Thứ sáu Tuần V Thường Niên C
TT/MTG QN
2025-02-12T00:45:23-05:00
2025-02-12T00:45:23-05:00
https://hoidongmtgquinhon.org/suy-niem-ben-thanh-gia/thu-sau-tuan-v-thuong-nien-c-3795.html
https://dongtrinhvuongsaigon.org/uploads/news/2020_09/thanh-gia.jpg
MẾN THÁNH GIÁ QUI NHƠN
https://hoidongmtgquinhon.org/uploads/logonew.png
Thứ sáu Tuần V Thường Niên C
Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá để học sống tinh thần tự hủy,
tận tụy trong phục vụ
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng con xin tôn thờ, yêu mến, chúc tụng, ngợi khen và cám ơn Chúa ngay từ giây phút đầu tiên của ngày sống mới này. Cám ơn Chúa đã luôn ban muôn phúc lành trên mỗi chúng con. Chúng con tin Chúa luôn hiện diện trong mọi giây phút sống nơi cuộc đời mỗi người. Ở mọi nơi, mọi lúc, tình yêu và ân sủng của Chúa luôn chan hòa trên chúng con, giúp chúng con tiến bước trên đường theo Đức Giêsu trên đường Thánh Giá cách trung tín, vui tươi và nhiệt tình hơn.
Lạy Chúa Giêsu, khi đóng đinh Chúa trên thập giá, những đầu mục Do Thái tưởng họ đã hạ gục được tên chuyên làm phép lại, tên phạm thượng, thỏa lòng ghanh ghét đố kỵ, hân hoan đã hoàn toàn chiến thắng …Nhưng Giờ Tử Nạn đối với Chúa không phải là thất bại, nhưng là Giờ được Chúa Cha tôn vinh. Như hạt lúa phải chịu mục nát, chịu chết đi mới sinh được nhiều hạt lúa mới, nhờ cái chết trên thập giá. Chúa đã được Chúa Cha tôn vinh cho sống lại và đặt làm chúa tể muôn loài.
Hôm nay, chúng con muốn chiêm ngắm gương khiêm nhường, tự hủy của Chúa để tập sống tự hủy trong đời tận hiến của chúng con, nhờ đó chúng con mới có khả năng thi hành sứ vụ của mình cách tận tụy và trung tín hơn.
Xin Chúa Thánh Thần cùng đồng hành với chúng con trong giờ nguyện gẫm này,
Suy Gẫm:
Mầu nhiệm Nhập Thể khởi đầu cho con đường Tự Hủy mà Đức Giêsu bước đi. Là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã từ bỏ địa vị Thiên Chúa để trở nên con người, sống như con người và mang lấy thân phận bất toàn yếu đuối. Ngài là thể hiện tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Ngài không yêu con người bằng một tình yêu trên cao, nhưng yêu bằng một tình yêu cúi xuống, tình yêu hiện diện, tình yêu đồng hành, hiệp hành với con người. Con Thiên Chúa đã trở nên con người, đã đến với con người, hiện diện cùng con người trong thân phận mong manh với hình hài bé nhỏ của trẻ thơ con nhà nghèo. Nơi Mầu Nhiệm Nhập Thể chúng ta học được bài học Tự Hủy nơi sự Vâng Phục. Mầu nhiệm tự huỷ của Đức Giêsu được thánh Phaolô diễn tả: “Đức Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vì ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.(Philipphê 2,6-8)
Chiêm ngắm cuộc dương thế của Chúa Giêsu, chúng ta thấy cả một chuỗi tháng ngày “bỏ mình” của Người: sinh ra nơi hang bò lừa, nằm trong máng cỏ hôi tanh (x.Lc 2,12); sinh sống và lớn khôn ở ngôi làng Nazarét, một địa danh bị coi khinh là “chẳng có chi tốt đẹp” (x.Ga 1,46); hạ mình dìm xuống nước sông Giođan cho Gioan thanh tẩy mình như một tội nhân (x.Lc 3,21); bằng lòng trở nên bạn hữu của mười hai môn đệ còn rất nặng tính phàm trần, và thậm chí còn vui lòng quỳ gối rửa chân cho các ông như một đầy tớ; cả đến lúc cuối đời cũng vẫn còn cam lòng chịu chết nhục nhã giữa hai tên gian phi và để cho người ta an táng xác mình nhờ nơi mộ phần của Giuse Arimathia (x.Mt 27,60)…
Chính nhờ sự tự hủy mình ra không của Chúa Giêsu mà kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa trong thời sau hết đã được thực hiện. Từ đó, nhân loại liên tục được hưởng nhờ hoa trái ân sủng từ trời cao, được ban xuống nhờ công nghiệp Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Sự tự hạ và lựa chọn vâng phục của Đức Kitô dẫn Ngài tới cùng đích của thân phận thụ tạo.“Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,7). Toàn bộ cuộc đời của Đức Giêsu Kitô là “vâng phục”: Người đã vâng phục Chúa Cha, bằng lòng chịu chết…đây chính là hành vi nói không với tội lỗi và sự chết. Tình yêu và sự vâng phục, dâng hiến luôn song hành với nhau. Sự vâng phục hoàn hảo nhất là vâng phục vì tình yêu. Ngôi Lời đã tự huỷ chính mình để có thể sống hoàn toàn cho Chúa Cha và cho loài người chúng ta.
Có thể nói, Tình yêu của Đức Giêsu dành cho Chúa Cha và nhân loại, cho từng con người không thể diễn tả bằng lời nên Người đã thể hiện bằng hành động, chết cho người mình yêu. Ngài đã sống khiêm hạ và tự hủy suốt hành trình cuộc đời để hoàn tất chương trình cứu độ mà Chúa Cha ủy thác cho Người vì yêu nhân loại và cho riêng mỗi chúng ta.
Đối với chúng ta, những người nữ tu Mến Thánh Giá, tinh thần Tự Hủy là nét độc đáo riêng trong tình yêu mà mỗi chúng ta dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh. Yêu là “trút bỏ” cái tôi, để thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô để cùng với Người tham gia đời sống mới (x.Rm 6,8). Để đạt đến sự hoàn thiện theo gương Đức Kitô phải từ bỏ con người cũ, chiến đấu nội tâm và tu luyện.
Cùng với tinh thần tự hủy tự bên trong nội tâm, chúng ta cần thể hiện điều này qua cung cách làm việc, với tinh thần dấn thân phục vụ một cách vô vị lợi. Bởi đời sống người tu sĩ phản chiếu dung mạo một Thiên Chúa không ngừng hiến thân vì nhân loại, một Thiên Chúa làm người đã đến để phục vụ chứ không để người ta phục vụ (Mt 22, 28). Với cung cách khiêm tốn, hiền lành, vui tươi, thanh bình người ta bị đánh động về sức mạnh của Thiên Chúa, Đấng tuyệt vời thế nào mới có sức hấp dẫn những người sống đời Thánh hiến luôn vui vẻ lạc quan, dấn thân phục vụ vô điều kiện như vậy.
Sống linh đạo Mến Thánh Giá, là tập sống tinh thần Tự Hủy được gợi hứng từ thời Đức cha Lambert của 355 năm về trước, nhưng đến nay vẫn còn hợp thời. Chiêm ngắm gương Tự Hủy trong suốt cuộc đời của Chúa Giêsu và trên thánh giá chúng ta thành thật nhìn lại mình về động lực sống và làm việc của mình từng ngày, từ những chuyện nhỏ nhất để thấy rằng, chúng ta đang ở đâu trong hành trình ơn gọi ? Chúng ta đang theo sát Đức Kitô từng gang tấc hay đang ở rất xa Ngài. Trái tim và Nội tâm chúng ta đầy Chúa hay những thứ khác? “Trong tất cả vận động, đấu tranh, con hãy phân tích ra: Chúa mấy phần trăm? Mấy phần trăm của tự ái? của vụ lợi? của ý riêng? sợ phần Chúa không còn bao nhiêu” (ĐHV.112). “Trong lúc con tuyên bố: Vì Chúa, vì Hội Thánh “con hãy thinh lặng trước mặt Chúa và thành thật hỏi Chúa: “Chúa thấy con hành động hoàn toàn vì ai? hay Chúa là lý do thứ yếu, còn lý do khác mạnh hơn, con không tiện nói”. (ĐHV. 115)
Ước gì chúng ta thật sự nhận ra mình đang ở đâu trong trái tim Giêsu và Giêsu có trong trái tim mình không, để từ đó chúng ta nỗ lực hơn nữa để biến đổi, canh tân “Canh tân đích thực trong Giáo hội không có nghĩa là vất vả xây dựng những ngôi nhà mới. Canh tân đích thực là nỗ lực làm cho những gì của chúng ta biến mất càng nhiều càng tốt, để cho những gì của Chúa Kitô được rõ nét hơn, đó là chân lý tỏ tường nơi các thánh. Sự canh tân chỉ có thể bắt nguồn từ những tâm hồn được Chúa chạm đến, được Chúa biến đổi…, chỉ từ những tâm hồn ấy mới có sự canh tân sâu xa, chứ không phải từ cái đầu”. ( Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI)
Lời nguyện kết:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con gương thánh thiện là Đức Cha Lambert, ngài đã tha thiết yêu mến Đức Kitô và khao khát được đồng hóa với Người trong mầu nhiệm tử nạn. Đấng sáng lập của chúng con muốn tiếp nối cuộc đời đau khổ của Ngôi Lời Nhập Thể và sẵn sàng cho Người mượn thân xác để tiếp tục hy sinh. Mỗi chặng đường chông gai, thử thách là những kinh nghiệm sâu lắng mà ngài đã cảm nghiệm từ nơi Thập giá cũng như tình yêu ngài dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh. Được triển nở và đạt đến tình yêu viên mãn, bởi vì ngài không chỉ yêu bằng một tình yêu bình thường nhưng với một tình yêu phi thường trong những Thập Giá giữa đời thường. Niềm say mê dành cho Thập Giá đã giúp đấng sáng lập dòng của chúng con vượt qua tất cả và làm tròn sứ mạng Chúa ủy thác. Xin cho mỗi chị em chúng con biết trút bỏ những thứ hành trang cồng kềnh và những lối mòn của tầm thường, để biết sẵn sàng canh tân đời sống của mình bằng tình yêu duy nhất dành cho Đấng chịu đóng đinh và vì phần rỗi anh chị em mình - có như thế đời sống chúng con càng tiến tới sự thánh thiện.
Càng suy gẫm về Mầu Nhiệm Thập Giá con càng thấy tình Chúa yêu thương con thật lớn lao. Con được Chúa yêu thương không phải vì con xứng đáng mà vì Chúa muốn yêu thương con. Lạy Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa phủ lấp tội lỗi của con. Vì thế, Chúa không để con phải ngụp lặn mãi trong tội. Trái lại, Chúa đã đi bước trước và đã đến tìm gặp con trong chính vũng lầy tội lỗi...con xin cám ơn Ngài, Lạy Chúa của con. Xin cho mỗi chúng con luôn sống gắn bó với Chúa và chiêm ngắm Chúa trên thập giá để sẵn sàng phục vụ trong sứ vụ của mình với lòng tận tụy, hy sinh và lòng yêu mến .Amen

Tác giả bài viết: TT/MTG QN