Thứ sáu Tuần 29 Thường Niên
Đức Giêsu bị đánh đòn (Ga 19,1,4-5)
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Chúa Cha toàn năng, chúng con xin hết lòng cám ơn Chúa về muôn ơn lành thiêng liêng và thể chất Chúa ban cho chúng con và mọi người trên thế giới bằng tình yêu quan phòng của Chúa. Chúng con xin ngợi khen, tôn vinh Chúa ngay từ giây phút đầu tiên của ngày sống mới này.
Và đặc biệt, chúng con cám ơn Chúa đã sai Con Chúa là Đức Giêsu Kitô đến trần gian, mang ánh sáng, tình yêu, sự sống, ơn cứu độ cho thế gian. Qua Đức Giêsu Kitô, chúng con biết mình được yêu thương bởi Ngài đã hy sinh mạng sống vì nhân loại. “Thiên Chúa đã sai Con Một đến trần gian để nhờ Con Một của Người mà chúng con được sống” (x.1Ga 4,9).
Giờ đây, chúng con muốn sống lại ký ức của những giờ phút Đức Giêsu bị hành hạ bởi những làn roi và lời chế nhạo mà bọn lính đã dùng để sỉ nhục Con Thiên Chúa…để rồi - quyết tâm không cố tình ở lì trong tội lỗi cũng như biết tránh xa các chước cám dỗ trong cuộc sống thường ngày. Xin cho con nhạy bén để thấy được sự tương phản giữa Sự Dữ và Sự Thiện nơi Các phiên tòa xét xử Chúa, họ không chứng minh được tội của Chúa nhưng lại nêu bật lên sự công chính của một vị Thiên Chúa làm người; nhờ đó chúng con luôn sống vui, sống hạnh phúc dù những khó khăn thử thách không thể thiếu của phận người, vì Chúa đã chịu mọi sự đau khổ cho con được ơn cứu độ.
Lời Chúa: ( Ga 19,1,4-5)
Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người. Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái : "Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy."Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ : "Đây là người !"
Suy niệm:
Chúng ta cùng nhìn lại hành trình đã qua của Đức Giêsu theo lời kể của Các tác giả sách Tin Mừng: Tối hôm trước ở dinh Thượng Tế Caipha, theo Tin Mừng của thánh Mát-thêu, cả hội đồng- đồng lòng lên án Chúa: “Hắn đáng chết!”, họ khạc nhổ vào mặt, đánh đập Chúa, có người tát Chúa và nhạo báng Người: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi: ai đánh ông đó”.
Rồi sau đó “...ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giêsu đi và đánh đòn Người” (Ga 19,1). Đánh đòn bằng roi trước khi đem đi đóng đinh vào thập giá, là cách làm của người Roma. Đây là một trong những hình phạt khủng khiếp nhất.
Chúng ta hãy quan sát và lắng nghe họ. Khi đánh đòn, họ còn buông ra những lời nhục mạ; Nếu ông là con Thiên Chúa, là kẻ được tuyển chọn, thì hãy tự cứu mình đi. Những lời sỉ nhục làm cho Người đau đớn, tổn thương hơn là roi vọt đánh trên thân thể của Đức Giêsu.
Con người mọi thời, và cả chúng ta nữa, vẫn luôn tự hỏi tại sao có sự dữ: Thiên Chúa là Đấng Thiện Hảo và Toàn Năng, nhưng tại sao lại có sự dữ ?
- Sự dữ luân lý là tội lỗi, là những hành vi xấu con người gây ra cho nhau.
- Sự dữ thể lý là những khiếm khuyết nơi thân thể, những đau đớn, những bệnh hoạn và cuối cùng là cái chết.
Cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu là câu trả lời của Thiên Chúa về Sự dữ. “Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ, dù là trực tiếp hay gián tiếp, Ngài làm sáng tỏ sự dữ nhờ con Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng nhờ sự luân lý to lớn là tội lỗi của con người, nguồn gốc của mọi sự dữ”. (TYGL-Số 324)
Nhìn ngắm Chúa chịu đánh đòn trước khi bị đem đi đóng đinh. Thân thể Ngài đầy vết máu, tím bầm... khuôn mặt của Ngài không còn hình dạng con người.“Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích” (Is 53, 2).
Chúng ta hãy nghe sự thinh lặng của Chúa. Có thể đây là lúc Chúa nói nhiều với chúng ta, và đây cũng là lúc Chúa hành động thật anh dũng cho chúng ta.
Xin Đức Giêsu cho ta cảm thấy được sự tương phản tuyệt đối giữa Sự Dữ và Sự Thiện. Tại sao Sự Thiện lại mang dáng vẻ của Sự Dữ, vì những kẻ bất chính mới đáng chịu như thế. Nhưng Chúa đâu phải là kẻ bất chính; các phiên tòa xét tội Chúa, một cách lạ lùng, lại nêu bật lên sự công chính của Chúa. Bởi vì, chúng ta chỉ được chữa lành khỏi tội, khi thấy tội hiện hình thật rõ trong cuộc khổ nạn của Chúa, trên thân xác của Chúa và nó có một hình dạng không thể chấp nhận được.
Khi bị đánh đòn, Chúa Giêsu đã chịu đau khổ để chữa lành bao thương tích cho nhân loại do Sự Dữ gây ra. Chiêm ngắm những thương tích nơi thân thể Chúa Giêsu chúng ta hãy suy ngẫm về “tội xác thịt” mà chúng ta có thể có khuynh hướng dễ sai phạm. Quyết tâm chống trả và ra sức tập các nhân đức đối nghịch. Nỗ lực hơn giữa cuộc sống biết hy sinh, hãm mình, tiết tục, tiết chế luôn luôn. Thiên Chúa muốn chúng ta thoát khỏi những thứ nô lệ cho tính xác thịt, nhưng điều đó không hẳn dễ dàng. Hãy xem Chúa Giêsu vô tội đã phải chịu đựng những gì trong xác thịt?
Tính xác thịt mà thánh Phaolô đã chỉ rõ trong lời giảng dạy của Ngài. “Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao” (1 Cor 3:1-2)
Khi chiêm ngắm bao khổ đau tủi nhục nơi thân thể của Đức Giêsu, chúng ta sẽ thấy mỗi người trong chúng ta không phải là kẻ đứng ngoài cuộc. Người này sẽ thấy mình có nét của Giuđa, một người được chọn, được yêu, được ở với - ở cùng và được theo Thầy. Tất cả vỡ tan khi Giuđa bán Thầy bằng nụ hôn giả dối (Mt 26,48-50). Người khác sẽ thấy mình có nét giống Phêrô con người rất mạnh dạn: Ai bỏ Thầy chứ tôi đây thì không ! Nhưng chỉ cần vài tiếng đồng hồ sau đó, một tớ gái hắn giọng Phêrô đã chối bỏ lời tuyên xưng đức tin của mình...; Đâu đó trong chúng ta có gương mặt của Philatô vô cảm, nhu nhượt, nể nang không dám mất lòng người khác, sợ mất ghế, sợ mất quyền lợi đã rửa tay để cho Chúa Giêsu, Đấng vô tội phải chịu khổ nhục và phải chết đau thương như một phạm nhân.
Chúng Ta khám phá mình nơi khuôn mặt của Giuda, của Phêrô, của Philatô, của những người dân ba phải đòi đóng đinh người vô tội....nơi bản thân, chúng ta sẽ dễ dàng thấy tội lỗi, thấy tính xác thịt nơi mình mà hết lòng Sám Hối và Sửa Đổi bản thân mà lo sống theo Thần khí.
Khi chiêm ngắm những khổ đau tủi nhục vì đòn roi nơi thân thể của Đức Giêsu. Chúng ta xin Người cho chúng ta được vui lòng đón nhận những khó khăn trong đời, với lòng yêu mến để đền tội chính mình và mưu cầu ơn cứu độ cho anh chị em; nhờ ơn của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta trong sức mạnh của Thần Khí.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Trước nhan thánh Chúa với thân phận thụ tạo bé nhỏ, chúng con vừa được sống lại những ký ức tuyệt vời của Chúa, là Con Thiên Chúa, đã mặc lấy thân phận con người, để cho loài người hành hạ sỉ nhục vì Tình yêu hầu trao ban cho chúng con muôn phúc lành của Chúa Cha. Con xin mặc lấy tâm tình của người bạn, người con thảo hiếu dâng lên Chúa niềm cảm mến tri ân. Và xin Chúa cho mỗi người chúng con bước theo Chúa cách mạnh dạn và can đảm để sống Mầu Nhiệm Thập Giá trong đời mình mà trở nên chứng tá cho Chúa giữa đời thường. Nhất là quyết tâm loại trừ, chống trả Sự Dữ đan len lỏi trong đời sống của chúng con, để Sự Thiện và tình yêu của Chúa được lan tỏa khắp nơi trong đời sống của chúng con từng ngày. Amen