Thứ Sáu tuần 13 Thường Niên

Thứ ba - 02/07/2024 21:18 143 0


Thứ Sáu tuần 13 Thường Niên
Sống mầu nhiệm Thập giá không gì khác hơn là phải
 chấp nhận gian khổ giữa đời thường

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Chúng con thờ lạy, tôn vinh và cảm tạ Chúa về muôn hồng ân Chúa đã ban cho chúng con trong cuộc sống. Cảm tạ Chúa đã luôn gìn giữ cho chúng con được bình an và sống đến giây phút này.
Giây phút này, chúng con muốn dành riêng để sống cho Chúa và thuộc về Chúa cách trọn vẹn hơn. Chúng con muốn chiêm ngắm về tình yêu hy hiến của Chúa nơi thập giá, để thêm một lần xác tín về tình yêu Chúa Cha dành cho trong ơn gọi Mến Thánh Giá mà mỗi người đang bước đi. Và tích cực sống mầu nhiệm Thập giá trong đời thường là vui  nhận mọi gian khổ để đáng hưởng hạnh phúc với Chúa trên thiêng đàng, điều đã được Thánh Tông đồ đã xác tín: “ Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14, 21-22).
Nguyện xin Thánh Thần Chúa giúp chúng con biết mở lòng đón nhận nguồn sinh lực mới, mà Chúa đang đợi chờ để thi ân cho chúng con cả trong những buồn phiền, đau yếu, trái ý, cực lòng mỗi ngày.
Xin Mẹ dẫn dắt chúng con qua từng chặng đường của Mầu Nhiệm Thập Gía trong đời cách vui tươi, tín thác, bình an.

Suy Gẫm:

Thánh Luca trong sách Công vụ Tông Đồ, cho biết sống mầu nhiệm Thập giá không gì khác hơn là phải chấp nhận gian khổ, Ngài nói “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14, 21-22).
Đối với Thánh Phaolô, trong những hành trình rao giảng Tin Mừng, Ngài đã chịu đựng biết bao thử thách cả thể xác lẫn tinh thần. Những thành công trong việc truyền giáo phần lớn nhờ vào tính chịu đựng của một người cương nghị, can đảm, không thoái lui trước những khó khăn. Với Phaolô, chịu đau khổ trong đời là thông phần đau khổ Đức Kitô đã chịu, là làm sống lại những gì Đức Kitô đã sống cho hiện tại. Nghĩa là, nếu Chúa Giêsu đã chết cho người khác thì Phaolô cũng phải chịu đau khổ cho quyền lợi của tha nhân.Vì thế thánh nhân đã hãnh diện khi chịu đựng đau khổ vì danh Đức Giêsu Kitô và cho người khác“Vì cũng như chúng ta chia sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa chan niềm an ủi.Chúng tôi có phải chịu gian nan, thì đó là để anh em được an ủi và được cứu độ. Chúng tôi có được an ủi, thì cũng là để anh em được an ủi, khiến anh em có sức kiên trì chịu đựng cùng những nỗi thống khổ mà chính chúng tôi phải chịu” (2Cr 1:5-6)

Cách đặc biệt hơn, sống mầu nhiệm Thập giá với thánh Phaolô còn là sống chết không phải cho chính mình, mà sống chết cho Đức Kitô. Là người của Chúa, được Chúa sai đi loan báo Tin mừng, người môn đệ phải từ bỏ chính mình để sống chết cho Tin Mừng, vì tình yêu Chúa và yêu thương anh em đồng loại.“Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5, 15).

Như thánh Phaolô, đời người Kitô hữu, người sống đời thánh hiến chắc chắn phải là cuộc sống gắn liền với Thập giá. Đón nhận, vác Thập giá là khởi đầu của cuộc sống người môn đệ Chúa Kitô, đóng đinh tính xác thịt cùng những đam mê, thói xấu vào Thánh giá Chúa để đời sống tâm linh ngày càng triển nở và tiến đến gần Đức Kitô, để thuộc về Ngài.“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). 

Thập giá mà người Kitô hữu, người tu sĩ mang vác là gì, nếu không phải là từ bỏ con người ích kỷ của mình để sống cho Thiên Chúa và tha nhân trong sự khiêm tốn phục vụ lẫn nhau. Điều kiện tiên quyết trong hành trình theo Chúa là phải hy sinh, sự hy sinh từ bỏ thường xuyên trong đời dù ở bậc sống nào. Chúa Giêsu quả quyết, người môn đệ Chúa thiếu vắng Thập giá trong đời sống mình thì không phải là môn đệ đích thực của Ngài: “Ai không vác Thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng làm môn đệ Thầy” (Mt 10,38). Hơn thế nữa, một khi ta không yêu mến Thập giá thì không còn sức sống, không đủ sức mạnh để đón nhận những đau khổ khiến chúng ta ngày càng tàn lụi và đánh mất chính mình. Không vượt được chính mình làm sao có khả năng sẻ chia, giúp đỡ người khác. Ngược lại, khi ta bình tâm đón nhận và yêu mến Thập giá trong mọi hoàn cảnh thì cuộc sống ta trở nên thanh thoát và ý nghĩa biết chừng nào.

Tình yêu đối với Chúa Giêsu trên Thánh Giá chiếm một vị trí quan trọng và tuyệt đối trong tâm hồn và cuộc sống của Đức Cha Lambert. Theo ngài, tất cả mọi ước muốn của con người đều phải đạt đến cùng đích là làm cho mình yêu mến Chúa hơn[1]. Đó quả là thú vui chân thật, thánh thiện và duy nhất của những tâm hồn thường xuyên chiêm ngắm Đức Kitô trên Thánh Giá và ước ao được sống kết hợp với Người cách đặc biệt. “Tôi đã có một ước nguyện lớn lao là chứng tỏ một tình yêu phi thường đối với Chúa Giêsu Kitô. Thế nên, tôi xin Người soi tỏ cho biết có thể làm cách nào để biểu lộ mối tình ấy”[2].“Bước theo Chúa trên con đường Thập giá” là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu: Vì Chúa nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Lc 9, 23-24).

Đối với chúng ta, những  người sống đời thánh hiến theo linh đạo Mến Thánh Gía, chúng ta đang bước đi với Chúa Giêsu trên “con đường hẹp”, con đường từ bỏ: “khó nghèo”, “Khiết tịnh”  “Vâng lời” để đạt đến sự hiểu biết, yêu mến và hiến thân trọn vẹn cho Đấng Chịu Đóng Đinh. Hãy để cho tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô chịu đóng đinh thúc bách chúng ta, sẵn sàng mang lấy ách êm ái người trao cho giữa đời thường ngang qua sứ vụ. Để những hành động của chúng ta làm cho mọi người nhận ra một “ĐỨC KI TÔ ĐANG SỐNG”, và chứng minh cho con người trong thế giới hôm nay nhận biết rằng “Sống mầu nhiệm Thập giá không gì khác hơn là phải chấp nhận gian khổ giữa đời thường” và phải ngang qua Thập Gía mới bước vào Vinh Quang. 

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, Chúa thật tinh tế và tuyệt vời khi hứa cho những ai “bỏ tất cả đi theo Chúa” sẽ được “phần thưởng gấp trăm ở đời này cùng với sự ngược đãi” (Mc 10, 29-30). Chính vì lời hứa này càng làm cho các thánh đã sống và chọn lựa ưu tiên cho Thập Gía. “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian.” (Gl 6, 14). Chiêm ngắm thập giá Chúa, con hiểu được phần nào tình Chúa yêu con. Vì tình yêu mà Chúa chấp nhận khổ hình thập giá, đường tình yêu là đường thánh giá.Thập giá đời con có thể là bổn phận vất vả, sức khỏe đang có vấn đề nghiêm trọng, thất bại trong các mối tương quan, công việc bổn phận không được may lành suông sẻ... Thập giá đời con có thể là những hiểu lầm, trái ý, những đam mê, ước muốn không được thỏa mãn...
Lạy Chúa, xin cho con vui lòng đón nhận những thập giá trong cuộc sống; cho con hiểu rằng: những khổ đau, thất bại không phải là đường cùng, ngỏ cụt, nhưng là cơ hội để con bám víu vào Chúa hơn. Xin Chúa giúp con luôn tin tưởng nơi Thánh Giá Chúa, nguồn cứu thoát đời con và giúp con can đảm nhận lấy thánh giá trong cuộc đời. Xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách con đang mang vác thành cơ hội giúp con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn. Amen

--------------------------
[1] Nhóm NCLĐMTG, “Luật Hiệp Hội Nam Nữ Tín Hữu Mến Thánh Giá.., 1668” (Luật Tại Thế), trong Tuyển Tập Bút Tích (Di Cảo) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte…, sđd., I,1-4, tr.87.
[2] X. Nhóm NCLĐMTG, “Tập Chú Nội Tâm”, sđd., 13, tr.169.

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây