Thứ sáu Tuần 27 Thường Niên
“ Được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?” (Mt 16, 26)
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa là cha của chúng con, chúng con tin Chúa đang hiện diện với chúng con nơi đây trong Thánh Thể và giữa cộng đoàn thân yêu của chúng con, vì Chúa đã nói “ Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Chúng con xin thờ lạy, chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ Chúa vì muôn hồng ân Chúa đã thương ban cho chúng con.
Lạy Cha, Thánh Phanxicôxavie vị Tông đồ nhiệt thành được Cha tuyển chọn để tiếp tục công trình của Đức Giêsu đi khắp nơi rao giảng tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ngài là một chàng trai được sinh ra trong gia đình quyền quý, giàu có, được giáo dục trong môi trường danh tiếng; nhưng thánh nhân đã được thôi thúc bởi Lời Chúa qua miệng lưỡi của thánh I- Nhã “Được lời lãi cả và thế gian mà thiệt mất linh hồn nào được ích gì” (Mt 16, 26). Ngài đã bỏ gia đình, quê hương và cả tương lai đầy hứa hẹn để ra đi loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á Châu và thánh nhân đã trở nên bậc thầy, là Đấng bảo trợ cho các miền truyền giáo. Với một trái tim khao khát Chúa và tấm lòng khiêm nhường thẳm sâu, ngài đã trở nên nhân chứng sống động và là cánh tay nối dài của Cha đến với con người.
Và, Đấng sáng lập dòng của chúng con, đức cha Lambert cũng là vị thừa sai nhiệt thành, đam mê truyền giáo, ngài rời bỏ quê hương văn minh và tương lai của vị luật sư để sang Miền Viễn Đông và chọn nơi đây làm quê hương thứ hai của mình. Lòng say yêu Chúa cùng với lòng nhiệt thành truyền giáo đã giúp ngài có nhiều sáng kiến trong mục vụ. Giờ đây, Chúng con không thể bôn ba đây đó như các thánh Tông đồ hay các nhà thừa sai, xin giúp chúng con nhiệt tâm truyền giáo bằng nỗ lực sống cái tầm thường, đơn điệu mỗi ngày với tinh thần yêu mến Chúa và khao khát giới thiệu Chúa cho anh chị em xung quanh; bằng đời sống cầu nguyện, bằng gương sáng, việc nâng đỡ đời sống đức tin cho các tín hữu, chia sẻ cuộc sống nghèo với họ và tìm cách giúp đỡ họ theo khả năng của mình.
Suy gẫm:
“Dòng Mến Thánh Giá là Dòng nữ đầu tiên được thành lập tại Á Đông, và mang bản chất tông đồ thừa sai (x. Ltk IV,5). Vì thế người nữ tu Mến Thánh Giá được mời gọi sống tinh thần tông đồ và áp dụng phương pháp thừa sai của Đấng Sáng Lập. Chính ngài khích lệ chị em chú tâm thực thi tinh thần trung gian (x. Btt 9), theo gương Chúa Cứu Thế khi chu toàn sứ mạng. Người nữ tu Mến Thánh Giá phải mang trái tim thương cảm và trở thành cánh tay hữu hình của Đức Kitô Chịu Đóng Đinh (TS 31), để chia sẻ thoa dịu nỗi khổ đau của đồng bào, đặc biệt nữ giới và giới trẻ (x. Ltk III, 2-5).
Mỗi lần chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá, mỗi người được mời gọi: Hãy gắn chặt cuộc đời mình vào thập giá của Đức Kitô. Chính nhờ cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu, Người đã đang mang lại vinh quang cho toàn thể nhân loại.
Là nữ tu Mến Thánh, do hồng ân thánh hiến đặc biệt, tôi được gắn liền với sứ vụ của Đức Kitô một cách sâu xa trong công trình cứu độ thế gới ( Hc. Điều 67/1)“ trở thành cánh tay hữu hình của Đức Kitô Chịu-Đóng-Đinh”.
Sống sứ mạng tông đồ là ơn gọi và là bổn phận của mọi Kitô hữu chứ không phải của riêng ai (x. GLCG, 863, 900). Người tông đồ chính hiệu không căn cứ trên những gì thấy được ở bên ngoài, mà tinh thần tông đồ phát xuất từ con tim, tự đáy lòng, bởi một khi đã cảm nghiệm sâu xa về tình yêu Thiên Chúa dành cho mình, mình muốn chia sẻ cho người khác, cũng như muốn người khác biết về Thiên Chúa...
Đức Giêsu Kitô là vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người.“Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người" (x. 1Tm 2, 5-6).
Theo ý hướng của Đấng Sáng Lập, “tinh thần trung gian” mà các nữ tu Mến Thánh Giá nhận được từ Chúa Kitô phải được thể hiện trong hai sứ vụ quan trọng là tiếp nối nơi bản thân mình cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người, và chuyển cầu cho lương dân cùng các Kitô hữu sống xa lìa Chúa được ơn hoán cải. [1]
Được thánh hiến cho sứ vụ cao cả này, tôi cần phải có “hồn tông đồ”, là chuyên cần cầu nguyện, có đời sống cộng đoàn. Khao khát, tìm kiếm Thiên Chúa và giới thiệu Chúa cho anh chị em lương dân...khi thi thành sứ vụ mục vụ, khi tiếp xúc với tha nhân, khi học hành, thăm viếng....Người tông đồ phải kết hợp hy sinh với cầu nguyện thế nào cho “Thân xác phục tùng tinh thần nhờ khổ chế và tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện. đời sống người tông đồ là một cuộc chết đi liên lỉ”. Và khi hoạt động, cần ý thức như thánh Phaolô: “Không phải tôi sống, nhưng chính Đức Kitô sống và hoạt động trong tôi.” (x. Gl 2,20).
Theo Đức Cha Lambert, Người tông đồ không cậy dựa vào tiền bạc và sự thông thái của mình hoặc thế lực quan quyền vua chúa, trái lại “chỉ dùng những phương tiện Phúc Âm đề ra.” Đó là rao giảng lời Thiên Chúa với lòng tín thác vô biên vào sức mạnh Thần Linh, với tinh thần bác ái vô hạn dành cho mọi người, kể cả những kẻ chống đối, với tinh thần sẵn sàng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu và với tâm hồn cầu nguyện liên lỉ. Nhiều lần Đức cha Lambert de La Motte nhắn nhủ các vị thừa sai của mình: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng.”
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu mà tên tuổi gắn liền với địa danh Lisieux, quê hương Đức Cha Lambert, cũng có một ý nghĩ tương tự: “Tôi muốn làm thừa sai bằng tình yêu và hy sinh.”. Người tông đồ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm sẽ có thái độ hiền lành, khiêm nhường khi tiếp xúc với các tín đồ tôn giáo bạn. Đức cha Lambert khuyên các vị thừa sai nên đối xử với họ như “Những người đã có màu sắc chân lý Kitô giáo.” Và phải kính trọng, noi theo những đức tính cao quý của họ. [2]
Qua đó cho thấy rằng: đời sống cầu nguyện là linh hồn của đời sống tông đồ và hoạt động tông đồ là kết quả của lời cầu nguyện. Nghĩa là, chúng ta kết hiệp đời sống chiêm niệm sâu xa với việc dấn thân tối đa trong hoạt động tông đồ.
“Khí cụ” duy nhất của Phanxicô Xaviê trong việc truyền giáo là thái độ hiền lành, cung cách lịch sự và những lời cầu nguyện.
“Khí cụ” truyền giáo của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là “cầu nguyện và hy sinh”
“Khí cụ” truyền giáo của đức cha Lambert: “Người tông đồ là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Giêsu Kitô”, “ Đến với mọi người bằng thái độ kính trọng, hiền hòa, khiêm nhu, rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng những cong việc phục vụ thiết thực, nhất là bằng đời sống phù hợp với Mầu nhiệm Thập giá của Đấng mình muốn rao giảng” (Ts 31).
Ước gì đời sống và hoạt động của chúng ta thấm nhuần tinh thần Tin Mừng, và ước gì hồn tông đồ của Các thánh được lưu chảy trong tâm hồn chúng ta. Mỗi người hãy dùng các loại “Khí cụ” mà các thánh, các nhà thừa sai đã dùng để truyền giáo trong thời đại các ngài vào trong đời sống của chúng ta hôm nay.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, loan báo Tin Mừng luôn là sứ mạng cấp bách trong mọi thời đại.Từ hơn hai mươi thế kỷ qua, Giáo Hội đã luôn cố gắng thực hiện lệnh truyền này của Chúa nhưng thành quả quá khiêm tốn. Mà, hiện tượng tục hóa đang ảnh hưởng nhiều đến đời sống tôn giáo và đức tin. Xin Chúa cho chúng con khi thi hành sứ vụ mục vụ và phục vụ luôn biết cầu nguyện và gắn bó với Chúa để nhờ đó đời sống của mình ngày càng nên giống Chúa hơn. Xin Chúa cho chúng con biết khao khát nên thánh, cũng như dạy cho học trò, người thân của mình biết chọn lựa những giá trị trong cuộc sống, chọn “Điều gì đẹp lòng Chúa hơn” và luôn tâm niệm rằng: “Được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì ”,
Xin Chúa cho chị em chúng con sống trong hoàn cảnh nào cũng biết thể hiện tinh thần thừa sai của mình qua nếp sống cộng đoàn, giúp mỗi người biết chiếu tỏa niềm vui Tin Mừng bằng phong cách sống trưởng thành, quân bình, bằng nghĩa cử nhân hậu, hành động xả thân, dịu dàng, khiêm tốn, yêu thương và đồng cảm với anh chị em chung quanh và phục vụ mọi người như phục vụ Chúa nơi hành trình cuộc sống của chúng con. Amen
---------------------
[1] x. Nhóm NCLĐMTG, “Bức Tâm Thư”, sđd., 8, tr.41
[2] .Nhóm Nghiên cứu LĐ-MTG, Tiểu sử - Bút Tích Đức cha Phêrô Maria Lambert de La Motte, Lưu hành nội bộ 1998, tr. 56 – 57.