Suy niệm Chủ đề Tuần 4 Mùa Vọng 2023

Thứ hai - 18/12/2023 02:16 444 0
 
Suy niệm Chủ đề Tuần 4 Mùa Vọng 2023
Chủ đề: Tham gia đời sống Giáo hội hiệp hành qua Giáo hội địa phương.

Lời Chúa: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói:“ Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.” (Lc 1,28)

Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa là Chúa tể trời đất, chúng con chúc tụng, ngợi khen và yêu mến Chúa. Chúng con cảm phục trước muôn điều kỳ diệu Chúa thực hiện trên vũ trụ và cho con người trên trái đất này. Đặc biệt, điều lạ lùng và vĩ đại là Chúa đã chọn Đức Maria một thụ tạo để làm Mẹ con Thiên Chúa. Maria là phụ nữ Diễm Phúc, là tạo vật đáng yêu của Chúa, được Chúa trao cho vai trò tiên phong trong kế hoạch cứu độ nhân loại. Mẹ là tạo vật đẹp lòng Chúa và đại diện cho con người đón nhận Ngôi Lời. Lời xin vâng của Mẹ cũng là lời Mẹ thưa lên thay cho cả trần gian. “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Từ giây phút ấy, Mẹ đã trở nên Evà mới, trở nên Mẹ hiền của đoàn con nơi trần thế.

Lạy Chúa, tất cả những điều kỳ diệu ấy đều do tình yêu thương vô cùng của Chúa. Con tôn vinh Mẹ và cảm tạ Chúa. Con cảm tạ Chúa vì Chúa đến cứu độ con và ban Mẹ Maria cho chúng con. Chúa biết chúng con sinh ra trong tội nguyên tổ, vốn yếu đuối, bất toàn, bất trung, cuộc đời vướng tội lụy triền miên, nên Chúa đã cho chúng con một sự bảo trợ vững chắc. Đấng đẹp lòng Chúa mọi đàng sẽ chuyển cầu cho chúng con. Xin Chúa dạy con biết thưa xin vâng như Mẹ, xin cho con luôn bước theo Mẹ và sống hiệp thông với nhau trong gia đình Giáo hội để sống và làm lan tỏa đặc sủng Chúa ban cho mỗi người hầu có thể cưu mang và hạ sinh Đấng Emmanuel cho con người trong xã hội hôm nay.

Suy niệm:     

Trong giây phút đón nhận thánh ý Thiên Chúa, do quyền năng Chúa Thánh Thần, Mẹ Maria đã cưu mang Chúa Giêsu bởi chính Thiên Chúa. Con Thiên Chúa bắt đầu sự sống trong cung lòng Mẹ. Chúa Giêsu là người thật, nói theo ngôn ngữ biểu tượng của Kinh thánh là tạo nên từ đất; nhưng Người đến từ trời cao: “Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Đấng Tối Cao ” (Lc 1, 35). Đang khi “rất bối rối”, Đức Maria đã hỏi: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến người nam! (Lc 1,34). Trong sự đơn sơ của mình, Mẹ không hoài nghi quyền năng của Thiên Chúa nhưng muốn hiểu hơn ý định của Chúa hầu sống trọn ý Chúa. Thiên Chúa trông chờ tiếng “Xin vâng” từ Mẹ để thực hiện công trình của Người. Tiếng “Xin vâng” bao hàm cả tình mẫu tử lẫn sự đồng trinh. Mẹ vừa muốn vinh quang Thiên Chúa hiện thực nơi mình vừa muốn Người Con sẽ sinh ra hoàn toàn là quà tặng ân sủng.

Lúc Mẹ thưa “Xin vâng”, lời thưa của Mẹ đã thay đổi cả lịch sử nhân loại. Thánh Bernarđô kêu lên: “Ôi lạy Mẹ, Mẹ là đấng cứu chuộc chúng con. Vì khi Mẹ thưa xin vâng, lập tức chúng con được giải thoát. Toàn thể địa cầu trông đợi lời xin vâng của Mẹ. Lời ấy sinh ra Ngôi Lời Hằng Hữu. Thiên Chúa muốn nghe Mẹ tự do trả lời, Mẹ “đầy ân sủng”, khi Mẹ thưa: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền! ” (Lc 1, 38). Từ ấy Mẹ hoàn toàn kết hiệp với công trình của Con Mẹ, hôm nay vai trò Trung Gian của Mẹ khởi đầu. Kể từ đó Mẹ trở nên Mẹ của tất cả những ai hiệp nhất trong Đức Kitô. “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô. Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa”( Gl 3,27-29).

 “Nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy trong Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Kitô, thì anh em là dòng dõi ông Ápraham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl 3, 26-29). Lời nhấn mạnh như thế của thánh Phaolô là để cho chúng ta suy nghĩ đến thực tại của chính mình. Điều thực tế là vẫn còn đó những chia rẻ, nghi ngờ, đố kỵ, những khác biệt về địa vị, chủng tộc, giai cấp, nguồn gốc xã hội… Tinh thần của Giáo hội Hiệp hành mời gọi chúng ta đi xa hơn nữa, vượt qua những rào cản bên ngoài ấy để có sự hiệp nhất sâu xa bởi vì mỗi chúng ta, tất cả được nên một với Chúa Giêsu Kitô. Có thể nói chúng ta có cùng một dòng máu lưu thông trong con người chúng ta.

Cùng Mẹ Maria, xin Chúa cho chúng ta có được ơn khám phá những khoảnh khắc đặc biệt “được Chúa ở cùng”, để chúng ta luôn sống trong lòng biết ơn, ca tụng và tôn vinh Thiên Chúa. Cụ thể, trong thinh lặng thẳm sâu của những giờ cầu nguyện chúng ta xin cho mỗi người biết mình thuộc về Đức Kitô, dòng máu Đức Kitô đang lưu chảy trong đời sống của mỗi người. Khám phá mình được Thiên Chúa yêu thương. Cảm nhận được tình thương của Thiên Chúa chúng ta sẽ có khả năng “ngạc nhiên trước kỳ công Thiên Chúa ” đã đang và sẽ thực hiện nơi cuộc đời chúng ta và của anh chị em chung quanh. Biết ngạc nhiên trước tình thương của Thiên Chúa dành cho mình và cho người khác sẽ giúp mỗi người sống tình liên đới với nhau trong cuộc sống. Đức Giêsu là mẫu mực của tình liên đới, Ngài đã tự hạ để đến với nhân loại qua tiếng thưa “ Xin Vâng” của mẹ Maria.

Thực hiện tinh thần Hiệp thông liên đới, chúng ta đang cố gắng sống những yếu tố làm nên đời sống cộng đoàn, sống tình huynh đệ và liên đới trách nhiệm mà Hiến Chương dạy. Tất cả hướng chúng ta đến một sự tu thân thật sự, hướng thượng và giúp mỗi người đạt đến sự thánh thiện. Nguồn trợ lực trước hết giúp ta sống đời cộng đoàn chính là ơn Chúa, ý thức về sự hiện diện và lời mời gọi của Chúa. Sống trong cộng đoàn, đừng lúc nào cũng bận tâm cách thái quá đến những khác biệt, những nhu cầu thăng tiến về thể chất, vật chất. Hãy để ý nhiều hơn đến sứ mạng, làm thế nào để Đặc sủng Mến Thánh Giá được tỏa sáng nơi mọi hoạt động sống của mỗi người. Nhưng cũng đừng lấy cớ vì sứ vụ, vì công việc mà tách mình ra khỏi cộng đoàn...

Cộng đoàn cần đến sự đa dạng của các thành viên “không có sự chia rẽ trong thân thể, trái lại, các bộ phận đều lo lắng cho nhau” (1Cr 12,25). Điều tiên quyết là mỗi người cần phải đổi mới cách nhìn và lối sống để trở nên người đồng hành của nhau. Cụ thể, cần khiêm tốn chấp nhận chính mình và đón nhận người khác với tất cả con người của họ. Chấp nhận chính mình với những điểm yếu, khiếm khuyết và đón nhận điều tốt lành cũng như cái yếu đuối của chị em. “Sự hiệp nhất và đa dạng kết hợp với nhau thành sự phong phú. Mỗi người mang những gì Thiên Chúa đã ban cho riêng mình để làm cho người khác trở nên phong phú… cộng đoàn như một dàn nhạc trong đó tất cả cùng chơi chung với nhau trong sự hòa hợp nhưng âm sắc của mỗi nhạc cụ không bị xóa bỏ mà trái lại đặc tính riêng của từng nhạc cụ sẽ đạt đến mức tối đa” (x. ĐGH Phanxicô, Yết kiến chung, ngày 09/10/2013).

Sứ thần Gáprien đã chào Đức Trinh nữ Maria “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28). Lời chào này cho thấy Đức Maria hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa vì được Thiên Chúa yêu thương. Đây là đặc ân do Thiên Chúa ban cách nhưng không. Nhờ đó, Mẹ luôn lắng nghe và suy niệm trong lòng thánh ý Chúa đối với Con Mẹ, Mẹ không khước từ một sự tham gia nào với Thiên Chúa để cộng tác vào chương trình Tình thương cứu độ.Thiên Chúa đã nói với Đức Maria qua vị thiên sứ. Tâm hồn chúng ta có hoàn toàn hiệp thông với Thiên Chúa qua giờ cầu nguyện, qua một ai đó hay một biến cố trong cuộc sống? Cầu nguyện, lắng nghe, nhận lấy và thi hành Thánh ý Chúa là dấu chỉ của sự hiệp hành rõ nét nhất mà mỗi người bắt chước Đức Mẹ thực thi. Tôi nghe được tiếng nói của Thiên Chúa và dâng lời chúc tụng và thực hành điều Người muốn không?

Để xin vâng, cần phải tin. Để tạo sự Hiệp thông cần bỏ mình, chị đã có một trải nghiệm vui nào đó khi bỏ chút tự ái của mình để gắn kết tình hiệp thông, hiệp nhất yêu thương nơi Cộng đoàn, nơi Giáo Hội địa phương mà mình được mời gọi tham gia khi thực thi sứ vụ ?

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Khi cam kết sống lời khấn dòng theo linh đạo Mến Thánh Giá, và đời sống chung nơi cộng đoàn là con để cho mình hoàn toàn thuộc về Chúa. Khi con tuyên xưng sẽ tận tình phó thác đời sống con cho Hội dòng này cho đến chết là con công khai gắn kết đời con cho Chúa qua mọi biến cố thăng trầm và tham gia mọi sứ vụ của Hội dòng.  Con có bổn phận, trách nhiệm góp phần mình cho sự thánh thiện và phát triển của Hội dòng…Thế nhưng, nhiều lúc con chỉ biết phàn nàn, than thở, đứng ngoài cuộc trong các sự kiện lớn nhỏ để chê bai, chỉ trích; chưa dốc tâm, dốc sức, đóng góp khả năng làm cho đời sống cá nhân và cộng đoàn được thăng tiến.

Lạy Chúa, chỉ khi con sống trọn vẹn cho Chúa với lòng sám hối thực sự, biết nhìn rõ mình và người khác… cùng khiêm tốn cộng tác với nhau trong mọi lãnh vực con mới có khả năng canh tân đời sống mình. Khi thực sự cảm nhận ơn gọi thánh hiến là hồng ân quý giá đến từ Thiên Chúa và sự cưu mang của Hội dòng, của tình liên đới với nhau trong cộng đoàn mới mong con có khả năng làm chứng về sự hiện diện và quyền năng cứu độ của Chúa. Xin cho con biết mở lòng đón nhận Ngôi Lời Giáng sinh và hân hoan sống đức tin bằng nỗ lực sống Hiệp thông với nhau để loan báo niềm vui ơn cứu độ cho anh chị em tại nơi con được sai đến là các Giáo hội địa phương. Tích cực sống Mầu Nhiệm Nhập Thể bằng những việc phục vụ âm thầm tạo nhịp cầu yêu thương trong mọi hoạt động sống của mình. Amen

Thực hành: Ý thức nhớ đến Chúa trong kinh nguyện, phụng vụ và năng gặp gỡ thăm viếng anh chị em trong và ngoài Giáo hội. 


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây