Lễ Truyền Tin

Thứ năm - 04/04/2024 20:44 141 0

Lễ Truyền Tin
 
Người nữ tu Mến Thánh Giá
thưa lời “ Xin Vâng” giữa đời thường theo gương Mẹ Maria

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi! Giây phút đầu tiên của ngày sống mới chúng con xin dâng lời tri ân- cảm tạ, tôn thờ và yêu mến Ba Ngôi với trọn cả con người chúng con. Tri ân Cha đã ban cho chúng con Đức trinh nữ Maria, nhờ tiếng “xin vâng” của Mẹ trong ngày truyền tin mà kế hoạch cứu độ nhân loại của Cha được thực hiện.

Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chưa có ai mạnh mẽ, can đảm và phó thác hoàn toàn như Đức Maria. Một thiếu nữ thôn quê, bình dị, đơn sơ dám gác lại kế hoạch đời tư của mình để đi theo tiếng gọi của Đấng quyền năng: lắng nghe, thi hành trọn vẹn ý định của Thiên Chúa và đã trở thành máng chuyển thông ơn cứu độ cho con người. Nhờ lời xin vâng của Mẹ mà mỗi người trong nhân loại chúng con diễm phúc được Chúa Giêsu ở cùng và chia sẻ vui buồn cùng lãnh nhận cứu độ mà Cha sẽ ban nhờ qua cuộc thương khó - chịu chết và Phục Sinh của Người.
 
Trong ngày kính nhớ việc sứ thần Truyền tin cho Mẹ, ngày Giáo Hội hân hoan mừng kính trọng thể Mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa xuống thế làm người.  Chúng con muốn chiêm ngắm hai mẫu gương của sự Vâng phục nơi Đức Giêsu và Mẹ Maria để sống tinh thần “Vâng Lời” trong đời sống thánh hiến của chúng con.

Xin Cha ban Chúa Thánh Thần cho chúng con để nhờ ơn Người hướng dẫn chúng con biết noi gương Mẹ Maria sống Thánh ý Chúa và bắt chước Đấng sáng lập dòng Đức Cha Lambert luôn lắng nghe Thần Khí và hoàn toàn hiến thân làm của lễ cùng với Đức Kitô ngang qua mọi biến cố lớn nhỏ, vui buồn nơi đời sống hằng này.  


Suy niệm:

Trước khi được sứ thần truyền tin, Đức Maria là một thiếu nữ bình thường như bao thiếu nữ- vẫn có đó những hoài bão, ước mơ và những dự tính cho tương lai của riêng mình. Thế nhưng, Thiên Chúa đề nghị Mẹ bước đi trên con đường của Ngài, Thiên Chúa muốn mẹ thực hiện kế hoạch mà Ngài đã chuẩn bị cho mẹ – con đường làm Mẹ Đấng Thiên Sai: “Và này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. Đứng trước một lời đề nghị bất ngờ và vĩ đại: Mẹ bối rối, lo sợ vì sứ mạng quá lớn đối với Mẹ, Thánh Augustinô đã nói: “Đấng các tầng trời không đủ sức chứa, lại được cưu mang nơi cung lòng một người phụ nữ”. Những khó khăn trước mắt và một tương lai phía trước đầy sóng gió. Sứ mạng quá lớn, bởi đây là lời hứa của Thiên Chúa đã có từ khi tổ tông phạm tội, dân Israel hằng mong đợi một vị cứu tinh. Mẹ Maria, một thôn nữ bình dân, một nữ tỳ hèn mọn làm sao gánh vác đây? Mẹ thấy sợ, vì Mẹ có thể gặp những rắc rối, thậm chí nguy hiểm đến cả tính mạng, bởi dưới chế độ lề luật, làm sao có thể chấp nhận một người con gái chưa chồng mà đã có thai?… Mẹ bị giằng co giữa sự an toàn của bản thân, giữa Lề luật và thánh ý của Chúa. Nhưng sau khi được Sứ Thần giải thích, Mẹ đã can đảm thưa lời “xin vâng”: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền”.

Lời thưa “xin vâng” của Mẹ đã làm nên một trang sử mới trong công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa. Đó không chỉ là lời chấp nhận để trở thành Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể, là người cưu mang Hài Nhi Giêsu nhưng còn là cách diễn tả trọn vẹn sự hiến dâng của Mẹ đối với kế hoạch của Thiên Chúa. Từ đây, Mẹ hoàn toàn bước theo chương trình của Chúa, mỗi bước đi của Mẹ đều là thực thi thánh ý Chúa. Chính vì thái độ khiêm nhường và vâng phục này, Mẹ đã được xứng đáng làm Mẹ Đấng cứu thế, cũng là làm Mẹ của Thiên Chúa. “Đức Maria ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19)

Xin vâng là tuân phục ý Chúa. Xin vâng là xin cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa với sự từ bỏ mình, hoàn toàn tín thác đời mình trong tay Chúa. Sau lời thưa “xin vâng” của Đức Maria, Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế nhập thể trong lòng  Mẹ. Tất cả đều diễn tiến trong tinh thần lắng nghe và âm thầm thực thi cách khiêm tốn.

Khi nói về tầm quan trọng hai tiếng xin vâng của Mẹ, công đồng Vatican II đã lặp lại lời của các Giáo Phụ xưa rằng : Nút dây đã bị thắt lại do sự bất tuân của Evà, nay được gỡ ra nhờ sự vâng phục của Đức Maria. Điều mà Evà đã buộc lại bởi cứng lòng tin, Đức Maria đã tháo ra nhờ lòng tin; và so sánh với Evà, các ngài gọi Đức Maria là “Mẹ kẻ sống”, và thường quả quyết rằng : “Bởi Evà đã có sự chết, thì nhờ Maria lại được sống” (x. Lumen gentium, số 56). Thánh Bênađô thì kêu lên rằng: “Ôi trinh nữ, Adam đang khóc lóc cầu khẩn Mẹ trả lời, Đavit cũng khẩn cầu, các tổ phụ cũng không ngớt nài xin. Câu trả lời ấy cả thế giới này đang phủ phục dưới chân Mẹ và chờ đợi nó. Bởi việc giải thoát cho những ai đang đau khổ, chuộc lại kẻ giam cầm, trả tự do cho người bị kết án và sau cùng là phần rỗi của mọi con cái Adam, của toàn thể dòng dõi Mẹ đều tùy thuộc vào lời thưa của Mẹ”.

Đối với Mẹ, để thưa xin vâng, Mẹ phải chấp nhận hy sinh, hy sinh vì lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương nhân loại. Lời thưa xin vâng của Mẹ, thể hiện sự phó thác tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Bởi vì, lời thưa xin vâng không chỉ thực hiện trong giây phút truyền tin mà còn kéo dài trong suốt cuộc sống của Mẹ. Sau biến cố truyền tin là cả hành trình dài đầy gian nan đau khổ. Từ việc bị Thánh Giuse hiểu lầm, đến việc sinh con trong hang đá nghèo hèn. Việc bà Anna loan báo về sự đau khổ của Hài Nhi khi Mẹ đưa Chúa Giêsu dâng trong đền thờ. Việc đưa con trốn sang Ai cập khỏi Hêrôđê lùng bắt. Suốt ba mươi năm tại làng quê Nazaret, Mẹ sống âm thầm cùng với Thánh Giuse nuôi Chúa Giêsu khôn lớn. Sau đó, Mẹ đã đồng hành với con suốt ba năm trên mọi nẻo đường rao giảng Tin mừng. Đặc biệt, khi Mẹ chứng kiến cuộc khổ nạn và cái chết của con mình trên thập giá… Qua những biến cố đau thương như vậy, để thưa xin vâng, Mẹ phải có một niềm phó thác và một đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa. Chính bà Êlizabeth đã xác nhận điều đó khi nói với Mẹ rằng: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Như vậy, để cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu rỗi nhân loại, Mẹ Maria đã thực hiện lời xin vâng một cách trọn vẹn bằng cả cuộc sống.
 
Đối với chúng ta hôm nay, sự vâng lời trở nên rất cần thiết. Bởi đức vâng phục của người sống đời thánh hiến là hiến dâng cho Thiên Chúa tự do cá nhân, dấn bước theo Đức Kitô mẫu gương vâng phục, để nhờ Người và cùng Người thực hiện kế hoạch cứu độ của Chúa Cha ( x. Hc. Điều 24/1). Và một khi đã cam kết sống lời khấn vâng phục, chúng ta được giải thoát khỏi mọi ý riêng để tự do đặt mình vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Điều này đã được Đức Cha Lambert cảm nhận sâu sắc và đã ghi lại trong thư gửi cha V. de Meur, 07.9.1662, AMEP, T. 116, tr. 554  “Tôi thấy thật diễm phúc được trở nên lễ vật dâng hiến, được khứng nhận và dành riêng để một ngày nào đó, nhờ lòng thương xót đặc biệt của Thiên Chúa nhân lành, được thiêu hủy như của lễ toàn thiêu để tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi tha nhân”.


Như thế, đối với đời sống thánh hiến theo linh đạo Mến Thánh Giá của chúng ta- “Đức Vâng Lời” rất quan trọng, nó chi phối toàn bộ đời sống của chúng ta. Đức vâng lời được thể hiện qua việc lắng nghe tiếng Chúa trong Kinh Thánh, Các giới răn, Hiến chương - Nội qui của Hội dòng. Thực hành lời Chúa và tuân giữ các lề luật được Giáo hội chuẩn nhận là chúng ta đang sống nhân đức vâng lời với lòng yêu mến cậy trông cách thiết thực, cụ thể nhất. Việc thực thi đức vâng lời không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi không hiểu ý bề trên, gặp những gợi ý, những lệnh truyền được xem là chói tai, bất công. Hoặc khi thay đổi nhiệm sở, thay đổi sứ vụ, thay đổi nơi chốn mà lâu ngày mình đã gắn bó…sự vâng lời đó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, thậm chí cảm thấy mất mát, thua thiệt và khổ đâu.
Vì vậy, chúng ta cần phải cố gắng theo gương Đức Maria học đức khiêm nhường và tín thác cùng luôn gắn kết đời mình với Đức Giêsu trong cầu nguyện. Và một khi cảm thấy khó vâng lời hay đón nhận lệnh truyền trái ý hãy chạy đến với Đức Giêsu để tiếp tục phân định và sẵn sàng vâng phục trong yêu mến cậy trông như Người. Cùng cầu xin với Đấng sáng lập dòng để ngài tiếp tục giúp mỗi người sống tinh thần vâng lời cách trung tín, vui tươi trong niềm tin yêu. Mỗi người sẽ hân hoan vâng lời vì chúng ta là cánh tay hữu hình của Đức Kitô “ Điều hết sức quan trọng là thực hành mọi việc trong vị thế của Chúa Giêsu-Kitô. Người muốn đích thân làm những việc đó mà không thể được, nên dùng một số cá nhân do Người tuyển chọn và ban đầy Thần khí trung gian của Người, để tiếp nối cuộc đời lữ thứ và hy sinh của Người cho đến tận thế”. (Thư gửi hai chị Mến Thánh Giá Anê và Paula, 26-02-1670, AMEP, T. 677, tr. 216)


 Lời nguyện kết:

 
Lạy Cha! Chúng con cám ơn Cha đã cho chúng con những giây phút trầm lắng trong giờ suy gẫm sáng nay để suy niệm về tiếng “xin vâng” của Mẹ Maria và nhìn về tinh thần vâng phục của chúng con. Cuộc sống của chúng con còn quá xa tinh thần nhân đức của lời khấn vâng phục trong tiếng thưa “xin vâng” nơi những biến cố lớn nhỏ của ngày sống, trong chương trình sống của cộng đoàn; khi được gợi ý thay đổi nhiệm sở, chuyển đổi công tác. Xin ban ơn đức tin cho chúng con, xin ban thêm lòng yêu mến Chúa, yêu mến Hội dòng, yêu quý ơn gọi thánh hiến và giúp chúng con được ơn can đảm như Chúa Giêsu và  Mẹ Maria mà sẵn sàng thưa “ Xin Vâng” trong mọi biến cố lớn nhỏ của ngày sống.

Lạy Mẹ Maria, có những lúc con đã nghe được tiếng Chúa gợi ý cho biết những công việc phải làm, nhưng khi nhìn lại bản thân, con thấy mình chỉ là một con người bé nhỏ, bình thường như bao nhiêu người khác, vì thế, con ngần ngại không dám hiến thân. Xin Mẹ cho con hiểu ra rằng đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được, cũng không có gì là bé nhỏ tầm thường vô giá trị. Xin Mẹ giúp con từ nay biết lắng nghe và thực hiện ý Chúa với tâm tình đơn sơ phó thác như Mẹ ngày xưa. Xin giúp con hiểu rằng đời sống người tu sĩ không được thanh luyện, không có thử thách, khổ đau hay chán nản lùi bước, buông xuôi trước khó khăn gian khổ e rằng con là tu sĩ giả. Xin cho chúng con những nữ tu Mến Thánh Giá của thời hiện tại được ơn can đảm, hiên ngang sống mầu nhiệm Thánh giá ngang qua đức vâng phục thánh hiến. Nhờ Mẹ, với Mẹ và trong Mẹ, xin giúp con kiên cường sống trọn ba đức đối thần suốt cuộc đời này để con luôn biết tuân phục Thánh Ý Chúa luôn luôn dù không là điều dễ thực hiện, mà phải nỗ lực rất nhiều và phải cậy nhờ ơn Chúa. Amen

 

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây