Suy niệm chủ đề tuần 2 Mùa Vọng năm A

Chủ nhật - 27/11/2022 22:39 797 0
 

SUY NIỆM CHỦ ĐỀ TUẦN II MÙA VỌNG NĂM A
(04/12/2022)

Chủ đề: Bí tích Thánh Thể là nguồn suối củng cố sự hiệp thông cộng đoàn.
Lời Chúa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28, 20).


Lời nguyện mở đầu:

Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng con cám ơn Chúa đã mời gọi chúng con thức dậy để tiếp tục thổ lộ tình yêu dành cho chúng con. Chúng con xin dâng lời tôn vinh chúc tụng và yêu mến Chúa. Cám ơn Chúa đã ban cho nhân loại Người con yêu dấu để ở với nhân loại, Người chấp nhận thân phận của một con người mong manh nghèo hèn, đã hy sinh đến tận cùng của kiếp sống để giới thiệu cho muôn dân mọi thời về tình yêu ơn cứu độ Cha dành cho nhân loại. Con một yêu dấu của Cha đã kết nối nhân loại trong biến cố làm người và sống giữa gia đình nhân loại khi Ngài nói với các Tông đồ “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28, 20), 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cám ơn Chúa về sự hiện diện âm thầm đơn sơ nơi nhà chầu hèn mọi để trao ban sự sống đời đời cho tất cả những ai rước Mình và Máu thánh Chúa “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6: 53-54). Cám ơn Chúa đã liên kết chúng con nên một trong cùng một thân thể là Hội thánh, Chị em chúng con được qui tụ nhân danh Chúa, có Chúa làm trung tâm cho đời sống chúng con. Xin liên kết chúng con nên một trong Chúa và với nhau để giữa đời thường chúng con trở nên chứng nhân của sự hiệp thông giữa Chúa và mọi người. Nhờ đó, chúng con và mọi tín hữu có thể cùng nhau tiến đến cuộc sống vĩnh cửu. Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy hoạt động trong chúng con bằng sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con, mãi mãi đến muôn đời. Amen.

Suy niệm:

Mùa Vọng, thời gian quý báu để mỗi người chỉnh sửa tâm hồn mình, thời gian chờ đợi trong niềm vui và tin tưởng vì chúng ta biết rằng chắc chắn ơn cứu độ thuộc về chúng ta nếu mỗi người thật tâm quay về với Chúa, tri ân Ngài bằng tình con thảo vì Ngài hằng dõi theo chúng ta từng bước thăng trầm,

Mùa Vọng mời gọi chúng ta dành nhiều thời giờ cho Chúa, để sống tình hiệp thông gắn bó với Ngài trong tình yêu.

Tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người cách thiết thực, cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô, tình yêu tự hiến của Ngài không dừng lại ở việc làm Người đã chết và Phục Sinh nhưng tình yêu ấy còn tiếp diễn mỗi ngày cho nhân loại nơi Bí Tích Thánh Thể.

Bí Tích Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo hội.
Đối với việc sống Linh đạo Mến Thánh Giá, Đấng sáng lập dòng cũng mời gọi con cái mình hãy đặt Thánh Thể Chúa làm trung tâm đời sống cá nhân và cộng đoàn.

Để củng cố, xây dựng tình hiệp nhất, hiệp thông yêu thương trong đời sống cộng đoàn, trước tiên chúng ta hãy học nơi Bí tích Thánh Thể bài học về tình yêu khiêm nhường. Tình yêu của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể dạy cho chúng ta bài học về tình yêu khiêm nhường. Nhiều người trong chúng ta vẫn tự hỏi “Tại sao Chúa Giêsu không hiện diện trong hạt kim cương quý giá,trong hạt ngọc long lanh mà lại chọn ẩn mình trong tấm bánh nhỏ bé tầm thường? Tấm bánh đơn sơ, mỏng manh chẳng giá trị gì nhưng trong đức tin, chúng ta rất cần đến Chúa giống như không khí và nước, chúng ta không thể sống mà thiếu nó, giống như lương thực nếu không có chúng ta không thể nào sống được. Chúa Giêsu hiến mình trở nên tấm bánh để trở thành lương thực cho cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể đến với Chúa mà không cảm thấy hổ thẹn hay bối rối. Tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể thật quyền năng vĩ đại và cũng rất bình thường giản dị biết bao!

Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể dạy ta sống và phục vụ người khác cách khiêm nhường. Nếu chúng ta sống tự cao, cho mình là cái rốn của vũ trụ thì chúng ta một cách nào đó chưa sống tinh thần của Bí tích Thánh Thể. Nếu chúng ta sống một cuộc sống buông thả và tự cho mình là trung tâm, thì Bí tích Thánh Thể một cách nào đó chỉ là một nghi lễ xa lạ, vô nghĩa, có thể nhàm chán. Nếu chúng ta đi tham dự Thánh Lễ mà thiếu động cơ tích cực và lòng yêu mến, thì việc tham dự như vậy xem ra chỉ là hình thức hay chỉ để che lấp thói kiêu căng tự mãn của mình. Mỗi khi đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được mời gọi trở nên những tấm bánh đơn sơ tinh tuyền giữa đời thường. Chúng ta được thúc bách luôn mở lòng sẵn sàng và nhạy bén với những nhu cầu và bận tâm của người khác, phục vụ họ trong tình yêu khiêm hạ của mình

Thánh Thể là nguồn mạch làm nên Giáo hội.
Mỗi khi rước Mình Thánh Chúa chúng ta được kết hợp mật thiết hơn với Chúa Kitô và qua đó Chúa Kitô hiệp nhất tất cả các tín hữu với nhau trong cùng một thân thể của Người là Giáo hội. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cor 10, 17). Mỗi khi chúng ta tham dự nghi thức Bẻ Bánh, chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau. Chúa Giêsu đã yêu thương thế gian đến nỗi hiến mạng sống mình để chúng ta được nuôi dưỡng bằng chính Mình và Máu thánh người. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống thân mật với Chúa. Khi còn sống, Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Chúa Giêsu cũng nói với đám đông là những người Do Thái rằng: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6, 56). Khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã giữ lời hứa với các môn đệ và toàn thể nhân loại vì Ngài muốn ở với nhân loại mãi mãi.
Sống Bí tích Thánh Thể giúp các tín hữu xa tránh tội lỗi. Chúa Giêsu đã tự hiến mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Chính Mình và Máu Chúa đổ ra để nhiều người được sạch tội lỗi. Khi rước lễ, chúng ta được mời gọi ăn năn sám hối tội lỗi mình đã phạm. Do đó, Thánh Thể giúp thanh tẩy chúng ta khỏi tội lỗi mình đã phạm và gìn giữ chúng ta khỏi các tội lỗi sẽ phạm (GLGHCG, số 1393)

Sống Bí tích Thánh Thể là mỗi người chúng ta xây dựng tình hiệp thông và các mối quan hệ hài hoà với nhau. Khi chúng ta rước Mình và Máu thánh Chúa, chúng ta đón nhận tình yêu của Thiên Chúa. Đáp lại, Chúa mời gọi chúng ta hãy chia sẻ tình yêu của Ngài cho người khác. Chúng ta sống và trổ sinh hoa trái của Bí tích Thánh Thể bằng chính cách sống quảng đại, yêu thương của mình. Một cách nào đó, chúng ta hiệp dâng lên Chúa chính thánh lễ đời mình, hiệp cùng Thánh Lễ của Chúa Giêsu. Khi được chia sẻ cùng một Tấm Bánh Thánh Thể với mọi người trong Thánh Lễ,

Thánh Thể tượng trưng cho sự hiệp nhất. Trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta là thành viên của một cộng đoàn sống đời thánh hiến, Bí tích Thánh Thể khích lệ chúng ta biết đón nhận sự khác biệt của người khác như tuổi tác, trình độ học thức, quan niệm sống ….để xây dựng cộng đoàn yêu thương và sống hiệp nhất với nhau. : “Thánh Thể làm cho ta hiệp nhất trong Nhiệm Thể. Dâng lễ, dự lễ mà không yêu thương là mâu thuẫn, quái gở”(x. ĐHV 362). Bởi vì: “Đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua” (PV, số 47).

Việc rước Thánh Thể hằng ngày giúp chúng ta ý thức rằng những gì xảy ra với bánh và rượu cũng có thể xảy ra với chính chúng ta. Với con mắt đức tin, bánh và rượu sau khi truyền phép trở nên Mình và Máu thánh Chúa Giêsu. Khi rước Chúa Giêsu vào lòng, bề ngoài, chúng ta có thể trông vẫn như trước, nhưng bên trong chúng ta cần có sự thay đổi hoàn toàn. Theo Giáo luật của Giáo Hội Công Giáo, Bí tích là do chính Đức Kitô thiết lập và uỷ thác cho Giáo Hội. Bí tích là  “những dấu chỉ và phương thế biểu lộ và củng cố đức tin, cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa và thực hiện việc thánh hoá loài người, vì thế các bí tích góp phần rất nhiều vào việc xây dựng, củng cố và biểu lộ sự hiệp thông của Giáo Hội” (K. 840). Bí tích cần có những dấu chỉ và hiệu quả tích cực trong cuộc sống hằng ngày. Do đó, mỗi khi cử hành các bí tích, chúng ta nên có một sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của mình.

Khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu tự hiến, tình yêu khiêm nhường và tình hiệp nhất của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta được mời gọi sống có trách nhiệm và dấn thân hơn, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân hơn như chính Chúa Giêsu đã yêu mến chúng ta trong Bí tích Thánh Thể.

Tôi có thực sự mong ước được ơn biến đổi ? Để được biến đổi, Chị, tôi, các em cần cố gắng sống hy sinh, khiêm nhường, yêu thương và hiệp thông như Chúa Giêsu đã làm trong Bí tích Thánh Thể, chính Chúa Kitô muốn thực hiện điều đó trong và ngang qua cuộc đời chúng ta, chúng ta cùng nhau sống tâm tình của Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).


Lời Nguyện Kết: 

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho tình yêu của chúng con dành cho Chúa thật sâu sắc để việc sống liên kết với Chúa trong Bí Tích Thánh Thể được trổ sinh hoa trái tốt đẹp nơi đời sống cộng đoàn mà con là thành viên. Xin cho đời sống của chúng chứng minh cho con người trong xã hội hôm nay về sự hiện diện đầy quyền năng và  thương xót của Chúa. Để trong Chúa với Chúa và vì Chúa đời sống chúng con con trở thành tiếng vọng mời gọi : "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần" (Mt 3,2) “ Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa ” (Lc 3,1-6).

Xin cho chị em chúng con luôn biết quy hướng về Thánh Thể Chúa, để việc sống chung trong cộng đoàn - mỗi chúng con là mắc xích của sự thông hiệp giữa Chúa và chúng con, và giữa chúng con với nhau; bởi vì, chúng con hiểu rằng cộng đoàn thánh hiến phải trở nên dấu chỉ của hiệp thông và cùng nhau thi hành sứ vụ. Mỗi người có sứ vụ riêng, một chuyên môn khác nhau nhưng chúng con có cùng một sứ mạng chung là làm cho vinh danh Chúa. Amen
 
Thực hành:
 
  • Đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy tạo cho mình một tâm hồn cô tịch bằng cách cắt đứt mọi lo toan bề bộn của cuộc sống thường nhật, thay vào đó hãy sống phó thác vào Chúa.
  • Tâm niệm: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20).
  • Hát sau kinh Phụng vụ Sáng và Tối:Cuộc sống tôi hôm nay và mãi mãi … (ĐK)

Tác giả bài viết: TT/MTG QN

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây