Tha thứ. Sứ điệp cứu độ của Con Thiên Chúa
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng con xin cám ơn Chúa về tình yêu nhưng không đã dành cho nhân loại qua Thánh Tử Giêsu. Nhờ mầu nhiệm tự hiến Cứu độ mà Ngài đã thực hiện để hôm nay Giáo Hội cử hành. Chúa tiếp tục hiến tế trên Bàn thờ nơi Bí Tích Thánh Thể để yêu thương, tha thứ và nuôi sống chúng con.
Cám ơn Chúa về Mầu Nhiệm Tình yêu mà suốt đời chúng con dâng hiến cũng chẳng sao đền đáp được. Giờ này, xin Chúa ban Thánh Thần để Ngài soi sáng, hướng dẫn, giúp chúng con chiêm ngắm khuôn mặt dịu dàng, bình tĩnh, hiền từ của Đức Giêsu trên Thánh Giá. Để mỗi người cảm sâu tâm tình tha thứ của Chúa trong giờ phút cô đơn, tủi nhục mà Người đã thực hiện nơi cuộc thương khó. Chính nhờ lối sống hiền lành, khiêm nhường của những ngày thơ ấu nơi làng quê Nazarét đã hình thành nơi con người Ngài một phong cách chuẩn mực của lòng thương xót và tha thứ:“Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ”.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con hiểu được phần nào lòng quảng đại và thương xót của Chúa đã dành cho con trong hành trình cuộc sống. Nhất là cảm nhận được tình yêu tha thứ mà Chúa đã quên hết bao tội lỗi của con, nhờ đó con cũng luôn sẵn sàng bỏ qua những điều người khác làm con tổn thương. Nếu con đã làm tổn thương ai thì cho con sớm nhìn nhận để làm hòa và xin sự tha thứ. Xin cho con xác tín rằng: chỉ khi nào con nhận mình là người tội lỗi đã được Chúa thương tha thứ, con mới có thể sống quảng đại với những người chung quanh.
Mt 5,20-26
Suy Niệm:
Vào thời thế chiến thứ nhất, khi nhận được tin con trai yêu quí của mình tử trận, nữ bá tước Litsi rất đau khổ và hầu như mất cả nghị lực. Tuy nhiên bà vẫn cố gắng lao mình vào việc chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện do bà sáng lập. Một ngày nọ, một binh sĩ Đức được chở tới bệnh viện. Dù người lính này thuộc phe đối nghịch nhưng bà vẫn tận tình săn sóc. Khi soạn đồ đạc của anh, bà thấy chiếc ví và đồng hồ của con trai mình trong túi áo người lính, vừa bàng hoàng, vừa tức giận, bà đã thốt lên " Đây đúng là kẻ đã giết con tôi". Nhưng ngay lúc đó một mảnh giấy trong chiếc ví của con bà rơi ra, bà vội nhặt lên đọc; nét chữ quen thuộc đập vào mắt bà : “Mẹ yêu quí, con luôn nhớ đến và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con tử trận, xin mẹ đừng quá đau buồn, hãy can đảm chịu đau khổ và cầu nguyện cho con”. Sau một hồi xúc động, bà cúi xuống tiếp tục săn sóc người lính một cách tận tình. Những giọt nước mắt tha thứ trào ra từ đôi mắt bà.
Trên thập giá Chúa Giêsu đã xin Cha tha cho ai? cho những kẻ thù, cho tên đầy tớ đã vả mặt Chúa trong dinh thượng tế Caipha? cho Philatô, một nhà chính trị nhiều mưu mô, xu thời và tàn ác, đã lên án tử cho Chúa Giêsu để giữ tình nghĩa với Xêda, Chúa sẵng sàng tha cho Hêrôđê, một tên bạo chúa đã khoác cho Con Thiên Chúa cái áo của kẻ dại dột, điên khùng? Chúa còn tha cho những tên lính dã man đã đánh đòn và treo Vua các vua trên cây thập tự? Chúa sẵn sàng tha cho họ hết thảy, vì Chúa hiểu tốt cho họ rằng họ không biết việc họ làm, họ không đủ ý thức việc họ làm là một tội ác. Chúa đã không xét đoán, không biện minh, dù Chúa có quyền và có thể làm điều đó.
Lời tha thứ này đã gói ghém tất cả Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con.
Tha thứ, là bằng chứng hùng hồn nhất nói lên sự thánh thiện tuyệt đối của Đức Giêsu “Tội lỗi của chúng ta, chính Ngài đã mang vào thân thể” (1Pr 2,24), “Thiên Chúa đã biến Ngài thành hiện thân của tội lỗi” (2Cr 5,21). Ngài đã trở nên “đồ bị nguyền rủa” (Gl 3,13).
Ngay trong lúc đau khổ tột cùng, khi bị nhấn chìm giữa bất công, tội lỗi, Con Thiên Chúa đã lên tiếng. Tha Thứ. “ Xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc mình làm”.
Trong đời thường, chắc chắn chúng ta không có dịp để tha thứ cho những tổn thương, xúc phạm lớn lao, nặng nề mà ai đó làm cho mình; nhưng những phiền lòng nho nhỏ thì không thiếu. Do đó chúng ta luôn được mời gọi để tha thứ. Đấng đáng kính Hồng Y Phanxicôxavie, Tác giả tập sách Đường Hy vọng đã ghi lại kinh nghiệm như sau: “Tại sao ngày nào con cũng lập tòa án bắt anh em con diễu hành lần lượt qua đó? Tại sao lúc nào cha cũng thấy con ngồi ghế quan tòa, không bao giờ ngồi băng bị can ?" (ĐHV 772), hoặc "Tại sao con ghi khắc khuyết điểm của anh em vào bia đá, còn tội lỗi con thì viết trên cát ?" (ĐHV 776).
Thật ra, tha thứ không phải là điều dễ dàng. Nhưng đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: " Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt của lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ". Tha thứ không có nghĩa là một sự cắt đứt, nhưng là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ, không bao giờ! Chính chúng ta mới mệt mỏi khi xin Ngài tha thứ! Chúng ta xin ơn để không bao giờ mệt mỏi khi xin ơn tha thứ, vì Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta. Chúng ta hãy xin ơn này. (Giáo hoàng Phanxicô- Kinh Truyền Tin ngày 17 tháng 3-2013)
Và, vượt trên suy nghĩ của lý trí con người, Đức Giêsu con Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta mời gọi hãy bắt chước Người: không đáp lại một lời chỉ trích, một lầm lỗi, một xúc phạm thì chưa đủ.., ta phải làm hơn nữa: hãy làm điều tốt cho người làm điều xấu cho ta: “Ðừng lấy ác báo ác, đừng lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại hãy chúc phúc” (1Pt 3:9). “Ðừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng” (Roma 12:21). Bác ái là tu đức liên lỉ: tu miệng lưỡi, tu quả tim, tu lỗ tai, tu con mắt, tu lá gan, tu bộ óc... Tất cả con người con vẫy vùng, nhưng con phản ứng yêu thương, như Chúa Giêsu. ( Ep 5,1-2) Anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.( ĐHV.797)
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là gương mẫu tuyệt vời của sự tha thứ bởi Chúa là Đấng luôn thứ tha. Chúa là Đấng giao hòa nhân loại với Chúa Cha bằng tình yêu vâng phục và tha thứ cho những kẻ tội lỗi.
Chúa đã dạy con, điều xấu nó không chỉ là cái đến từ bên ngoài, mà cái xấu bắt đầu từ chính lòng con. Chúng con thường nghĩ xấu về nhau, cãi tranh- hơn thua, xúc phạm đến người khác. Đó là dấu chứng trái tim con thiếu yêu thương, lý trí con còn đố kỵ chưa biết đón nhận và tha thứ cho người khác.
Con biết Chúa yêu thương loài người vì mỗi người là hình ảnh của Chúa và là anh chị em của Chúa. Không có gì đụng chạm tới con người mà lại không đụng chạm tới chính Chúa. Chúa chấp nhận phận người như chúng con để mang ơn cứu độ cho hết mọi người. Vì thế, Chúa dạy con yêu thương anh em không trừ ai. Chúa dạy con không được xúc phạm đến anh em khi nghĩ xấu, nói xấu, hoặc thù ghét, loại trừ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là tình yêu là nguồn mạch của tha thứ. Làm sao con có thể đến với Chúa, làm sao con có thể tôn vinh chúc tụng Chúa khi lòng mình còn chất chứa hận thù, ghen ghét ? Con không thể là bạn của Chúa khi lòng con thiếu tình thương, mang tư tưởng trả đũa, báo thù...Lạy Chúa, xin rộng lượng tha thứ cho con tất cả, xin giúp con biết quảng đại tha thứ cho anh chị em. Con muốn được hưởng ơn cứu độ, con sẽ gắng sức sống yêu thương mọi người như Chúa đã quảng đại yêu thương con. Amen.