Thứ sáu tuần II Mùa Chay

Thứ tư - 28/02/2024 21:39 354 0


Thứ sáu tuần II Mùa Chay
Chiêm ngắm Đức Giêsu trên Thánh giá để học tha thứ

 “Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ” ( Lc 6, 37)

Lời nguyện mở đầu :

Lạy Cha, Chúa Giêsu cho con hiểu được tình yêu vô bờ của Cha, hiểu được ý nghĩa của lịch sử cứu độ Cha thực hiện cho loài người chúng con. Tình yêu Cha quá cao cả, Cha không ngừng sai các sứ giả đến mời gọi chúng con bước theo chân lý của Cha. Cha không ngừng đi tìm chúng con trở về, nhưng chúng con lại từ chối và quay lưng lại với Cha. Tuy nhiên dù chúng con phản bội, bất trung, Tình yêu Cha vẫn tuôn trào, luôn đầy sáng kiến để thực hiện những kỳ công, để rồi cuối cùng ban tặng Con Một Cha cho chúng con. Cha đã nhìn mọi sự như một tổng thể hài hòa, trong đó sự ác chỉ mang mầu sắc cục bộ và tương đối. Sự thiện của ơn cứu độ vượt xa sự ác của tội lỗi: “Ở đâu tội lỗi ngập tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20). Xin Cha giúp con trở về với tình yêu và không ngừng hoán cải để nối tình yêu đã bị tội lỗi cắt đứt. Xin giúp con vững lòng trông cậy, biết làm lại từ đầu. Xin Cha cho con dù có bao lần vấp ngã, nhưng suốt cuộc đời vẫn trung thành với tình yêu ban đầu. Con tin tình yêu sẽ chiến thắng tội lỗi.

Lạy Cha, Xin ban ơn Thánh Thần xuống trên chúng con, để Người ban tặng chúng con trái tim thịt mềm, giúp mỗi người biết sẵn sàng tha thứ giữa thế giới bạo động, quyền lực; biết quên mình phục vụ âm thầm giữa thế giới đề cao chủ nghĩa cá nhân và lợi nhuận; Xin dạy chúng con biết yêu thương tự hiến, biết cộng tác và đồng trách nhiệm giữa một xã hội đầy phe phái chia rẽ, say mê thống trị và chiếm đoạt, kỳ thị hơn thua…Xin cho chúng con thấm nhuần tình yêu của Đức Kitô khi chiêm ngắm Người trên Thánh Giá vì Ngài là Đấng công chính. Nơi cuộc khổ nạn và thập giá Ngài đã trở nên gương mẫu tình yêu và lòng tha thứ vô điều kiện cho những người đã làm tổn thương Ngài. Cuộc đời và cái chết trên thập giá đã chứng minh về lời dạy của Ngài để lại trong Thánh Kinh và nơi Giáo Hội hôm nay

Xin Mẹ Maria, cha Thánh Giuse cùng các thánh giúp chúng con luôn biết nhìn ngắm Đức Kitô trên thập giá cùng học với Ngài bài học yêu thương và tha thứ để biết sống hiệp thông liên đới với nhau cách khiêm nhường, quảng đại, sẵn sàng cho đi hơn là tính toán hơn thiệt.

Suy gẫm:

Cùng dành những phút thinh lặng chúng ta hồi tưởng lại trước khi trút hơi thở cuối cùng trên Thánh Giá, Đức Giêsu đã xin Cha tha thứ cho những ai?
  • Ngài tha thứ cho tên trộm lành,
  • Tên đầy tớ đã vả mặt ngài trong dinh thượng tế Caipha? cho Philatô, một nhà chính trị nhiều mưu mô, xu thời và tàn ác, đã lên án tử cho Chúa Giêsu để giữ tình nghĩa với Xêda, ngài sẵng sàng tha cho Hêrôđê, một tên bạo chúa đã khoác cho Con Thiên Chúa cái áo của kẻ dại dột, điên khùng?
  • Những tên lính dã man đã đánh đòn và treo Vua các vua trên cây thập tự, đứng trơ vơ giữa trời và đất? Chúa sẵn sàng tha cho hết thảy những người dân ba phải đã từng được Ngài làm ơn..., 

vì Người hiểu ý tốt cho họ rằng họ không thực sự nhận biết việc họ làm, họ không đủ ý thức việc họ làm là một tội ác. Chúa đã không xét đoán, không biện minh, dù Chúa có quyền và có thể làm điều đó. Trong lời tha thứ này gói ghém Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Nhờ câu nói này, tình yêu của Thiên Chúa gặp gỡ tội lỗi nhân loại, nhưng vẫn y nguyên tinh tuyền. Tha thứ, là bằng chứng hùng hồn nhất tính vô tội tuyệt đối của Ngài. Ngay trong khổ đau khi bị nhấn chìm giữa bất công nhất, Chúa lên tiếng: Tha thứ. Đó là một sứ điệp cao quý của Đấng Cứu Độ. Thế nên, Chúa muốn chúng ta hãy thực hiện những nghĩa cử tha thứ cho anh em, vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta vô điều kiện, dù chúng ta đáng bị trừng phạt.

Lời yêu thương và tha thứ của Đấng cứu độ trần gian đã vang dội suốt dòng lịch sử-  đã âm vang qua lời cầu khẩn của Stêphanô, xin Chúa tha thứ cho những kẻ đã ném đá xử tử mình, đã vọng qua thái độ rộng lượng tha thứ của thánh Phaolô khi bị mọi người bỏ rơi trước tòa án, thánh Phaolô đã viết cho Timôtê: “Lần đầu tiên khi ra tòa để biện hộ thì chẳng một ai bênh vực cha cả, mọi người đều bỏ rơi cha, nhưng thôi xin đừng chấp điều ấy làm gì” (2Tim. 4,16)

Theo sau gương tha thứ anh hùng của thánh Stephanô và Phaolô, qua mọi thời cũng còn rất nhiều người bước theo Đấng Chịu Đóng Đinh để thực hiện sứ điệp tha thứ của Người.
Cách đây hơn 40 năm, vào lúc 17:19 ngày 13/5/1981, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II bị ám sát. Ở giữa ranh giới của sự sống và sự chết, ngài không nghĩ đến mình, nhưng nghĩ đến người muốn sát hại mình. Ngài đã tha thứ.

Những hình ảnh của biến cố xảy ra cách nay 
40 năm tại quảng trường thánh Phê-rô dường như vẫn in đậm trong tâm trí nhiều người. Người đàn ông mặc chiếc áo trắng, tràn đầy sức lực ở tuổi 60, ôm một bé gái tóc vàng trên tay và trao lại cho cha mẹ em. Thình lình, những tiếng súng nổ, không thể tin được, vị Giáo hoàng gục vào vòng tay của người thư ký của ngài, chiếc xe màu trắng chạy ào vào bên trong thành Vatican.
Sau đó là những cuộc chạy đua từng giây từng phút với tử thần tại bệnh viện Gemelli, những lời cầu nguyện của các tín hữu trên toàn thế giới, niềm hy vọng le lói sau ca phẫu thuật phức tạp.

Ngày hôm đó, 64 năm sau ngày Đức mẹ hiện ra tại Fatima, có một bàn tay đã làm chệch hướng viên đạn và cứu mạng Đức Giáo hoàng khỏi một bàn tay muốn sát hại ngài.
Bốn ngày sau, Chúa Nhật 17/5/1981, cửa sổ phòng làm việc của Đức Giáo hoàng ở Dinh Tông tòa trống vắng, không có ngài xuất hiện như mọi Chúa Nhật khác. Nhưng tiếng nói của Đức Gioan Phaolô II được truyền phát qua radio cho các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên đàng.

Với giọng yếu ớt được thu từ giường bệnh ở bệnh viện, những lời đầu tiên của Đức Gioan Phaolô II sau khi bị bắn là: “Tôi cầu nguyện cho người anh em, người đã tấn công tôi, người mà tôi chân thành tha thứ. Hiệp nhất với Chúa Kitô, Linh mục và Nạn nhân, tôi xin dâng những đau khổ của tôi cho Giáo hội và cho thế giới.”

Sứ điệp tha thứ này còn được thể hiện mạnh mẽ hơn khi vào ngày 27/12/1983, Đức Gioan Phaolô II đã đến nhà tù Rebibbia ở Roma, vào phòng giam của Ali Agca, ôm lấy anh thanh niên muốn sát hại ngài.
Khi suy niệm và cảm nhận ơn tha thứ Chúa dành cho cho mình, cũng như cảm nhận được sức mạnh của tình yêu dành cho Thiên Chúa của các vị thánh qua dòng thời gian khiến các ngài sẵn sàng tha thứ cho những người làm hại các ngài; mỗi chúng ta sẽ hiểu được để có tự do thực sự của tình yêu tha thứ thì mỗi người phải thật lòng  buông bỏ những cay đắng, oán giận mà mình đang chất chứa, mang vác trong lòng ...

Chiêm ngắm Đức Kitô trên Thập Giá, chúng ta được mời gọi hiểu rằng: chúng ta là tội nhân. Thánh Catarina khi chiêm ngắm thập giá đã thốt lên “Thập giá của Chúa không phải là một sự đùa giỡn”. Tuy không mắc tội gì nhưng Ngài đã phải chết trên Thập giá, một cái chết đau đớn, nhục nhã, đó là bản án mà người Do Thái dành cho tội nhân. Thế nhưng Chúa Giêsu đã biến cây thập giá trở thành Thánh Giá là nguồn ơn cứu độ cho muôn người, là công cụ hòa giải giữa Thiên Chúa với nhân loại và giữa loài người với nhau. Qua Thánh Giá, Đức Kitô chứng tỏ tình yêu chiến thắng tất cả, lòng tha thứ lớn hơn hận thù và khỏa lấp mọi tội lỗi. Nhờ Thánh Giá mà chúng ta được tha thứ, được cứu độ và được làm con Chúa.

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai” Chúng ta sẽ biết mình là ai khi gặp phải những thử thách gian nguy trong đời sống. Thập Giá giúp ta nhận ra thân phận yếu đuối, mong manh để ta biết cần nhờ đến ơn Chúa giúp mà có thể vượt qua những sóng gió chông gai giữa đời. Thập giá không phải luôn đến từ sự dữ, nhưng dù cho có đến từ sự dữ thì con người vẫn chiến thắng được sự dữ nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa, như Đức Giêsu đã chiến thắng sự dữ nhờ Chúa Cha.
Như vậy, việc suy tôn Thánh Giá chính là suy tôn Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Tất cả chúng ta được mời gọi trở thành chứng nhân tình yêu của Chúa, trở thành chứng nhân của lòng tha thứ, trở thành cánh tay nối dài của Chúa đến với những người xung quanh mình. Xin cho chúng ta luôn biết nhìn lên Thánh Giá Chúa để can đảm đón nhận thập giá đời mình mà bước đi đến cùng với Chúa đặc biệt trong việc tha thứ lẫn nhau trong đời sống hằng ngày.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Chúa đã chấp nhận đau khổ và phải chết vì chúng con. Trong đau khổ và sự chết, Chúa chỉ có một ước muốn duy nhất: đó là tha thứ cho chúng con. Xin cho chúng con biết thường xuyên chiêm ngắm Thánh giá để cảm sâu hơn nữa về tình yêu tha thứ Ngài dành cho con. Chính từ những vết thương của Người, từ những lỗ đinh đau đớn nơi thân thể Chúa do bàn tay con người gây ra, sự tha thứ đã tuôn trào. Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu trên Thánh giá, xin cho con cảm nhận rằng: chưa bao giờ con nhận được lời nào tốt hơn lời tha thứ mà Chúa đã cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha, xin tha thứ cho nó vì nó không biết việc mình làm.

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh: “Cảm ơn Chúa, Chúa yêu thương con và luôn tha thứ cho con, ngay khi con thấy mình khó thương và khó tha thứ cho cả chính mình”
Lạy Chúa Giêsu, Xin cho mỗi chị em chúng con khi xác tín mình thuộc về Đức Kitô qua lời khấn dòng, chúng con biết cư xử với những người đã làm tổn thương mình bằng sự tha thứ. Chúa đã không loại trừ con dù con xấu xa, tội lỗi. Tình yêu của Chúa không có đặc quyền tốt xấu, giàu nghèo... nhưng vô điều kiện. Đặc ân mà mỗi chúng con được nhận lãnh là tình yêu thương, được tha thứ...vì thế, con cũng không có quyền lên án, kết tội ai. Xin cho con biết sống và tuân giữ luật duy nhất mà Chúa đã để lại và đã từng thi hành đó là luật của tình yêu. Lạy Chúa con biết rồi, “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10). Amen

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 19 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 4.8 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây