Suy niệm Chủ đề tuần 2 Mùa Vọng C
TUẦN II MÙA VỌNG
Chủ Đề: Hy vọng là chờ đợi ngày quang lâm của Đức Kitô.
Lời Chúa: “Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm”. (Pl 1, 10b)
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, chúng con chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ Chúa đã dành cho chúng muôn phúc lành trong đời sống. Đặc biệt, Cám ơn Chúa đã ban cho chúng con Người con một của Chúa là Đức Giêsu, Ngài là nguồn sống và hy vọng của chúng con. Ngài đã đến trần gian nơi Mầu Nhiệm nhập thể, Ngài đã hoàn thành sứ mạng cứu độ loài người nơi cuộc Thương khó và Phục Sinh. Chúng con đang chờ đợi ngày Ngài lại đến trong vinh quang. Thế nhưng, giữa thế trần buồn vui lẫn lộn và cả những cám dỗ, lắm khi chúng con mất kiên nhẫn, niềm hy vọng của chúng con nhạt phai, nhất là những khi chúng con gặp đau khổ hoặc khó khăn, rủi ro… Xin Chúa ban thêm đức tin và lòng yêu mến để chúng con luôn hy vọng vững vàng, cũng như tin yêu tín thác vào Chúa trong mọi sự và mọi hoàn cảnh mà chờ ngày Chúa quang lâm với trái tim tinh tuyền, không có gì đáng trách trước nhan Ngài.
Nguyện xin Chúa Thánh Thần thánh hóa và hiện diện với chúng con trong giờ nguyện gẫm này. Xin Mẹ Maria, cha thánh Giuse cùng chư thánh giúp con suy gẫm và cùng với chúng con chờ đợi Đức Kitô đến trong từng phút sống của mỗi người.
Suy Niệm:
Đối tượng của hy vọng là những điều tốt lành của thời cánh chung: Các Kitô hữu được định nghĩa như là những người “có niềm hy vọng” (1Tx 4,11)”. Chúng ta là những người đi theo Chúa Kitô, được sống với Đức Kitô ngay trong cuộc sống thường ngày tại cuộc đời dương thế này, để hướng đến một ngày được gặp gỡ, được ở với Đức Kitô mãi mãi. Chính vì thế, niềm hy vọng trông đợi ngày Chúa Kitô quang lâm, phải là niềm hy vọng không bao giờ phai mờ và càng không bao giờ tàn lụi trong chúng ta. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi phải “tái sinh”, tức là phải đổi mới luôn để nhận lãnh niềm hy vọng là được cứu rỗi. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không muốn thay đổi cuộc sống theo hướng đi với Chúa Kitô, chúng ta không dám từ bỏ những vinh hoa phú quý, những lợi lộc thấp hèn nơi trần thế này. Để sống niềm hy vọng, trông đợi ngày Đức Kitô quang lâm, chúng ta cần hoán cải mỗi ngày để niềm hy vọng của chúng ta ngày càng vững vàng hơn.
Thánh Phaolô rất thực tế. Ngài biết cuộc sống có cả niềm vui lẫn nỗi buồn, tình yêu chịu thử thách khi khó khăn chồng chất và đau khổ dường như làm cho hy vọng tan biến. Dẫu vậy, ngài vẫn viết: “Chúng ta tự hào trong nỗi gian khổ, vì biết rằng gian khổ sinh ra kiên trì; kiên trì sinh ra nghị lực; nghị lực sinh ra hy vọng” (Rm 5,3-4).
Thật vậy, nhiều khi chúng ta ngã lòng, mất dần niềm hy vọng, nhất là những lúc gặp đau khổ, bệnh tật, những khi không đạt được điều mình mong muốn… Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta hãy kiên nhẫn và hãy xin Chúa cho chúng ta được thông dự vào những đau khổ với Đức Kitô để chính sự kiên nhẫn giúp chúng ta vượt qua những thử thách và giúp ta bền chí đến cùng, tức là vẫn vững vàng cậy trông. Chính những khi chúng ta vượt qua được những nản lòng, những thất vọng… chính là chúng ta lan tỏa niềm hy vọng cho người khác, giúp họ vững tin vào Thiên Chúa nhiều hơn.
Là một tu sĩ, trên bước đường hy vọng, chúng ta có các lời khuyên Phúc âm: vâng phục, khiết tịnh và khó nghèo trợ giúp. Đó là những lời khuyên của Chúa Giêsu dành cách đặc biệt cho các tu sĩ, những người muốn bước theo Chúa sát hơn trên đường hy vọng. Trên đường hy vọng, dù bất cứ hoàn cảnh nào, dù làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng phải sống trong niềm hy vọng vào tình thương của Thiên Chúa: “Chỉ có Thiên Chúa là niềm hy vọng vững vàng, nên chúng ta bất chấp mọi nỗi gian khổ và thất bại. Đấng đã yêu thương chúng ta và yêu thương “đến cùng”, cho đến khi mọi sự được hoàn tất” (x. Ga 13,1; 19,30). Chúng ta được thôi thúc hành động, làm sao để cho sức mạnh của Tin Mừng chiếu soi trong đời sống hằng ngày. Chúng ta cư xử đúng với tư cách là con cái của Lời Chúa hứa, và nhờ vậy mà chúng ta được mạnh mẽ trong niềm tin và hy vọng; để biết tận dụng thời buổi hiện tại (x. Ep 5, 16; Cl 4, 5) và bền chí chờ đợi vinh quang sẽ đến (x. Rm 8, 25).
Chúng ta không phải là người tuyên xưng Đức Kitô ngoài môi miệng, nhưng là con người sống cùng một cung cách như Đức Ki-tô đã sống; và chấp nhận lối sống cũng như cư xử theo cung cách của Ngài: yêu thương, tha thứ, tin tưởng, vâng lời, phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa. Bao lâu loài người và cả thế giới chưa đạt đến sự viên mãn của mình trong Thiên Chúa, Đức Kitô vẫn tiếp tục là một nguồn hy vọng và một tương lai. Bao lâu tất cả những điều đó chưa được thực hiện, thì Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hy vọng. Người Ki-tô hữu chúng ta tin rằng, ơn cứu độ của Thiên Chúa ban cho chúng ta đã bắt đầu trong hiện tại và cũng hy vọng trong tương lai. Nhờ đó, giúp chúng ta sống hiện tại với hy vọng hoàn tất ơn cứu độ của mình trong vĩnh cửu.
Là Ki-tô hữu, chúng ta hãy sống tin tưởng và hy vọng vào Chúa Kitô, hãy noi gương Chúa Kitô trên bước đường hy vọng. Hãy đón nhận hồng ân Chúa Kitô trao ban qua các bí tích và đặc biệt là bí tích Thánh Thể; hãy đón nhận Lời của Chúa, và sống theo Lời đó. Đức Kitô vẫn tiếp tục hy vọng cho khuôn mặt thật của Ngài, mà ngày nay đã bị bóp méo, sẽ được tỏ hiện ngày càng rõ nét hơn. Lời Chúa hứa về một hạnh phúc tương lai cho loài người và cho cả hoàn vũ sẽ biến thành một sứ mạng hy vọng và niềm vui của con người, thành những kinh nghiệm giữa cuộc đời làm người, về ý nghĩa triệt để của cuộc sống.
Sống hy vọng còn là việc thực hiện giây phút hiện tại sao cho thật tốt. Thời gian luôn trôi đi mà không bao giờ dừng lại. Nếu thời gian trôi qua, mà ta không gắn kết với tình yêu theo ý định của Thiên Chúa; thì giây phút đó trôi qua sẽ không có ý nghĩa gì, nó trôi qua cách vô vọng: “Không gắn bó với ý Chúa từng giây phút, con sẽ bỏ dở đường hy vọng”.( ĐHV. 35)
Người sống hy vọng biến cái tầm thường thành phi thường. Người có tâm hồn cao thượng biến việc tầm thường thành việc phi thường. Còn người muốn trở nên một vị thánh được Giáo Hội tuyên dương, thì đòi hỏi phải có một nhân đức anh hùng. Theo gương thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, người bền chí làm những việc nhỏ bé, tầm thường suốt cả đời vì lòng mến Chúa, thì người đó đã làm một việc vĩ đại, và đó là người làm được công việc anh hùng rồi: “Muốn được phong thánh, phải chứng minh có ‘nhân đức anh hùng’. Bền chí làm những việc tầm thường suốt cả cuộc đời vì mến Chúa, hẳn là anh hùng; thánh Tê-rê-sa Hài Đồng đã làm như thế”. Muốn biến những việc tầm thường thành việc phi thường, đòi hỏi chúng ta có một lòng mến yêu, gắn bó vào những công việc của mình với tình yêu: “Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả lòng mến yêu của con”.
Con người tự nhiên thường muốn chọn và làm những công việc lớn, sang trọng và thanh tao, chứ không mấy ai chọn làm những công việc nhỏ bé, thấp hèn. Nếu ta chỉ thích chọn làm những công việc lớn lao mà coi khinh những công việc tầm thường, thì người đó đã lạc xa đường hy vọng: “Tìm việc lớn, khinh việc nhỏ, con lạc đường hy vọng, vì Chúa hứa: ‘Vào hưởng sự vui mừng của Chúa cho những ai trung thành trong việc nhỏ”. Thánh Phao-lô nói rằng: dù chúng ta có nộp mình để chịu thiêu sống, chịu tử đạo, dù có làm tông đồ: giảng dạy bằng các thứ tiếng nhân loại và thiên thần, dù có hoạt động từ thiện như đem cả gia tài cơ nghiệp mà bố thí, nhưng không có lòng mến Chúa thì cũng chẳng ích gì. (1 Cr 13,3). Để việc làm có giá trị không đòi hỏi ở chỗ “làm việc gì”, nhưng “làm thế nào”. Bởi thế, trên đường hy vọng, qua những công việc mà ta biết cách làm, không kể công việc to hay nhỏ, đều có giá trị trước mặt Thiên Chúa; đều hy vọng được trở nên tốt lành thánh thiện trước mặt Thiên Chúa, thì chúng ta mới trở nên những người sống chứng tá cho niềm hy vọng ở trong lòng Giáo Hội và nhân loại. Khi chúng ta làm tất cả mọi việc, dù to hay nhỏ có giá trị trước mặt Thiên Chúa, chúng ta có được một niềm vui trong cuộc sống, vì đường hy vọng chỉ dành cho người sống có Chúa, sống niềm vui.
Sống chủ đề mùa vọng tuần 2, mẹ Hội dòng mời gọi mỗi chị em chúng ta hãy trở nên những chứng tá sống động, trao ban niềm hy vọng vào Thiên Chúa cho những người chung quanh với những gì mỗi người có trong tầm tay. Chúng ta cầu nguyện cho nhau được ơn trung tín, tin yêu và không ai bị chê trách điều gì nhưng luôn được tinh tuyền, trong sáng, bình an trong khi chờ đợi Đức Kitô quan lâm.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, con người ngày nay luôn hy vọng ngày mai tốt đẹp hơn. Họ hy vọng có thể kiếm được một việc làm tốt, lương cao, ổn định; hoặc bệnh tật sẽ thuyên giảm, sức khoẻ khá hơn, mọi thứ trong cuộc đời sẽ suôn sẻ...Sống trong cảnh nô lệ, dân Israel năm xưa đã hy vọng như thế và mỗi kitô chúng con hôm nay cũng ước mơ nhiều điều tốt đẹp tương tự.
Lạy Chúa, Con biết ước mơ không xấu, nhưng nên mơ ước những gì và liệu tất cả những điều chờ đợi trong mơ ước ấy có trở thành hiện thực không? Những hoài bão, ước mơ này có mang lại cho con sự sống vĩnh cửu hay không?
Chúa ơi, mỗi chúng con luôn mang trong mình nhiều ước mơ, kỳ vọng, hoài bão...Nhưng, Xin Chúa cho những ước mơ của chúng con luôn phù hợp với kế hoạch cứu độ mà Chúa dành cho mỗi người. Chúng con còn mơ ước và hy vọng được Chúa hoàn tất cuộc đời con thật tốt đẹp nhờ Đức Giêsu đã thực hiện qua sự chết và sự sống lại của Ngài. Xin Chúa cho chị em chúng con luôn tỉnh thức sẵn sàng sống theo thánh ý Chúa, sống bác ái với mọi người và sẵn sàng cho đi cũng như trung tín với bổn phận Chúa trao bằng một đức tin kiên vững, một lòng mến thiết tha và sự chờ đợi Chúa đến trong tin yêu, hy vọng. Amen.