Chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng Cứu Thế
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa Ba ngôi chí thánh, chúng con xin tôn thờ, chúc tụng, ngợi khen, cám tạ tình thương Chúa đã dành cho chúng con. Chiêm ngắm Cạnh sườn Đức Giêsu bị đâm thâu xin cho chúng con cảm nghiệm sâu hơn nữa về tình thương lớn lao của Cha đã dành cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa đã thầm lặng và khiêm tốn để cho tên lính lấy lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn từ đó Máu và Nước chảy ra. Từ cạnh sườn bị đâu thâu của Chúa, Chúa đã ôm trọn mọi khổ đau, bệnh tật và tội lỗi của nhân loại; đặc biệt để bày tỏ yêu thương dành cho những ai đang đau khổ mang vác ghánh nặng cuộc đời “Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồ dưỡng” (Mt 11:28).
Lạy Chúa, chúng con - những người đang mang ghánh nặng nề vì cuộc sống mưu sinh, vì bị hiểu lầm, trái ý, bất hòa ghanh ghét, ích kỷ, hơn thua, lo tìm danh dự chóng qua....xin được nép mình bên Thánh Tâm trong giây phút này và mọi ngày trong đời sống chúng con. Xin cho chúng con cảm nếm tình yêu và lòng thương xót mà Chúa dành riêng cho mỗi người để được Người an ủi đỡ nâng, được giải thoát khỏi những khổ đau trong tinh thần và những sân si kiếm tìm vật chất. Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con giờ này và luôn mãi. Amen
Suy Gẫm:
"Khi họ đến gần Chúa Giêsu, thấy Người đã chết, họ không đánh gãy chân Người nữa, nhưng một trong những người lính đã dùng giáo đâm vào cạnh sườn Người; và tức thì máu và nước từ đó tuôn ra." (Gioan 19, 33)
Chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Kitô Giêsu - Đấng Cứu Thế, chúng ta sẽ hiểu biết Ngài cách sâu rộng hơn, kinh nghiệm về tình yêu của Ngài cách đầy đủ hơn, khiến chúng ta có thể sống chan hoà với tình yêu của Ngài và sẵn sàng làm chứng về tình yêu ấy cho những người khác.
Trái tim thường được coi là “trụ sở của Tình yêu”.
Một vết thương vô ích, chẳng để làm gì, biểu trưng cho tính kiêu ngạo của loài người. Một cú giáng cuối cùng vào Đức Maria, để ứng nghiệm lời tiên tri của cụ già Simêon: "Còn bà, tâm hồn bà sẽ bị ngọn giáo xuyên qua" (Lc 2,35). Một vết thương hở, được trình bày trên các họa phẩm và trên các thánh giá, nhắc nhớ đến tình yêu của Đức Kitô dành cho loài người, được đẩy lên đến tận hy tế thập giá. Cũng chính vết thương đó, mở rộng và dễ thấy, đã hoán cải thánh Tôma sau khi Chúa sống lại. "Đích thân Chúa Giêsu Kitô đã dạy tông đồ Tôma về ngôn ngữ của những vết thương. ‘Hãy đưa tay con đây và nhìn vào tay Ta, đừng chỉ đụng vào mà hãy nhìn thật chăm chú, thật chi tiết, những vết thương đó đã thành sẹo rồi nhưng vẫn thấy rõ lắm. Rồi hãy đưa tay ra và đặt nó vào cạnh sườn Ta. Nó đã không khép lại. Nó sẽ không bao giờ khép lại, vì từ trái tim Ta, sẽ tuôn ra tình yêu điên cuồng, sự tha thứ và lòng thương xót của Ta." [1]
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc lại trong bài giảng lễ ngày 12/04/2015: "Chúa cho ta thấy những thương tích của Người qua Tin Mừng. Thương tích của Chúa Giêsu là những vết thương của lòng thương xót. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chiêm ngắm những vết thương đó, Người mời chúng ta chạm vào chúng, như Người đã mời Tôma, để chữa lành sự cứng tin của chúng ta. Nhất là Người muốn mời chúng ta đi vào mầu nhiệm của những vết thương ấy, đó là mầu nhiệm tình yêu thương xót của Người.” Vết thương cạnh sườn đúng là vết thương của lòng thương xót, nhưng cũng còn là vết thương của sự hoán cải. Đối với Tôma cứng lòng tin, vết thương đó là dấu hiệu không thể bàn cãi của sự sống lại. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đã chết thật và sống lại thật vì tội lỗi chúng ta. Đức Giáo hoàng đã dạy rằng: “Những vết thương của Chúa Giêsu vừa là tai tiếng vừa là phép thử cho đức tin. Đó là lý do tại sao trong thân xác Chúa phục sinh, những vết thương không biến đi, mà cứ tồn tại mãi, vì chúng là dấu chỉ thường trực cho tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, và chúng rất cần cho niềm tin vào Thiên Chúa - không phải để tin rằng rằng Chúa hiện hữu mà để tin rằng Chúa là tình yêu, lòng thương xót, lòng trung thành” (Bài giảng lễ ngày 27/04/2014)
Máu và nước từ cạnh sườn của Chúa Giêsu phát xuất từ con tim tràn tình thương xót của Thiên Chúa Cha. Trái Tim thánh thiện, tinh tuyền của Chúa là nguồn ơn cứu rỗi con người vì chỉ nơi Chúa Giêsu ơn cứu chuộc mới chan chứa và tuôn tràn. Nơi thập giá của Chúa mới có ơn cứu chuộc cho toàn thể nhân loại qua mọi thời đại.
Chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhớ đến tình yêu Thiên Chúa, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Từ cạnh sườn lưỡi đòng đâm thâu, Máu và Nước từ Thánh Tâm Chúa đã chảy ra, để cho nhân loại một kho tàng vô giá, là nguồn suối ân sủng các Bí Tích, nguồn suối cứu độ, nguồn suối dẫn đưa con ngươi vào cuộc sống mới, đời sống được làm con cái Chúa.
Nước để rửa sạch tội cho con người qua Bí Tích Rửa Tội để con người xứng đáng làm con Chúa, và Máu để nuôi dưỡng con người qua Bí tích Thánh Thể và khai mở đời sống thần linh trong ân sủng tuôn tràn cho con người. Nước tượng trưng cho sự sống và Máu tượng trưng cho Thánh Thần. Nước tượng trưng cho sự thanh tẩy tội lỗi và Máu tượng trưng cho sự sống. Như bà Evà được tạo từ cạnh sườn ông Ađam, Giáo hội của Thiên Chúa cũng được phát sinh từ cạnh sườn Chúa Giêsu.
Hình ảnh Máu và Nước tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng đã mở ra một lối nhìn mới về tình yêu thương của Thiên Chúa. Nó cho con người biết rằng tuy đã được cứu chuộc bằng giá máu của Con yêu dấu Ngài, nhưng họ cũng cần phải được nuôi dưỡng trong dòng suối mát ân sủng và tình yêu của Ngài nữa. Đó là dấu hiệu của máu và nước. Chỉ có máu và nước chảy ra từ cạnh sườn của Ngài mới hóa giải được những độc chất của nền văn hóa sự chết.
Chiêm ngắm vết thương nơi Cạnh Sườn Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi cảm nếm tình yêu tuyệt đối của tình yêu thương mà Con Thiên Chúa dành cho loài người. Thiên Chúa luôn yêu thương và trung thành giữ lời hứa, nhưng con người luôn bất trung và phản bội. Chiêm ngắm và suy niệm về mầu nhiệm Thánh Tâm Chúa Giêsu là dịp chúng ta nhìn lại tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta và quyết tâm đền tạ những tội lỗi chúng ta và nhân loại đã xúc phạm đến Ngài.
Thiên Chúa trao tặng tình yêu, và Ngài khát khao mong mỏi con người nhận ra tình yêu ấy. Ngài khát khao “họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu qua”. Ngài khát khao cho họ nhận ra tình yêu trọn vẹn của Ngài. Trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, chúng ta được mời gọi hãy đón nhận tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời hãy yêu như chính Thiên Chúa đã yêu thương và còn yêu thương mãi mãi.
Chúng ta hãy thinh lặng ngước nhìn lên Thánh giá Chúa Giêsu để cho tình yêu từ Thánh Tâm bị đâm thâu của Người làm cho trái tim băng giá của chúng ta được lửa tình yêu ấp ủ cho tan chảy ra và trở nên sống động khi yêu thương. Và hãy ghi sâu cảm nghiệm của Thánh Bônaventura “Hỡi bạn là người đã được cứu chuộc, bạn hãy ngắm xem Ðấng chịu treo trên thập giá vì bạn, Ðấng đã chết để làm cho kẻ chết được sống, Ðấng đã qua đi mà cả trời đất phải khóc than và đá cũng vỡ ra, Ðấng ấy là ai, cao cả thế nào, thánh thiện làm sao? Nhưng để từ cạnh sườn Ðức Kitô đang ngủ trên thập giá, Hội Thánh được thành hình, và để lời Kinh thánh sau đây nên ứng nghiệm: Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu, thì thiên ý nhiệm mầu đã muốn cho lưỡi đòng của người lính đâm thủng và mở cạnh sườn Chúa ra, đồng thời cũng muốn, một khi máu cùng nước chảy ra, giá cứu chuộc chúng ta tuôn trào từ nguồn, tức là từ nơi sâu thẳm của trái tim, để làm cho các bí tích của Hội Thánh có sức mang lại sự sống ân sủng, và để cho những ai đang sống trong Ðức Kitô được uống ở mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời. Vậy hãy chỗi dậy, hỡi bạn tình của Ðức Kitô… bạn hãy ghé miệng uống thỏa thuê tận nguồn suối của Ðấng Cứu Ðộ. Quả thật, Người là mạch nước chảy ra từ giữa vườn địa đàng, được chia làm bốn nhánh, rồi đổ tràn vào các tâm hồn sốt sắng, mạch nước đó tưới gội và làm cho toàn cõi đất được phì nhiêu”. Và hãy tiếp tục cầu nguyện với Thánh Tâm, Lạy Trái Tim Chúa Giêsu, làm Vua cai trị mọi loài, xin Trái Tim Chúa làm Vua, cai trị lòng con suốt đời.
Và hãy để cho vết thương từ cạnh sườn của Đức Giêsu chạm vào lòng chúng ta để được biến đổi, để trái tim chúng ta được ấm lên tình yêu, tình yêu dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh và yêu mọi người, mọi biến cố, sự kiện trong đời sống chúng ta. Để nhờ tình yêu mách bảo chúng ta sống đời thánh hiến cách tròn đầy và hạnh phúc.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêu yêu mến! Thánh Tâm Chúa đã bị thương tích vì chúng con, nhưng chính nhờ những vết thương của CHÚA đã mở ra cho chúng con con đường cứu độ. Chính Chúa đã nhiều lần mời gọi chúng con “Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường, Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồ dưỡng”. Như thế, Chúa muốn mỗi chúng con được nghỉ ngơi bên Chúa trong tình yêu, trong kinh nguyện và hồi tâm, yêu thương và tha thứ để tâm hồn thanh thản thuộc về Ngài. Xin biến đổi tâm thức, cảm nghĩ trong mỗi người chúng con để chúng con biết nhìn lên Chúa- Đấng đã chết vì yêu để mỗi người biết nhận ra phẩm giá cao quí của người khác, để biết quí trọng nhau, biết tôn trọng chính mình để yêu thương cảm thông, nâng đỡ nhau trong những việc dù rất nhỏ bé trong cuộc sống từng ngày. Để đẩy lui sự dửng dưng vô cảm đang tràn lan trong Cộng đoàn, trong Xã hội và cả trong gia đình ruột thịt, trong các hội đoàn, trong các giáo xứ và trong gia đình nhân loại,
Lạy Mẹ Maria, Mẹ của chúng con, xin nâng đỡ chúng con, vì Mẹ luôn chăm sóc chúng con khi chúng con mệt mỏi mang gánh nặng nề. Xin Mẹ dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu con mẹ trong tình yêu mến CHÚA và con người- những người sống bên cạnh chúng con trong hành trình cuộc đời .
[1]Đức cha Dominique Le Tourneau đã phân tích trong cuốn Những Vết Thương của Đức Kitô (NXB Artège)