Tình yêu của Thiên Chúa sẽ được nhân rộng nếu con người cùng hiến tế
với Đức Giêsu nơi cuộc sống thường ngày.
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trước nhan thánh Chúa với thân phận thụ tạo bé nhỏ, con xin mặc lấy tâm tình của người con thảo hiếu xin dâng lên Chúa niềm cảm mến tri. Cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng con bằng tình yêu lớn lao qua việc tự hiến trên thánh giá và khiêm tốn ẩn thân trong nhà tạm đơn hèn để trao ban cho chúng con muôn phúc lành của Chúa Cha. Đặc biệt ơn sự sống Chúa thương ban cho mỗi người để giờ này chúng con được hiện diện trước nhan thánh Chúa đây.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con! Chúng con xác tín rằng: sống đời thánh hiến là quyết tâm nên thánh bằng con đường hy sinh từ bỏ, sống tinh thần linh đạo mà Đấng sáng lập đã dạy với lòng tín thác, cậy trông và không ngừng vươn lên để trở nên hiến tế tình yêu khi mang trong mình cuộc thương khó của Đức Kitô- ngang qua việc chấp nhận những trái ý, khổ đau, buồn phiền trong cuộc sống đời thường. Xin cho mỗi chúng con cảm nhận tình yêu của Chúa dành cho nơi cuộc sống mỗi ngày, để con biết hiến thân phụng sự Chúa và làm triển nở tình yêu Chúa nơi môi trường sống của chúng con,
Xin Mẹ Maria, Thánh Giuse cùng Các thánh đồng hành cùng chúng con trong giờ này.
Suy niệm
Tình yêu Thiên Chúa là khởi nguyên, là đỉnh cao và là trung tâm của đời sống con người. Trong thông điệp Đấng Cứu Chuộc Con Người, thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II nhấn mạnh: "Con người không thể sống mà không có tình yêu. Con người vẫn là hữu thể mà chính mình không thể hiểu được, cuộc sống con người vô nghĩa, nếu tình yêu không được biểu lộ, nếu con người không gặp gỡ tình yêu, nếu con người không kinh nghiệm tình yêu và làm cho tình yêu ở lại nơi mình, nếu con người không tham dự vào tình yêu cách mật thiết" (Redemptor Hominis 10). Tình yêu chính là mối dây liên kết con người với Thiên Chúa và với nhau. Do đó, giới răn cao cả nhất mà Thiên Chúa muốn con người thực hiện là 'giới răn tình yêu', yêu Chúa và yêu người.
Với bản tính và khả năng hạn hẹp của mình, không ai trong nhân loại có thể đến với Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa đã gửi Con Yêu Dấu của Người là Đức Giêsu đến trần gian để giúp con người nhận ra Tình Yêu của Ngài. Thánh Gioan tông đồ đã khẳng định : “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8).Thiên Chúa là Đấng vô hình không ai thấy được, do đó con người cũng khó nhận ra tình yêu của Người. Vì thế thánh Gioan viết tiếp : “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này : Thiên Chúa đã sai Con Một đến trần gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1Ga 4,9). Tình yêu Thiên Chúa được Chúa Giêsu thể hiện qua đời sống nhân hậu, bao dung, thương xót, tha thứ của Ngài. Lời nói việc làm của Ngài chính là lời nói việc làm của Chúa Cha (Ga 14,10). Toàn bộ cuộc đời của Ngài được Chúa Cha chiếm ngự. Ngài như tấm gương trong suốt phản chiếu khuôn mặt và trái tim Chúa Cha.
Và, Ngài mời gọi mọi người đi vào Đường Tình Yêu của Người mà đến với anh chị em mình, đến với thế giới thụ tạo và đến với Thiên Chúa. Đức Giêsu cho chúng ta biết Người là Đường Duy Nhất: "Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy" (Ga 14,6). Các môn đệ của Đức Giêsu, qua thời gian được ở với Người, được thấm nhập những tư tưởng và hành vi của Người, nhờ đó các ngài đã nhận ra Người là Đường Tình Yêu, Đường Sự Thật và là Đường Duy Nhất. Các ngài đã trở nên gương mẫu cho tất cả chúng ta. Thánh Phaolô cũng đã thú nhận những sai lầm của mình trong giai đoạn trước khi gặp Đức Giêsu Phục Sinh tại Đa-mát. Từ đó, thánh nhân đã hy sinh tất cả để theo Người: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-9). Hơn thế nữa, thánh nhân đã trở nên khí cụ hữu hiệu của Đức Giêsu, trong hành trình trần thế và minh chứng cho Người bằng cái chết của mình.
Chúng ta tin rằng nếu mọi người trong nhân loại cùng nhau đi trên Đường Tình Yêu, Đường Giêsu - lối đi của sự tự hủy, hy sinh và yêu thương sẽ là cơ hội đẩy lui bóng tối của bất chính, giả tạo, oán hờn, bạo lực... Nếu mọi người trong nhân loại hiểu, sống và làm lan tỏa tình yêu của Thiên Chúa thì chắc chắn hận thù không có chỗ đứng, chiến tranh không còn leo thang, hòa bình, công lý được thiết lập. Khi tất cả mọi người trong nhân loại cùng đi Đường Tình Yêu mà Giêsu đã đi thì mọi người trên thế giới sẽ sống như một gia đình đích thực, yêu thương, chăm sóc và san sẻ cho nhau mọi thứ của cải vật chất và tinh thần. Và nếu mọi người đi vào Đường Giêsu thì thế giới được hưởng nền hòa bình dài lâu và mỗi con người ngày càng sống xứng đáng hơn với phẩm giá của mình là con cái của Thiên Chúa Tình Yêu Vĩnh Cửu.
Thế nhưng, thực tế của đời sống hiện nay lại là một thảm trạng về tình yêu. Theo thống kê tại Việt Nam mỗi năm có hàng triệu bào thai bị phá bỏ, chưa kể hàng ngàn người bị giết hại, lừa bịp, tự tử và hàng chục triệu công nhân phải khổ sở, khó khăn vì thất nghiệp...chỉ vì con người không hiểu được nghĩa tình yêu và không biết yêu thương, san sẻ cho nhau, có thể lạm dụng tình yêu, hoặc đã hiểu sai về Tình yêu.
Chúng ta không thể đi Đường Tình Yêu, cũng không thể làm lan tỏa Tình Yêu Thiên Chúa, nếu chúng ta không thành tâm học hỏi, suy niệm giáo huấn Đức Giêsu và cộng tác với Thiên Chúa trong việc biến đổi bản thân mình. Các môn đệ Đức Giêsu, trong hành trình theo Người, đã chứng kiến nhiều điềm thiêng, dấu lạ mà Đức Giêsu thực hiện, nhưng họ cũng tối tăm, yếu đuối và lầm lạc như bao người khác. Họ theo Đức Giêsu với hy vọng Người sẽ nâng cấp thân phận mình so với những người khác trong xã hội Do-thái, cũng như làm cho dân tộc mình được nở mặt nở mày so với các dân tộc khác trên trần gian này. Tuy nhiên, với Biến Cố Vượt Qua của Đức Giêsu, họ hoàn toàn biến đổi, họ hiểu được bản chất của Đường Tình Yêu và trung thành đi Đường Tình Yêu cho đến hơi thở cuối cùng. Chúng ta cần học Đường Tình Yêu suốt đời, với hy vọng rằng nhờ ơn Thiên Chúa trợ lực, chúng ta mới có thể theo Đường Tình Yêu đến cùng.
Tình yêu của Thầy Giêsu không đóng kín vào một đối tượng nào, nhưng mở ra cho muôn loài, muôn vật. Ngài yêu từng người bằng tình yêu trọn vẹn của mình, yêu mọi người mà không loại trừ ai, cả người tốt lẫn xấu, người lành cũng như kẻ dữ, người xinh đẹp cũng như kẻ xấu xí, người thánh thiện cũng như kẻ tội lỗi… Tình yêu của Người tồn tại mãi theo năm tháng chứ không chỉ trăm năm, ngàn năm và nguyên vẹn dù ở bất cứ nơi nào chứ không phải xa mặt, cách lòng! “Chúa Cha đã đổ tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Thánh Thần Tình Yêu đã nối kết Ngôi Cha, Ngôi Con lại với nhau thì cũng nối kết chúng ta lại với Thiên Chúa. Nhờ đó, ta mới có thể yêu một cách trong sáng và quảng đại như Chúa Giêsu. Có những lúc vì muốn trung thành với tình yêu, ta sẽ gặp những thiệt thòi, mất mát, nhục nhã, thậm chí phải hy sinh mạng sống. Nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài nhìn thấu tất cả, nên hành động tình yêu nào của ta cũng được Ngài ban thưởng. Mọi hành động về tình yêu sẽ tồn tại mãi với Thiên Chúa vì Ngài chính là tình yêu.
Sau khi đã suy tư về bản chất của tình yêu và cảm nhận đôi chút về Tình yêu của Thiên Chúa ngang qua Con yêu dấu của Ngài, chúng ta được mời gọi suy nghĩ đến thái độ của mỗi người: chúng ta có thể yêu Chúa mà không thấy Ngài không? Và tình yêu có thể bị bắt buộc không? Làm thế nào để thực hiện giới răn kép của yêu thương. "Nếu ai nói: 'Tôi yêu mến Thiên Chúa' mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy." (1 Ga 4:20)
Vì thế, chúng ta cùng xin Đấng Sáng Lập Dòng- Đức cha Lambert de la Motte cầu cùng Chúa cho chúng ta được ơn say mê Đấng Chịu Đóng Đinh như ngài để giữa cuộc sống đời thường chúng ta luôn biết làm lan tỏa, nhân rộng tình yêu của Thiên Chúa ngang qua những hy sinh hiến tế của mình với tất cả những tầm thường giữa đời thường. Theo Đức cha Lambert, tất cả mọi ước muốn của con người đều phải đạt đến cùng đích là làm cho mình yêu mến Chúa hơn[1]. Cũng theo kinh nghiệm của Đức Cha Lambert, việc chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô trên Thánh Giá đã khơi nguồn cảm hứng và làm phát sinh nơi ngài một tình yêu đặc biệt đối với Đấng Chịu-Đóng-Đinh: “Tôi đã có một ước nguyện lớn lao là chứng tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, tôi xin Người soi tỏ cho biết có thể làm cách nào để biểu lộ mối tình ấy [2].
Lời nguyện kết:
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, tạ ơn Cha đã dành cho Giáo hội Việt Nam, Hội dòng thân yêu của chúng con tình yêu đặc biệt nhờ chương trình và kế hoạch của Cha. Cha đã gởi Đức Cha Lambert de la Motte đến trên quê hương đất nước chúng con. Đức cha là mẫu gương sáng ngời về tình yêu Chúa được thể hiện nơi lòng say yêu đối với Thập Giá Chúa Kitô và sự dấn thân phục vụ Giáo hội và các linh hồn.
Là Người nữ tu Mến Thánh Giá , chúng con được mời gọi thông phần vào cuộc khổ nạn cứu thế của Chúa Kitô trong đời sống tông đồ dưới mọi hình thức, cùng với những hy sinh hiến tế, vui nhận đau khổ trong tinh thần gắn bó với Đức Kitô, yêu mến Đức Kitô mà là Đức Kitô chịu đóng đinh. Nhờ đó, đời sống tông đồ của chúng con trở thành chứng từ của Giáo hội, lời công bố của Giáo hội giữa thế giới về giá trị của Tin Mừng. Xin Chúa cho chị em chúng con thực sự được hoán cải và đổi mới từ trong con tim và ý chí để mỗi suy nghĩ và hành động của chúng con luôn đi vào sự hiệp thông tình yêu với Chúa và với nhau để có thể làm lan tỏa tình yêu của Chúa đến với cuộc sống hôm nay. Amen
---------------------------
[1] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá.., 1668” (Luật Tại Thế), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte…, sđd., I,1-4, tr.87.
[2] X. Nhóm NCLĐMTG, “Tập Chú Nội Tâm”, sđd., 13, tr.169.
Tác giả bài viết: TT/MTG QN
Ý kiến bạn đọc