Thứ Sáu tuần 33 Thường Niên

Thứ tư - 20/11/2024 05:07 13 0

TÌNH YÊU CỨU ĐỘ CỦA ĐỨC KITÔ

Lời nguyện mở đầu:

“Lạy Chúa Kitô, chúng con thờ lạy Chúa; chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng cây Thập giá mà cứu chuộc thế gian”.
Chúng con chúc tụng và tạ ơn Chúa vì tình yêu thương nhân loại mà Chúa đã hy sinh làm người. Chấp nhận thân phận hữu hạn của con người để mang lại cho nhân loại nguồn sức sống, nguồn ơn cứu chuộc bằng cuộc khổ nạn, đón nhận cái chết và Phục Sinh để giao hòa loài người tội lỗi với Thiên Chúa Cha.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ thập giá của Chúa mà chúng con được tha thứ và được giải thoát. Chúa đã chọn cách hủy mình đến tận cùng của kiếp người để cảm thông chia sẻ phận người của chúng con. Xin Chúa cho chúng con đừng bao giờ buông bỏ thập giá, không bỏ cuộc vì những thất bại, khổ đau hay buồn phiền, đau yếu, bệnh tật…nhưng kiên trì vác thập giá mỗi ngày theo Chúa. Chúng con tin Chúa không chất thêm gánh nặng lên vai chúng con, Chúa đã đến chia sẻ, gánh vác cho chúng con tất cả. Xin thêm đức tin, thêm lòng mến và ân sủng của Chúa để con luôn xác tín rằng: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Chúa không hứa hẹn cho chúng con đường rộng rãi, thênh thang mà Chúa mời gọi mỗi chúng con phải nghiêm túc đi vào con đường hẹp và vác thánh giá đời con mà đi theo Ngài. Có kiên trì vác thánh giá đời mình trong tin yêu, phó thác và hy vọng con mới được ơn cứu độ. 

Suy gẫm:

Để hiểu rõ mầu nhiệm tình yêu cứu độ của Đức Kitô, chúng ta cần tìm lại kinh nghiệm của Thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại. 

Từ sau biến cố ngã ngựa trên đường Đamát, cuộc đời của Thánh Phaolô được biến đổi. Ngài đã từng xác quyết: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14).Việc Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá thực sự là chuyện ô nhục trước mặt người Do thái và người Hy lạp. Vì đối với quan niệm của người Do thái, tử thi là vật ô uế, bị chúc dữ và bị nguyền rủa (x. Gl 3,13). Thánh Phaolô chấp nhận cái phản ứng hợp lý đó, và dùng nó làm lập luận nghịch lý để trình bày kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa cách nhiệm lạ: chính qua Thập giá của Đức Kitô mà chúng ta nhận thức được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: sự hèn yếu của Ngài thì mạnh mẽ hơn quyền lực của con người trăm ngàn lần (x. 2 Cr 13,4).

Thánh Phao-lô kể ra những hồng ân trọng đại mà Thiên Chúa ban cho nhân loại từ khổ giá của Đức Kitô, đó là: sự toàn thắng trên các lực lượng của sự dữ và ơn tha thứ tội lỗi. Thư gửi tín hữu Êphêsô tuyên dương Thập giá như dụng cụ mang lại ơn hòa giải cho nhân loại: từ một đối tượng đáng khinh bỉ trước mặt dân Do Thái lẫn dân Hy lạp, Thập giá đã được Đức Kitô biến thành nơi hòa giải, phá đổ ‘bức tường’ ngăn cách giữa dân Do Thái với dân ngoại cũng như sự thù nghịch giữa nhân loại với Thiên Chúa (x. Ep 2,15-16). Như vậy, từ chỗ là biểu tượng của oán thù, nhờ Đức Kitô mà Thập giá trở nên nơi thi thố tình yêu và sự hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người, và hòa giải giữa loài người với nhau. Thập giá không phải chỉ là một biến cố kết liễu cuộc đời Đức Giêsu, nhưng nó mang một giá trị vĩnh cửu, đó là ơn cứu độ.

Và chính Đức Giêsu cũng đã xác định điều ấy: Ta đến để mang lại cho các con sự sống sung mãn và Ta tự hiến mạng sống mình để làm giá chuộc cho muôn người. Ngài cũng khẳng định “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Ngang qua đó, chúng ta khám phá và cảm nhận được rằng, không có tình yêu nào cao hơn hoặc có thể so sánh hay đặt ngang hàng với “tình yêu tự hiến”, nghĩa là tình yêu tự nguyện cho đi, ngay cả mạng sống của chính mình để mưu cầu sự hạnh phúc và sự giải thoát trọn vẹn và đích thực cho người mình yêu. Chúa Giêsu đã thực hiện điều này đối với nhân loại ngang qua cái chết ô nhục trên cây thập giá, và nhờ vào cái chết bi thương ấy mà toàn thể nhân loại đã được đổi mới và cứu chuộc, nơi biến cố sống lại và phục sinh của Người. Đức Giêsu đã bằng lòng vâng phục thánh ý của Thiên Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng, vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang. (Phil 2, 8-11).

Chiêm ngắm Mầu nhiệm thập giá của Ðức Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi  hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Ngài (x. Mt 16,24). Như thế, thập giá luôn gắn liền với đời sống của người tín hữu, người sống đời thánh hiến - người muốn theo sát Chúa Giêsu hơn trong hành trình sống đức tin của mình. Từ đó Thập giá trở thành căn tính của người môn đệ. Ai muốn trở thành môn đệ của Đức Kitô mà không muốn vác thập giá của mình thì Kẻ đó không xứng đáng là người môn đệ của Ngài.

Vì thế, chúng ta xin với Thầy Giêsu cho mỗi người khi đi theo Ngài biết chấp nhận hy sinh, buông bỏ những gì không cần thiết, những gì làm cho mình đánh mất căn tính Kitô hữu giữa cuộc sống đời thường. Xin Ngài cho chúng ta biết yêu mến thập giá của đời mình, vì chính nhờ thập giá ấy mà chúng ta được liên kết với cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Xin tình yêu Đức Kitô cho mỗi chúng ta thêm thấu hiểu và cảm nhận một cách sâu sắc mầu nhiệm thập giá, cũng là mầu nhiệm tình yêu cứu độ mà Thiên Chúa dành cho những tôi tớ trung thành. Khi gặp đau khổ thể xác hoặc tinh thần, những khủng hoảng làm cho ta thất vọng muốn buông xuôi và bỏ cuộc, xin sức mạnh của mầu nhiệm thập giá giúp cho chúng ta vượt qua tất cả, vì chính Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả và ban sức mạnh cho những ai muốn dấn thân theo Ngài.

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu yêu mến,
Thánh Phaolô đã có trải nghiệm tuyệt vời khi gắn kết  đời ngài với thập giá Chúa. Đối với thánh nhân sống mầu nhiệm Thập Giá là sống chết không phải cho chính mình, mà sống chết cho Đức Kitô. Là người của Chúa, được Chúa sai đi loan báo Tin mừng, người môn đệ phải từ bỏ chính mình để sống chết cho Tin Mừng, vì tình yêu Chúa và yêu thương anh em đồng loại. Thánh nhân xác tín: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2 Cr 5, 15). Chúa chính là sự sống của chúng con (x. Pl 1, 21). Con hạnh phúc vì được kêu gọi nhận biết, tin tưởng, và sống thuộc về Chúa. Dù biết mình phải chết, nhưng chết trong sự nhận biết, tin tưởng và yêu mến Chúa, thì cái chết lại là cơ hội diễm phúc để con được sống với Chúa mãi mãi, là Đấng con hằng khao khát khôn nguôi. Tình yêu của Chúa luôn chan hòa trên cuộc đời đầy yếu hèn, tội lỗi của con. Con chẳng có gì đáp đền ân tình Chúa ban, chỉ biết ca ngợi lòng thương xót Chúa trong từng giây phút đời con. Lạy Chúa, xin cho con biết chìm sâu trong Chúa mỗi ngày, để được thanh tẩy, được lớn lên trong Ngài. Xin dẫn bước nhân loại chúng con đến tình yêu cứu độ của Chúa, Chúa là Đấng vinh hiển muôn đời. Amen


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây