Thứ sáu Tuần II Thường Niên C
Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá
để tập sống hiền lành, khiêm nhường
“Hãy học cùng ta, vì ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29b)
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, cám ơn Cha đã cho chúng con một đêm nghỉ an lành. Giờ đây lại cho chúng con cơ hội để được cùng nhau dâng lời chúc tụng, ngợi khen và tôn vinh Ba Ngôi với tâm tình của người con thảo hiếu. Xin Cha vui nhận và chúc lành cho chúng con.
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chiêm ngắm Chúa trên thánh giá, với những dấu đinh nơi chân tay và cạnh sườn bị đâm thủng - máu cùng nước chảy ra, xin cho chúng con xác tín về tình thương nhưng không Chúa dành cho chúng con. Suy gẫm về tình yêu Chúa, xin cho chúng con biết học với Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu khi ngài thổ lộ: “Tình yêu chỉ có thể đáp trả bằng tình yêu” để chúng con nỗ lực hơn nữa thể hiện tình yêu đơn thành của mình dành cho Chúa, qua những chọn lựa sống theo gương Chúa “Hiền lành và khiêm nhường” trong đời sống chúng con.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết mở lòng đón nhận nguồn sinh lực mới, mà Chúa đang đợi chờ để thi ân cho chúng con. Nhờ đó, mỗi người đáng được hưởng nhờ ơn cứu độ mà chúng còn có thể đạt được với sự hiền lành và khiêm nhường trong cách cư xử hành động giữa đời thường.
Suy Gẫm:
Thiên Chúa chỉ mạc khải mầu nhiệm Nước trời cho những tâm hồn đơn sơ khiêm hạ. Những kẻ cậy mình khôn ngoan không được biết những điều kín nhiệm của trời cao. (x.Lc 10,21-24). Thiên Chúa yêu thương người hèn mọn và bênh vực người yếu đuối. Chính trong sự nhỏ bé của con người, huyền nhiệm tình yêu được bày tỏ.
“Chính tôi, Phao lô một kẻ trước mặt anh em thì khúm núm, mà vắng mặt thì lại ra oai, tôi xin dựa vao lòng nhân từ khoan dung của Đức Kitô mà khuyên nhủ anh em” (2Cr 10,1). Trong đoạn thư gửi này thánh Phaolô nhắc lại “sự nhân từ và khoan dung của Chúa Kitô” (2 Cr 10,1). Còn thánh Phêrô thì nhắc lại thái độ của Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó: Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bằng” (1 Pr 2,23). Sự hiền lành của Chúa Giêsu được chứng tỏ rõ ràng trong cuộc Thương Khó của Người. “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (x. Phil 2, 6-8),
Đức Giêsu đã tự nguyện trở nên hư không, khi mang lấy kiếp người, và đã vâng phục đón lấy Thập giá. Ngài cũng khai mở cho chúng ta một chỉ dẫn để dấn bước vào con đường dành riêng cho mỗi người, chứ không phải là con đường mà chính Ngài đã đi qua. Chúng ta biết rằng, hành vi khiêm nhường này dẫn đến việc Ngài được tôn vinh. Chúng ta có mẫu gương về một Đấng “Thiên Chúa làm người”, đã lãnh nhận phần thưởng vinh thắng, sau khi thể hiện sự trung tín cho đến chết và chết trên Thập giá. Ngài đã sống lại, được vinh thăng trên cõi trời và được mọi miệng lưỡi tuyên xưng là Chúa. Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là Chúa". (x. Pl 2,6-11).Chúng ta cần phải xác tín và tin tưởng rằng, khi chúng ta biết khiêm tốn dấn bước vào con đường mà Thiên Chúa mời gọi,
Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy học nơi Người về “lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Cần loại bỏ thái độ tự mãn về sự khôn ngoan thông thái của mình, để tập suy nghĩ đơn sơ trung thực như trẻ thơ. Bấy giờ chúng ta sẽ được Chúa mặc khải những mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. Mt 11,25-27).
Chúng ta đã biết về câu chuyện một con nhái bén kiêu căng? Ngày nọ một con nhái bén kiêu căng lên tiếng thách đấu với một con bò mộng. Nhái ta cố uống nhiều nước để phình bụng ra to hơn con bò. Nhưng to đâu không thấy, chỉ thấy con nhái bén kia sau một hồi cố gắng đã bị nổ bụng và chết thảm thương.
Câu chuyện con nhái bén dạy chúng ta “Đừng trèo cao để khỏi bị té đau”, đừng “xưng hùng xưng bá” khi không có thực tài như người ta thường nói: “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Đàng khác dù có thực tài đi nữa nhưng phải ý thức về giới hạn của mình như người xưa dạy: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị”.
Đối với chúng ta những người yêu mến thánh giá, đặc tính của Hội dòng mời gọi mỗi chị em sống đơn sơ, khiêm tốn, hiền lành, vui tươi...như thế, tinh thần tu đức của người nữ tu Mến Thánh Giá càng làm triển nở mạc khải của Tin Mừng.
Chúng ta quyết tâm ứng xử hiền hậu khiêm nhường, thể hiện tinh thần tu đức này giữa đời thường, nơi đời sống chung và trong các hoạt động mà sứ vụ mời gọi:
- Hiền lành, Khiêm nhường bằng cách nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân: Người khiêm nhường sẽ biết kềm chế cơn giận khi bị kẻ khác khinh thường và đối xử không tốt với mình, noi gương Đức Giêsu đã nhẫn nhịn dân làng Sa-ma-ri không tiếp đón Thầy trò vào ở trọ trong làng của họ. Bấy giờ hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an tức giận yêu cầu Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? ” Nhưng Người quay lại quở mắng các ông: “Anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào. Vì Con Người không đến để làm cho người ta mất mạng, nhưng là để cứu mạng”. Rồi thầy trò đi sang làng khác (x. Lc 9,53-56).
- Hiền lành, Khiêm nhường để không khoa trương công đức để tìm tiếng khen (x. Mt 6,1-4): Người khiêm nhường sẽ tránh thái độ “thùng rỗng kêu to”; “Làm láo báo cáo hay” hoặc có khi tìm cách che đậy cái xấu và phóng đại điều tốt để được người đời ca tụng.
- Người Hiền lành, Khiêm nhường thường dễ dàng tha thứ : Đức Giê-su đã dạy: “Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (x. Mt 5,43-45). Trong kinh Lạy Cha Người cũng dạy cầu nguyện: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6,12).
- Hiền lành, Khiêm nhường sẵn sàng yêu kẻ thù và làm ơn cho những kẻ bách hại mình (x. Mt 5,39-42): Trên thập giá, Đức Giê-su đã nêu gương hiền hậu và khiêm nhường khi im lặng chịu đựng sự sỉ nhục và xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ mình (x. Lc 23,34)
Sự hiền lành, khiêm nhường nơi Đức Giêsu không phải là thái độ nhu nhược thụ động, không đồng nghĩa với bất nhất ba phải… nhưng luôn ăn ở công minh chính trực, từ bi nhân ái, thể hiện qua lối ứng xử của Ngài.
- Không kết án bất công cho kẻ khác “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8,11b).
- Hiền lành nhưng cương quyết: Người đã hạch kẻ đã vả mặt Người rằng: “Nếu tôi nói sai, hãy chứng minh xem sai chỗ nào. Còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi ?” (Ga 18,22-24).
- Hiền lành nhưng không thỏa hiệp với bọn đạo đức giả: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào ! Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để cho họ vào” … “ Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia ! Các ngươi trốn đâu cho khỏi hình phạt hỏa ngục ?” (Mt 23,13.33)
Chiêm ngắm gương khiêm nhường và hiền lành của Đức Giêsu, chúng ta cùng dành ít phút để tự vấn xem mình là người đang sống đức khiêm nhường và hiền lành như thế nào:
- Tôi có dám nhìn nhận sự thật về mình ? Tôi là người hay bào chữa về những vụng về, thiếu sót, sai sót của mình?
- Tôi có đủ kiên nhẫn và hiền hòa để biểu lộ tình thương, sự khiêm tốn đối với những người mình phục vụ ?
- Tôi đã sống chứng tá như thế nào trong vai trò là người linh hoạt cộng đoàn, một nhà giáo, một nhân viên y tế, một sinh viên, một chị nữ tu ?
Tôi có nhìn thấy một bằng chứng độc đáo và thực tế gương mẫu của Đấng Chịu Đóng Đinh trên thánh Giá mà Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đang thể hiện “Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (x. Phil 2, 6-8). Vậy, chúng ta cầu xin với Đức Giêsu cho chúng ta được ơn sống tự hũy để nên giống Ngài hơn mỗi ngày.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu là Đấng hiền lành, khiêm nhường và hay thương xót. Xin cho con biết ý thức về tội lỗi của mình để càng cảm nhận về tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Và cho con cảm nghiệm sâu xa về lời căn dặn của Đức Thánh Cha Phanxicô “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi tha thứ cho chúng con, và về phần chúng con, chúng con cũng đừng bao giờ mệt mỏi cầu xin Người tha thứ!”. Xin Chúa cho con cảm nhận sâu xa về sức nặng của tội con đã xúc phạm đến tình yêu Chúa. Xin cho con được lòng yêu mến Chúa thật tình để biết khóc cho tội lỗi của mình và cũng đừng để lòng con trở nên chai lỳ trước tội lỗi, liều mình vào những cám dỗ. Xin Chúa giúp con biết chân thành sám hối và trở về với Chúa cách chân thành.
Lạy Chúa, chỉ có đức tin mạnh mẽ, đức mến sâu xa và đức cậy bền vững mới uốn mềm lòng con nên khiêm nhường, bé nhỏ, dám sống cái tầm thường của mỗi ngày để ơn Chúa được lớn lên trong con. Xin Chúa đổ tràn lòng khát khao yêu Chúa và yêu người để tình yêu ấy thôi thúc con luôn qui hướng về Chúa, nguồn mạch của tình yêu bất tận bằng cuộc sống giản dị, đơn sơ trong huyền nhiệm tình yêu. Xin cho con ơn sống khiêm tốn, hiền lành, đơn sơ, để Chúa biến cái bé nhỏ thành vĩ đại nơi cuộc sống đời thường của chúng con. Xin cho chúng con can đảm đánh thức thế giới hôm nay bằng niềm tin, tình yêu, dám sống cái tầm thường với tình yêu lớn trong nếp sống cộng đoàn và nơi sứ vụ. Amen