Suy niệm chủ đề Mùa Chay Tuần V

Thứ ba - 12/03/2024 20:50 390 0


Suy niệm chủ đề Mùa Chay Tuần V
Yêu thương, hiệp thông, tham gia để tích cực sống đức vâng lời.
 

Lời Chúa: Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12, 23-24.27).

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa là Cha của chúng con,
Cám ơn Chúa đã an bài cho chúng con có được những giây phút cùng nhau bên Chúa trong giờ phút đầu tiên của ngày sống mới này. Cám ơn Chúa đã mời gọi, dành riêng mỗi chúng con cho Chúa trong đời thánh hiến. Đặc biệt, cám ơn Chúa đã cho chúng con cùng nhau chia sẻ ơn gọi Mến Thánh Giá trong nếp sống cộng đoàn. Nơi cộng đoàn chúng con cùng nhau sống mầu nhiệm vượt qua và thông phần với Đức Kitô Con Chúa trong cuộc Khổ Nạn- đồng thời cảm nghiệm niềm vui Phục Sinh qua việc thực thi tình huynh đệ với nhau và sống đức ái với mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, khi phải đối diện đau khổ, Chúa đã dùng sự vâng phục tuyệt hảo để trao ban tình yêu của mình cho nhân loại. “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.” Chính vì cái “giờ” mà bản án tội lụy xưa kia của Ađam cũ được tẩy xóa, và cũng chính nhờ “giờ” Chúa hiến tế trên Bàn Thờ Thập Giá, mà con người được hưởng nhờ ơn cứu độ.

Khi tuyên khấn Vâng phục, chúng con đã tự nguyện trao quyền sử dụng đời mình cho Chúa với tất cả sự tự do, trí hiểu và ý chí. Qua sự Vâng phục, chúng con được đi vào mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa, với Giáo hội, với chị em và liên kết với sứ mạng phục vụ của Hội thánh, của Hội dòng. Xin dạy chúng con sống đức Vâng phục với niềm vui của con tim yêu mến, và ý thức rằng: “Mọi công việc chúng con thực hiện chỉ có giá trị cứu rỗi khi được làm trong đức vâng phục” [1] . Xin Chúa ban cho mỗi chúng con những ơn cần thiết để có thể thân thưa với Chúa lời “ xin vâng” trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Biết sống tâm tình người con thảo hiếu với Chúa Cha qua trung gian của “lời khấn vâng phục” nơi gia đình Hội dòng của chúng con.

Suy niệm:

Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu đã được cả 4 Tin mừng thuật lại với nhiều chi tiết hơn bất cứ biến cố nào khác của đời Người. Chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu không bước vào cuộc khổ nạn như bước lên sân khấu để trình diễn một vở kịch, trong đó cái chết sẽ chỉ là cái chết giả vờ. Trái lại, Ngài đã từng băn khoăn lo lắng khi giờ phút trọng đại ấy đến gần. Ngài đã đổ mồ hôi máu. Phúc Âm Thánh Mát-thêu đặc biệt mô tả giây phút đau đớn của Chúa Giêsu trước khi chết: Lạy Cha, Lạy Cha, sao Cha bỏ con! 

Đức Giêsu đã nói về “Giờ của Người”. Người nhiều lần nói Giờ chưa đến trong suốt sứ vụ công khai của Người. Tuy nhiên, trong Chúa Nhật tuần 5 Thường niên năm nay, phụng vụ cho chúng ta nghe đoạn Tin Mừng này: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh! Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác… Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12, 23-24.27), Người lại nói rằng cuối cùng, giờ đó sắp diễn ra. Ý Người muốn đề cập đến giờ chết của Người.

Đức Kitô mong muốn không phải là được chết nhưng là thực hiện thánh ý Chúa Cha. Cái chết không phải là cứu cánh nhưng chính là vinh quang Thiên Chúa và ơn cứu độ cho nhân loại mới là cái đích mà Ngài nhắm tới. Giờ mà Ngài mong đợi không phải là giờ chết, nhưng là giờ hoàn tất sứ mạng Chúa Cha đã trao phó, đó là làm cho mọi người được sống nhờ cái chết của Ngài và làm cho toàn thể nhân loại được yêu thương hợp nhất với nhau khi cùng hướng nhìn về cây thập giá. Bởi đó Ngài nói: Phần Ta, khi nào Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi sự đến cùng Ta (Ga 12,32). Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta và hiến mạng sống mình vì chúng ta, giờ đây Ngài mời gọi chúng ta cũng hãy yêu thương và hiến dâng cuộc đời chúng ta cho anh em, để nhờ đó mọi người được hiểu biết, được yêu thương và được chia sẻ phần hạnh phúc của gia đình những người con cái Chúa.

Như thế, khi cam kết sống vâng phục theo gương Chúa Giêsu người sống đời thánh hiến bước vào một hành trình mới, hành trình mà họ không còn sống cho riêng mình  nhưng hoàn toàn sống cho Đấng đã yêu thương và mời gọi họ. Người sống đời thánh hiến không còn tùy thuộc vào chính mình nữa nhưng tùy thuộc vào Ý Chúa ngang qua Hiến Chương, Nội Qui, Chương trình sống và các Bề trên hợp pháp của mình. Tin Mừng Gioan không ngừng nói đến sự tùy thuộc của của Chúa Giêsu vào Thiên Chúa Cha: Ngài phát xuất từ Cha, luôn hướng về Cha, gắn bó với Cha, yêu mến Cha, sống nhờ thánh ý Cha, làm theo ý Cha. Ngài hoàn toàn đặt đời mình trong bàn tay yêu thương của Cha, hoàn toàn trao quyền làm chủ cuộc đời mình cho Chúa Cha.Vì yêu mến Cha nên Ngài không nhất thiết phải sống theo ý riêng mình. Mọi chương trình và ý muốn của Cha đều trở nên chương trình và ý muốn của Người. Đây chính là một sự tùy thuộc toàn diện và tuyệt đối, là một sự tùy thuộc lạ lùng và kỳ diệu, biểu lộ một tình yêu lớn nhất của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha.

Nếu hiểu ý nghĩa của “vâng phục” như thế, mỗi người chúng ta tự vấn xem: Tôi đã thực hiện tinh thần vâng phục như thế nào? Tình yêu tôi dành cho Thiên Chúa và quy hướng về Đấng mà tôi yêu mến, gắn bó tới mức độ nào? Đấng mà tôi tự nguyện trao phó quyền làm chủ cuộc đời tôi, tôi có để Ngài tự do sử dụng đời tôi như Ngài muốn hay không? Vì thực tế, nhiều khi tôi còn tính toán, bủn xỉn trong việc hiến toàn thân cho Thiên Chúa. Tôi quyết tâm sống đức vâng phục nhưng khi chạm tới ý riêng thì lại vùng vẫy, viện cớ thoái thác. Tôi đã tự nguyện tuyên bố dâng hết mọi sự cho Thiên Chúa, nhưng thực tế, tôi chẳng dâng gì, tất cả đều vẫn ở trong tôi. Cuối cùng Chúa không làm chủ cũng chẳng có quyền gì trên cuộc đời tôi!
 
Thật vậy, vấn đề mấu chốt của chúng ta chính là không diễn tả được hành vi cụ thể của ĐỨC TIN và sự hâm hẩm của TÌNH YÊU. Chúng ta chỉ TIN nửa chừng và YÊU nửa vời. Chân thành tự vấn, tôi có yêu Chúa thật sự không? Tôi đã thực hiện nhiều việc hy sinh vì Chúa, vì phần rỗi các linh hồn? Tôi đã thể hiện Niềm tin của tôi như thế nào khi thực hành đức vâng phục trong đời sống của mình?

Lời khấn Vâng phục chính là phương thế để thi hành sứ vụ và là yếu tố xây dựng tình huynh đệ, tình hiệp thông, sự tham gia của mỗi người trong kế hoạch của Thiên Chúa nơi cộng đoàn. “Ơn riêng Thiên Chúa ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10). Chị em chúng ta không nhân danh mình hay tự ý lựa chọn việc này, việc kia để thực hiện trong sứ vụ tông đồ, nhưng là nhân danh cộng đoàn và được cộng đoàn sai đi, nghĩa là chỉ thực thi tác vụ trong sự Vâng lời với một con tim tự do. Chính Đức Giêsu cũng không tự mình nhập thể làm người và chịu chết để cứu chuộc nhân loại, Ngài chỉ thực hiện điều này khi vâng lệnh Chúa Cha. Khi sứ vụ được đặt dưới sự vâng phục, nó trở nên ý nghĩa và mang lại giá trị cứu độ cho mình và cho nhân loại, bởi “nhờ vâng phục tôi biết chắc rằng tôi phục vụ Chúa” (x. Huấn thị Quyền bính -Vâng phục, số 24).

Vậy, Đối với tôi, việc sống lời khấn Vâng phục có là lối dẫn tôi đến tinh thần Hiệp thông với cộng đoàn không? Tôi sống đức vâng phục cách tích cực trong niềm tin yêu để cùng với chị em Tham gia vào sứ vụ chung của Hội thánh, Hội dòng và làm lan tỏa sức sống của Tin Mừng đến với mọi nơi không?


Lời nguyện kết: 

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Sự vâng phục của con không chỉ diễn ra một lần trong Thánh lễ Khấn dòng, cũng như ý muốn của Thiên Chúa không chỉ nói với con một lần thay cho tất cả. Do đó, con cần phải tìm cách đọc ra ý Chúa trong bổn phận và trong hoàn cảnh riêng của mình. Vâng phục chính là lắng nghe tiếng Chúa qua sự soi dẫn của Thánh Thần, lắng nghe Giáo Hội, lắng nghe Hội dòng, lắng nghe chị em, lắng nghe những thách đố của thời đại, và nhất là lắng nghe lời mời gọi của Thiên Chúa trong đời sống. Đối diện với những lời mời gọi của Thiên Chúa, tất cả mọi thành phần trong Hội thánh, Hội dòng đều phải vâng phục. Vâng phục không chỉ bằng tai nhưng bằng cả con tim, bằng tấm lòng chân thành và bằng cả cuộc sống. Con Sẽ không sống trọn vẹn ý nghĩa của việc “lắng nghe” nếu con không có tình yêu. Tìm biết ý Chúa đã khó, mà vâng phục ý Chúa trong những tác nhân trung gian lại càng khó hơn, vì vâng phục luôn đòi hỏi sự xoá mình trong sự khiêm tốn.

Lạy Chúa! Chắc chắn một điều là sẽ chẳng bao giờ con hiểu hết được ý Chúa. Vì thế  
tâm hồn con dễ bị nổi loạn khi gặp những trái ý và nghịch cảnh, nhất là khi phải đối diện với những tình cảnh vô lý và đau thương. Nhiều khi Con có cảm nhận mình giống như Phêrô bị Chúa mắng “satan” vì không hiểu đường lối của Chúa mà chỉ biết phản ứng, bức xúc theo tính tự nhiên của con người.

Chúa ơi, dù con không hiểu hết được ý Chúa nhưng con phải thực hiện hết những gì Chúa đã cho biết. Khi Chúa “bắt” mọi sự vâng phục, thì chính Chúa lại trở nên Đấng vâng phục vì con. Chúa cũng đã phải học biết vâng phục từ những đau khổ để dạy con biết học nơi Chúa sự vâng phục từ những ngang trái và đau thương hằng ngày. Xin khơi rộng trí não và nhất là khơi sâu nơi trái tim con lửa tình yêu Chúa để con biết vâng phục trong mọi sự, nhờ đó con có thể sống an vui giữa mọi tình cảnh của đời sống. Amen

Thực hành:
  • Tâm niệm sống “Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha” (YLS)
  • Tập nhanh nhẹn thực hiện đức vâng lời vì lòng yêu mến.


[1](x.Tông huấn Hồng ân cứu chuộc, số 13)

 

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây