Thứ sáu tuần II Thường Niên B

Thứ ba - 16/01/2024 20:16 466 0
 

Thứ sáu tuần II Thường Niên B

 “Sự thật, chính Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đau đớn của chúng ta.” (Is 53,4)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con xin tôn thờ - yêu mến - chúc tụng- ngợi khen Chúa ngay từ sớm mai này cũng như mọi phút sống của đời chúng con. Cám ơn Chúa đã ban cho nhân loại người con yêu dấu là Đức Giêsu, Ngài là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, Đấng biểu lộ quyền năng bằng sự tha thứ và lòng thương xót cho tất cả mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, nhìn lên thập giá Chúa, con hiểu được phần nào tình Chúa yêu con. Vì tình yêu mà Chúa chấp nhận khổ hình thập giá: Thập giá đồng nghĩa với tình yêu, đường tình yêu cũng là đường thánh giá. Thập giá là biểu tượng của thất bại và sự chết. Nhưng khi được giương cao trên thập giá, Chúa đã mang lại cho thập giá một ý nghĩa mới: Thập giá trở thành vinh quang của Thiên Chúa và ban ơn cứu độ cho loài người. Xin cho chúng con hiểu thấu và cảm nhận một cách sâu sắc mầu nhiệm thập giá, là mầu nhiệm tình yêu cứu độ, để mỗi khi phải đương đầu với những đau khổ của bản thân, từ thể xác cho đến tinh thần, những thất bại trong cuộc sống, những trái ngang của tình cảm và những khủng hoảng có thể làm cho con thất vọng, buông xuôi và bỏ cuộc, xin sức mạnh của mầu nhiệm thập giá giúp con vượt qua tất cả. Và thấu hiểu lời mà sách tiên tri Isaia đã nói từ trong thời Cựu Ước “Sự thật, chính Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đau đớn của chúng ta.” (Is 53,4) vì chính Chúa đã chiến thắng tất cả và ban sức mạnh cho những ai muốn dấn thân nối bước theo Ngài.

Suy gẫm:

Là con người, ai cũng phải gặp đau khổ. Ðau khổ gắn liền với cuộc sống con người từ khi hình thành trong lòng mẹ cho đến lúc nhắm mắt lìa đời. Tuy nhiên, thật khó để đưa ra một định nghĩa tổng quát về đau khổ bởi vì các hình thức đau khổ thật đa dạng. Chẳng hạn, có những người đau khổ vì bệnh tật, vì cô đơn, vì nghèo khổ, vì thiếu hiểu biết, vì sợ hãi, vì bị vu khống, bị hiểu sai, bị cáo gian; có những người đau khổ vì những sai lầm, mặc cảm tội lỗi; có những người đau khổ vì không cảm được tình thương, vì muốn sống thánh thiện nhưng lại phải sa vào cạm bẫy này đến cám dỗ kia, vì xả thân cứu giúp người khác; có những người đau khổ vì “quá khôn ngoan và nhiều hiểu biết” như tác giả sách Giảng viên khẳng định:  “Càng nhiều khôn ngoan, càng nhiều phiền muộn, càng thêm hiểu biết, càng thêm khổ đau” (Gv 1,18); có những người đau khổ vì chiến tranh, vì bất công xã hội, vì thất nghiệp, nghèo đói, bệnh tật...đau khổ len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống con người cũng như các hình thái xã hội. Có những người tìm cách để thoát khỏi đau khổ nhưng lại phải chịu nhiều đau khổ hơn; có những người tìm cách để quên đi đau khổ nhưng lại nhớ đến đau khổ triền miên hơn; có những người tìm cách phủ nhận đau khổ nhưng đau khổ cứ lập đi lập lại rõ nét hơn trong ký ức.

Kinh nghiệm cuộc sống cho con người nhận thức rằng trong xã hội loài người, không có niềm vui nào lại không pha chút buồn phiền; không có thành công nào lại không vương mùi thất bại; không có tình yêu nào lại vắng bóng đau khổ. Ðiều này được thánh Phaolô diễn tả trong thư gửi tín hữu Rô-ma: “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người... Thật vậy, chúng ta biết rằng: Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở” (Rm 8,19-22).
Kinh Thánh cho chúng ta nhận thức rằng Thiên Chúa không phải là tác giả của sự dữ hay đau khổ trong thế giới thụ tạo, bởi vì “mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Theo sách Sáng Thế, khi con người vô ơn, khi con người kiêu ngạo, khi con người bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa cũng là khi tội lỗi xâm nhập trần gian và khi tội lỗi xâm nhập trần gian cũng là khi con người phải đối diện với muôn hình thức đau khổ (St 3,1-19). “Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người. Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết” (Kn 2,23-24). Dưới nhãn quan của truyền thống Do-thái Giáo thuở ban đầu, đau khổ của con người được xem là hậu quả của tội lỗi. Quan điểm này vẫn còn khá thịnh hành theo dòng lịch sử dân Do-thái cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới. Tuy nhiên, mặc khải Kitô Giáo cho chúng ta nhận biết rằng đau khổ không nhất thiết do hậu quả của tội lỗi.

Câu chuyện ông Gióp trong Cựu Ước giúp con người có cái nhìn mới mẻ hơn về đau khổ. Theo đó, đau khổ được nhìn nhận như là thử thách của Thiên Chúa đối với con người. Ông Gióp bị mất mát quá lớn cũng như mang lấy bệnh tật hiểm nguy. Trong thất vọng, người vợ của ông nói: “Ông còn kiên vững trong đường lối vẹn toàn của ông nữa hay thôi? Hãy nguyền rủa Thiên Chúa và chết đi cho rồi!” (G 2,9). Những người bạn của ông thì lại cho rằng vì tội lỗi của bản thân mà ông phải chuốc lấy tai họa, chẳng hạn như ông Ê-li-phát, người Tê-man nói: “Ðiều tôi thấy rành rành là những người vun trồng tội ác và gieo tai rắc họa cuối cùng chỉ gặt lấy họa tai” (G 4,8). Tuy nhiên, ông Gióp luôn minh chứng rằng mình vô tội và trong mọi hoàn cảnh, ông ca ngợi lòng nhân từ của Thiên Chúa. Với ông, dù giàu nghèo hay sống chết, ông luôn tín thác vào Người. Ông nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Ðức Chúa đã ban cho, Ðức Chúa lại lấy đi: Xin chúc tụng danh Ðức Chúa!” (G 1,21). Với niềm tin vững chắc, tâm hồn ông luôn hướng về vĩnh cửu nơi Thiên Chúa ngự trị. Ông nói: “Tôi biết rằng Ðấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Ðấng mắt tôi nhìn thấy không phải người xa lạ. Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (G 19,25-27).
Và, Cách Ðức Giêsu tiêu diệt tội lỗi, đau khổ và sự chết hoàn toàn mới lạ so với tâm thức của con người qua mọi thời đại. “Sự thật, chính Người đã mang lấy những đau khổ của chúng ta, đã gánh chịu những đau đớn của chúng ta.”(Is 53,4). Quả thật, nơi cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a về tư tưởng và đường lối của Thiên Chúa được ứng nghiệm ( Is 55,8-9) 

Con người không thể đến với Thiên Chúa nếu không đón nhận tình yêu của Người được thực hiện nơi Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Ðức Giêsu. Quả thực, Ðường Ðau Khổ là đường cứu độ, là Ðường đem lại sự chữa lành chung cuộc và trọn vẹn cho con người cũng như muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo. Chính tình yêu của Thiên Chúa nơi cuộc thương khó của Ðức Giê-su mới cho con người câu trả lời đầy đủ nhất về ý nghĩa của đau khổ. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Ðức Giê-su nói riêng với các môn đệ của Người về điều này: “Ðây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,12-13). Tình yêu cứu độ của Ðức Giê-su chính là tình yêu đau khổ của Người.

Kinh nghiệm cho thấy, Ai liên kết mật thiết với Ðức Giêsu trong cầu nguyện thì luôn phản ứng tích cực trước các hình thức đau khổ, kể cả sự chết. Thánh Phaolô đã gắn kết đời mình với Đức Giêsu thế nào? Ngài sống gắn bó mật thiết với Ðức Giêsu đến nỗi đã minh định: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Ðức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35). Và bằng cái nhìn đức tin, Thánh Phaolô xác tín “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ ngặt ngèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”. ( 2Cr 12, 9-10)

Vậy đâu là nguyên nhân, nguồn gốc của đau khổ? Ðau khổ có ý nghĩa gì không? Ðâu là cách thức hữu hiệu nhất để loại trừ đau khổ? Tại sao Thiên Chúa quyền năng lại để con người đau khổ? Thiên Chúa ở đâu khi những người vô tội phải đau khổ?
Thập giá Ðức Giêsu chính là câu trả lời cho tất cả những ai đặt câu hỏi: “Tại sao con người phải đau khổ?'. Trong khi Ðức Giêsu không trả lời câu hỏi về đau khổ bằng lời nói thì Người trả lời bằng hành động gánh chịu đau khổ tột cùng. Như vậy, thay vì đặt câu hỏi “tại sao con người đau khổ?”, chúng ta nên đặt câu hỏi “tại sao Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa phải chịu đau khổ và tại sao tình yêu của Thiên Chúa lại được diễn tả nơi đau khổ của Ðức Giê-su?”

Ngày nay, Đức Giêsu vẫn tha thiết kêu mời chúng ta vác thập giá với Ngài bằng tinh thần tự nguyện. Lời mời gọi của Người hôm nay có giá trị đặc biệt đối với những người sống đời thánh hiến theo linh đạo Mến Thánh Giá để chúng ta xét lại thái độ sống của mình. Chúng ta có để đời mình thấm đẫm tình yêu dành cho Đức Kitô nơi mầu nhiệm Thập Giá. Người nữ tu Mến Thánh Giá theo gương Đức Cha Lambert, thực hiện đời sống hy sinh, khắc khổ, đơn sơ, khiêm nhường: “Sự khắc khổ của các ẩn sĩ, sự tiết dục của biết bao người, sự hy sinh của các trinh nữ, lòng nhiệt thành của các thánh hiển tu, lòng mến của các thánh tử đạo... sẽ trở thành gì, nếu không là những hoạt động của chính Chúa Giêsu Kitô? Không ai có thể than phiền về điều mình không thể làm vinh danh Thiên Chúa, cũng không nói ân sủng Ngài ban quá ít, bởi vì người đó luôn có phương thế để bắt chước Chúa Giêsu-Kitô, bằng cách kết hợp với Người mỗi ngày, qua việc rước Mình Thánh Chúa, hoặc rước lễ thiêng liêng là việc có thể thực hiện liên tục”[1]

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, các môn đệ xưa đã không hiểu được con đường của Chúa. Con người thời nay và cả chị em chúng con những người nữ tu mang danh hiệu Mến Thánh Giá cũng đã không nhận ra giá trị của đau khổ. Trước khổ đau thử thách, chúng con vẫn than trách Chúa, có lúc buông xuôi. Chúng con vẫn muốn địa vị, chức quyền và muốn người khác kính nể, phục vụ mình. Chúng con vẫn muốn sống tầm thường với những dễ dãi, thích mang những thứ hành trang cồng kềnh của tham vọng, tiện nghi.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con muốn thuộc về Chúa và nên giống Chúa: Xin dạy chúng con biết sống tinh thần khiêm tốn của Chúa: biết dùng tất cả những ân huệ Chúa ban để phụng sự Chúa và phục vụ mọi người. Xin cho mỗi chúng con biết trút bỏ những thứ hành trang cồng kềnh và những lối mòn của tầm thường, để biết sẵn sàng canh tân đời sống của mình bằng tình yêu duy nhất dành cho Chúa và tha nhân để mỗi người có đầy đủ bản lãnh sống và làm chứng cho đức tin ngay trong cuộc sống hiện tại.

-------------

[1]( x. Ký sự, AMEP, T. 121, tr. 682)


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây