Suy niệm Chủ đề tuần 3 Mùa Vọng C

Thứ hai - 09/12/2024 19:56 181 0

Suy niệm Chủ đề tuần 3 Mùa Vọng C
Chủ Đề: Hy vọng là vui trong niềm vui của Chúa, vì Chúa đã gần đến.

Lời Chúa: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến”. (Pl 4, 4-5)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con xin tạ ơn, chúc tụng, tôn vinh tình thương nhưng không Cha đã dành cho chúng con qua Thánh tử Giê-su, Ngài là niềm vui và hy vọng của chúng con. Ngày đón mừng kỷ niệm Con Chúa sinh xuống trần đã gần đến, chúng con được mời gọi hãy vui luôn, vui trong niềm vui của Chúa. Cũng như sống niềm vui của người biết chia sẻ, cho đi trong khiêm tốn và yêu thương.

Lạy Cha, chúng con cũng được mời gọi tiếp tục sứ mạng giới thiệu Đức Giêsu Đấng Cứu Thế duy nhất cho con người trong thế giới hôm nay nhờ việc liên kết chặt chẽ hơn với Đức Kitô. Thuộc về Đức Kitô qua Giáo hội và Hội dòng, được giải thoát khỏi mọi ràng buộc ở đời để sống cho Cha và tha nhân cách trọn vẹn hơn. Xin ban thêm đức tin và ơn Chúa Thánh Thần để chúng con chỉ yêu mến tìm kiếm và đạt được niềm vui trong Chúa. Niềm vui nhờ được giải thoát khỏi mọi nô lệ do tội lỗi, ma quỉ và sự chết là nguồn gốc của mọi đau khổ gây ra. Nhờ đó mà mỗi chúng con có sức hấp dẫn nhờ cuộc sống tràn niềm vui, hy vọng, cũng như tiếp tục làm lan tỏa niềm hy vọng trong đời sống thường ngày của mỗi chúng con. “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến”.

Suy gẫm:

Thời gian chúng ta mong đợi ngày mừng kỷ niệm Ðức Giêsu Kitô Giáng sinh đã gần kề, đây cũng là lúc chúng ta mong đợi ngày Chúa trở lại trong vinh quang để đưa những người lành thánh về với Chúa Cha. Vì thế chúng ta vững tin vào ơn tha thứ của Chúa để được kết hợp với Ngài trong tình yêu. Càng đi sâu vào quỹ đạo tình yêu của Người, chúng ta càng bám chặt vào Người cách trọn vẹn, để đức tin của chúng ta mạnh mẽ vượt thắng mọi sợ hãi thất vọng và nghi nan. Niềm vui và sự bình an đó chỉ có thể đạt được khi chúng ta giao hòa với Chúa và với nhau, gạt bỏ hết những hận thù chia rẽ. Sống tình tương thân tương ái và chia sẻ cho nhau những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.  “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. (Lc 3,11)

Mẹ Maria sau khi thưa lời xin vâng, mẹ đã đón nhận Đấng Cứu Thế đến cư ngụ nơi cung lòng mình. Mẹ không giữ niềm vui ấy cho riêng mình nhưng vội vã lên đường chia sẻ với chị họ Elisabeth: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi” (Lc 1, 39). Đó là niềm vui sâu xa nơi tâm hồn Mẹ, nhờ Mẹ luôn sống kết hợp với Chúa và suy gẫm Lời Ngài, Lời của niềm vui và Tin mừng.

Chúng ta thể hiện tình yêu đối với Chúa cách rõ nét qua tha nhân, không chỉ dừng lại ở những buổi tham dự phụng vụ, mà còn trong mọi tương quan giữa cuộc sống. Nhất là phải cải thiện mối tương quan đang bị đóng băng hay rỉ sét vì những hiểu lầm, bất hòa, dằn vặt vì bị tổn thương ...với ai đó để có một tâm hồn thanh thản, vui tươi, bình an và tràn hy vọng. Có như thế chúng ta mới có một tâm hồn thanh thản, vui tươi, mới có sư hấp dẫn, thu hút để giới thiệu Đấng Messia cho mọi người.

Thánh Phaolô mời gọi chúng ta vui trong niềm vui của Chúa. Niềm vui này không chỉ là tình cảm bên ngoài, nhưng phát sinh từ hoa trái của sự hiền hòa và rộng rãi, quảng đại với hết mọi người cách cụ thể: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4-5).

Chúng ta thể hiện niềm vui vì mình có Tin Mừng cứu độ, được Tin Mừng hướng dẫn...chúng ta có các lời tiên tri hứa hẹn và những lời ấy đã thực sự thể hiện nơi đời sống chúng ta.

Chủ đề tuần 3 Mùa vọng mời gọi chúng ta sống niềm vui trong hy vọng. Lý do chúng ta vui từ tin mừng này vì, “Chúa đã đến gần"” (Pl 4, 5b). Thế nhưng, làm thế nào để ta có thể chờ đợi Ngày Chúa Đến trong niềm vui thật, niềm vui của Chúa, niềm vui có Chúa ?

Thánh Gioan Tiền Hô đã chỉ ra những phương cách cụ thể cho việc chuẩn bị đón mừng Đức Kitô trong đời sống thực tế của ta:
  • Chia sẻ tận tình những gì ta có với tha nhân cách cụ thể là cơm ăn, áo mặc. Đó là những nhu cầu mà chính ta cũng cần để sống. Thánh Gioan khuyên những người đến hỏi ngài: “Ai có hai áo thì chia cho người không có, ai có gì ăn thì cũng làm như vậy”. (Lc 3,11) 
  • Lời mời gọi sống công bằng và nhân hậu: là thay đổi lối sống tầm thường con người mọi thời vẫn sống, đó là gian tham, ức hiếp người yếu thế, quá đề cao mình, coi thường người khác...những thói xấu này từ thời thánh Gioan Tiền Hô, người ta cũng đã từng sống như vậy. Vì thế, lời thánh Gioan kêu gọi người xưa cũng thiết thực cho mỗi chúng ta hôm nay: “Đừng đòi hỏi quá mức đã ấn định cho mình. Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta...” (Lc 3, 13-14). Sống công bằng trong chính công việc, trong trách nhiệm, bậc sống của mình cách cụ thể. Hãy đối xử công bằng với những người thân ngay trong gia đình của mình. Hãy sống công bằng với những người đồng nghiệp hay với những người ta có trách nhiệm. Hãy thực thi công bằng theo đúng luật pháp và luật của Chúa, luật Giáo Hội. Và hơn thế nữa, đừng hà hiếp ai, nhất là những người thấp kém về nhiều mặt, những người ta không ưa...hãy có lòng nhân hậu xót thương đối với mọi người. Mẹ Têrêsa khuyên chúng ta “Hãy trở nên nét nhân hậu của Thiên Chúa, nhân hậu trên nét mặt, nhân hậu trong khóe mắt, nhân hậu nơi nụ cười. Hãy luôn cho đi nụ cười hạnh phúc, cho lũ trẻ, cho đám dân nghèo, cho những ai đang đau khổ, đang đơn độc... Hãy cho họ cả trái tim”. Thực thi công bằng và sống nhân hậu, ta sẽ có một niềm vui trào tràn vì được thanh thản trong tâm hồn và dạt dào tình yêu nơi trái tim ta. Gieo yêu thương và bình an, ta sẽ gặt được niềm vui và hạnh phúc.

 

Sống hy vọng là sống niềm vui, cách đặc biệt nơi cuộc sống của người sống đời thánh hiến. Có thể nói, nếu cuộc sống thường ngày của người tu sĩ mà không có niềm vui thì người tu sĩ đó đang đi dần đến chỗ tuyệt vọng, không có niềm hy vọng. Dĩ nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng có những khó khăn và cả những đau khổ, nhưng chính niềm hy vọng về ơn cứu độ sẽ giúp chúng ta có thể vượt qua những khó khăn và có được niềm vui trong cuộc sống. Thánh Phaolô dạy chúng ta hãy biến niềm hy vọng trở thành động lực giúp ta trở nên chứng nhân cho Chúa, khi lướt thắng những gian khổ cách tươi vui.

 

Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên chúng ta hãy gieo những hạt giống của niềm hy vọng khi chúng ta trao cho nhau và cho mọi người một ánh mắt yêu thương, một nụ cười, một cử chỉ thân tình… những hành động này không chỉ giúp chúng ta sống niềm hy vọng mà còn giúp chúng ta bày tỏ niềm vui, vì luôn được Chúa yêu thương. Điều quan trọng hơn cả, mỗi người sống đời thánh hiến phải có tình yêu và sự bình an của Chúa trong tâm hồn. Đây là hồng ân cao quí Chúa ban và chỉ những ai thoát khỏi những ràng buộc trần thế, họ mới cảm nghiệm được điều đó. Như vậy, mỗi chị em chúng ta cần ý thức rằng: ơn gọi là một “Ân ban cao quý”. Để gìn giữ và sống thâm sâu ý nghĩa đời thánh hiến của mình chúng ta hãy cùng nhau luyện tập:
  • Mỗi cá nhân luôn tìm hạnh phúc từ Chúa và chú tâm vào Thiên Chúa hơn bất cứ điều gì khác trong cuộc sống, để đối lại với sự tục hóa đang xâm nhập vào bên trong nội vi của ngôi nhà cộng đoàn mình và với bản thân mỗi người.
  • Mỗi người cần xây dựng tình liên đới huynh đệ trong cộng đoàn để loại trừ chủ nghĩa cá nhân, chỉ biết chăm lo cho bản thân, cho lợi ích của những người mình có cảm tình hay yêu thích...
  • Mỗi người tập cho mình tinh thần quảng đại, hy sinh để dấn thân phục vụ, làm lan tỏa yêu thương nơi sứ vụ mình đang tham gia để vơi bớt những bất công và sự nghèo đói cả về vật chất lẫn tinh thần ngay trong môi trường mình phục vụ.
Và một điều quan trọng mà vị đại diện Đức Kitô nơi trần gian đang mời gọi và chờ đợi nơi đời sống những người thánh hiến: “Chúng ta được kêu gọi để cảm nghiệm và tỏ ra rằng Thiên Chúa có khả năng lấp đầy con tim của chúng ta và làm cho chúng ta hạnh phúc, mà không cần đi tìm hạnh phúc ở nơi khác; tình huynh đệ đích thực được sống trong các cộng đoàn nuôi dưỡng niềm vui của chúng ta”[1]. Ngoài ra, bằng việc hiến thân trọn vẹn để phục vụ Giáo hội và mọi người, mỗi chị em sẽ làm cho đời thánh hiến của mình trở nên hoàn hảo. Đó là cách chị em làm cho Giáo hội tỏa sáng và xinh đẹp bởi sự thánh thiện. Thánh Gioan Phaolo II cũng khẳng định điều này khi nói rằng: “mỗi nhà truyền giáo chỉ đích thực là nhà truyền giáo khi dấn thân sống thánh thiện, vì sự thánh thiện là nền tảng cốt yếu và là điều kiện không thể thay thế được để chu toàn sứ vụ cứu độ của Giáo Hội”[2].

Xin Chúa giúp chúng ta luôn sống trong sự hiện diện của Chúa để tỏa sáng niềm vui và hạnh phúc cho những người chúng ta gặp gỡ, tiếp xúc, để họ cũng nhận ra có một Thiên Chúa tình yêu đang sống động giữa chúng ta. Chúng ta sám hối, canh tân đời sống và thực tâm đổi mới để Chúa có thể làm cho tâm hồn và cuộc sống chúng ta nên tươi mới, nhẹ nhàng, thanh thoát, tràn niềm vui. Xin Chúa uốn nắn chúng ta trong tình yêu thương của Người, để chúng ta canh tân đời sống, hoán cải trái tim chai lì khô cứng của chúng ta, không để mình lệ thuộc vào bất cứ thứ gì ở đời này như: danh vọng, của cải, quyền lực… nhưng sống yêu thương với một tinh thần mới của người có đức tin, có niềm vui của hy vọng... Như thế, chúng ta được tham dự vào niềm vui và hạnh phúc đích thực của Chúa. 

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, niềm vui chỉ thực sự đến trong đời sống khi chúng con sám hối trở về với Chúa, sống yêu thương, công bình, thánh thiện và chu toàn mọi việc bổn phận cách tốt đẹp, đó là hoa trái của lòng sám hối và canh tân đời sống. Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn chúng con nên khiêm tốn, trinh trong, tinh tuyền như Chúa muốn, để sống niềm hy vọng phó thác trong mọi hoàn cảnh. Càng tích cực cải thiện đời sống và giúp nhau sống hạnh phúc, chúng con mới có niềm vui đích thực Chúa ban tự sâu thẳm nơi tâm hồn. Và

Lạy Chúa, chúng con nhận biết:  “Niềm vui chia sẻ - niềm vui nhân đôi”. Trong cuộc sống, yêu thương và chia sẻ là hai giá trị cơ bản của tình cảm và sự đồng cảm giữa con người. Hơn thế nữa, chúng con đang sống trong niềm vui vì hy vọng được cứu độ. Niềm vui này, cần phải được làm cho nhân rộng lan tỏa đến với mọi người. Xin cho cho tình bác ái, chia sẻ, phục vụ con người và niềm vui được làm con Chúa như vết dầu loan tràn lan đến với mọi người, mọi nơi ngang qua đời sống của chúng con. Ước gì khi chờ đợi Chúa đến trong vinh quang, chúng con sống sung mãn niềm vui Chúa hứa và biết công bố niềm vui ơn cứu độ cho hết mọi người qua chính đời sống vui tươi hạnh phúc của chúng con. Amen

____________________


[1] Trích Tông Thư Năm Đời sống Thánh hiến, số 1.
[2] Gioan Phaolo II, Tông huấn “Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc”, số 90

 

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây