Thứ 6 Tuần 19 Thường niên

Thứ năm - 15/08/2024 00:52 122 0

Thập giá minh chứng tình yêu

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Ba Ngôi cực thánh chúng con xin tạ ơn, tôn vinh tình thương nhưng không Chúa đã dành cho chúng con qua thánh tử Giêsu, chính Ngài đã hiến thân trên Thập giá để minh chứng tình yêu lớn nhất dành cho Cha và cho từng người trong nhân loại trong đó có mỗi người chúng con. Ngài còn nên của ăn thiêng liêng nuôi chúng con trong bàn tiệc thánh. Chúng con xin chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh Chúa.

Chúng con xin tri ân Thánh Thần Chúa đã khơi lên cho chúng lòng yêu mến và sự hiểu biết Đức Giêsu là Chúa và là Đấng cứu độ để đón nhận Ngài trong niềm tin tưởng cậy trông.

Giây phút đầu tiên của ngày sống mới,  xin Cha ban Chúa Thánh thần để Ngài tiếp tục hướng dẫn, đồng hành để chúng con sử dụng giờ này cho nên. Và xin Ngài ở với chúng con trong mọi hoạt động của ngày sống, để của lễ chúng con tiến dâng cùng với đức Kitô, trong sự hiệp nhất với LỜI NGÀI, tất cả trở nên nguồn sức sống, nguồn trợ lực cho chúng con trên hành trình theo Đức Kitô trong lý tưởng Mến Thánh Giá. Xin  cho chúng con luôn thực hiện mọi việc bổn phận với ý hướng cao cả. Sống trong sự hiện diện của Chúa thì cho dù những điều xấu có xảy đến, điều bực bội, điều đau khổ, thất vọng chán chường, trái ý tất nhiên không tránh khỏi trong cuộc sống vẫn là của lễ để dâng hiến mỗi phút sống của chúng con hôm nay và mọi ngày trong đời sống chúng con.

Suy niệm:

Tội nguyên tổ đã phá đổ mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Hệ lụy của nó lưu truyền cho hậu thế và làm cho sự chết thống trị con người. Nhưng vì lòng thương xót, Thiên Chúa không để con người phải chết trong đau khổ. Ngài ban Con Một cho trần thế hầu thực hiện chương trình cứu rỗi nhân loại.

Đức Giêsu đã vì vâng phục Chúa Cha mà chấp nhận cái chết (Pl 2,6-11), nhưng Thiên Chúa đã cho Người phục sinh. Nhờ cái chết của Đấng chịu đóng đinh mà tội lỗi của con người bị tiêu diệt và nhờ sự phục sinh vinh hiển của Người mà thế gian được sống lại. Cũng nhờ sự chết và sự phục sinh của Đức Giêsu mà có sự giao hòa giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người (Rm 5, 10-11), giữa Do thái và dân ngoại (Cl 1,20).

Thập giá, tự bản chất, là yêu thương và tha thứ. Vì yêu thương nhân loại mà Con Thiên Chúa phải chết treo trên thập giá, nhưng cũng vì sự chết của Đấng bị treo mà tội lỗi của con người được tha thứ.

Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô trên Thánh Giá, thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã ghi nhận: “Chính trên thập giá mà tình yêu trinh khiết của Chúa Kitô đối với Chúa Cha và đối với nhân loại được diễn tả mạnh mẽ nhất; đức khó nghèo của Người dẫn đưa Người tới chỗ lột bỏ mọi sự; lòng vâng phục của Người sẽ giúp Người hiến dâng mạng sống. Các môn đệ được mời chiêm ngưỡng Đức Giêsu chịu treo cao trên thập giá, nơi mà Ngôi Lời “xuất thân từ cõi thinh lặng”, trong sự lặng lẽ và cô liêu, như lời các ngôn sứ đã khẳng định Thiên Chúa tuyệt đối siêu việt trên mọi tạo vật, nơi mà Đức Giêsu đã chiến thắng tội lỗi của chúng ta, trong thân xác của Người, và nơi mà Người lôi kéo mọi người lên với mình, ban cho mỗi người sự sống mới từ ơn Phục Sinh. Việc chiêm ngưỡng Chúa Giêsu chịu đóng đinh là nguồn cảm hứng cho tất cả các ơn gọi là khởi điểm của mọi ân điển, tiên vàn là ơn Chúa Thánh Thần được trao ban, đặc biệt là ơn sống đời thánh hiến” (ĐSTH 23). Đây cũng là lý tưởng của người sống theo linh đạo Dòng Mến Thánh Giá.

Chúa Kitô là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Người chuyển cầu không chỉ bằng lời kinh cầu nguyện cho mỗi người và mọi người, mà bằng cả cuộc đời phục vụ, với đỉnh cao là hành động hiến dâng mạng sống trên Thánh Giá làm giá chuộc muôn người. Đức Cha Lambert muốn các nữ tu Mến Thánh Giá phải nhận thức rõ ân huệ đặc biệt Chúa Kitô ban cho họ là được thông dự vào vai trò trung gian và tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Người để chuyển cầu cho phần rỗi và hạnh phúc của anh chị em đồng loại.“Người tông đồ là cánh tay hữu hình và trung gian của Chúa Kitô” (Đc. Lambert de la Motte)

Nhân dịp năm thánh mừng ơn cứu độ (1983- 1984, kỷ niệm 1950 năm biến cố Thập giá và Phục sinh), đức Gioan Phaolô II viết một tông thư cho các tu sĩ, trình bày mối liên hệ giữa sự tận hiến tu trì và mầu nhiệm Cứu chuộc. Với giọng văn của một bài suy niệm, Đức Giáo hoàng mời gọi các tu sĩ hãy khám phá những chiều kích thần bí sâu xa của việc tận hiến. Đó là một “giao ước tình yêu” với Chúa Cha, trong Đức Kitô, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần (số 8). Qua giao ước đó, người tu sĩ chia sẻ với Chúa Cha và Đức Kitô mối ưu tư về việc cứu rỗi nhân loại và tham gia vào sứ mệnh tông đồ của Giáo hội. Việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc âm biểu lộ việc thông dự vào mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô (số 10)

Đức Thánh Cha nhắc nhở: “Các Tu sỹ hãy sống trung thành với tình yêu Thiên Chúa, và làm chứng tá cho Thiên Chúa. Như thế, anh chị em giúp cho Giáo Hội ý thức mạnh mẽ rằng: Thập giá là Tình Yêu vô cùng dồi dào phong phú của Thiên Chúa được đổ chan hòa trên thế giới. Thập giá là dấu chỉ lớn lao cho thấy sự hiện diện Đức Kitô cứu độ, nhất là trong các khó khăn và thử thách. Một số lớn những người tận hiến đang thường xuyên làm chứng về điều này cách can đảm đáng phục, khi họ thường phải sống trong những hoàn cảnh khó khăn, cho đến mức bị bách hại và tử đạo.

Tình yêu và lòng trung thành của người nữ tu Mến Thánh Giá dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh được biểu lộ và củng cố qua một nếp sống giản dị, khiêm tốn, đơn sơ. Chấp nhận những khổ đau nơi thế xác và cả trong tinh thần để bổ túc những gì con thiếu nơi thân mình Người là Hội Thánh “những gì còn thiếu nơi các gian nan thử thách Đức Kitô phải chịu” (Cl.1,24)

Lòng trung thành với Thiên Chúa được thể hiện qua việc trung tín với ơn gọi, sống và thể hiện đặc sủng Mến Thánh Giá nơi mọi biến cố giữ đời thường và lòng yêu mến dành cho con người, tận tụy phục vụ mọi đối tượng mà mình được mời gọi trong sứ vụ. Ngoài những nhiệm vụ cụ thể, người nữ tu Mến Thánh Giá còn được mời gọi sống sứ mạng chuyển cầu trong nguyện đường và nơi cuộc sống cho anh chị em được nhận biết Chúa và ơn hoán cải.

Cái chết của Đức Kitô tác động làm biến đổi linh hồn con người từ trạng thái tội lỗi sang trạng thái thuần khiết và được giải phóng khỏi tù ngục vây hãm. Từ đó con người như được sinh lại trong ơn nghĩa với Thiên Chúa. Ngay lúc trên thập giá, Đức Kitô đã hứa với một trong hai tên trộm: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Thiên Chúa dùng Thập giá làm phương thế để cứu rỗi con người thì nó không còn là nghịch cảnh của những kẻ bị treo nữa, nó trở thành sứ điệp cứu rỗi nhân loại.
Như vậy, qua thập giá của Đức Kitô, chúng ta được chia sẻ vào sự chết với Người. Cái chết của chúng ta, thực sự, là sự khởi đầu cho một cuộc sống vĩnh cửu. Thập giá không phải chỉ mang “giá trị Nước Trời”, sự hiện diện âm thầm của thập giá là lời nhắc nhở thâm thúy về những giới hạn tất nhiên của con người cũng như chính cuộc đời?

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói với các bạn trẻ “Các con đã hỏi làm thế nào để khuyến khích người trẻ không sợ ôm lấy thập giá. Ôm lấy: đó là một động từ đẹp. Ôm giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi. Khi chúng ta được ôm, thì chúng ta sẽ lấy lại niềm tin vào chính mình và vào cuộc sống. Vì vậy, chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu ôm chúng ta. Bởi vì khi chúng ta ôm Chúa Giêsu, là chúng ta ôm niềm hy vọng. Chúng ta không thể tự mình ôm lấy thập giá; đau khổ không cứu được ai. Chính tình yêu biến đổi nỗi đau. Vì vậy, chúng ta hãy luôn luôn ôm lấy thập giá cùng với Chúa Giêsu và đừng bao giờ ôm thập giá một mình! Khi chúng ta ôm lấy Chúa Giêsu, niềm vui sẽ được tái sinh. Và niềm vui của Chúa Giêsu giúp chúng ta tìm thấy sự bình an, ngay cả giữa nỗi buồn. Các bạn trẻ thân mến, trên mọi thứ, cha muốn các con có được niềm vui này. Cha muốn các con mang nó đến cho bạn bè của các con. Không phải là các bài giảng, nhưng là niềm vui. Hãy mang niềm vui. Không phải lời nói, nhưng là những nụ cười và sự gần gũi huynh đệ.”
[1]

 Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn ban cho chúng con nguồn an vui, hạnh phúc trong đời , nhưng vì chúng con chưa đặt trọn niềm tin vào Chúa, chưa thật sự sống gắn bó với Chúa trong sự kết hợp sâu xa. Thế nên, niềm an vui khó có thể phát sinh an vui và hạnh phúc nơi tâm hồn mỗi chúng con. Xin Chúa là  nguồn tình yêu tuôn đổ trên chúng con Ân sủng của Ngài. Cho chúng con biết sống gắn bó với Chúa, để Chúa hoạt động trong con bằng niềm tin sống động, bằng lòng phó thác, cậy trông vào Chúa luôn... để mỗi phút sống đời con là chuỗi ngày của niềm vui và hy vọng cho cộng đoàn, gia đình, Giáo Hội và xã hội hôm nay. Và nhất là biết vận dụng mọi cơ hội trong ngày sống để hy sinh cho tình yêu lớn nhất là yêu mến Đấng Chịu Đóng Đinh. Nhờ những hy sinh nhỏ với tình yêu lớn, cuộc sống của chúng con trở thành lời mang sứ điệp yêu thương cứu độ của Đức Kitô đến với mọi người.  Amen



[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dien-van-cua-dtc-trong-buoi-gap-go-gioi-tre-tai-san-van-dong-lokomotiva-o-kosice-42709


 

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây