Suy niệm chủ đề Mùa Chay Tuần III
Yêu thương, hiệp thông, tham gia thể hiện tinh thần sống khó nghèo.
Lời Chúa: Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà cha ta thành nơi buôn bán. (Ga 2, 16)
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng và là Vua vũ trụ. Nhờ Đức Kitô, Con Một Chúa, Chúa luôn đổ tràn quyền lực Thánh Thần để ban sự sống và thánh hiến vạn vật cho Chúa. Chúa còn dựng nên con người giống hình ảnh Chúa và ủy thác cho chúng con trách nhiệm chăm sóc công trình Chúa tạo thành. Chúng con chúc tụng Chúa về những điều kỳ diệu Chúa đã thực hiện. Chúng con cảm tạ Chúa vì ơn huệ lớn lao Người đã thương ban và cho con người có một ý nghĩa cao siêu như thánh Phaolô đã viết: “anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1Cr 6,19).
Lạy Chúa, thân xác của con là Đền Thờ Chúa Thánh Thần, thế mà nhiều lần đã làm nó trở nên nhơ uế khi con suy nghĩ, nói năng và hành động theo thói thế gian, chiều theo tính xác thịt, chiều theo các đam mê, sống ngược lại với tinh thần tu trì, phạm tội mất lòng Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tỏ uy quyền và quyết liệt dùng roi xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ, không lo ngại bị họ thù ghét, kết án, làm hại.
Trong tuần sống mới này, xin Chúa giúp con can đảm thanh tẩy tâm hồn và thể xác nhờ sống kết hợp mật thiết với Chúa. Chúa đã bảo vệ đền thờ khỏi mọi mưu toan, tính toán kiếm lợi, thu tích của cải và biến những việc làm linh thánh trở thành cớ để trục lợi, thỏa lòng tham mê của cải...Xin Chúa cho con biết đâu là cùng đích của đời mình để sống tinh thần của lời khấn khó nghèo trong vui tươi hạnh phúc, thanh thoát và bình an. Tập loại bỏ những tư tưởng tiêu cực, toan tính hơn thiệt, thu gom, tích góp cho bản thân để sẵn sàng đóng góp phần mình cho ích chung, cho sự hiệp nhất yêu thương nơi đời sống cộng đoàn.
Suy niệm:
“Cứ mỗi dịp Tết kéo dài đến tháng ba (âm lịch) hằng năm, cổng chùa lại léo xéo cảnh đổi tiền lẻ vào lễ chùa. Những tờ tiền 200, 500 đồng được đổi thành từng cục như viên gạch mộc, cứ “10 ăn 8 hoặc 10 ăn 7”. Tức 100.000 đồng tiền chẵn thì đổi được 70.000 hoặc 80.000 đồng loại chuyên dùng để “sắp lễ” (200, 500 đồng). Không biết bao nhiêu triệu đồng tiền “bé” được quay vòng cả năm không chán: người đi lễ đổi tiền, tiền ấy được ném vào xó xỉnh, cài vào chân tay, nách, đùi của các pho tượng đẹp nổi tiếng của quốc gia; rồi nhà chùa xách túi hoặc rổ rá đi gom tiền ấy lại đem ra đổi ngoài cổng chùa. Và vòng quay lại bắt đầu.
|
Và một đoạn khác, tác giả viết: “Làm hư cả chốn thanh tịnh”! Đáng sợ, đã thành “đại dịch” kinh niên, ở Bắc Ninh có đền thờ Bà Chúa Kho, nạn sắp lễ bằng tiền rồi rải khắp di tích đã trở thành công nghệ. Dài dằng dặc khu vực đường dẫn vào đền là chi chít biển quảng cáo cho dịch vụ đổi tiền, sắp lễ. Níu kéo, chèn ép, lừa lọc, chửi bới cũng là bởi sắp tiền lẻ. “Bà Chúa coi kho đánh giặc, bà nhiều tiền lắm, phải biết “tán lộc trần để vần lộc âm” thì mới giàu có”. Thế là thi nhau, nói không ngoa, cả nước kéo về “tán lộc”.
Đó là một vài đoạn trích từ một bài viết trong Tuổi Trẻ Online “Rải tiền lẻ khắp đền chùa”, diễn tả về tệ nạn xảy ra thường xuyên tại nhiều ngôi chùa Việt Nam thời gian gần đây, và đã bị dư luận lên án gay gắt. Câu chuyện người ta dùng tiền lẻ làm ô uế đình chùa Việt Nam cũng tương tự như câu chuyện dân Do thái làm ô uế Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, khiến Đức Giê-su phải ra tay thanh tẩy như trong Tin Mừng Gio-an mà phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật thứ III Mùa Chay mời gọi chúng ta suy niệm : “Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ. Còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,14-16).
Chúa Giêsu đã lấy dây làm roi mà xua đuổi và lật nhào bàn ghế. Ngài nói: “Các ông đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Hành động quyết liệt này được Chúa thực hiện vào dịp gần lễ Vượt Qua. Điều ấy gây ấn tượng mạnh mẽ trong dân chúng, đồng thời gây tức giận thù nghịch trong giới hữu trách tôn giáo và trong những kẻ cảm thấy bị đe dọa lợi ích kinh tế. Nhưng chúng ta cần giải thích thế nào về những điều này? Chắc chắn hành động của Chúa không phải là kiểu bạo lực để tác động lên những chính sách công, nhưng hành động của Chúa là hành động tiêu biểu của các bậc ngôn sứ. Các ngôn sứ thường lên tiếng tố giác khi người ta lạm dụng danh thánh Thiên Chúa. Câu hỏi được những kẻ chất vấn Chúa đặt ra, là câu hỏi về thẩm quyền. Người Do Thái hỏi Chúa: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm những điều ấy?”. Điều đó có nghĩa là họ đòi hỏi Chúa Giêsu phải chứng minh cho thấy thực sự Chúa hành động nhân danh Thiên Chúa.
Để giải thích việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ Gierusalem, các môn đệ trích dẫn câu Thánh Vịnh 69: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân”. Thánh Vịnh này diễn tả lời cầu xin ơn trợ giúp trong hoàn cảnh cực kỳ nguy hiểm, khi phải đối diện với sự căm ghét của kẻ thù. Hoàn cảnh ấy rồi cũng sẽ đến với Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn. Vì nhiệt tâm với Chúa Cha, vì nhiệt tâm lo việc nhà Cha, mà Chúa sẽ bị treo trên thập giá. Sự nhiệt tâm của Chúa, tình yêu của Chúa là hy sinh chính bản thân mình. Thực sự, dấu lạ để Chúa chứng tỏ cho thấy thẩm quyền của Chúa, chính là cái chết và sự phục sinh của Chúa: “Các ông cứ phá Đền Thờ này đi, và nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại”. Thánh sử viết thêm: Đền Thờ mà Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Với cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu, Chúa đã mở ra một sự thờ phượng mới, thờ phượng trong tình yêu mến, và Đền Thờ mới là chính thân thể Người.
Thái độ quyết liệt bảo vệ đền thờ của Chúa Giêsu thôi thúc chị em chúng ta sống tâm tình chủ đề Mùa Chay tuần III “ Yêu thương, hiệp thông, tham gia thể hiện tinh thần sống khó nghèo”. Chúng ta sống cuộc đời này và cam kết sống lời khấn dòng không phải là để tìm kiếm lợi lộc riêng cho mình, nhưng là tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa. Tinh thần khó nghèo mà lời khấn dòng đòi hỏi người nữ tu Mến Thánh Giá là để mọi sự làm của chung và tận tình phó thác đời con cho Hội dòng này, để cùng với chị em bước đi trong linh đạo Mến Thánh Giá (x.Công thức khấn A). Chúng ta được mời gọi luôn khắc ghi và thực thi lời mạnh mẽ, cương quyết của Chúa Giêsu: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán!”. Khắc ghi Lời này của Chúa trong tâm hồn sẽ giúp ta thoát khỏi những nguy hiểm, để tâm hồn ta luôn là nơi Thiên Chúa ngự trị, để tâm hồn ta thoát khỏi những toan tính tư lợi, tích trữ, thu gom... mà có thể sống thanh thoát, bình an, thanh thản với mọi của cải bằng tình yêu mến, với lòng quảng đại và tình huynh đệ dành cho nhau trong đời sống cộng đoàn.
Lời dạy của Chúa Giêsu hôm nay không chỉ dành cá nhân mà cho cả cộng đoàn. Thực tế, chúng ta đang trải nghiệm thật sâu sắc vì luôn có những cám dỗ; chúng ta đã tận dụng nhiều dịp thuận tiện để thu tích cho mình những tư lợi, ngay cả việc đó làm cho mình lỗi lời khấn dòng, lỗi đức bác ái với chị em, với Hội dòng và ích chung... lắm khi chúng ta nhân danh đức ái và công bằng nhưng vẫn còn đó mục đích không trong sáng, lạm dụng, vụ lợi. Thật là nguy hiểm nếu lạm dụng hoặc nhân danh những việc phục vụ nhà Chúa, lạm dụng để phục vụ Thiên Chúa nơi những người ngheo khổ mà trục lợi...
Vậy, chúng ta hãy tận dụng những ngày còn lại của Mùa Chay này như một dịp tốt để hoán cải, để làm mới lại đời sống nội tâm, để nhận biết Thiên Chúa là Đối tượng duy nhất của cuộc đời mình. Tránh những bận tâm lo tích trữ của cải mà mình đã tự nguyện sống tinh thần từ bỏ, tiết chế, tiết độ, khổ chế, hy sinh. Xin Chúa giúp mỗi người biết phân biệt điều cần thiết thực sự với điều ước muốn; kéo mình ra khỏi đòi hỏi hưởng thụ, trưởng giả...Sống khiêm tốn, bình dị, giữ mình khỏi tư tưởng quyền lực, danh vọng...
Việc từ bỏ mọi sự mà Đức Giêsu yêu cầu, đó chính là điều kiện thiết yếu để trở về sống đúng căn tính của mình là “không có gì”, để chỉ còn sống phó thác và tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa quyền năng. Khi đó, người môn đệ dám đảm nhận điều kiện tự giải thoát khỏi ngẫu thần, là những sự quyến rũ của trần thế – là những thứ thuộc cuộc sống ảo tưởng, giả tạo, không thuộc về mình, vì “Bao lâu con người ích kỷ chỉ nghĩ đến mình thôi, thì người ấy trở nên hao mòn, không còn sinh được lợi ích nữa (Docat số 19).
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, ở đời người ta cần công danh, chuộng giàu có. Chúng con cũng đã nhiều lần chạy đi tìm kiếm những lợi lộc, tiền bạc mà để tình yêu Chúa và lòng thương yêu chị em, trách nhiệm đóng góp xây dựng của cải vật chất và tinh thần của cộng đoàn đứng hạng hai hạng ba trong những chọn lựa của mình. Chúng con đã để tâm tìm kiếm của cải, tích trữ của cải vật chất phù hoa mà quên tích lỹ đức hạnh là thứ của cải tồn tại muôn đời.
Lạy Chúa, chúng con đang sống trong xã hội đặt nặng vật chất, tôn thờ tiền của, yêu thích hưởng thụ, thèm khát chiếm hữu mọi sự để được thoả mãn. Nhiều cộng đoàn tu trì nói chung, cách riêng mỗi chúng con trong hiện tại không còn thiếu thốn vật chất, có khi còn khá giả, dư thừa nhưng lại thiếu tình Chúa – nghèo tình người; thờ ơ với đời sống tâm linh. Lắm khi con đã để cho lòng mình nặng triễu bởi lo toan tính toán tiền bạc, hơn thua... khiến đời sống chung còn lục đục lủng củng. Vì thế mà con chưa thật sự nếm cảm được niềm vui – niềm hạnh phúc khi dám sống cái nghèo không sở hữu để có cái nghèo hiện hữu như Chúa và các thánh. Xin Chúa thanh tẩy và giúp con vất bỏ những gì đã làm xấu xa, nhơ nhớp đền thờ Chúa nơi tâm hồn con. Xin giúp con dám khước từ tất cả như lời thánh Phaolô “Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác rến để được Đức Kitô”(Pl 3,8) thì chúng con mới thực sự cảm nếm được niềm vui của sự từ bỏ và hạnh phúc khi cam đảm sống tinh thần của lời khấn Thanh Bần. Nhờ lòng tin vào Chúa, nhờ hiệp nhất, hiệp thông với chị em, xin hãy làm cho tâm hồn con mãi là đền thờ xứng đáng cho Chúa ngự trị. Amen
Thực hành:
- Tâm niệm sống “Xin cho con yêu mến Giáo Hội là Mẹ của con, xin cho con yêu mến thân thể của Chúa Kitô”(YLS)
- Siêng năng yêu thích tham dự Thánh lễ và kết hiệp mật thiết với Bí Tích Thánh Thể mỗi ngày.