Người sống đời thánh hiến chuẩn bị “giờ chết” trong tâm tình của người con hiếu thảo theo gương Đức Giêsu.

Thứ ba - 07/11/2023 19:59 482 0


Người sống đời thánh hiến chuẩn bị “giờ chết”
trong tâm tình của người con hiếu thảo theo gương Đức Giêsu.

 

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, vì cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Chúa xin thương xót chúng con và toàn thế giới. Đặc biệt trong giây phút đầu tiên của ngày sống mới này, nhờ Chúa và trong Chúa chúng con dâng lên Thiên Chúa Cha lời chúc tụng, ngợi khen, tri ân với hết tâm tình thảo hiếu của chúng con.

Chúng con cám ơn Chúa đã cho chúng con thời gian ân phúc này để ở thật gần bên Chúa, để kết hợp thâm sâu với Chúa và nhìn lại đời mình trong viễn cảnh đời đời. Chúa ban cho chúng con bình an đến giây phút này là một hồng ân lớn lao và nhưng không, chúng con xin ngợi khen Chúa.

Lạy Chúa, hiện tại có biết bao người phải chết, phải rời bỏ quê hương vì bom đạn chiến tranh, phải lầm than, khốn khổ vì thiên tai, thất nghiệp, nghèo đói, bệnh tật; và nhiều triệu ngôi nhà, cơ sở bị tàn phá... dường như họ không còn tương lai. Vậy mà chúng con cứ sống nhởn nhơ như người ngoài cuộc. Giờ đây, xin cho chúng con biết suy gẫm về phận người, về cách sống ơn gọi thánh hiến và về sự chết để sống thánh thiện hơn, quan tâm đến con người hơn với những việc làm nhỏ bé âm thầm theo khả năng của mình. Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con nhận ra những dấu chỉ thời đại, những mạc khải về giờ sau hết trong từng biến cố của cuộc sống hiện tại. Lạy Chúa, Ai trong chúng con cũng muốn ở trên Thiên đàng, nhưng lại sợ chết, ngại hy sinh, ít quan tâm thực hành khổ chế để sống thanh thoát theo tinh thần Hiến Chương Nước Trời mời gọi. Giờ phút linh thiêng này chúng con muốn cùng với chị em suy niệm về “ giờ chết” để sống hiện tại cách vui tươi, hạnh phúc, bình an với trọn tâm tình của người con thảo hiếu.
Xin Mẹ Maria, thánh Giuse cùng Chư Thánh giúp chúng con trong giờ này,

Suy Niệm:

Chết thông thường được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật hay ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống (không thể phục hồi) của một cơ thể. Trong y học, Chết là sự chấm dứt của mọi hoạt động sống như hô hấp trao đổi chất sự phân chia các tế bào đều được chấm dứt vĩnh viễn.

Theo tiếng Latinh, người chết = defungi: là người đã vĩnh viễn hoàn tất đời mình. Là người Kitô hữu, chúng ta phải biết đón nhận sự hoàn tất đó với một tâm hồn bình an cao cả, vì mạc khải Kitô giáo đã cho biết rằng cái chết như cánh cổng to lớn mở vào thánh điện an vui vĩnh hằng. Như thánh Phaolô đã xác định: vào ngày cuối cùng, cái hư hoại trong ta sẽ trở nên bất hoại, cái khả tử sẽ nên bất tử (x. 1Cor 15, 53).

Chúng ta tin rằng Đức Kitô đã chiến thắng sự dữ là cái chết, nhưng chúng ta cũng biết rằng, Ngài không chiến thắng cái sự dữ gây ra ở trong ta. Nhờ Đức Kitô, trong hy vọng thì tất cả đã thành đạt, nhưng trong thực tế, ta vẫn phải chịu đựng những bất hạnh. Niềm tin và hy vọng không diệt nổi bản năng sinh tồn, nhưng nó đem lại một tâm tình đón nhận bình thản và an vui.

Đức Thánh Cha phanxicô đã mời gọi các bạn trẻ chú ý đến “mỗi mục đích nhỏ trong đời sống hàng ngày”, như là mục đích của mỗi lời nói và mỗi sự thinh lặng. Đức Thánh Cha cũng nhận định rằng sự chết giết sự hão huyền về “ảo tưởng toàn năng” của chúng ta và dạy chúng ta tham dự vào mầu nhiệm sự sống. Ngài nói: “Điều này mang lại cho chúng ta sự tự tin để nhảy vào khoảng trống và nhận ra mình sẽ không rơi xuống, không bị chìm và ở đó luôn có một Đấng nắm lấy chúng ta. Cả trước và sau sự kết thúc”, ngài còn nói thêm rằng: 3 hình thức chết thật sự trong cuộc sống của chúng ta: cái chết của mỗi khoảnh khắc, cái chết của cái tôi và cái chết của một thế giới mở đường cho thế giới mới. Ngài nhấn mạnh: “Nếu sự chết không có tiếng nói cuối cùng là bởi vì trong cuộc sống chúng ta đã học chết cho người khác.” (x. Bài nói với Giới trẻ ngày 04.11.2019 của ĐTC Phanxicô )
Khi sinh ra, con người là một bản thể phải chết, nhưng sau khi chết thì con người sống mãi. Con người là bất diệt, không chỉ vì linh hồn không thể bị phân hủy, nhưng vì chết là được mời gọi đến sự hiệp thông trong tình yêu muôn đời với Chúa Ba Ngôi. Đó là ấn tích đã được Thiên Chúa khắc sâu vào bản thể con người khi tạo dựng. Tính bất diệt của con người đã có trong tự bản chất nhờ ơn cứu độ của Đức Kitô: “Ai tin vào Ta sẽ không chết bao giờ” (Ga 11, 26).

Như vậy, theo kế hoạch của Thiên Chúa, cái chết của con người không mang tính chết chóc, nhưng là một định hướng cho cuộc sống mới. Là người Kitô hữu, chúng ta “chết cho Chúa” cũng như đã sống cho Ngài (x. Rm 14, 7). Nhờ cái chết, chúng ta “tôn vinh Thiên Chúa” (Ga 21, 19) để đáng hưởng triều thiên sự sống (x. Kh 2, 10). Từ mỗi khắc khoải không thể tránh được, sự chết trở nên một đối tượng của toàn phúc: “Phúc thay những kẻ chết trong Chúa” (Kh 14, 13), vì nhờ đó Chúa đưa chúng ta đến nơi an nghỉ muôn đời, đến miền ánh sáng vô tận.

Đó là lý do tại sao chết là một mối lợi, vì Chúa Kitô chính là sự sống của chúng ta (x. Pl 1, 21). Trong niềm vui lớn lao đó, thánh Têrêsa hài đồng đã xác quyết: “Tôi đâu có chết, tôi bước vào sự sống”. Đức Giêsu đã trả lại cho cái chết sự vô tội của vườn địa đàng cho những ai tin vào Ngài. Đó là cánh cửa đưa tới hạnh phúc ngàn thu cho chúng ta là những con cái của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu không được bình tâm nhiều giờ trước khi chết, Ngài đã đổ mồ hôi máu. Phúc Âm Thánh Mát-thêu đặc biệt mô tả giây phút đau đớn của Ngài trước khi chết: Lạy Cha, Lạy Cha, sao Cha bỏ con! Trước giờ chết, Ngài cảm thấy mình bị môn đệ phản bội, ngài đổ mồ hôi máu trong đau đớn, và khóc khi thấy mình bị bỏ rơi. Dĩ nhiên chúng ta biết, tiếng khóc bị bỏ rơi của Chúa Giêsu không phải là giây phút cuối cùng. Sau giây phút lo lắng sợ hãi, Ngài đã phó linh hồn mình trong tay Cha và cầu xin cho ý Cha được thực hiện. Quả thật, đây là sự vâng phục của lòng thảo hiếu cao quý nhất, Ngài thân thưa “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở” (Lc 23,46)

Để chuẩn bị cho những giờ phút cuối cùng của đời mình, chắc chắn chúng ta cần theo sát Đức Giêsu để luôn sống tình con thảo với Chúa Cha nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn. Đức tin sẽ hướng dẫn chúng ta trong mọi nơi mọi lúc cả trong những khoảnh khắc sợ hãi đau thương nhất nơi cuộc sống. Đức Giêsu sẽ là người bảo trợ và là sức mạnh cho ta trong mọi cơn gian nan khốn khó nếu chúng ta sống gần giũ, thân thiết với Ngài.

Sống đức tin chân thật sẽ giúp chúng ta nói không với những trào lưu của thế tục. Sống đức tin chân thật sẽ giúp chúng ta nhìn nhận những giá trị thật, giá trị của Tin Mừng trên mọi bổng lộc, hứa hẹn của vật chất, đưa mình lên cao trong đời sống thiêng thánh. Sống đức tin chân thật sẽ giúp chúng ta phân định giữa những cái chính, cái phụ, điều cần thiết và ước muốn; được người hơn được việc, được Chúa hơn được người, được điều siêu nhiên cao thượng hơn cái tầm thường. Đặc biệt chúng ta sẽ sống cam kết Lời khấn dòng cách trưởng thành và siêu nhiên...tất cả sẽ dẫn đưa chúng ta đến một cuộc sống bình an, thanh thản, một sự chuẩn bị thật chu đáo cho giờ sau hết của đời mình. 

Như thế, chị - tôi, chúng ta đang chuẩn bị cho giờ chết của mình thế nào? Chúng ta đang rất sẵn sàng hay còn hợ hãi lo âu? Đâu là nỗi sợ hãi của tôi về sự chết?

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến, Cám ơn Chúa đã cho con thời gian suy gẫm về sự chết ngang qua việc sống ơn gọi thánh hiến của mình. Suy gẫm về sự chết cần thiết cho chúng con trong mọi phút sống. Nhờ suy gẫm về sự bất ngờ của cái chết giúp chúng con quan tâm đến cuộc sống hiện tại của mình: làm thế nào để gắn bó, trung thành với Chúa. Sống ơn gọi thánh hiến cách tích cực vui tươi, thánh thiện; làm thế nào để xa tránh cám dỗ, cách nào để đứng lên sau những lần vấp ngã.

Lạy Chúa, sự chết đến rất bất ngờ và thật đáng sợ, xin Chúa giúp con luôn biết sống cho Chúa với Chúa và trong Chúa cùng biết phục vụ tha nhân vì Chúa. Xin cho chúng con luôn xác tín“ Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con...” để dù sống dù chết con luôn thuộc về Ngài. Amen

 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây