Thứ sáu tuần IV thường niên

Thứ tư - 31/01/2024 04:26 374 0

Thứ sáu tuần IV thường niên
 
“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu.”
 (Ga 8,28)

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con, chúng con tôn thờ, yêu mến, cám ơn Cha về tình yêu nhưng không và vô điều kiện Cha dành riêng cho từng người trong chúng con. Cám ơn Cha đã sai Đức Giêsu Con Cha đến ở với chúng con. Ngài đã nên giống chúng con hoàn toàn và sẵn sàng đón nhận mọi khổ đau nơi trần thế để cảm thông, chia sẻ phận người với chúng con. Đặc biệt hơn Ngài đã vâng phục Cha để đi vào cuộc Thương Khó và Phục Sinh hầu cứu độ nhân loại. Ngài cũng mặc khải cho chúng con nhận biết Cha là Đấng giàu lòng Thương Xót.  

Lạy Chúa Giêsu,
Xin dạy con hiểu biết, yêu mến, đón nhận và sống mầu nhiệm thập giá trong chính đời sống của con. Xin cho con một tâm hồn quảng đại, không chạy trốn trước lời mời gọi của thập giá Chúa, nhưng sẵn sàng để cho cuộc đời con được đóng đinh vào thập giá với Chúa, trở thành của lễ hy sinh, giúp anh chị em nhận ra tình yêu Chúa nơi cuộc sống đời thường mỗi ngày.


Suy gẫm:

Cựu ước cho biết trong cuộc hành trình qua sa mạc, dân Ít-ra-en không chịu nỗi khổ cực và thiếu thốn, những điều đó đã làm cho họ mất kiên nhẫn. Họ kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê: “Tại sao lại đưa chúng tôi ra khỏi đất Ai-cập, để chúng tôi chết trong sa mạc, một nơi chẳng có bánh ăn, chẳng có nước uống ? Chúng tôi đã chán ngấy thứ đồ ăn vô vị này.” Bấy giờ Thiên Chúa cho những con rắn lửa bò ra cắn chết nhiều người. Khi đó họ khẩn cầu Mô-sê xin Chúa cứu. Chúa bảo Mô-sê đúc một con rắn đồng treo lên cây, kẻ nào bị rắn lửa cắn mà nhìn lên con rắn đồng thì được cứu sống (x. Ds. 21,4-9)

Trình thuật Tin Mừng Gioan chương 8 (x. Ga 8,21-30) làm sáng tỏ hình bóng con rắn đồng trong sa mạc xưa kia chính là hình ảnh hiện thân của Chúa Giêsu:“Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu”. Khi Chúa Giê-su nói thế, thì đã có nhiều kẻ tin vào Người. Điều này minh chứng rằng: Việc Chúa Giêsu chết trên thập giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không “bị treo lên”, mà là “được (đưa) giương cao lên” để trở thành dấu chỉ Ơn Cứu Độ cho bất cứ ai có lòng tin tưởng và nhìn lên Ngài (nơi thập giá).

Từ nay, thập giá treo Đức Kitô không còn đơn thuần là thập giá – công cụ tội ác dã man – mà nó đã trở thành thánh giá – thành biểu tượng của nguồn ơn cứu rỗi, biểu tượng của sự tha tội, biểu tượng của giá trị sự sống vĩnh cửu.

Cũng nơi Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu coi cái chết của mình như là một sự tôn vinh. Tôn vinh Tình Yêu của Chúa Cha, một Tình Yêu vô bờ bến, một Tình Yêu mãnh liệt đến nỗi Chúa Cha “đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người Con thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3,16). Đồng thời cũng là tôn vinh Tình Yêu của Chúa Giêsu, một Tình Yêu đã hy sinh mạng sống vì những người mình yêu, là một hy lễ dâng lên Chúa Cha, cũng là sự tự hiến cho loài người trở nên lương thực nuôi sống chúng ta.

Thánh Phaolô nhấn mạnh sự tương phản chưa từng thấy trong mầu nhiệm Thập giá. Sự hạ mình sâu thẳm của Đức Giêsu Kitô “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, tặng ban Danh hiệu vượt trên mọi Danh hiệu. Và khi nghe Danh Thánh Chúa Giêsu, mọi gối phải bái quỳ để tôn vinh Chúa Cha và tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa” ( Pl 2,6-11).

Theo cái nhìn của Phaolô cũng như của Gioan, Chúa Giêsu chịu đóng đinh cũng chính là Chúa Giêsu được tôn vinh. Đó là sự tôn vinh Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và Tình Yêu ấy đã biểu lộ rõ ràng nhất nơi Thập giá Chúa Kitô. Không nơi nào Tình Yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trọn vẹn như nơi “con người Chúa Giêsu chịu đóng đinh”.

Và trong suốt dòng lịch sử Lời tuyên xưng trong lời giảng của các thánh tông đồ cũng trở thành lời tuyên xưng đức tin của các tín hữu, đặc biệt là khi cử hành phụng vụ: “Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3); “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8); nhưng cái chết đó đã trở thành nguyên cớ cho sự siêu tôn: “Đức Giêsu Kitô là Chúa”. “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”. (Cl 1,19,)

 Gần đây. Tại bãi biển Copacabana tối thứ sáu 26-7-2013 khi đi Đàng Thánh Giá, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn giảng Thập giá là: “Một tình yêu tuyệt vời khi đi vào tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho nó, đi vào đau khổ của chúng ta và cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. Đó là một tình yêu đi vào cái chết để chiến thắng nó và cứu vớt chúng ta. Thập giá của Chúa Kitô chất chứa tất cả tình yêu của Thiên Chúa, lòng thương xót vô biên của Ngài. Đây là một tình yêu mà chúng ta có thể đặt vào đó tất cả niềm tin của chúng ta, nơi chúng ta có thể tin tưởng. Các bạn trẻ thân mến, chúng ta hãy phó thác cho Chúa Giêsu, chúng ta hãy phó thác vào Người một cách trọn vẹn! (x. Ánh Sáng Đức Tin, 16). Chỉ trong Chúa Kitô chịu đóng đinh và phục sinh, chúng ta mới có thể tìm thấy phần rỗi và ơn cứu độ. Với Ngài, sự dữ sự đau khổ và cái chết không còn quyền thế, bởi vì Ngài cho chúng ta hy vọng và sự sống: Ngài đã biến Thập giá từ một công cụ của sự thù ghét, sự thất bại và sự chết thành một dấu chứng của tình yêu, sự khải hoàn và sự sống”. Đức Thánh Cha nhắc lại sự kiện vào cuối Năm Thánh Cứu Độ 1984, Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã muốn tín thác Thập Giá Chúa cho người trẻ và ngài nói: “Các con hãy đem Thánh Giá vào trong thế giới như dấu chỉ tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với nhân loại, và loan báo cho tất cả mọi người rằng chỉ nơi Chúa Kitô chết và phục sinh, mới có sự cứu rỗi và ơn cứu độ” (Diễn văn với giới trẻ, 22 tháng 4 năm 1984). Kể từ đó, Thập Giá đã rong ruổi qua mọi đại lục, và đi qua các thế giới khác nhau nhất của cuộc sống con người, hầu như được thấm nhập bởi các tình trạng sống của biết bao nhiêu người trẻ đã trông thấy và đã mang Thập Giá đó. Không có ai đụng tới Thập Giá Chúa Giêsu mà không để lại một cái gì đó của chính mình, và không đem một cái gì đó của Thập Giá Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của mình.

Thánh Giá là sự khôn ngoan và quyền năng của Thiên Chúa. Bởi vì “Sự điên rồ nơi Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn loài người, và sự yếu đuối nơi Thiên Chúa thì mạnh sức hơn loài người” (1Cr 1, 24 -25).Thánh Giá đã trở thành dấu chỉ của tình yêu hy vọng và sự sống. Thánh Giá là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh giá là niềm tự hào và vinh quang của người tín hữu.Thánh Phaolô có một ước muốn: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).

Thánh Giá đã in sâu và gắn chặt với Chúa Giêsu Kitô. Ngay cả sau khi Chúa sống lại vinh quang, các vết thương khổ nạn thập giá vẫn hiển hiện, vẫn không bị xóa nhòa. Thánh Giá Chúa Kitô xuyên qua thời gian và hiện diện trong mỗi giây phút cuộc đời chúng ta. Sự hiện diện ấy làm thay đổi tất cả.

Thánh giá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh chính là đỉnh cao tình yêu tự hiến. Thánh Phaolô diễn tả quá trình tự hiến khởi đi từ mầu nhiệm Nhập Thể và kết thúc nơi mầu nhiệm Cứu Độ. Chúa Giêsu vốn phận là Thiên Chúa, nhưng lại hủy mình ra không mà nhận lấy phận tôi đòi. Đó là tình yêu tự hiến trong mầu nhiệm Nhập Thể. Người lại còn tự hạ vâng lời Chúa Cha cho đến chết, không nhẹ nhàng trên gối ấm nệm êm mà đau thương trên cây Thập giá, để giải thoát muôn người. Đó là tình yêu tự hiến trong mầu nhiệm Tử Nạn – Phục Sinh. Tình yêu tự nguyện hiến mình cho vinh quang Chúa Cha và mưu ích cho phần rỗi thế gian. (x.Pl 2,6-11).

"Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự lên với Ta". Khi Chúa Giêsu bị treo lên, Thánh giá phát huy sức mạnh cứu rỗi. Dân chúng được thanh tẩy tội lụy vì được bao bọc bởi tình yêu bao dung tha thứ: "Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm". Anh trộm lành được vào Thiên đàng vì được đặt vào tình yêu thánh hóa gieo hy vọng: "Hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên đàng với Ta". Những người chứng kiến cuộc Thương khó về đấm ngực ăn năn và người đội trưởng thốt lên: "Qủa thật người này là Con Thiên Chúa", vì họ được soi sáng trong tình yêu kiếm tìm sự thật. Tất cả đã gặp nơi Thánh giá Chúa Giêsu một sức mạnh thánh hiến.

Thật vậy, “Niềm vinh dự của chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh; chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.

 Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, chỉ vì yêu thương và muốn giải phóng chúng con khỏi ách nô lệ tội lỗi, giao hòa nhân loại hư vong với Thiên Chúa Cha thiện hảo nên Chúa đã tỏ mình cho con người nơi tất cả những gì Chúa muốn. Chúa là gương mẫu tuyệt hảo của người con thảo hiếu khi vâng phục Thiên Chúa Cha nơi Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa. Xin Chúa giúp mỗi chúng con và mọi người Kitô hữu sống xứng đáng với tình thương Chúa bằng cách bước đi theo chân lý, tình thương và sự thật.

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Chúa Cha luôn ở với Chúa vì Chúa luôn làm những điều đẹp Ý Người. Ước gì mỗi chúng con cũng biết làm những điều đẹp lòng Chúa để được Chúa Cha ở cùng, ban tràn đầy ơn phúc để trung thành bước theo Chúa qua việc sẵng lòng đón nhận thập giá đời mình và bước đi trong Tin yêu, Hy vọng. Lạy Chúa Giêsu con muốn thuộc về Ngài luôn mãi , xin chúc lành và thánh hóa đời sống con luôn. Amen




 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây