Ngày Thứ Tư- Suy niệm Chủ đề Suy Tôn Thánh Giá Năm 2024

Thứ tư - 04/09/2024 01:33 250 0
 


Ngày Thứ Tư
Suy niệm Chủ đề Suy Tôn Thánh Giá Năm 2024

 “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao ngài bỏ rơi con” (Mt 27, 46)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Con tin thật Chúa đang hiện diện với chúng con nơi đây. Giây phút đầu tiên của ngày sống mới chúng con đến với Chúa với tất cả niềm tri ân, tôn kính, mến yêu. Chúng con muốn cùng nhau suy tôn, yêu mến và chúc tụng Chúa và chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu Chúa đã dành riêng cho mỗi người qua cuộc khổ nạn của Chúa và sự lặng thầm khiêm tốn ẩn mình nơi nhà chầu đơn sơ, hèn mọn này. Chúng con không thể dùng ngôn từ để diễn tả tình yêu Chúa dành cho, chúng con chỉ biết dâng hiến trọn con người và cuộc sống để nói lên lòng thành kính của chúng con; dầu biết rằng, cả đời con dâng hiến cũng không sao đáp đền ơn Chúa tặng ban. Đặc biệt, trong tuần cửu nhật dọn lòng Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá, chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con cùng nhau chia sẻ ơn gọi Mến Thánh Giá trong nếp sống cộng đoàn. Nơi cộng đoàn chúng con cùng nhau sống mầu nhiệm vượt qua và thông phần với Chúa trong cuộc Khổ Nạn đồng thời cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh, qua việc thực thi tình huynh đệ với nhau và sống đức ái với mọi người.

Lạy Chúa, con hiểu sống cộng đoàn còn là một hy lễ khi mỗi người mang lấy gánh nặng cho nhau, gánh nặng trách nhiệm, gánh nặng của tuổi tác, sức khỏe, công việc, suy nghĩ, trình độ, tính tình, quan điểm...nhưng đó chỉ có thể là công trình của Chúa. Xin hiệp nhất chúng con trong Chúa và với nhau. Xin cho chúng con luôn sống tâm tình tạ ơn vì mình đã được thuộc về Chúa, thuộc về Giáo Hội và Hội dòng để sống đời thánh hiến cách vui tươi hạnh phúc và thi hành sứ vụ với niềm hăng say-  hầu có thể phản chiếu, tỏa lan tình yêu thương, niềm vui cho nhau và cho anh chị em chung quanh. Xin Chúa đừng bỏ rơi những ai đang đau khổ, buồn phiền vì gánh nặng cuộc đời, bởi bệnh tật, nghèo đói và cô đơn trong cuộc sống hiện tại.

Suy niệm:

Khi suy niệm về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, mỗi người thường tưởng tượng ra trong tâm trí bao nhiêu là đau khổ mà Đức Giêsu đã phải chịu. Nào là đau khổ nơi thân xác khi bị vả mặt, bị đánh đòn, đội mão gai, bị vác thập giá, bị ngã xuống đất và bị đóng đinh chân tay vào thập giá. Nào là những đau khổ về tinh thần như bị chính dân mình cáo gian, bị những người lính chửi bới, bị các thượng tế và luật sĩ chế giễu, bị dân chúng nhạo cười, bị một môn đệ bán đứng và các ông khác thì bỏ chạy không ai ra mặt biện hộ cho Người trước tòa án. Những đau khổ ấy trong lúc này khiến Ngài phải than với Chúa Cha “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”. Phải chăng đây là lời kêu gọi - gợi lên trong chúng ta hay các môn đệ xưa lòng thương cảm, tội nghiệp cho Ngài sao? Tiếng kêu của Đức Giêsu trên thánh giá lúc này khiến chúng ta cảm phục, tiếc thương Con Một Thiên Chúa? Phải chăng đây là tiếng kêu tuyệt vọng của Đấng đã yêu thương nhân loại đến quên mình? Phải chăng Thiên Chúa Cha đã thực sự bỏ rơi Đức Giêsu khiến Người phải chết cách đau đớn tủi nhục như thế? Phải chăng chính Đức Giêsu đã thực sự cảm nghiệm Người đã bị Chúa Cha bỏ rơi?

Chúng ta có nên đặt cảm tình của mình vào sự kiện này để suy niệm, để thương cảm. Có phải Đức Giêsu đã thực sự bị Thiên Chúa Cha bỏ rơi, hay ít ra là chính Người cảm thấy dường như mình bị Chúa Cha bỏ rơi? Chắc chắn Chúa Cha không bỏ rơi Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, bởi lẽ cả ba công trình: Sáng tạo, Cứu chuộc và Thánh hóa đều là của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chính Chúa Cha đã sai Con của Người đến thế gian để chịu khổ nạn, thì Người không thể bỏ rơi hay để Đức Giêsu phải chịu đau khổ một mình được. Trong cơn hấp hối tại vườn Cây Dầu, chính Chúa Cha đã sai các thiên thần đến trợ giúp Người kia mà, Có một thiên sứ từ trên trời hiện xuống cùng Ngài, mà thêm sức cho Ngài. Trong đau thương, Ngài cầu nguyện càng tha thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất. (x. Lc 22,43-44).

Lời kêu cứu của Đức Giêsu đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh nói về Ngài. “Ôi Thiên Chúa của con!
Ôi Thiên Chúa của con! Sao Ngài lại nỡ bỏ rơi con? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nào xa vời! (Tv 22,2). Thánh vịnh này vừa là những lời tiên báo về những cực hình Đức Giêsu phải chịu trong cuộc khổ nạn, vừa là lời cầu nguyện của người lành bị bách hại nhưng luôn tin tưởng phó thác vào sự cứu thoát của Thiên Chúa, chứ hoàn toàn không phải là một lời tuyệt vọng hay trách móc Thiên Chúa. Khi Đức Giêsu chọn đọc Thánh vịnh ấy vào lúc cao điểm của cuộc khổ nạn, Người có ý cho thấy rằng Người đã làm trọn những lời Thánh Kinh đã viết về Người, và điều đó chứng minh rằng: Người chính là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa ban cho nhân loại.

Trong khi bị bỏ rơi, Chúa vẫn tiếp tục yêu thương các môn đệ, những kẻ đã bỏ rơi Người, và tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi” (Mt 5, 44). Nơi tình thương tha thứ của Thiên Chúa, vực thẳm của sự dữ, của tội ác phải đắm chìm trong một tình yêu lớn lao hơn, để sự xa cách, dửng dưng của nhân loại được biến thành sự hiệp thông, yêu mến.

“ Chúa Giêsu bị bỏ rơi nhưng Ngài mong chúng ta lưu tâm đến những người bị bỏ rơi. Đối với người sống đời thánh hiến, những môn đệ của Đấng Bị Bỏ Rơi, không ai có thể bị gạt ra bên lề, không ai có thể bị bỏ mặc tự thân xoay xở; bởi vì, chúng ta hãy nhớ rằng, những người bị từ chối và bị loại trừ là những hình ảnh sống động của Chúa Kitô, họ nhắc nhở chúng ta về tình yêu đến điên dại của Người, nhắc chúng ta rằng chính kinh nghiệm bị từ bỏ của Chúa Kitô đã cứu chúng ta khỏi mọi cô đơn và sự dửng dưng. “Ôi Thiên Chúa của con! Sao Ngài lại nỡ bỏ rơi con?. Lời than thở của Chúa Giêsu không phải là một lời tuyệt vọng nhưng là lời của tình yêu bởi Ngài đã hòa mình vào trong khổ đau của con người. Trong cuộc khổ nạn, Chúa chịu đựng mọi sự sỉ nhục của đám đông, sự bỏ rơi của các môn đệ và cả sự nhạo cười của những kẻ cùng bị đóng đinh với Ngài.” [1]

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao ngài bỏ rơi con”(Mt 27, 46). Đây là lời cầu nguyện của một tâm hồn tín thác, Ngài đã trao phó tất cả mọi sự trong tay Cha. Như thế, nhờ hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà mọi khổ đau của người nữ tu Mến Thánh Giá có giá trị cứu độ.
“Bị bỏ rơi” là một điều không thể thiếu của phận người.“Chẳng ai có thể gồng mình suốt cả cuộc đời. Cỏ dại hay cổ thụ cũng một lần tung bay trước gió. Ai cũng có nước mắt, chỉ là khóc ra hay cố nuốt vào mà thôi”[2] . Có nhiều lần “bị bỏ rơi” chúng ta không thể chấp nhận được. Chị, tôi, chúng ta có trải nghiệm đó không? Biến cố hay sự kiện nào khiến mỗi chúng ta trở nên đau khổ tột cùng vì bị bỏ rơi, bằng cách nào chúng ta đã vượt qua khoảnh khắc đau thương tột cùng ấy ?

Hôm nay chúng ta xin Chúa cho ta biết yêu mến Đức Giêsu bị bỏ rơi và biết yêu mến Chúa Giêsu trong những người bị bỏ rơi. Chúng ta xin ơn để có thể nhìn thấy và nhận ra Chúa, Đấng vẫn đang thét gào nơi họ. Chúng ta đừng để tiếng nói của Chúa Giêsu lạc mất trong sự im lặng chói tai của thờ ơ. Thiên Chúa đã không bỏ mặc chúng ta một mình; phần chúng ta, hãy chăm sóc những người đang đau khổ, cô đơn vì tuổi già, bệnh tật...chỉ khi đó, chúng ta mới có được những ước muốn và tâm tình của Đấng đã “hủy mình ra không” vì chúng ta. (x. Pl 2,7).

Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta, ban ơn can đảm và niềm tin yêu để dù có bị những đoạn phim tiêu cực tua chậm trong ký ức hoặc nhớ lại những cảm giác đau thương tột cùng của ngày ấy không làm ta sợ hãi, xót xa. Nhưng mỗi khi cảm giác đau khổ đó trở về, chúng ta hãy hướng lòng đến bên Thánh Giá Chúa, ngụp lặng trong Thánh Tâm và cùng với Chúa Giêsu chúng ta thân thưa với Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót đang lắng nghe, đón nhận tâm tình của mình.

Người môn đệ của Đấng Chịu Đóng Đinh, chúng ta sẽ còn phải trải qua những giây phút đau khổ, cô đơn ấy trong suốt hành trình đời người. Chúng ta hãy cùng với Chúa Giêsu thưa lên cùng Chúa Cha lời cầu nguyện tín thác của người con thảo - phó mình trong tay Cha, để cây Thập Giá Thiên Chúa đã trồng nơi mảnh đất Hội dòng thân yêu của chúng ta qua Đức Cha Lambert sẽ mãi mãi trổ hoa yêu thương ở bất cứ nơi nào có sự hiện diện của người nữ tu Mến Thánh Giá.

Lời nguyện kết :

Lạy Chúa Giêsu, sống linh đạo Thập Giá giữa cuộc đời, giữa những bôn ba đi tìm sự thụ hưởng của nhân loại hôm nay, chúng con chẳng khác nào kẻ lội ngược dòng, kẻ sống không giống ai, sẽ có tiếng chê bai nhạo cười, có bao lời khinh khi chỉ trích…Xin nâng đỡ niềm tin yếu kém của con. Xin cho con được ngụp lặn trong biển cả của lòng thương xót Chúa, để con luôn được bình an giữa bao biến động của cuộc đời và nhẹ nhàng bước đi trong Linh đạo Mến Thánh Giá. Xin Chúa cho mỗi chị em chúng con can đảm nói không với tinh thần thế tục. “Thật lạ, thưa Cha…tính trần tục là một lối sống hời hợt…. Ai đó có thể nói với tôi như thế. Chúng ta đừng tự lừa dối mình! Không có gì thuộc về thế gian là hời hợt! Nó có rễ sâu, rễ rất sâu. Nó giống như một con tắc kè hoa, nó thay đổi, nó đến và đi tùy theo hoàn cảnh, nhưng bản chất thì như nhau, một lối sống đi vào mọi nơi, kể cả Giáo hội. Tính trần tục, lối thông diễn trần tục, mọi thứ đều có thể được tạo ra để có vẻ ngoài theo một hình thức nhất định”
[3]
Lạy Chúa Giêsu, con đã có kinh nghiệm bị bỏ rơi. Xin cho con một tâm hồn nhạy bén để nhận ra Chúa đang bị bỏ rơi nơi những người nghèo khổ, những anh chị em đang đau khổ vì bị ngược đãi, sỉ nhục... vì sống cho những giá trị cao đẹp của phẩm giá con người và của Tin Mừng- để chia sớt, hiệp thông với họ bằng những cách thế mà mình có trong tầm tay. Xin đừng để tinh thần thế tục làm chủ trong đời sống con. Amen .

Thực hành: Xét mình xem tinh thần thế tục của chị em chúng ta đang được ẩn dấu dưới vỏ bọc nào? Tìm cách tốt nhất để loại bỏ ngay trong đời sống cá nhân và cộng đoàn.

------------------
[1] ( x.
https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/le-la-02-4-2023-dang-bi-bo-roi-khong-bo-mac-ai-mot-minh-50567)
[2] ( x. stt-buon-tam-trang-183324)
[3] (x. Bài giảng tại Santa Marta, ngày 16 tháng 5 năm 2020 của ĐGH Phanxicô)


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây