Sống Mùa Chay 2023 – Tuần I

Thứ bảy - 18/02/2023 00:37 1.703 0
 
 
 
Tuần I: CÁM DỖ TRONG ĐỜI TU VỀ ĐỨC KHÓ NGHÈO

Lời nguyện mở đầu:

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh ! Giây phút đầu tiên của ngày sống mới chúng xin dâng lên Chúa tâm tình thờ lạy, ngợi khen chúc tụng, cảm mến, tạ ơn vì tình thương nhưng không Chúa dành cho chúng con.
Đặc biệt, tạ ơn Chúa cho chúng con thêm thời gian ân phúc để bước vào Mùa Chay thánh, Mùa Chay này mẹ Hội dòng mời gọi chúng con bước vào thời gian tập luyện: “Sống niềm vui thánh hiến bằng tinh thần nghèo khó thanh thoát, trao ban như dấu chỉ hiệp thông với Thiên Chúa và chị em”.
Xin cho chúng con luôn nhận ra tình thương nhưng không mà Cha đã dành cho mỗi người qua thánh tử Giêsu. Nhờ qua cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài mà phụng vụ Mùa Chay mời gọi thôi thúc mỗi người dấn thân vào cuộc chiến đấu cùng với NGƯỜI trước sự dữ đang lan tràn, trước những cạm bẫy của lối sống hưởng thụ, trưởng giả, buông thả, sống ảo, dửng dưng, vô cảm, thiếu trách nhiệm... xin cho chúng con biết nhìn lại chính mình vì thời gian có thể đã làm cho chúng con quên mình là “người đã tự nguyện sống nghèo”, nên đã sử dụng khả năng tinh thần và của cải vật chất không đúng tinh thần của người đã tận hiến.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng dẫn chúng con sống tâm tình mùa chay trong khiêm tốn, can đảm chiến đấu với bản thân, sáng suốt trong nhận định để cùng với Đức Giêsu chiến thắng chính mình mà sống tinh thần nghèo khó cách vui tươi, thanh thoát, tin tưởng phó thác vào Chúa để không bận tâm nhiều về việc tìm kiếm của ăn - áo mặc..., trong khi làm việc bổn phận vẫn biết hướng tới cuộc sống Vĩnh cửu mà mọi người đang mong theo Lời Chúa chỉ dạy Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa ta phán ra” (Mt 4, 4)
Suy niệm:

Câu chuyện “ Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu” mà Thánh Matthêu kể hôm nay thật hấp dẫn. Trước khi đi vào nội dung chính, tên cám dỗ gây nghi ngờ, nó đã tung ra một câu hỏi rất đểu. nếu ông là con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! ”. Đức Giêsu biết rõ mình là ai, là Con Thiên Chúa, đó là điều hiển nhiên. Vậy tại sao, câu hỏi lại bắt đầu kiểu này. Cũng thế, trong sách Sáng thế, câu hỏi của con rắn rất quỷ quyệt “Có phải là Thiên Chúa nói các ngươi không được ăn hết trái cây trong vườn không…”(St 3,1). Lời Chúa đã nói rõ ràng, không mập mờ. Chính cách bắt đầu câu hỏi, ma quỷ đã giăng bẫy, gây nghi ngờ và đánh vào điểm yếu của con người. Như thế, chỉ bằng một câu hỏi, ma quỷ đã muốn làm hai chuyện: một là gây nghi ngờ về căn tính của Đức Giêsu, hai là thôi thúc Đức Giêsu sử dụng quyền năng của mình một cách tư lợi và ích kỷ. Thế nhưng, Đức Giêsu một mặt hoàn toàn tín thác vào Chúa Cha, mặt khác luôn dùng quyền năng của mình để phục vụ.

Đáp lại ma quỷ, Đức Giêsu có câu trả lời tuyệt vời: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa ta phán ra” (Mt 4, 4); bánh là nhu cầu cần thiết cho đời sống, đặc biệt lúc đói. Tuy nhiên, bánh không phải là tất cả. Điều quan trọng hơn cả bánh, đó là Lời của Thiên Chúa. Có thể thấy, chẳng có cách gì thuyết phục hơn. Rõ ràng là Đức Giêsu đang đói, Đức Giêsu cũng biết rất rõ Người đang trong cơn cám dỗ. Cái biết này không loại trừ người khỏi cái đói cái khát của bản năng. Điều người biết rõ chính là: Thiên Chúa là ai, bản thân là ai, vị trí đúng đắn của cơm bánh trong cuộc sống, và kẻ đang cám dỗ Người là ai.

Từ kinh nghiệm vượt thắng cám dỗ về bánh, mà sau này, Đức Giêsu đã giới thiệu mối phúc đầu tiên trong hiến chương Nước TrờiPhúc cho ai có tâm hồn nghèo khó (Mt 5:3). Tâm hồn nghèo khó là tâm hồn luôn tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, và mưu cầu những nhu cầu chính đáng cho tha nhân. Nơi Tin Mừng Luca, chúng ta còn được nghe lời chúc phúc một cách thân thiết hơn: Phúc cho anh em là kẻ nghèo khó (Lc 6:20). Không phải là “ai” chung chung nữa, mà rất cụ thể “anh em”. Không chỉ là “tinh thần nghèo khó”, mà còn “anh em là người nghèo”. Ở đây ta nhớ lời của thánh Phaolô khi ngài nhìn vào Đức Kitô, thánh nhân nhận thấy thế nàyĐức Kitô vốn giàu sang phú quý, mà đã tự nguyện trở nên nghèo khó, để nhờ cái nghèo của Người mà làm cho anh em trở nên giàu có (2Cr 8:9). Thánh Phanxicô thành Assisi đã say mê một Đức Kitô nghèo, để rồi ngài đã sống tuyệt đối cái nghèo trong đơn sơ và phục vụ.
Đức Cha Lambert, đấng sáng lập dòng của chúng ta cũng là người mê say tinh thần nghèo khó ngài thường xuyên đánh tội, ăn chay, kiêng thịt và rượu, kết hợp hy sinh với cầu nguyện vì “khổ chế làm cho thân xác phục tùng tinh thần cũng như tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện”(Ts tr.30). Ngài không cậy dựa vào tiền bạc, sự thông thái của mình hoặc thế lực quan quyền của vua Chúa nhưng chỉ dùng những phương tiện Phúc Âm đề ra: đó là rao giảng Lời Thiên Chúa với lòng tín thác vô biên, với tinh thần bác ái vô hạn, tinh thần sẵn sàng hiến dâng mạng sống để minh chứng tình yêu và với một tâm hồn cầu nguyện liên lỉ. Đức Cha nhắn nhủ các vị thừa sai: “Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, anh em hãy dùng lời nguyện cầu làm cho mưa móc từ trời sa xuống trên cánh đồng” (Ts tr. 31). Khi còn là linh mục, Đức Cha Lambert đã tự nguyện dâng tài sản, một bảo đảm an toàn của đời sống cho chương trình truyền giáo Viễn Đông. Trong cơn bệnh nguy tử năm 1660, ngài xin được chôn cất như những người nghèo khó, và sau đó tại Juthia, ngài muốn nhường chức Giám Mục cho một người khác. Theo Cha Launay, nét nổi bật trong tính tình của Đức Cha là tự nguyện chịu sỉ nhục vì Chúa Kitô (THTG tr. 33).
Người tông đồ phải có đời sống vượt trổi phi thường để tạo uy tín và gây ảnh hưởng tốt nơi môi trường truyền giáo, và sẵn sàng hy sinh vì đoàn chiên. Ngài viết: “Thiên Chúa thường gắn liền sự ăn năn trở lại của nhiều người với những hy sinh hãm mình, kinh nguyện và đức ái phi thường của các thừa tác viên” (Đức Cha Lambert - Ts & Bt tr. 51).
người con tinh thần của Đức Cha Lambert chúng ta được mời gọi sống hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau trong nếp sống nghèo nơi cá nhân và cộng đoàn. Cùng chung chia với nhau sứ mạng làm chứng tá cho đời sống Vĩnh Cửu qua việc sống tinh thần nghèo khó mà mỗi người cam kết thực hiện.
Thực tế cho thấy rằng, ngoài sự sống tự nhiên được nuôi dưỡng nhờ cơm bánh ; để đạt đến một đời sống siêu nhiên sâu sắc, một đời tu trì thánh thiện điều tiên quyết mỗi người cần được sự sống siêu nhiên nuôi dưỡng đó là Lời Chúa và Thánh Thể.
Trung thành đọc và suy gẫm Lời Chúa, chúng ta sẽ khám phá lòng nhân ái của Thiên Chúa đối với chúng ta. Từ đó, chúng ta có thể yên tâm phó thác cuộc sống cho Ngài, không phải tính toán để bảo vệ cuộc sống mình, để rồi rơi vào các cám dỗ. Cám dỗ luôn luôn xoay quanh Lời Chúa, hoặc để vi phạm hoặc để lèo lái Lời Chúa khỏi ý nghĩa đúng đắn. Con rắn mưu mô trong St 3 đã bóp méo Lời Chúa: “Có thật Thiên Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? … Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra…” (St 3,1.5). Tên cám dỗ trong bài Tin Mừng hôm nay đã bảo Đức Giêsu dùng Lời Chúa để biến đá thành bánh hoặc đã uốn nắn ý nghĩa của Thánh vịnh để đưa Đức Giêsu đến chỗ thử thách Thiên Chúa. Đức Giêsu không áp đảo Lời Chúa; Người vâng phục Lời Chúa, Người nhận Lời từ Thiên Chúa.
Các cám dỗ không chỉ là chuyện của một ngày hay bốn mươi ngày, mà là cả đời Đức Giêsu. Luôn luôn có những sức mạnh bên ngoài, như các môn đệ (Mt 16,22), các kẻ thù (12,38; 27,41), và cả những khát vọng của bản thân Người (26,39; 27,46) tìm cách đưa Người đi theo nẻo đường quỷ vạch ra cho Người. Người đã chọn, Người sẽ phải liên tục chọn nói “không” với quỷ và thưa “xin vâng” với Chúa Cha (x. Dt 5,8). Đức Giêsu nói “không” với quỷ, nhưng cũng đã nói “không” với chính mình, bởi vì con đường Người theo kềm hãm các khát vọng và những đòi hỏi của bản tính tự nhiên.
Noi gương Đức Giêsu chúng ta xin Người cho chúng ta ơn phân định để nói “không” với cám dỗ, nói “không” với những ước muốn và lo lắng thái quá đến những nhu cầu của bản thân cũng như người thân để luôn sống tin tưởng phó thác vào Chúa; không bị ràng buộc bởi những ham muốn tiền bạc, tài sản, không phải bon chen tìm kiếm, loay hoay để bám lấy chúng. Sống chết nhà dòng lo, ước mong sao tôi luôn được ơn trung tín, cần mẫn chu toàn bổn phận hằng ngày và quảng đại đóng góp khả năng Chúa ban cho ích chung để phục vụ Giáo hội, còn mọi sự khác Chúa sẽ thêm cho.  

Lời nguyện kết:

Lạy Chúa Giêsu, con đã cam kết sống trọn vẹn cho Chúa, thuộc về Chúa qua lời khấn dòng, nhưng lâu nay con chưa thực sự tín thác vào Chúa, con còn lo cho mình hơn để Chúa lo. Xin giải thoát con khỏi nỗi đam mê của cải trần gian, bỏ đi cái tôi ích kỷ , đừng sống giả dối và hai lòng, môi miệng thì tuyên xưng đi theo Chúa nhưng cuộc sống lại buông theo hưởng thụ, sợ thua kém bè bạn trong nhiều thứ để rồi tìm cách tích trữ, thu gom, xin xỏ... Chúa thường xuyên nhắc nhở:“Các con không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6, 24 ), đây còn là lời cảnh cáo, Chúa muốn con phải dứt khoát từ bỏ với mọi quyến rũ trần thế để nên hoàn thiện và để đạt đến sự cứu cánh Nước Trời. Vì “Ta biết các việc ngươi làm. Ngươi chẳng nóng mà cũng chẳng lạnh. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi nhưng vì ngươi hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng ta (Kh 3,15-16)

Lạy Chúa Giêsu con muốn theo sát Chúa hơn, Con muốn thuộc về Chúa trong tất cả. Xin giúp con luôn tỉnh táo trước mưu chước của ma quỷ, bằng việc sống kết hợp với Chúa và nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để chiến thắng các chước cám dỗ. Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ nhất là cám dỗ tham lam tiền bạc của cải trần gian.  Amen

Thực hành:
- Tập sống chân thật với tiền bạc của cải mình đang có
- Tập siêu thoát với các phương tiện kỹ thuật số hiện đại ngày nay
 
 

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây