Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá là nguồn hy vọng của chúng ta.
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con xin dâng lời chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh và cảm tạ Chúa về muôn ơn phúc lành Chúa đã dành cho chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, con ngợi khen, yêu mến Chúa- vì Ngài đã phó thác mọi sự nơi Chúa Cha. Chúa đã vâng phục và tin yêu trong mọi sự để mang ơn cứu độ cho chúng con. Thánh Gioan đã cho chúng con biết Thánh Giá là phương thế cứu độ con người:“Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người thì không bị tiêu diệt muôn đời” (Ga 3,14). Thật tuyệt vời khi con nhìn ngắm Chúa trên Thánh giá, Xin Chúa cho con cảm nghiệm sâu xa về tình yêu và ơn cứu độ mà Chúa dành cho Chúa Cha và nhân loại ngang qua cuộc Tử nạn và Phục Sinh của Ngài.
Trong cuộc sống của mình, con thường ít nhận ra tình yêu Chúa đang tuôn tràn trên con nơi những niềm vui đơn sơ, chân thật trong cuộc sống...Tình yêu Chúa luôn chan chứa nơi con cả trong tinh thần và thể chất...vậy mà chỉ những khó khăn, buồn phiền cỏn con, con lại dễ dàng nghi ngờ trước tình thương nhưng không ấy. Xin Chúa thêm đức tin và lòng mến Chúa cho con, để nhờ ơn Chúa con luôn tin tưởng và đặt trọn niềm hy vọng vững vàng nơi Ngài.
Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu đầy lòng thương xót, xin hãy làm cho trái tim con giống như Trái tim của Ngài, vì Ngài là cùng đích con đang bước theo với trọn niềm tin yêu hy vọng !
Suy gẫm:
Thập giá có một lịch sử khá dài, gắn liền với lịch sử của đế quốc Roma. Nhà cầm quyền La Mã đã sử dụng khổ hình thập tự giá để răn đe dân các nước thuộc địa, và chắc hẳn thời ấy chẳng mấy ai dám nghĩ đến việc dùng thập giá làm đồ trang sức, nếu không nói rằng mọi người đều sợ hãi và tránh đề cập đến.
Ngày nay người ta dùng biểu tượng ấy để làm đồ trang sức bằng những thứ kim loại quý giá,
Vậy thì điều gì đã khiến một biểu tượng khổ hình trở nên biểu tượng của tôn giáo, trở nên món đồ trang sức? Thưa rằng chính sự kiện một người mang tên Giêsu đã chết treo trên thập giá cách đây hơn 2000 năm! Từ khi biến cố này, thập giá (với ảnh Chúa Giêsu treo trên đó) mới được xem như một biểu tượng tôn giáo, đáng yêu và dễ thương. Thập giá Đức Kitô đã trở thành biểu tượng của Kitô giáo, biểu tượng mà người Kitô hữu lấy làm hãnh diện và tự hào được mang trên mình, được các Kitô hữu “vẽ” trên cơ thể ( làm dấu) mỗi khi bắt đầu một công việc, một nghi thức phụng tự, một cuộc hội họp tôn giáo, như là lời tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô, như thể nói với nhau: chúng ta hội họp nơi đây là nhân danh Đức Kitô, Đấng đang quy tụ mọi người trong hy vọng được bày tỏ lòng yêu mến Ngài và mong được hưởng ơn cứu độ nơi Mầu Nhiệm Tử nạn và Phục Sinh của Ngài !
Thánh Giá trên đỉnh tháp các giáo đường là biểu tượng Thánh đường Công giáo. Thánh Giá đặt trên bàn thờ các gia đình Ki-tô-giáo...Thánh Giá xây trên mộ huyệt các Ki-tô hữu qua đời trong Nghĩa trang hy vọng về cõi phúc vĩnh cửu sau cái chết.
Thập giá đã từng là hình phạt, là thứ khổ hình tàn bạo nhất dành cho những tử tội nguy hiểm. Khổ hình thập giá không những đem đến một cái chết đớn đau, thảm khốc cho tội nhân mà còn là một sự hổ thẹn, nhục nhã nhất cho người bị án phạt. Thế nhưng, thánh Phaolô đã coi Thánh Giá biểu hiện của tình yêu Đức Giêsu dành cho Chúa Cha và nhân loại và đó cũng là lý do để Ngài được tôn vinh: “Người đã tự hạ mình và vâng lời cho đến chế và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên hết mọi danh hiệu” (Pl 2,8-11). Còn theo thánh Gioan, Thánh Giá là phương thế cứu độ con người: “Cũng như Môsê treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người thì không bị tiêu diệt muôn đời” (Ga 3,14). Do đó, Thánh Giá trở nên niềm hy vọng tràn đầy cho con người.
Chiêm ngắm Thánh Giá Chúa Giêsu cho ta cảm nhận tình yêu cho đến cùng Thiên Chúa dành cho mọi người và từng người trong nhân loại. Một tình yêu trọn vẹn và mãi mãi không bao giờ thay đổi, bất kể con người là ai và đang ở trạng thái nào: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào con của Người, thì không phải hư mất nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế gian, không phải để lên án thế gian nhưng là để thế gian nhờ Con của Ngừoi mà được cứu độ” (Ga 3,17).
Chiêm ngắm cái chết đau thương của Chúa Giêsu trên thập giá cho ta thêm xác tín: Thiên Chúa thực sự đã đi vào trong cái chết, cái khổ đau, cái cô đơn, tuyệt vọng của con người. Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã trải nghiệm tất cả mọi khổ đau của con người và Ngài sẽ vực dậy tất cả. Nhờ cái chết của Đức Giêsu Thiên Chúa đã đưa vào trong cái chết của chúng ta một sự sống mới, sự sống vĩnh cửu. Nhờ cái chết của Đức Giêsu, thập giá trở thành niềm hy vọng vô biên và là chỗ dựa vững vàng cho những ai tin vào Đức Giêsu.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá, xin Ngài chúng ta thêm tin tưởng, hy vọng vì thập giá chính là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, là phương thế cứu độ con người, là niềm hy vọng tràn đầy trong vinh quang Thiên Chúa, là niềm tự hào và là chỗ dựa vững chắc cho những ai tin vào Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của trần gian. Thập giá chính là tình yêu đến cùng Thiên Chúa dành cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô.
Người nữ tu Mến Thánh Gía được mời gọi thường xuyên tưởng nhớ, chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá trong mọi hoạt đời sống mình. Nhờ đó, chúng ta càng thêm xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa nơi Thánh Giá. Tình yêu Thiên Chúa cho chúng ta sức mạnh để đón nhận những thánh giá đời mình: những khó khăn, bất lợi, những rủi ro, thất bại, những không vừa ý…với niềm tín thác vào lòng thương xót của Ngài. Một khi cảm nhận tình yêu Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận những bất toàn, khiếm khuyết của nhau trong đời sống chung; cũng như mỗi cá nhân sẽ được ơn biến đổi, bớt đi những tật xấu, lưu tâm hơn trong việc tập luyện đời sống nhân bản, hành vi nhân linh sẽ được thực hiện cách thường xuyên hơn giữa đời thường.
Chúng ta cùng suy nghĩ vài đoạn trong bài giáo lý của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hôm 5/4/2023 “Chúng ta cũng hãy nhìn vào Chúa Giêsu bị thương tích….điều đó giúp gì cho niềm hy vọng của chúng ta? Chúng ta cũng bị thương tích : ai không bị thương tích trong cuộc sống ? Thưa anh chị em, vấn đề không phải là bị cuộc sống làm tổn thương ít hay nhiều, vấn đề là tôi làm gì với những vết thương của mình. Những vết thương nhỏ, những vết thương lớn, …Tôi làm gì với những vết thương của mình ? Những vết thương của chúng ta có thể trở thành nguồn hy vọng, khi, thay vì khóc thương chính mình hay che giấu chúng, chúng ta lau nước mắt cho người khác ; khi, thay vì nuôi dưỡng oán hận vì những gì đã bị lấy đi khỏi chúng ta, chúng ta quan tâm đến những gì người khác thiếu; khi, thay vì nghiền ngẫm trong lòng, chúng ta lại cúi xuống trước những người đau khổ; khi, thay vì khao khát tình yêu cho chính mình, chúng ta làm dịu cơn khát của những người cần đến chúng ta.”
“Hãy suy nghĩ : tôi có thể làm gì cho người khác ? tôi bị thương tích, tôi bị tổn thương bởi tội lỗi, tôi bị tổn thương bởi lịch sử, mỗi người có vết thương riêng của mình. Tôi phải làm gì : có phải tôi liếm những vết thương của mình như thế suốt đời không ? Hay tôi nhìn vào vết thương của người khác và tôi khởi đi với kinh nghiệm thương tích của đời mình, để chữa lành, để giúp đỡ người khác ? Đó là thách thức của ngày hôm nay, đối với tất cả anh chị em, đối với mỗi người chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta tiến về phía trước”. Xin Chúa Giêsu trên thánh giá cho chúng ta cảm nhận cách sâu xa về tình yêu tự hiến của Người để mỗi chúng ta được lớn lên từng ngày trong ơn nghĩa Chúa.
Thập giá không chống lại thế gian, nhưng là vì thế gian: mang lại ý nghĩa cho mọi đau khổ đã có, đang có và sẽ có trong lịch sử nhân loại. Đức Giêsu nói với ông Nicôđêmô: "Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ con của Người, mà được cứu độ" (Ga 3,17). Thập giá là lời tuyên bố sống động rằng chiến thắng cuối cùng không thuộc về những người chiến thắng người khác, nhưng thuộc về những người chiến thắng chính mình; không thuộc về những người gây ra đau khổ, nhưng thuộc về những người chịu đau khổ.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, con xin tôn thờ yêu mến và chúc tụng Chúa. Con cám ơn Chúa đã dùng Thánh Gía mà cứu độ con. Hằng ngày con vẫn nói lời tâm niệm này, con vẫn biết Chúa đã vâng lời Cha cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa đến thế gian không phải để làm theo ý mình, nhưng để làm theo ý muốn của Chúa Cha. Con mong muốn trở thành người yêu của Đấng Chịu Đóng Đinh. Con muốn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng mình, xin cho con biết học với Chúa bài học khiêm nhường, tin yêu và phó thác để con tập từ bỏ ý muốn riêng của mình. Thực hiện ý muốn của Thiên Chúa ngang qua đời sống thánh hiến, tận tụy, tận tâm thực hiện những cam kết đã được ghi lại trong Hiến Chương và Nội Qui của dòng…cũng như nỗ lực hơn nữa để gắn kết đời mình với Chúa trong đời sống Nội tâm, luôn nhẩm đi nhắc lại lời thật đẹp dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh, “Kính chào cây Thánh Giá, nguồn hy vọng duy nhất của đời sống con”. Amen
