Lòng thương xót của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Thập giá Đức Giêsu

Thứ ba - 28/11/2023 20:10 787 0

Lòng thương xót của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Thập giá Đức Giêsu

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con xin dâng lời chúc tụng ngợi khen và yêu mến Chúa ngay từ giây phút đầu tiên của ngày sống mới này. Cám ơn Cha đã ban Chúa Thánh Thần để Người giúp chúng con nhìn thấy Cha nơi sự hiện diện sống động của Đức Giêsu Kitô mà Kinh Thánh đã ghi lại,

Lạy Chúa Giêsu, qua những hình ảnh quen thuộc trong đời thường mà Chúa dùng để giáo huấn các Tông đồ và Môn đệ trên hành trình rao giảng Tin Mừng cho chúng con nhận ra lòng thương xót vô cùng của Chúa đối với con người. Đặc biệt, nơi Cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa không bao giờ bỏ rơi bất cứ ai dù là kẻ đốn mạt tội lỗi. Chúa đã từng đưa ra ví dụ người chủ quên đi chín mươi chín con chiên đang ở với mình để đi tìm một con chiên lạc; tình thương, lòng cảm thông đối với người phụ nữ bị tố cáo ngoại tình...và trong hiện tại con người cũng cảm nhận được tình thương của Chúa thật lớn lao dành cho kẻ mọn hèn bất xứng là con đây, con biết Chúa vẫn luôn nghĩ đến con dù trong trái tim con hình ảnh Chúa thật mờ nhạt, hoặc không có Chúa mà chỉ có toàn những thứ khác. Chúa vẫn trung thành yêu thương con cho dù bao lần con đã xúc phạm đến Chúa, quên Chúa. Chúa sẵn sàng tìm con dù nhiều lần con tìm cách trốn chạy, xa lìa Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, nhận ra tình yêu Chúa trong mọi biến cố sự kiện lớn nhỏ để con quyết tâm trở về với Chúa sau những vấp ngã, phản bội, bất trung, trốn chạy.... Xin cho con biết chiêm ngắm tình yêu Chúa trên Thập giá để thật lòng thống hối, vì chính tình yêu thương tha thứ của Chúa sẽ mang đến cho con niềm hạnh phúc bình an. Và xin đặt vào trái tim con lòng nhân ái của Chúa, để con cũng biết yêu thương, san sẻ tình yêu Chúa đến với những con người mà con gặp trong ngày sống.

Suy Niệm:

“Thiên Chúa giàu lòng thương xót” là Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết là Cha: Chính Người là Con Thiên Chúa đã tỏ lộ và cho chúng ta biết Cha nơi chính bản thân mình. Về mạc khải này, điều đáng nhớ là lúc Philipphê, một trong mười hai tông đồ, thưa với Đức Kitô: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”; Đức Giêsu trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Những lời ấy đã nói lên trong diễn từ giã biệt, vào cuối bữa ăn Vượt qua, vào thời điểm sắp diễn ra những ngày thánh, là những biến cố khẳng định dứt khoát rằng “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô”.

Thiên Chúa, “Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” cũng nói với con người thông qua hình ảnh vũ trụ : thực vậy, “những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người”. Sự hiểu biết gián tiếp và bất toàn này là việc của trí khôn tìm kiếm Thiên Chúa trong thế giới hữu hình thông qua các thụ tạo của Ngài, chưa phải là “thấy Chúa Cha”. “Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ ”, như thánh Gioan đã viết để làm nổi bật hơn chân lý này mà theo đó “Con Một vốn là Thiên Chúa, và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.

Như vậy, trong Đức Kitô và nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa trở nên hữu hình trong lòng thương xót của Ngài, nghĩa là làm nổi bật ưu phẩm của Ngài, ưu phẩm mà trong Cựu Ước qua nhiều hạn từ và khái niệm khác nhau đã từng xác định như “lòng thương xót”. Thiên Chúa nhìn thấy nỗi khốn khổ của dân Người và nghe tiếng họ kêu van: “Ta đã nhìn thấy nỗi khốn khổ của dân Ta ở Ai Cập và Ta đã nghe thấy tiếng kêu của chúng vì những kẻ đốc công tàn ác. Thực vậy, Ta biết rõ các đau khổ của chúng, và Ta đến để giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập” (Xh 3:7-8)

Trong suốt hành trình sứ vụ công khai, Đức Giêsu xuất hiện như một một sứ giả của Lòng Thương Xót Thiên Chúa Cha để xoa dị nỗi đau và cứu vớt con người. Khi nhìn thấy đám đông dân chúng đã quá mệt mỏi và kiệt sức không người chăn dắt, Người chạnh lòng thương xót họ cách sâu xa (x. Mt 9,36). Khi thấy những đau yếu bệnh hoạn tật nguyền, bị quỷ ám, Người thương xót họ và chữa lành cho họ (x. Mt 14,14 tt; Mc 5,19). Nhiều lần Đức Giêsu đã chủ động đến gặp những người tội lỗi và giúp họ hoán cải như trường hợp của Matthêu, Giakêu hay Mađalêna v.v…Tuy nhiên, tất cả những nghĩa cử thương xót ấy chỉ có thể đạt tới sự tột đỉnh và viên mãn nơi biến cố Chết và Phục Sinh của Đức Kitô. Tại đây, Con Thiên Chúa đã tự hạ mình cho đến cùng, trở thành người Tôi Tớ đau khổ, chịu chết trên thập giá, đổ máu đào để cứu độ loài người. Nơi thập giá, Người mặc khải lòng thương xót Thiên Chúa một cách tuyệt vời nhất: Thiên Chúa cùng chịu đau khổ với chúng ta; Thiên Chúa chịu chết thay cho chúng ta để chúng ta được sống dồi dào. Và sự phục sinh của Đức Kitô là chiến thắng của lòng thương xót Thiên Chúa trên tội lỗi và oán thù. Chỉ có lòng thương xót Thiên Chúa mới cứu độ con người.

Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng ta rằng con người không những lãnh nhận và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa, mà còn được kêu gọi “có hành động thương xót” đối với kẻ khác: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”.

Đối với chúng ta, những người nữ tu Mến Thánh Giá, Hiến chương mời gọi “đối tượng ưu tiên của việc nguyện ngắm là Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Cảm nghiệm sau xa về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ngang qua cái chết của Con Một Ngài. Trong ngày sống, chị em năng tưởng nhớ về cuộc thương khó và cái chết của Người” ( x. Hc Điều 55/2).
Thường xuyên tưởng nhớ về cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu để làm gì nếu không phải để mỗi người cố gắng thực hành lòng thương xót như Người đã thương xót nhân loại và mỗi chúng ta nơi cuộc Thương khó và Phục Sinh của Người? Mỗi chúng ta cũng đang mang lấy cuộc thương khó của Đức Kitô nơi cuộc sống này, Người đang muốn mượn đôi tay, đôi chân, khối óc và con tim của chúng ta để hành động.

Việc suy niệm, tưởng nhớ về cuộc thương khó của Đức Kitô trong ngày sống sẽ giúp chúng ta thấy con đường mình đang đi là con đường của Tám Mối Phúc. Sống tinh thần các mối phúc là phải thay đổi cuộc sống, phải biết thương xót như chính mình đã được hưởng lòng xót thương. Chúng ta đạt tới tình yêu – lòng thương xót của Thiên Chúa theo mức độ chính mình được biến đổi từ bên trong theo tinh thần của một tình thương đúng nghĩa dành cho con người, dành cho những người mình chung sống và có trách nhiệm trong sứ vụ.

Thực tế, chúng ta đang sống trong một môi trường bị ô nhiễm về nhiều thứ: ô nhiễm khi chỉ chạy theo công việc để tìm lợi nhuận, những mối tương quan gia đình, cộng đoàn trở nên tẻ nhạt vì điện thoại thông minh, Ipad, máy tính... Rồi làm nô lệ cho những nhu cầu tự tạo ngày càng cao và con người càng tìm càng thấy trống rỗng hụt hẫng. Càng hụt hẫng, trống rỗng thì lại càng lao mình tìm thoả mãn nơi các thụ tạo thì tình yêu và lòng thương xót càng khó được nhìn nhận và phát huy.  

Chị, em, tôi, chúng ta có thật sự cảm nhận được tình yêu và lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho mỗi người trong cuộc sống hiện tại? Chúng ta có cảm nhận được sự cao quý thật sự nơi ơn gọi Thánh hiến theo Linh đạo Mến Thánh Giá mà mình đang bước đi, để rồi nỗ lực hơn nữa trong việc cần mẫn theo gương Đức Kitô Chịu Đóng Đinh giới thiệu lòng thương xót của Thiên Chúa và Ơn cứu độ của Người cho anh chị em xung quanh bằng những việc cụ thể trong mỗi ngày sống?

Lời nguyện kết:  

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh chiêm ngắm về tình yêu và lòng thương xót của Chúa dành cho chúng con trong từng ngày sống, con thật sự xúc động về tình thương nhưng không Chúa dành cho con. Càng cảm nhận về tình yêu và lòng thương xót của Chúa con càng hổ thẹn về thái độ sống của mình trước Chúa, trước chị em và tha nhân.   Cuộc sống của con từng ngày là do tình thương của Chúa và của mọi thành phần chị em trong gia đình Hội dòng, cộng đoàn, gia đình ruột thịt mà con không nhận thấy, con cứ nghĩ mình đáng được như thế này, thế kia ; con phải được mọi người đối xử như con nghĩ về mình, trong khi con chẳng là gì trước Chúa và người khác. Xin Chúa thương sửa lại cách nhìn và lối nghĩ ảo tưởng của con về con. Xin Chúa thương biến đổi trái tim khô cằn sỏi đá của con và xin giúp con sống yêu thương và tha thứ như chính Chúa đã tha thứ và dạy con. Xin cho con biết liên kết mật thiết với Chúa; để nhờ đó, con can đảm gọt bỏ cái tôi mỗi ngày, mở lòng yêu thương mọi người, và thể hiện lòng thương xót của Chúa với những người mà con gặp gỡ tiếp xúc.

Lạy Chúa, “Điều thiện con muốn, thì con không làm, nhưng điều ác con tôi không muốn, thì tôi cứ làm” (Rm 7,19), thật khốn nạn cho con và ai sẽ giải thoát con nếu không phải là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Lạy Chúa, tình thương Chúa đời đời con ca tụng. Xin hãy thương xót con mãi mãi. Amen    


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây