Thứ sáu sau Lễ Tro

Thứ tư - 14/02/2024 21:51 252 0
 
Thứ sáu sau Lễ Tro
Cách ăn chay mà Chúa ưa thích

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con,
Cám ơn Chúa đã cho chúng con được chỗi dậy sau một đêm dài nghỉ ngơi bình an. Xin dâng lên Chúa những ai vừa thức dậy nhưng phải đón lấy những tin chẳng lành vì người thân đau bệnh hoặc qua đời. Xin dâng lên Chúa những ai đang phải làm việc vất vả nơi các công ty xí nghiệp, nơi hải đảo xa xăm, những người lính đang phải tuần canh nơi biên thùy của tổ quốc... cả những người thân yêu của chúng con trong gia đình huyết thống hay trong sứ vụ, xin cho tất cả được nghiệm thấy tình thương quan phòng của Chúa trên cuộc đời mỗi người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Tân Lang của tiệc cưới Nước Trời. Chúa ban niềm vui cho những ai kết hiệp mật thiết với Chúa. Ngày xưa Chúa đã muốn dân riêng Chúa giữ chay để nuôi dưỡng lòng khát vọng mong chờ Chúa. Họ ăn chay để sám hối, để trở về, để nhận biết Chúa khi Chúa đến cư ngụ giữa loài người. Rồi khi Chúa đến, Chúa hiện diện giữa dân, nhưng bao người chẳng đón nhận Chúa. Họ vẫn giữ chay nghiêm ngặt, nhưng lại chẳng tin Chúa. Việc họ giữ chay trở nên vô nghĩa, bị lạc hướng. Và đến thời rao giảng công khai, Chúa dạy các môn đệ Chúa ăn chay cầu nguyện để xua trừ ma quỷ. Ngày nay, chúng con vẫn còn giữ tập tục ăn chay theo luật của Hội Thánh. Nhưng con vẫn giữ chay theo hình thức để rồi chưa một lần gặp Chúa, tâm hồn chưa được biến đổi,

Hôm nay, phụng vụ Mùa Chay lại về, chẳng lẽ thời gian xoay vần cứ đến rồi đi không để lại gì nơi đời sống tâm linh của con! Xin Chúa cho con biết sống những ngày mùa chay này với  thái độ tích cực hơn, quyết tâm bỏ đi những ngăn trở, những ràng buộc là những đam mê lệch lạc, lòng ích kỷ, ý riêng xấu... Xin cho con không ngừng khát mong kiếm tìm Chúa và bước đi theo Chúa bằng những hy sinh và khổ chế nho nhỏ trong ngày. Xin ban cho con niềm vui vì biết dành những khoảnh khắc để kết hợp với Chúa giữa những bôn ba của cuộc sống đời thường. Amen
                                                                                      
Suy gẫm:


Giữa xã hội phát triển nhanh chóng về mọi phương diện, nhu cầu của con người tạm gọi đang được đáp ứng đầy đủ thì những suy nghĩ cộng gộp và gán ghép cũng nảy sinh. Không ít người Kitô hữu ngay cả những người sống đời tu trì cũng bắt đầu có những suy nghĩ cho rằng việc “ăn chay” tương tự như cách để giữ gìn sức khoẻ, tiết dục, rèn luyện tính khí, và tệ hơn, ăn chay để thanh lọc cơ thể, để chữa bệnh với những lời giải thích đường mật của những người làm Youtobe quảng cáo;  ăn kiêng, ăn ít lại về số lượng cũng như giảm bớt thịt, chất đạm mà phải gia tăng củ quả để làm đẹp, để thế này thế kia.. v.v…

Nếu hiểu ăn chay theo kiểu của người thời đại, ăn chay không còn được hiểu theo kiểu truyền thống tôn giáo mà phần lớn người ta ăn chay là để giữ gìn sức khỏe, vóc dáng và cả tâm hồn…thì đâu là cách ăn chay mà Chúa ưa thích?

Chúng ta là người Công Giáo, người sống đời thánh hiến phải biết ăn chay thế nào cho đúng cách, và đẹp lòng Chúa.

Ngay từ thời Cựu Ước, Tiên tri I-sai-a đã nói rất rõ ràng về cách ăn chay chân chính, và phân biệt lối ăn chay mà Chúa không hề mong muốn:“Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?” Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi, vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng các ngươi kêu thấu trời cao thẳm, thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách. Phải chăng đó là cách ăn chay mà Ta ưa chuộng trong ngày con người phải thực hành khổ chế? Cúi rạp đầu như cây sậy cây lau, nằm trên vải thô và tro bụi, phải chẳng như thế mà gọi là ăn chay trong ngày các ngươi muốn đẹp lòng Đức Chúa?” (Is 58, 3-5).

Miệng ăn chay, nhưng lòng không hoán cải. Ăn chay lòng, nhưng vẫn hành động bạo tàn, ngược đãi, đôi co cãi vã, xung đột, bạo lực, kiếm lợi lộc cá nhân bất chấp điều công minh chính trực. Ăn chay chỉ bên ngoài (khổ chế, cúi rạp đầu, nằm trên vải thô và tro bụi), còn tâm hồn thì xa rời giáo huấn của Thiên Chúa. Phải, chăng như thế mà gọi là ăn chay đẹp lòng Chúa sao? (x. Is 58, 5).

Ngược lại với điều trên, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa nói qua ngôn sứ Giô-en: “... ngay cả lúc này, các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta…Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng. Hãy trở về cùng Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, bởi vì Ngài từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương” (Ge 2, 12-13).

Như thế, Ăn chay đúng nghĩa trước hết là thật lòng quay về với Chúa, bỏ đường tội lỗi, thói sống bất chính, hối cải tự tâm, đứng dậy trở về với Ngài. Quy chiếu toàn thể cuộc sống của chúng ta về bên Đức Giêsu là chàng rể của thời Tân Ước: vui mừng vì được sống với Ngài; khi phải xa Ngài vì tội lỗi thì ăn chay, sám hối để mong được trở lại với tình thương của Ngài.

Cách ăn chay Chúa mong muốn đã vang vọng qua ngôn sứ I-sai-a: “... mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58, 6-7).

Ăn chay là tinh thần thờ phượng Thiên Chúa, làm đẹp lòng Chúa và thực thi Ý Ngài “ Ngày mồng mười tháng bảy đó, anh em sẽ phải tập hợp để thờ phượng Ðức Chúa; anh em phải ăn chay hãm mình và không được làm một công việc tay chân nặng nhọc nào” ( Ds 29,7); “...đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” “Bấy giờ, họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi”( Cv 13,2-3), 

Ăn chay còn là việc đạo đức để đền tội và xin ơn tha thứ từ nơi Thiên “Cũng thế, kẻ ăn chay đền tội, rồi đi phạm lại vẫn những tội ấy, hỏi ai sẽ nghe lời nó cầu xin? Cũng thế, kẻ ăn chay đền tội, rồi đi phạm lại vẫn những tội ấy, hỏi ai sẽ nghe lời nó cầu xin? Hạ mình kiểu đó, nào được ích lợi gì? (Hc 34,26); Và ăn chay cầu nguyện còn để xin ơn trừ quỷ, điều mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ của Ngài “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.  Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (x. Mt 17,21 - 22).

Ăn chay chân chính, ăn chay theo lòng Chúa mong muốn, thì luôn gắn liền với đời sống cầu nguyện và làm việc bác ái. Điều này Chúa Giê-su đã dạy các Tông đồ và chúng ta. Ba yếu tố chính của hành trình Mùa Chay là cầu nguyện, ăn chay và thực hành bác ái. Đặc biệt ăn chay không chỉ được hiểu theo chiều kích hình thức. Chay tịnh có ý nghĩa thực sự, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc nhở, khi các tín hữu thực hành như người Samari nhân hậu. Ăn chay có giá trị nếu Kitô hữu áp dụng một lối sống điều độ, một lối sống không phung phí, không “vứt bỏ”. [1]

Và chúng ta cùng suy nghĩ về giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI, khi ngài đưa ra những ích lợi của chay tịnh: Đối với các tín hữu, ăn chay trước hết là một “liệu pháp” để chữa trị tất cả những gì ngăn cản họ tuân theo ý Chúa. Tiếp đến, ăn chay góp phần mang lại sự hiệp nhất cho người tín hữu, thể xác và linh hồn, giúp họ tránh xa tội lỗi và lớn lên trong tình thân với Chúa. Và cuối cùng ăn chay giúp Kitô hữu ý thức hoàn cảnh khó khăn của anh chị em. Thánh Gioan viết: “ Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3, 17). Ăn chay tự nguyện giúp Kitô hữu vun trồng lối sống của người Samari nhân hậu, cúi xuống và giúp đỡ người anh chị em đang đau khổ. Bằng cách tự do chọn bỏ đi một điều gì đó để giúp đỡ người khác, Kitô hữu chứng tỏ một cách cụ thể rằng người lân cận đang gặp khó khăn không phải là người xa lạ. [1]

Vậy,  Mỗi người hãy chọn cho mình cách chay tịnh mà Chúa đang mời gọi trong nội tâm để được biến đổi, để đạt đến sự thánh thiện như lòng Chúa mong muốn trong Mùa Chay này.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa rất buồn về người Do Thái ngày xưa và chúng con hôm nay về cách giữ chay kiểu hình thức. Con người xưa nay thường quên mục đích của luật lệ. Những luật Chúa ban để con người tuân giữ là giúp họ biểu lộ lòng mến yêu và trung tín với Chúa. Lắm khi con người lại dùng luật lệ để làm tiêu chuẩn mà dòm ngó nhau rồi lên án, chê bai, chỉ trích lẫn nhau....Xin cho con hiểu rõ Chúa muốn điều gì nơi việc sống “Chay Tịnh” trong đời sống. Chay tịnh không chỉ là vấn đề lựa chọn thức ăn, hình thức ăn uống ...nhưng còn là một lối sống, trong đó chúng con cần khiêm tốn và kiên trì nhận ra và sửa lỗi. (Đức Thánh Cha Phanxicô). Và xin Chúa giúp con không chỉ “Cúi đầu như cây sậy, nghĩa là hạ mình xuống, và nghĩ về tội lỗi của mình” nhưng là kiên trì xét mình, con đã sống tương quan với Chúa như thế nào? Tương qua người khác như thế nào? Thực thi tinh thần kỷ luật bản thân ra sao? Đối xử với những người giúp việc, người làm công như thế nào? Đã có thái độ nào đối với những người xung quanh, những người nghèo, những người yếu kém và đau khổ; những đứa trẻ nghịch ngợm, cá tính... mà con có bổn phận giáo dục, chăm sóc trên hành trình sứ vụ ?”

Lạy Chúa Giêsu, Chỉ có tình yêu dành cho Chúa và cho con người thật sự con mới có thể thực thi những điều Chúa muốn. Yêu mến Chúa là ân huệ Chúa ban, nếu Chúa không an ơn này cho con, con chẳng thể có được. Xin gia tăng đức tin và lòng mến Chúa cho con- để con thực thi lề luật Chúa với trọn niềm vui. Và nhờ niềm vui trong ơn thánh không hình thức giả tạo nào có thể lôi kéo con xa Tình yêu Chúa và làm con sử dụng lệch lạc ý nghĩa của lề luật mà Chúa đã trao ban. Amen 

 ------

[1]
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-03/giao-huan-giao-hoang-chay-tinh.html


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây