nên gay gắt và trầm trọn hơn. Im lặng trước những lời sỉ nhục, phản bội, la ó đòi giết đi, đem đi đóng đinh. Chính lúc thinh lặng, Đức Giêsu lại nói cho chúng ta nhiều nhất. Vậy, giây phút này chúng ta hãy xin cho con tim, khối óc và đôi mắt của chúng ta tập trung vào Thánh giá để lắng nghe “Lời Nói của Thập Giá”, đầy sức mạnh và khôn ngoan, như thánh Phaolô diễn tả (x. 1Cr 1, 18). Nhờ thập giá của Chúa Giêsu Kitô, người tín hữu phân biệt rõ ràng giữa sự khôn ngoan của loài người và sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Ta sẽ huỷ diệt sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông thái” (1Cr 1,19). Sự khôn ngoan và hiểu biết của Thiên Chúa thì vượt quá khả năng của con người, không ai có thể hiểu biết chiều rộng, dài, cao, sâu của mầu nhiệm Thiên Chúa (x. Rm 11,33-35). Tuy nhiên Thiên Chúa đã mạc khải sự khôn ngoan ấy nơi Chúa Giêsu Kitô (1Cr 1,20-25). Chính Thiên Chúa đã thương ban cho chúng ta thần trí của Đức Kitô (x. 1Cr 2,16) để chúng ta cũng được tham dự vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Đối với thánh Phaolô, sự khôn ngoan của Thiên Chúa được tỏ lộ cách rõ ràng trong sự nghịch lý: thập giá là sự điên khùng, là cớ vấp phạm đối với thế gian, nhưng nơi Thiên Chúa đó là sự khôn ngoan sinh ơn cứu độ cho những người tin (x. 1Cr 1,22-25). Thế gian khinh thường sự yếu đuối, nhưng nơi Thiên Chúa, sự yếu đuối lại là sức mạnh giải phóng con người khỏi mọi tội lỗi lầm lạc (x. 2Cr 12,10)

Khi đã hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó là cứu chuộc loài người, sau những khổ nhục, đau đớn của kiếp người trong thinh lặng tin yêu của người con thảo - Đức Giêsu đã thưa với Cha: “Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Như một lời khải hoàn, Chúa Giêsu Kitô, Đấng từ trời xuống, đã chu toàn nhiệm vụ, hoàn tất cuộc hành trình, nay trở về cùng Chúa Cha để tỏ niềm tôn vinh Đấng đã phái Ngài đi thực thi công cuộc cứu chuộc trần gian.

“Lạy Cha, con phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Là lời nguyện của người con thảo hiếu hướng về Thiên Chúa và gọi Người “Cha ơi! ”. Đây là lời nguyện đã từng được thốt lên bởi biết bao nhiêu người đau khổ có trước Đức Giêsu và sau Đức Giêsu, và chắc chắn, cũng sẽ là của mỗi chúng ta, vào giờ phút thử thách tận cùng, tận căn nhất của một đời người: bệnh tật, bách hại, bỏ rơi, hiểu lầm, kết án….Đây là lời nguyện của sự tín thác vào bàn tay của Thiên Chúa là Cha:  Phó thác sự sống của mình trong bàn tay Cha, bàn tay đã chở che con từng ngày bằng lòng bao dung và thương xót: “Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con” (Tv 139, 5). Vì thế, Nhà thần học Karl Rahner nói: “muốn biết Thiên Chúa là ai, phải quỳ dưới chân thập giá và cùng lúc hướng về cánh cửa mà Phục Sinh mở ra”. Mỗi ngày chúng ta chiêm ngắm tình yêu huyền nhiệm mà Đức Giêsu đã dành cho nhân loại và mỗi người chúng ta nói riêng nơi cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người, giúp chúng ta cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành nhân loại vĩ đại biết bao.

Đức Kitô đã mang lấy thân phận con người để ôm ấp, chia sẻ, an ủi, thương cảm, bao dung, và đặt hết vào bàn tay của Chúa Cha với tâm tình của người con thảo. Chúng ta xác tín rằng, cuộc đời của chúng ta, dù có như thế nào, đã được phó thác trong tay Chúa Cha rồi, nhờ Đức Kitô, trong Đức Kitô và với Đức Kitô. Bàn tay Thiên Chúa Cha nhân hậu và giàu Lòng Thương Xót đã giải phóng Đức Kitô khỏi sự chết, cũng sẽ giải phóng chúng ta khỏi sự chết, để đưa vào cung lòng Tình Yêu và Sự Sống vô biên của Người.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II trong tông huấn Đời Sống Thánh Hiến đã khẳng định: “Thập giá là sự sung mãn tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế giới” (VC số 24). Đức Kitô khi bị treo trên Thập giá, đã mang lại cho con người ý nghĩa đích thật của mầu nhiệm đau khổ. Cũng từ đó, đau khổ không còn phải là một hình phạt cho con người nữa mà là phương tiện để tôi luyện con người, để giúp con người trưởng thành hơn trong cuộc sống, cũng như để nhắc nhớ con người luôn biết hướng về quê hương đích thật là Nước Trời, nơi đó sẽ không còn khổ đau và nước mắt nữa.

Thật vậy, đã có biết bao con người tìm được sức mạnh để chịu đựng được những đau khổ lớn lao ngay cả khi cái chết gần kề, chính là nhờ sức mạnh cao cả của Tình Yêu Thập Giá.

Người nữ tu Mến Thánh Gía hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là Đức Kitô, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ.  (x Cl 2, 7).“Chúng ta hãy chiêm ngưỡng Đấng Chịu Đóng Đinh, là suối nguồn của niềm hy vọng. Từ từ chúng ta hiểu rằng hy vọng với Chúa Giêsu là học đã trông thấy ngay từ bây giờ cái cây nơi hạt giống, Phục Sinh trong thập giá, sự sống trong cái chết. Thật là hữu ích cho chúng ta khi dừng lại trước Chúa chịu đóng đanh”[1]
Chúng ta tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, chúng ta Vâng Phục Thánh Ý đó và chúng ta vâng phục với tư cách của người con yêu mến cha mình chứ không phải vâng phục như một kẻ nô lệ. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình và cách sống của Chúa Kitô để mọi ngày trong đời sống của chúng ta là lời tạ ơn và tín thác của người con thảo hiếu.

Lời nguyện kết :

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Khi Chiêm ngắm Chúa trên Thập Giá xin cho con hiểu được ý nghĩa và giá trị của Thập Giá trong cuộc đời mình. Xin cho con được cuốn hút bởi mầu nhiệm Tử Nạn của Chúa, Đấng như hạt lúa, chết đi để ban cho chúng con sự sống. Chính Ngài là hạt giống niềm hy vọng của chúng con. Chúa đã sống tâm tình tín thác trọn vẹn trong tay Chúa Cha, xin ban cho con ơn biết hiến dâng đời mình trong bàn tay của Chúa. Xin hãy tràn ngập tâm hồn con bằng ơn thánh của Chúa, xin hãy xâm chiếm toàn thân con bằng sự hiện diện của Chúa, để con gieo rắc tình thương của Chúa trong những nơi con đến phục vụ, trong cộng đoàn con đang sống. Và xin cho con hiểu rằng: con đã hoàn toàn thuộc trọn về Chúa trong Hội Dòng qua Ba Lời Khấn: Khiết tịnh, Nghèo Khó và Vâng Phục nơi cộng đoàn theo gương Chúa. Xin cho chúng con bước đi với Chúa, với chị em bằng một con tim thanh khiết, hân hoan, đầy ắp tình Chúa- tình người. Xin giúp con mỗi ngày làm triển nở Căn Tính Mến Thánh Giá giữa đời thường với nếp sống cao thượng vừa giản dị, đơn sơ, thanh khiết, chuẩn mực... Chính khi thể hiện căn tính của mình- trái tim của con càng trở nên trong sáng, thanh thoát, bình an và thuộc về Chúa luôn luôn . Amen

Thực hành: Tinh thần thuộc về Thiên Chúa và Hội dòng được thể hiện qua việc
thực thi Lời Khấn dòng. Sống Lời khấn thanh thoát, vui tươi trong nếp sống cộng đoàn.

---------------

[1]  (x. Bài huấn dụ của ĐGH Phanxicô ngày 13.04.2017)


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây