Đức Cha Pierre Lambert người say tình Thập Giá
“Tôi đã không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô mà là Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh vào thập giá” (1Cr 2,2).
Lời nguyện mở đầu:
Lạy Thiên Chúa Cha cực thánh, chúng con xin tôn thờ, yêu mến, chúc tụng và ngợi khen Cha vì đã mặc khải cho chúng con về tình thương cứu độ nơi người con yêu dấu của Cha là Đức Giêsu Kitô. Cái chết và sự Phục Sinh của Người đã cảm hóa và thôi thúc bao con người trở nên thánh nhân. Những vị thánh ấy đã tiếp tục chứng minh và rao giảng bao kỳ công vĩ đại và tình thương của Cha cho con người trên trái đất suốt dòng lịch sử cứu độ.
Cách đặc biệt chúng con cám ơn Cha đã ban cho chúng con vị chứng nhân trung thành, người say mê thập giá Đức Kitô là đức Cha Pierre Lambert de la Motte, ngài đã có trực giác thiêng liêng mãnh liệt khi chiêm ngắm Đức Kitô Chịu Đóng Đinh, trực giác này thôi thúc đức cha khát khao trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô và cảm nghiệm sâu sắc về tâm tình mà Thánh Phaolô đã trải nghiệm.“Tôi đã không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô mà là Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Và từ đó suốt hành trình cuộc sống Đức Cha Lambert đã sống tình yêu thực tiễn dành cho Đức Kitô trong cầu nguyện với khổ chế, hăng say làm tông đồ và cả trong sự vâng phục.
Xin Cha ban Chúa Thánh Thần xuống trên chị em chúng con, để nhờ ơn Thánh Thần phù trợ chúng con cố gắng từng ngày theo kinh nghiệm sống của Đấng sáng lập về lòng say yêu dành cho Chúa Giêsu Kitô, nhờ kinh nghiệm về Thiên Chúa ngay trong chính cuộc đời và sứ vụ của mình chúng con đạt đến sự hiểu biết và yêu mến Đức Giêsu Kitô cách sâu đậm hơn mỗi ngày.
Suy niệm:
Đức Cha Pierre Lambert người say tình Thập Giá,
Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta cùng tìm về những kinh nghiệm thiêng liêng của ngài được ghi lại trong di cảo.
Tính thực nghiệm thiêng liêng được thể hiện cách rõ ràng trước nhất nơi chính kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Đức Cha Pierre Lambert được Thiên Chúa phú bẩm sự nhạy bén với những gì thuộc về Chúa, cái mà ngài gọi là trực giác thiêng liêng[1]. Chính trực giác này đã thôi thúc ngài, nuôi dưỡng tình yêu và khát khao trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Trực giác thiêng liêng này đã hình thành nên thái độ nội tâm của Đức Cha: ngài nghe được lời mời gọi khẩn thiết trong nội tâm, ngài cảm nhận những điều thật đẹp khi ý muốn của mình nên một với ý muốn của Thiên Chúa. Đức Cha Lambert đã viết cho cha Halle linh hướng của ngài rằng “Điều kỳ diệu nhất con thấy được là: ý muốn của con người trở nên đồng hình đồng dạng, đồng khuôn mẫu và đồng bản tính với ý muốn của Thiên Chúa, và trong sự đồng hóa ấy, linh hồn vẫn thường xuyên có những tâm tình trân trọng cao nhất và những thái độ thờ lạy sâu thẳm nhất đối với Thiên Chúa uy linh cao cả” [2]. Đức Cha còn bộc bạch cùng cha linh hướng về niềm xác tín này và nỗi khao khát chia sẻ cho mọi người: «Không có cách nào làm cho mọi người tỉnh ngộ được sao? Chẳng lẽ không tạo được đủ uy tín để thuyết phục họ tin rằng: khoa học sâu sắc nhất và thú vui chân thật nhất là hiểu biết và yêu mến Chúa Kitô bằng một tình yêu thực nghiệm sao?[3] . Đây cũng là tinh thần mà ngài đã học theo gương thánh Phaolô:“Tôi đã không muốn biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô mà là Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh vào thập giá” (1Cr 2,2). Điều này đã tạo nên cá tính nơi Ngài một con người khắc khổ, nghiêm túc, không khoan nhượng, vừa thu hút bởi tính táo bạo, lòng can đảm, khiêm nhường và sức thuyết phục lạ lùng tỏa ra từ con người của ngài[4].
Phát xuất từ kinh nghiệm thiêng liêng về lòng yêu mến dành cho Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh, lòng yêu mến Thánh giá Chúa Giêsu đã trở thành động lực chi phối mọi sinh hoạt từ nội tâm đến Giáo hội và xã hội của Đức Cha. Ngài đã được Chúa Thánh Thần chọn làm trung gian chuyển giao ơn đặc sủng cho Dòng Mến Thánh Giá, linh đạo tập trung vào Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh để hy sinh phục vụ anh chị em đồng loại. Với xác tín “Đức Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng ta”, các nữ tu đã dâng hiến cuộc đời cho Thiên Chúa, dấn thân vào sứ vụ loan báo Tin Mừng ở mọi nơi, mọi thời để tiếp nối cuộc đời lữ thứ hy sinh của Chúa Kitô.
Trung thành với tâm nguyện của Đức Cha Lambert, các nữ tu Mến Thánh Giá phục vụ trong các lãnh vực: đức tin, luân lý, giáo dục, xã hội và y tế; ưu tiên cho nữ giới; tinh thần của Đức Cha Lambert đã thôi thúc chị em Mến Thánh Giá đi ra, bước tới khắp nẻo đường quê hương Việt Nam.Vì thế, các nữ tu Mến Thánh Giá “thường được các tín hữu và cả lương dân yêu mến và quý trọng”. Đức Cha Retord kể lại trong thư gửi cho cha Laurent ở Lyon vào tháng 01/1846: “Họ đi thăm viếng và an ủi những người đau yếu, giúp chúng tôi dạy dỗ các phụ nữ dự tòng…” [5]
Đời sống tông đồ của chị em mến thánh giá được đặt nền tảng trên tinh thần cầu nguyện và hy sinh khổ chế, để cho dù đến bất cứ phương trời nào, sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, chị em luôn theo gương Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh, dấn thân phục vụ Giáo hội địa phương với niềm xác tín rằng tình yêu dành cho Chúa Kitô trên Thánh giá sẽ dẫn đến vinh quang.
Và, trong thinh lặng của cõi lòng, chúng ta cùng học với Đấng sáng lập về tinh thần say mến đối với Thập Giá, để từ đây chúng ta sẽ nhận ra giá trị thật đẹp của thập giá.Thập giá không hoàn toàn “tiêu cực” như chúng mình vẫn thường nghĩ: Thập giá là khổ đau, là thất bại, là ghê tởm, là gánh nặng… nhưng theo nghĩa tích cực của tình yêu “ Thập giá” là phương thế để đạt đến hạnh phúc đích thực; nơi thập giá chúng ta nhận giá trị cứu độ, giá trị của tình thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và mỗi người dành cho nhau trong đời sống; Thập giá dạy ta bài học về lòng từ tâm, bác ái, tha thứ, bao dung… Thập giá cho ta cái nhìn tích cực về đau khổ, về giá trị của khổ chế, hy sinh, về các mối tương quan trong đời sống chung trong cộng đoàn và sứ vụ...
Cùng với Đức Cha Lambert,
- Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá để giúp ta cảm thông với nỗi đau khổ, mất mát của anh chị em đồng loại đang phải ghánh chịu do chiến tranh, thiên tai, bệnh tật.
- Chiêm ngắm Chúa Giêsu trên thập giá giúp ta hiểu được giá trị cao quý của đời sống cộng đoàn, của việc sống các nhân đức của Lời khấn, của những dấn thân trong đời sống Mục vụ Tông đồ để nhờ đó mỗi người ý thức mình đang là chứng nhân của “lòng thương xót” : “Đức Kitô, Đấng bị đóng đinh vào Thập giá, là Lời sẽ không qua đi. Người là kẻ đứng bên cửa và gõ vào lòng dạ mọi người, không ép uổng sự tự do của họ mà chỉ tìm cách dấy lên từ lòng dạ ấy một tình thương chẳng những là một hành động kết hợp với Con Người đau khổ mà còn là một hình thức “lòng thương xót” mà mỗi chúng ta biểu lộ với Con của Cha muôn đời” [6]
Lời nguyện kết:
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Cha vì tình thương ngàn đời Cha dành cho Giáo hội Việt Nam, Hội dòng thân yêu của chúng con. Cha đã ban cho chúng con Đức Cha Lambert de la motte, là mẫu gương sáng ngời về tình yêu Chúa được thể hiện nơi lòng say yêu đối với Thập Giá Chúa Kitô và sự dấn thân phục vụ Giáo hội và các linh hồn. Chúng con ngợi khen Cha vì những điều kỳ diệu Cha đã thực hiện trên cuộc đời của Đức Cha, và đang tiếp tục thực hiện trên Hội Thánh tại Việt Nam, trên Hội Dòng chúng con, nơi đời tận hiến của tiền nhân qua dòng thời gian và trên mỗi chúng con trong hiện tại. Gia sản thiêng liêng Đức cha Lambert để lại cho chúng con thật vô giá. Chúng con hãnh diện vì được mời gọi và chọn tước hiệu Mến Thánh Giá là hướng đi cho cuộc đời mình. Với linh đạo độc đáo và phong phú, không lỗi thời, tụt hậu, chúng con ý thức sâu về ơn gọi và lý tưởng mà mình đang theo đuổi. Lịch sử và sự phát triển của gia đình Mến Thánh Giá 350 năm đầy thử thách cho phép chị em chúng con tự hào về Đấng sáng lập dòng và hiên ngang lội ngược dòng đời để sống linh đạo Mến Thánh Giá giữa xã hội phát triển về muôn mặt của hiện tại.
Xin Cha chúc lành cho Giáo hội Hoàn cầu, Giáo Hội Việt Nam, Giáo Phận Qui Nhơn cùng các Giáo phận chị em Hội Dòng Mến Thánh Gía Qui Nhơn chúng con đang phục vụ trên cánh đồng truyền giáo. Xin Cha thương chúc lành cho tiến trình phong thánh cho Đấng sáng lập dòng kính yêu của chúng con được diễn tiến trong tình yêu và sự quan phòng của Cha. Amen
- Đức Cha Pierre Lambert, Di cảo số 3 – Bài nguyện ngắm ngày 03 tháng 11 năm 1663, trong Di cảo, tr. 51.
- Thần học thập giá trong lịch sử Giáo Hội, https://catechesis.net/than-hoc-thap-gia-trong-lich-su-giao-hoi, tổng hợp ngày 12.06.2022.
- Đức Cha Pierre Lambert, Thư gởi cha Halle (ngày 15.03.1661), trong Di cảo, tr. 108 – 109.
- Françoise Fauconnet – Buzelin, Người cha bị lãng quên của công cuộc truyền giáo hiện đại, Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng (chuyển ngữ), NXb Phương Đông, Tp. HCM 2015, tr. 37.
- ( x. Người nữ tu MTG sống sứ mạng Tông Đồ P1 – Hd MTG GV )
- (Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II -Thông điệp Thiên Chúa Đấng giàu lòng thương xót số 8).