Thứ sáu tuần I Mùa Chay
Thập Giá của Đức Kitô là thứ quý nhất trên đời
Lời nguyện mở đầu :
Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con,
Giây phút đầu tiên của ngày sống mới, chúng con xin cùng với triều thần thánh và muôn tạo vật ca tụng, tôn vinh, yêu mến Chúa với hết cả lòng tin yêu, cậy trông, phó thác của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, cám ơn Chúa vì sự hiện diện thật sự của Chúa ở đây với chúng con nơi nhà tạm đơn sơ và nơi mỗi tâm hồn cũng như trong gia đình cộng đoàn. Lạy Chúa, được Lời Chúa hướng dẫn và tinh thần Linh Đạo dòng mời gọi- trước hết yêu mến Chúa phải trở niềm xác tín, là Kim Chỉ Nam của cuộc sống con. Chúa là Đối Tượng duy nhất của lòng trí con, lòng yêu mến Chúa phải là động lực giúp con chu toàn mọi bổn phận vì lòng yêu mến Chúa thật tình mới có giá trị vĩnh cửu. Xin Chúa cho chúng con biết phân định rõ ràng giữa những điều cần thiết, những điều mình ước muốn cũng như những giá trị vĩnh cửu không có trong vật chất đời này, mà làm sao để cảm nghiệm và chiếm hữu được sự giàu có từ nơi Thập Giá Chúa.
Suy gẫm:
Thánh Phanxicô là con của một thương gia rất giàu có tại Assisi. Cha của ngài là người buôn tơ lụa và muốn ngài nối tiếp sự nghiệp của ông; nhưng Phanxicô được Chúa soi sáng sớm nhận ra sự phù hoa của giàu có vật chất bằng cách giúp ngài hiểu thấu về mầu nhiệm Thập Giá. Đức Kitô là Thiên Chúa, Ngài có tất cả mọi sự trên trời dưới đất; nhưng đã tự huỷ mình ra không để gánh lấy hình phạt của tội lỗi cho nhân loại. Trên Thập Giá, Ngài nghèo đến nỗi chỉ còn một miếng vải che thân trong khi gánh mọi đau thương cực hình chỉ vì yêu thương nhân loại.
Khi đã nhận ra tình yêu này, Phanxicô đã bắt chước gương Đức Kitô để đáp trả lại tình yêu vô bờ Đức Kitô đã dành cho mình, ngài từ chối không theo nghề nghiệp của thân phụ. Khi biết rõ ý định của con muốn tận hiến cuộc đời cho Chúa, cha của ngài đã đuổi ngài ra khỏi nhà; và mỗi khi ngài đi khất thực ngang qua nhà, ông sai đầy tớ ra đánh đập, chửi rủa với hy vọng làm cho con đổi ý định. Một lần sau khi đã bị hành hạ, ngài đã cởi bỏ bộ quần áo đang mặc trên người trả lại cho cha và nói, “Đây là của cha, con xin trả lại cho cha; còn thân xác này của Chúa dựng nên từ nay thuộc trọn về Thiên Chúa.” Một đời theo Chúa trong nghèo khó, khiêm nhường để nên giống Đấng Chịu Đóng Đinh, thánh nhân đã được Giáo Hội phong thánh và đã gọi ngài là “Nữ Hoàng Khó Nghèo.”
Sự vĩ đại của Thập giá là vì tình yêu, Đức Kitô đã hy sinh hoàn toàn để cứu độ nhân loại. Cánh tay dang rộng của Người trên thập giá là dấu hiệu đáng nói nhất cho thấy Người là một người đã sẵn sàng không dừng lại ở bất cứ điều gì: "Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13: 1)
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm cách sâu sắc về sự giàu có và sâu thẳm của Thập Giá cùng với sự phù hoa của giàu có thế gian. Ngài cũng đã cảm nhận được tình yêu của Đức Kitô dành cho ngài khi suy ngắm về mầu nhiệm Thập Giá. Một khi đã hiểu được mầu nhiệm này, ngài cảm thấy tâm hồn bình an; vì nếu Thiên Chúa đã yêu thương con người bằng cách hy sinh Người Con Một chết cho con người. Vị tông đồ dân ngoại đã nói lên niềm xác tín hoàn toàn vào tình yêu tự hiến sinh đó: "Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gl 2:20).
Như thế, khi chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, can đảm bước vào con đường Thập Giá của Người, người nữ tu Mến Thánh Giá sẵn sàng đón nhận Thập Giá đời mình để biểu lộ tình yêu dành cho Đấng Chịu Đóng Đinh. Chỉ khi yêu mến Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh mỗi người mới cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua con đường Thập Giá. Nhờ sức mạnh từ Thập Giá, người nữ tu can đảm theo sát Chúa Giêsu, cùng với Người hiến thân phụng sự Thiên Chúa Cha và phục vụ anh chị em đồng loại. Và họ trở nên người giàu có thật sự giữa trần thế này. Bởi Người tu sĩ đích thực là người được Đức Giêsu chiếm hữu, và cũng giống như Giêsu, họ không làm việc, hiện diện để được người ta tung hô, cung cấp cho những điều tiện nghi nhất. Nhưng người tu sĩ luôn chọn chỗ rốt hết. Dành phần thua kém về mình, luôn hài lòng với những gì được chia sẻ....Và thực sự nếu muốn đạt được tinh thần sống như thế, thiết tưởng mỗi chị em chúng ta phải được thấm đẫm tình yêu vào mầu nhiệm Thập Giá trong chiêm niệm, và luôn để cho Đức Kitô Chịu Đóng Đinh chi phối mọi giây phút trong đời sống mỗi người theo gương thánh Phaolô tông đồ và Thánh Phan xicô Assisi sống tín thác hoàn toàn vào thiên Chúa. Từ đó, chúng ta sẽ cảm thấy được thúc đẩy để thể hiện nguyện ước thuộc về Đấng Chịu Đóng Đinh như thánh Phaolô: “Ước gì tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14).
Và hãy sẵn sàng mang trên mình những dấu tích của Đức Giêsu: Trong cuộc đời, người tín hữu phải đương đầu với biết bao nhiêu những khó khăn thử thách về nhiều khía cạnh khác nhau. Một khi đã biết rõ Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa trên cuộc đời mình người tín hữu, người sống đời thánh hiến đừng để cho bất cứ người nào hay sự gì lôi cuốn mình khỏi Thập Giá của Đức Kitô, và đừng để cho những dấu tích của Đức Kitô in trên thân thể bị xóa nhòa. Những “dấu tích” thánh Phaolô nói ở đây có thể là “5 dấu thánh” mà thánh Phanxicô Khó Khăn, thánh Catarina Sienna, hay Cha Piô được chịu; cũng có thể là những đau khổ để lại trên thân xác sau khi đã trải qua những gian khổ để làm chứng cho Đức Kitô; hay có thể hiểu một cách thiêng liêng: những chứng tích mà bí tích Rửa Tội để lại trong linh hồn mỗi người chúng ta.
Vì thế,
- Chúng ta hãy đến và học với Đức Kitô trên Thập Giá, Ngài sẽ dạy cho chúng ta những bài học khôn ngoan mà chúng ta không thể tìm thấy bất cứ nơi đâu trên thế gian này.
- Không một ai trên đời này yêu thương chúng ta bằng Đức Kitô. Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta tình yêu thâm sâu của ngài qua cái chết đau thương trên Thập Giá để gánh chịu mọi đau khổ thay cho chúng ta.
- Hãy học với Đấng sáng lập - Đức Cha Lambert về lòng say yêu dành cho thánh giá Giá Chúa Kitô. Tình yêu đối với Chúa Giêsu trên Thánh Giá chiếm một vị trí quan trọng và tuyệt đối trong tâm hồn cũng như trọn cuộc sống của Đức Cha Lambert. Theo ngài, tất cả mọi ước muốn của con người đều phải đạt đến cùng đích là làm cho mình yêu mến Chúa hơn[1]
Lời nguyện kết:
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng,
Chúng con tạ ơn Cha vì tình thương ngàn đời Cha dành cho Giáo hội Việt Nam, Hội dòng thân yêu của chúng con. Cha đã ban cho chúng con Đức Cha Lambert de la motte, vị chứng nhân anh hùng về tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô chịu đóng đinh. Phải nói được rằng sau thánh Phaolô, đức cha Lambert là người say yêu Thập giá – đã để cho Thập Giá Đức Kitô chinh phục và chọn Thập Giá Đức Kitô là gia nghiệp của đời mình.
Chúng con ngợi khen Cha vì những điều kỳ diệu Cha đã thực hiện trên cuộc đời của Đức Cha Lambert, và đang tiếp tục thực hiện trên Hội Thánh tại Việt Nam, trên Hội Dòng chúng con, nơi đời tận hiến của tiền nhân qua dòng thời gian và trên mỗi chúng con trong hiện tại. Gia sản thiêng liêng Đức cha Lambert để lại cho chúng con thật vô giá. Chúng con hãnh diện vì được mời gọi và chọn tước hiệu Mến Thánh Giá là hướng đi cho đời mình. Với linh đạo độc đáo và phong phú, không lỗi thời, tụt hậu, chúng con ý thức sâu về ơn gọi và lý tưởng mà mình đang theo đuổi.
Xin cho chị em chúng con sức mạnh của tình yêu Chúa để chúng con can đảm sống những giá trị Tin Mừng trong thời hiện tại. Giữa những nổi trôi của giá trị ảo, xin cho chúng con biết phân định để chân nhận giá trị thật của đời sống với những chọn lựa trong đức tin, tình yêu cũng như biết thực hành sự khiêm tốn, đơn sơ, vui tươi, cậy trông tín thác vào Chúa để chúng con có được trải nghiệm thâm sâu của hạnh phúc mà người đã hoàn toàn thuộc về Chúa có được. Amen
-------------
[1] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá.., 1668” (Luật Tại Thế), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte…, sđd., I,1-4, tr.87.