Thứ Sáu tuần 34 Thường Niên

Thứ ba - 26/11/2024 20:11 7 0


Thứ Sáu tuần 34 Thường Niên
“Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gal 2, 20)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con một đêm an lành. Giờ này chúng con muốn tôn vinh chúc tụng và ngợi khen Chúa.
Tôn vinh, tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con gương thánh thiện là Đức Cha Lambert- Đấng sáng lập dòng của chúng con. Ngài đã yêu mến Đức Kitô và khao khát được đồng hóa với Người trong mầu nhiệm tử nạn. Ngài cũng muốn chúng con, những nữ tu Mến Thánh Giá tiếp nối cuộc đời đau khổ của Ngôi Lời Nhập Thể và sẵn sàng cho Người mượn thân xác để tiếp tục hy sinh. Mỗi chặng đường chông gai, thử thách là những kinh nghiệm sâu lắng mà ngài đã cảm nghiệm từ nơi Thập giá cũng như tình yêu ngài dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh được triển nở và đạt đến tình yêu viên mãn, bởi vì ngài không chỉ yêu bằng một tình yêu bình thường nhưng với một tình yêu phi thường trong những Thập Giá giữa đời thường. Niềm say mê dành cho Thập Giá đã giúp đấng sáng lập dòng của chúng con vượt qua tất cả và làm tròn sứ mạng Chúa ủy thác.

Lạy Chúa, chúng con được mời gọi “bước theo Chúa trên con đường Thập giá”. Sống Linh đạo thập Giá là ơn gọi, con đường chung của mọi Kitô hữu: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Chúa còn tinh tế hứa cho những ai “bỏ tất cả đi theo Chúa” “sẽ được phần thưởng gấp trăm ở đời này cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10, 29-30). Xin Chúa giúp chúng con được ơn yêu Chúa để sẵn sàng vác thập giá theo Chúa cách trung thành trong tin tưởng phó thác. Chính vì lời hứa cứu độ này, xin cho con biết chọn lựa ưu tiên trong cuộc sống là bước đi dưới bóng Thập Giá. Say mê Chiêm ngắm thập giá Chúa, để hiểu sâu, cảm thấu tình Chúa yêu con. Nhờ tình yêu, trong tình yêu và với tình yêu, con sẽ đi theo Chúa và thực thi mọi điều Chúa muốn nơi cuộc đời con. Amen

Suy gẫm:

Theo Tông Huấn Đời sống thánh hiến số 23, mọi ơn gọi đời sống thánh hiến đều bắt nguồn từ Thập Giá Chúa Kitô. Chiêm ngắm Chúa Kitô chịu đóng đinh là nguồn linh hứng cho mọi ơn gọi. Hồng ân Thánh Thần của Thập Giá là nguồn gốc mọi hồng ân, đặc biệt là hồng ân đời sống thánh hiến. (số 23).

Hy tế Thập Giá của Đức Kitô đã bắt đầu với việc Nhập Thể (Dt 10, 5-7). Người bước vào trần gian để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Hy tế ấy trải dài suốt cuộc đời Người tại thế và được biểu lộ cách hoàn hảo qua cái chết trên Thập Giá. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất thiết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nộ lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người là còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,6-8)

Nói đến Thập Giá của Chúa là nói đến chính Chúa Giêsu chịu đóng đinh, nói đến cuộc Khổ Nạn của Chúa mà mỗi người kitô hữu đều thông phần khi chịu phép rửa. “Tôi sống, những không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2,20)

Thập giá của Chúa Giêsu đảo lộn các ước mơ của con người, những ước mơ bắt đầu bằng tội của Eva. Ngay cả Thánh Phêrô, ông kéo Chúa Giêsu ra ngoài và can ngăn về chuyện Ngài sẽ lên Giêrusalem vác thập giá. Sau khi quở trách Phêrô vì đã ngăn cản Ngài đi con đường Thập giá, Chúa Giêsu nói thêm rằng con đường ấy là con đường mà bất cứ ai muốn làm môn đệ Ngài đều phải đi theo: “Nếu ai muốn theo Thầy thì hãy từ bỏ mình đi và vác thập giá mình mà theo”.

Ngày nay chúng ta cũng thế thôi, có thể rất sợ thập giá, sợ hy sinh, đau khổ. Thomas Kempis trong sách “Gương Chúa Giêsu” đã viết: “Có rất nhiều kẻ muốn lên thiên đàng với Chúa Giêsu, nhưng rất ít kẻ muốn vác thánh giá với Người. Nhiều kẻ ước ao được ơn an ủi của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thử thách với Người. Nhiều kẻ muốn dự tiệc với Người, nhưng ít kẻ muốn chịu thiếu thốn với Người. Nhiều kẻ muốn vui hưởng với Người, nhưng ít kẻ sẵn sàng chịu sự gì khó với Người. Nhiều kẻ muốn theo Chúa Giêsu đến bàn tiệc bẻ bánh, nhưng ít kẻ muốn uống chén đắng với Người. Nhiều kẻ tôn sùng các phép lạ của Người, nhưng ít kẻ muốn chịu sỉ nhục với Người”. Như thế, để theo Đức Kitô Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi -  chúng ta phải làm thế nào? (x. Gal 2, 20)

Một điều chắc chắn, chúng ta không có đường nào khác mà hãy cùng Đức Kitô đi vào trong cuộc sống của mình với những từ bỏ, hy sinh, chấp nhận đau khổ. Chúa Giêsu không bảo chúng ta đi tìm thập giá, nhưng mời gọi hãy vác lấy thập giá đời mình.

Chúng ta, những nữ tu Mến Thánh Gía, mỗi người luôn muốn sống và diễn tả tình yêu của mình dành cho Thiên Chúa Cha và anh chị em đồng loại bằng con đường tận hiến. Những từ ngữ: hiến tế, từ bỏ, hy sinh, khổ chế...rất quen thuộc, nó được thể hiện bằng sự vui nhận tất cả những gì Thiên Chúa gởi đến trong hành trình đời sống chúng ta.

Một chút thời gian ngắn của giờ suy gẫm này, Chúng ta xét xem mình ở trong nhóm người nào mà Thomas Kempis đã nói đến trong đoạn sách “Gương Chúa Giêsu” được trích ở trên. Tôi muốn theo Chúa Giêsu nhưng không muốn đi vào con đường khổ nạn và vác Thập Gía với Người? Tôi muốn dự tiệc với Người nhưng vẫn xin Người cho tôi có dư thừa của cải, tôi không muốn thiếu thốn bất cứ điều gì... Tôi muốn chia sẻ Bàn Tiệc Thánh với Đức Kitô nhưng không muốn cùng Ngài uống chén đắng, xin Ngài đừng để tôi phải chịu thiệt thòi hay phải hy sinh bất cứ thứ gì ..v.v...?

Để đời mình thấm đẫm tình yêu dành cho Đức Kitô và sẵn sàng cùng với Người đi vào cuộc thương khó. Sống mầu nhiệm Thập Giá cách tròn đầy, thiết tưởng mỗi chúng ta theo gương Đức Cha Lambert, thực hiện đời sống hy sinh, khắc khổ, đơn sơ, khiêm nhường: “Sự khắc khổ của các ẩn sĩ, sự tiết dục của biết bao người, sự hy sinh của các trinh nữ, lòng nhiệt thành của các thánh hiển tu, lòng mến của các thánh tử đạo … sẽ trở thành gì, nếu không là những hoạt động của chính Chúa Giêsu Kitô ? Không ai có thể than phiền về điều mình không thể làm vinh danh Thiên Chúa, cũng không nói ân sủng Ngài ban quá ít, bởi vì người đó luôn có phương thế để bắt chước Chúa Giêsu Kitô, bằng cách kết hợp với Người mỗi ngày, qua việc rước Mình Thánh Chúa, hoặc rước lễ thiêng liêng là việc có thể thực hiện liên tục” [1]

Bằng cuộc sống mỗi ngày, chị em chúng ta liên kết mọi vui buồn, sướng khổ, mọi biến cố nhỏ to trong tâm tình phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa thương xót tôi và thương xót toàn thế giới. Tôi cầu xin cho từng người, từng việc, trong từng thời điểm, thực thi sứ mạng của tôi là làm cho nhiều người, nhiều nơi nhận biết Thiên Chúa và tin nhận Chúa Giêsu Kitô vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật, là Đấng đã hiến mạng sống để cứu độ trần gian. Dù cuộc sống của tôi đầy dẫy những bất toàn và yếu đuối. Ý thức những giới hạn của mình, tôi cố gắng sửa mình nhưng tôi không buồn, không trách Chúa vì sao để tôi xấu xa tội lỗi như thế, chắc chắn Thiên Chúa có sẵn một kế hoạch tuyệt vời cho tôi. Và tôi dâng lên Thiên Chúa những bất toàn này để tôn vinh thập giá của Chúa Giêsu Kitô, để cầu xin cho mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.

Tôi cảm thấy sợ hãi những đau khổ nơi tâm hồn cũng như thể xác.Tôi ngại ngùng trước những hy sinh đòi hỏi nhiều cố gắng và lâu dài, nhưng tôi tin Thiên Chúa yêu tôi, Ngài luôn chọn cho tôi điều tốt nhất. Hãy tập cho mình sự kiên nhẫn thiêng liêng trong khi tập luyện nhân đức, loại bỏ các nết xấu, thắng dẹp những thói quen không lành mạnh dẫn đến dễ dàng chấp nhận một cuộc sống tầm thường....một khi thắng vượt những cái nhỏ nhỏ như thế trong đời sống, dần dà chúng ta sẽ có được kinh nghiệm thiêng liêng sâu sắc: không bao giờ Thiên Chúa gửi cho tôi thánh giá quá sức, với một cảm nghiệm ngọt ngào Thiên Chúa luôn luôn đồng hành với tôi ngay cả khi tôi không cảm nhận được Ngài. Như thế, “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gal 2, 20), là Đức Kitô Chịu Đóng Đinh không còn xa lạ gì đối với tôi và tôi sẽ có được năng lượng đặc biệt để sống chết cho Ngài. Cũng như sẵn sàng giới thiệu Ngài cho bất cứ ai.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Không ai trong nhân loại có thể hiểu được tình yêu của Thiên Chúa Cha, cũng không ai có thể sống tương quan mật thiết với Người. Đó là lý do tại sao Chúa đã chấp nhận hy sinh hiến tế làm người, đón nhận mọi khổ đau tội lỗi của con người bằng con đường Tình Yêu nơi cuộc Thương Khó - Tử Nạn - Phục Sinh. Chính Chúa là Con Đường Duy nhất. Các môn đệ của Chúa, các thánh, các chị Mến Thánh Giá qua dòng thời gian được ở với Chúa, được chìm sâu trong tư tưởng và hành vi của Chúa và đã nhận ra Chúa là Đường Tình Yêu, Sự Thật và là Sự Sống. Các ngài đã sống và trở nên chứng nhân cho chúng con trên hành trình theo Chúa, các Ngài đã hy sinh tất cả để thuộc về Chúa “Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-9). Xin Chúa cho chị em chúng con được tràn đầy ơn thánh để dù hành trình đời tận hiến của chúng con có nhiều khiếm khuyết, nhiều nặng nề do tính xác thịt gây nên. Chúng con vẫn luôn được tình yêu Chúa thôi thúc để luôn cảm nghiệm được niềm vui, tự do, thanh thoát trong việc sống Linh đạo Mến Thánh Giá và chu toàn Sứ mạng của một người nữ tỳ trung tín, khiêm tốn, giản dị ...nơi sứ vụ mà mỗi người chúng con đang được mời gọi tham gia. Amen   
 
  1. ( x. Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682)
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây