Thứ sáu Tuần 28 Thường Niên

Thứ tư - 16/10/2024 06:40 110 0

Thứ sáu Tuần 28 Thường Niên
Đức Giêsu bị kết án và bài học cho chúng ta.
 
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu, chúng con tôn thờ, yêu mến, chúng tụng ngợi khen Chúa vì Chúa đã dùng Thánh Giá mà cứu chuộc trần gian.
Lạy Chúa, đối với những người không có niềm tin- khi nhìn thấy chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa họ chẳng hiểu, họ cho rằng chúng con lập dị, khác người...bởi từ ngàn xưa giữa các hình thức trừng phạt phạm nhân, khổ hình thập giá là hình thức nặng nề, tủi nhục nhất. Và trong lịch sử nhân loại, biết bao người đã chịu khổ hình thập giá, tuy nhiên, khổ hình thập giá của Chúa là nổi bật và có giá trị sâu xa nhất, vì người chịu khổ hình là Con Thiên Chúa trong thân phận con người. Với Biến Cố Chúa chịu khổ hình thập giá, chết và phục sinh, đã mang lại cho nhân loại một sức sống mới, sự sống trường sinh.
Và trong thời hiện tại, con người cũng không thể hiểu được giá trị của Thập Giá. Dẫu người đời cho rằng Thập Giá là sự điên rồ, nhưng chúng con xác tín, chính vì Tình Yêu, cho Tình yêu, nhờ Tình Yêu thì có điên rồ cũng chẳng sao. Cái điên rồ của sự giải thoát khỏi tội lỗi để bước vào sự sống trường sinh.
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Xin cho con hiểu rằng con đường con đang đi dù là con đường hẹp, nhưng con không đi một mình, có Chúa đi bên con, các thánh của Chúa cũng đã từng kinh qua con đường ấy. Xin cho con biết liên kết mật thiết mọi khoảnh khắc đời con với Chúa để cùng học với Chúa những bài học mang giá trị nhân văn trong cuộc xét xử và kết án mà Chúa đã chịu. Chúa im lặng, hiền từ, nhẫn nại trước bất công, Chúa đã không che giấu mình nhưng tự nhận là Đấng Mesia, là con Thiên Chúa.

Suy niệm:
Khi ở Dinh Thượng Tế Caipha, toàn thể Thượng Hội Đồng lên án Đức Giêsu về tội “phạm thượng”, nghĩa là tội tôn giáo. Còn trước mặt Phi-la-tô, họ tố cáo Đức Giêsu về tội chính trị. Như thế, trong cuộc Thương Khó, mỗi lúc, Ngài mang thêm vào mình những thứ tội khác nhau.
Quan Phi-la-tô chất vấn chính xác về điều mà người ta tố cáo Ngài: “Ông là Vua dân Do Thái sao?” Đức Giêsu trả lời: “Chính Ngài nói đó”. Đức Giêsu có vẻ khẳng định, nhưng tại sao Phi-la-tô lại thấy Ngài không có tội gì? Có lẽ, vì ông cảm thấy ngay được rằng, vương triều của Đức Giêsu hoàn toàn khác, không mang mầu sắc chính trị vào bạo lực, không đe dọa vương quyền của Xê-da và quyền lợi của ông. Việc xử án là để xác định “đúng người đúng tội”. Nhưng ai vô tội, còn ai có tội? Đức Giêsu là bị cáo, vốn phải được định tội, nhưng ngược lại, lại được công bố là vô tội nhiều lần và càng ngày càng long trọng bởi chính quan Tổng Trấn Phi-la-tô, người có thẩm quyền xét xử.
Sự vô tội tuyệt đối của Đức Giêsu lại công bố cách mặc nhiên nhưng không kém mạnh mẽ sự có tội của con người. Người đầu tiên là quan Phi-la-tô, vốn biết rõ Đức Giê-su vô tội, ông không dùng quyền phán quyết tối cao để tha cho Đức Giê-su nhân danh sự thật và công lý, nhưng còn dùng Ngài làm “quà ngoại giao”, đối với vua Hê-rô-đê, và sau cùng phải chiều theo áp lực của quần chúng điên cuồng, đòi đóng đinh Đức Giêsu. Ông không đứng ra bảo vệ người vô tội, trong khi ông có quyền bính và có trách nhiệm.
Không cần tra vấn “Sự Thật”, cũng chẳng cần biết “Sự Thật” là gì. Không tố cáo được về tội danh xưng mình là “Con Thiên Chúa”, Philatô dự định tha cho Người. Những người thượng tế, kinh sư đổi tội danh khác “Nếu ngài tha nó, ngài không phải là bạn của Xê-da. Ai xưng mình là vua, thì chống lại Xê-da” (Ga 19, 12). Philatô rửa tay và trao cho họ đem Chúa Giêsu đi đóng đinh.
Thế là, Đức Giêsu đã bị kết án, bản án bất công, 
Philatô đã giao Đức Giêsu cho người ta đóng đinh vì ông sợ nhiều điều. Sợ mất chức tổng trấn, sợ không được coi là “bạn của Hoàng đế”. Chức quyền, bổng lộc, áp lực của giới lãnh đạo tôn giáo: tất cả đè nặng trên ông, khiến ông không dám làm điều lẽ ra ông phải làm. Ông không dám ra lệnh tha cho một người vô tội.
Khi chiêm ngắm hành trình Đức Giêsu bị kết án chúng ta có suy nghĩ gì về cách hành xử của mình trong cuộc sống đời thường?
Có thể chúng ta là những người có quyền mà hèn nhát nhu nhược hoặc thiên vị trong cách xử sự, đã để cho người nào đó bị oan ức và công lý không được thực thi. Có thể chúng ta là những người được học hành, hiểu biết uyên thâm như những kinh sư, biệt phái, nhưng không dùng sự hiểu biết ấy để bênh vực và góp phần thăng tiến con người, trái lại, còn lợi dụng kiến thức để đặt những gánh nặng lên vai người khác. Có thể chúng ta giống đám đông dân thành Giêrusalem hôm đó, bàng quan dửng dưng trước vụ án Giêsu, như thể điều đó chẳng liên quan đến mình. Cũng có thể chúng ta ở trong đám đông ồn ào, lợi dụng cơ hội để thoả mãn tính tò mò hoặc thỏa cơn thù giận cá nhân?
Đối với Đức Giêsu, trước bản án bất công, thái độ của Ngài ra sao? Chúng ta học được gì từ cuộc xét xử bất công này?
Đức Giêsu vẫn tỏ ra bình tĩnh khi bị đưa ra xét xử trước Thượng Hội Đồng Do thái với việc kết án bất công của Hội Đồng này (x. Lc 22,66-71). Rồi Người bị điệu ra trước tòa tổng trấn Philatô rồi tòa vua Hêrôđê. Người luôn khẳng định về vai trò cứu thế của mình. “ Đức Giê-su bị điệu ra trước mặt tổng trấn; tổng trấn hỏi Người: “Ông là vua dân Do-thái sao?” Đức Giê-su trả lời: “Chính ngài nói đó”. Nhưng khi các thượng tế và kỳ mục tố Người, thì Người không trả lời một tiếng. Bấy giờ ông Phi-la-tô hỏi Người: “Ông không nghe bao nhiêu điều họ làm chứng chống lại ông đó sao?” Nhưng Đức Giê-su không trả lời ông về một điều nào, khiến tổng trấn rất đỗi ngạc nhiên. ( Mt 26, 11-14)
  • Chúa Giêsu đã không che giấu Ngài là ai và chúng ta cũng thế, Chúng ta hãy  can đảm làm chứng về đức tin, tình yêu và sự thuộc về của mỗi chúng ta nơi Ngài trong những chọn lựa giữa cuộc sống tận hiến của mình hôm nay.
  • Chúa Giêsu thật bình tĩnh, điềm đạm, kiên nhẫn trước áp lực của sự vu oan, tố cáo, đánh mất sự thật và cả sự bất công, chúng ta cũng hãy học với Ngài về tính cách này. Đức Giêsu đã chịu sự bất công và ngược đãi, thiếu công bằng nơi toà án để làm theo Ý Chúa Cha mà không hề đánh mất chính mình, chúng ta xin Ngài cho chúng ta sức mạnh và tình yêu để có khả năng chịu đựng những gánh nặng trách nhiệm, những trái ý, những hiểu lầm, có khi là bất công nho nhỏ trong đời sống để bày tỏ tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và mang ơn cứu độ cho các linh hồn.
  • Chúa Giêsu không than van, trách móc, đổ lỗi, buồn phiền, tức giận...chúng ta cũng học với Ngài ở tính cách này. Chúa Giêsu đã đối mặt với sự phản bội, bị bắt, bị vu oan nghiệt ngã mà chẳng hề mở miệng kêu than, chúng ta xin Ngài giúp chúng ta, để khi đối diện với sứ vụ khó khăn, công việc đòi hỏi nhiều hy sinh, thiệt thòi đôi chút....chúng ta cảm thấy vui và không hề than thở, phàn nàn..
Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Con Thiên Chúa mà bị kết án tử hình bất công; Chúa là sự thật, là chân lý mà phải chịu một phiên toà dối trá, lưu manh... Chúa không kháng án, không lên tiếng và biện hộ cho mình? Đứng trước bản án bất công có thể dẫn đến cái chết nhưng Chúa không nói lời nào, Chúa im lặng.
Lạy Chúa Giêsu, phản ứng của Chúa gây kinh ngạc cho cử tọa và cho bao con người. Sự đáp trả của Chúa trước nghịch cảnh là im lặng. Sự im lặng của một tính cách nhân hậu, hiền lành, và tha thứ. Chúa đã biến sự dữ, bất công, oan trái thành giá trị cứu độ. Chúa đã đón nhận và biến đau khổ, nhục hình thành quà tặng của tình yêu. Chiêm ngắm Chúa tại các nơi xử án hôm nay, xin cho cho biết giá trị của sự thinh lặng. Sự thinh lặng nơi nhân cách của Chúa thì quá tuyệt vời rồi. Xin cho con biết thinh lặng đúng nơi đúng lúc. Vì nhiều khi chỉ cần một lời nói không đúng nơi, không đúng lúc, không đúng đối tượng dẫn đến mất tình chị em, tổn thương tình huynh đệ nơi đời sống chung; có lúc đã xảy ra chuyện khó lường, mất kiểm soát, có khi vì một câu nói lúc đang tức giận, thiếu kiềm chế, không hợp hoàn cảnh đã làm cho đời sống chung mất niềm vui, mất tình hiệp thông, không còn sự hiệp nhất giữa các thành viên trong cộng đoàn, bởi có ai đó đang bị tổn thương,
Xin giúp chúng con biết thinh lặng tích cực để lắng nghe tiếng Chúa, tiếng lương tâm và thể hiện nhân cách của mình. Bởi con hiểu rằng, giữa cuộc sống đời thường lắng nghe mới làm con lớn lên chứ không phải nói nhiều. “Có kẻ thinh lặng mà được kể là khôn ngoan, còn kẻ ba hoa thì đáng ghét”(Kn 20, 5). Xin giúp con nỗ lực tập luyện luôn mãi để trở nên người khôn ngoan. Amen

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây