Chúa Giêsu chết trên Thập Giá cho thấy sự vĩ đại của tình yêu

Thứ tư - 28/06/2023 03:08 1.384 0
 
 

Chúa Giêsu chết trên Thập Giá cho thấy sự vĩ đại của tình yêu
 
Lời nguyện mở đầu:

“Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con thờ lạy Chúa; chúng con chúc tụng Chúa, vì Chúa đã dùng cây Thập giá mà cứu chuộc trần gian.”
Giây phút đầu tiên của ngày sống mới, chúng con được mời gọi dành riêng để chiêm ngắm, thờ phượng và cảm nếm tình yêu ngọt ngào Chúa dành cho từng người cách đặt biệt theo như Chúa muốn.
Chúng con, người nữ tu Mến Thánh Giá phải là người đạt tới sự hiểu biết và say mê Đấng Chịu đóng đinh nhờ siêng năng chiêm ngắm thập giá Chúa Ktiô hầu góp phần tôn vinh tình thương của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì con” (Gl 2,20).
Với tất cả tâm tình yêu mến dành cho Đấng chịu đóng đinh, xin cho mỗi chúng con ngày càng cảm nghiệm tình yêu Chúa dành cho mỗi người bằng sự liên kết mọi vui buồn sướng khổ, mọi biến cố lớn nhỏ trong tâm tình phó thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
Nguyện xin Chúa thương xót con và toàn thế giới. Xin cho từng người, từng việc làm, trong từng thời điểm của cuộc sống của mỗi người là một ước nguyện thực thi sứ mạng Chúa trao là làm cho nhiều người, nhiều nơi nhận biết Thiên Chúa và tin nhận Chúa Giêsu Kitô là người thật vừa là Thiên Chúa thật, Người là Đấng cứu độ duy nhất, là tình yêu vĩ đại dành cho con người mọi thời cho đến tận thế.

Suy niệm:

Thánh Gioan Tông đồ cho chúng ta một mạc khải: “Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. (1Ga 4, 8b-9). Thánh sử còn nhấn nhấn mạnh: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).

Nhà thần học Karl Rahner nói: “muốn biết Thiên Chúa là ai, phải quỳ dưới chân thập giá và cùng lúc hướng về cánh cửa mà Phục Sinh mở ra”. Mỗi ngày chúng ta chiêm ngắm tình yêu huyền nhiệm mà Đức Giêsu đã dành cho nhân loại và mỗi người chúng ta nói riêng nơi cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Người giúp chúng ta cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành nhân loại vĩ đại biết bao.

Suy niệm về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, chúng ta chiêm ngắm những đau khổ, những tủi nhục mà Ngài đã chịu. Chúa Giêsu như con chiên hiền lành bị đem đi giết: Ngài bị bắt và giải đi như một tên cướp; Ngài bị người ta tố cáo gian; Ngài bị người ta nhục mạ; Ngài chịu đội mão gai, chịu đánh đòn, chịu vác thập giá; Ngài chịu đóng đinh và chết trên cây thập giá... Tuy nhiên, cái đau đớn thể xác không thấm gì so với những đau khổ trong tâm hồn khi Chúa nhận ra những gương mặt chăm chú nghe Chúa giảng dạy; những gương mặt đau khổ do bệnh tật mới được Chúa chữa lành... giờ đây tất cả đang gào thét kêu đóng đinh Ngài vào thập giá. Và ngay cả những môn đệ thân tín nhất, những người được Chúa gọi là “bạn hữu”, cùng nhau chia ngọt sẻ buồn, được Chúa dạy dỗ bảo ban… vậy mà: người thì dùng nụ hôn để bán Thầy, người thì chối không biết Thầy vì sợ liên lụy…Chúa Giêsu đã âu yếm nhìn họ và sẵn lòng đón nhận tất cả. Ngài không oán hận những người mình đã làm ơn làm phúc nay quay đầu giơ tay đả đảo chống đối; không hờn trách những người bạn mà Ngài đã hết lòng tin tưởng - yêu thương mà nay phản bội. Chúng ta chiêm ngắm thái độ hiền lành, vâng phục của Chúa Giêsu trước mầu nhiệm thập giá, để có thể cảm nghiệm trái tim bao dung tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại và tình yêu hiếu thảo vâng phục đối với Thiên Chúa Cha.

Thập giá là biểu hiện của sự đau khổ, của thử thách. Hình khổ thập giá không chỉ là cái chết thương đau nơi thể xác mà còn là sự nhục nhã về tinh thần. Sự chấp nhận Thập giá của Đức Kitô là một lựa chọn hoàn toàn tự do của Con Thiên Chúa làm người. Thập giá tuy là khí cụ độc ác và ô nhục mà con người nghĩ ra để hành hạ nhau, nhưng Đức Giêsu đã biến nó thành dấu chứng của tình yêu tự hiến, thảo hiếu của người Con vâng phục ý Cha và tình yêu dâng hiến cho nhân loại.

Nhìn lên Thập giá, chúng ta thấy sức nặng của tội lỗi. Chúa Giêsu đã mang trên vai tội lỗi của cả nhân loại, tội lỗi của mỗi chúng ta (x.1Pr 2, 24), Ngài đã lãnh lấy hình phạt để chúng ta được bình an, và bởi thương tích Ngài mà chúng ta được chữa lành. Như thế, Thập giá không tượng trưng cho sự thất bại mà là nơi khơi nguồn ân sủng. Chính nhờ Đức Kitô mà Thập giá từ chỗ là biểu tượng của oán thù đã trở nên nơi thi thố tình yêu, sự hòa giải giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau.

Bằng chứng thuyết phục nhất cho một tình yêu vĩ đại không phải là những lời hứa, nhưng là những hành động cụ thể. Thiên Chúa yêu thế gian, Người đã không tiếc ban Con Một mình cho thế gian. Và khi đi vào trong lòng thế giới, Con Thiên Chúa đã chấp nhận mọi nỗi thống khổ, sẵn sàng chịu chết trên thập giá để trở nên hy lễ đền tội thay cho nhân loại. Nhờ đó, hễ ai tin vào Người thì sẽ không phải chết trong tội nữa, nhưng sẽ được thông phần sự sống vĩnh cửu của Người (x. Ga 3,14-15). Bởi vì nơi Thập giá, Đấng Công Chính đã chết thay cho tội nhân. Qua cái chết của Đức Kitô trên Thập giá mà Thập giá đã trở nên căn nguyên của ơn cứu độ và là dấu chỉ tình yêu bao la của Thiên Chúa đối với nhân loại (x. Ga 13,15). Người ta có thể đặt vấn đề rằng Thiên Chúa - Đấng quyền năng vô cùng, tại sao Ngài không dùng cách khác để cứu độ con người ? Ngài có thể cứu độ con người bằng nhiều phương thế khác ngoài con đường Thập giá. Nhưng thử hỏi, nếu Thiên Chúa dùng cách khác thì liệu con người có cảm nhận được tình yêu của Ngài, có nhận biết Ngài, có tin phục Ngài hay không? Vì vậy, “Thiên Chúa đã không chọn con đường nào khác để biểu lộ tình yêu của Ngài cho con người ngoài con đường đau khổ và chết trên thập giá”. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II trong tông huấn Đời Sống Thánh Hiến đã khẳng định: “Thập giá là sự sung mãn tình yêu của Thiên Chúa tuôn tràn trên thế giới” (VC số 24). Đức Kitô khi bị treo trên Thập giá, đã mang lại cho con người ý nghĩa đích thật của mầu nhiệm đau khổ. Cũng từ đó, đau khổ không còn phải là một hình phạt cho con người nữa mà là một phương tiện để tôi luyện con người, để giúp con người trưởng thành hơn trong cuộc sống, cũng như để nhắc nhớ con người luôn biết hướng về quê hương đích thật là Nước Trời, nơi đó sẽ không còn khổ đau và nước mắt nữa. Thật vậy, đã có biết bao con người tìm được sức mạnh để chịu đựng được những đau khổ lớn lao ngay cả khi cái chết gần kề, chính là nhờ sức mạnh cao cả của Tình Yêu Thập Giá.

Như thế, Thập Giá đã trở thành dấu chỉ của hy vọng và sự sống, là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ. Thánh Phaolô Tông đồ đã thốt lên: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6,14). Cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, minh chứng rằng, Người yêu thế gian hơn yêu chính mình.

Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu chết trên Thập Giá, Thánh Inhaxiô nói
Chúa Giêsu chết trên Thập Giá vì hai lý do:
  • Cho chúng ta thấy sự xấu xa của tội lỗi.
  •  Đặc biệt cho chúng ta thấy sự vĩ đại của tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Nếu bạn là người duy nhất trên thế giới, Chúa Giêsu vẫn chịu khổ nạn và chịu chết vì yêu thương bạn và cứu rỗi linh hồn bất tử của bạn.
Còn Thánh Augustinô nói thế này : “Chúa yêu mỗi người chúng ta dường như chỉ có một mình ta để Ngài yêu mà thôi”,

Mỗi khi chiêm ngắm Đức Giêsu trên thánh giá, chúng ta được đánh động về điều gì? Cảm nhận được tình thương lớn lao của Thiên Chúa dành cho mình nơi cái chết của Đức Giêsu, xin cho mỗi người biết thể hiện tình Chúa yêu bằng lòng bác ái, vị tha, đón nhận những thử thách tất nhiên trong phận người, cảm thông với nhau trong cuộc sống đời thường mỗi ngày…

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, cám ơn Chúa đã chịu đau khổ và bị đóng đinh vì yêu Chúa Cha và từng người trong nhân loại chúng con.! Mỗi chúng con muốn bày tỏ tình yêu của mình dành cho Chúa bằng cách mong đợi một cuộc sống dễ dàng, dễ dãi khi Chúa đã sống một cuộc đời không thiếu gian khổ, khó khăn sao ? Xin ban thêm đức tin cho con, xin Chúa cùng đồng hành để con biết chọn làm việc, cầu nguyện, chịu đau khổ giống Chúa. Chúa đã chọn chịu đau khổ, khó khăn, hiểu lầm, chống đối và chết vì yêu con. Con xin chọn làm việc và chịu những đau khổ đời mình vì danh Chúa. Xin cho con luôn nhận ra sự vĩnh cửu trong những điều bé nhỏ thấp hèn trong ngày sống để quyết tâm sống chết cho tình yêu. 
Lạy Chúa Giêsu, khi bị hiểu lầm, trái ý, bị vu oan, khi con đã nỗ lực hết mình để sống cho tình yêu, cho sự công bằng, cho tình huynh đệ... nhưng con cảm thấy sự dữ vẫn đang thắng thế, nhiều lúc con khó chấp nhận ... Nhưng khi chiêm ngắm Chúa đón nhận mọi khổ đau, thất bại, bị vu oan, cô đơn và cái chết nhục nhã trong bình an và tin tưởng. Xin cho con sức mạnh nội tâm để bước theo Chúa trong mọi biến cố buồn vui của đời thánh hiến...Chúng con tin rằng không có sự dữ nào thắng được tình yêu, tình yêu của Chúa lớn lao và vĩ đại đến vô cùng, nếu ai kiên trì theo Chúa dù trong đau khổ vẫn sẽ được ở với Chúa trong vinh quang đời đời.  Amen 


 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây