Chủ đề Mùa Vọng 2022

Thứ hai - 21/11/2022 22:49 2.812 0
 
 
 
 
CHỦ ĐỀ MÙA VỌNG 2022

CỦNG CỐ SỰ HIỆP THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN

Chúng ta bước vào vào Năm Phụng vụ mới (2022-2023) trong tinh thần Giáo hội hiệp hành. Chung tâm tình, chung nhịp bước với Giáo Hội, đặc biệt, đáp ứng lời mời gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam, qua thư chung gửi cộng đoàn Dân Chúa ngày 07/10/2022,với chủ đề cho năm 2023: “củng cố sự hiệp thông” qua 4 điểm:
  1. Mối hiệp thông giữa các tín hữu được xây dựng trên nền tảng Lời Chúa. 
  2. Bí tích Thánh Thể là nguồn suối hiệp thông.
  3. Sự hiệp thông trong Giáo hội
  4. Hiệp thông bằng phương tiện truyền thông

Hiệp thông cũng chính là niềm khát mong của Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21).
Mùa vọng là dịp thuận tiện để chúng ta biến đổi cộng đoàn chúng ta thành nơi thông hiệp, trong đó, chị em luôn yêu thương nhau, chân thành hợp tác với nhau, để cộng đoàn thật sự là một thân thể thấm nhuần sự “hiệp nhất trong tình yêu”, đáp ứng được khát vọng của Chúa Giêsu là “xin cho họ nên một”. Đó là con đường giúp chúng ta có được sự bình an và niềm vui đích thực trong đời thánh hiến. Và đó cũng chính là con đường, là cõi lòng mà Chúa Cứu Thế muốn đến và muốn ngự trị mãi mãi.
Vì thế, Mùa Vọng năm nay chị em Hội dòng chúng ta dành thời gian ân phúc này để “củng cố sự hiệp thông trong đời sống cộng đoàn”.

CN. 1 VỌNG A (27/11/2022):
  • Chủ đề: Củng cố sự hiệp thông cộng đoàn dưới ánh sáng Lời Chúa. 
  • Lời Chúa: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến” (Mt. 24, 42). 
  • Gợi ý: Tuần 1Mùa Vọng, mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức bằng việc nhìn lại bản thân mình dưới ánh sáng Lời Chúa, để điều chỉnh lại những bấp bênh, sai lệch nơi ước muốn và chọn lựa của mỗi người chúng ta, để bắt đầu lại đời sống mới trong ân sủng và bình an. Vì thế, để củng cố sự hiệp thông trong cộng đoàn trên nền tảng Lời Chúa, chúng ta cùng nhau nhìn lại hai điểm sau:
  1. Ý thức cần Chúa: Tỉnh thức đầu tiên là sự nhận thức rằng ta cần đến Chúa. Chính Chúa khởi sự ơn gọi trong ta, và chỉ trong Chúa ta mới có thể tiến bước trong ơn gọi thánh hiến. Ta chỉ là thân phận mỏng giòn mà Chúa dùng để chứa đựng Ơn Thánh. Vì thế, chỉ có Chúa mới có thể giúp ta sống thuộc về Chúa cả xác hồn. Nhờ ý thức này, ta nhận ra những giờ thiêng liêng rất cần thiết cho mối tương quan giữa Chúa và ta được lớn lên. Lời Chúa là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống người thánh hiến. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10, 42). 
 
  1. Thái độ tích cực trong đời sống thiêng liêng: Tỉnh thức là trung thành trong các giờ thiêng liêng, là sự kiên trì giữ những bổn phận thiêng liêng theo luật định. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, cầu nguyện tốt là nghiêm túc đặt mình trước mặt Chúa, tôn thờ Chúa và khiêm tốn cảm nhận mình cần Chúa. Do vậy, những giờ cầu nguyện không phải là một bổn phận, nhưng là một nhu cầu thiết yếu giúp ta lớn lên trong tương quan với Chúa.
  • Thực hành:
  • Thường xuyên trở lại với lòng mình trong thinh lặng nội tâm.
  • Cầu nguyện trong những giờ dành riêng cho việc cầu nguyện, và chúng ta cũng được mời gọi sống ngày sống của chúng ta như là một lời cầu nguyện.
  • Hướng đến đích điểm cuộc đời, chúng ta xem xét lại cuộc sống hiện tại của mình trong tương quan với Chúa hiện đang như thế nào?
  • Hát sau kinh Phụng vụ Sáng và Tối:Để Chúa đến …VGS– 22 (PK1 + ĐK)


CN. 2 VỌNG A (04/12/2022):
  • Chủ đề: Bí tích Thánh Thể là nguồn suối củng cố sự hiệp thông cộng đoàn.
  • Lời Chúa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28, 20).
  • Gợi ý: Sự hiệp thông trọn vẹn nhất giữa Thiên Chúa, con người và thế giới thụ tạo được diễn tả trong biến cố Thiên Chúa làm người và sống giữa gia đình nhân loại. Sự hiệp thông đó không kết thúc với sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu, nhưng tiếp tục trong Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã phán: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28, 20). Niềm tin vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giêsu Thánh Thể giúp chúng ta không ngừng đến với Người, thân thưa với Người và cộng tác với Người trong việc định dạng đời sống và hoạt động của chúng ta cũng như cộng đoàn mà chúng ta đang hiện diện và phục vụ. Bí Tích Thánh Thể không chỉ liên kết mỗi người chúng ta với nhau, mà còn liên kết tất cả chúng ta nên một với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu với Thiên Chúa Cha trước khi bước vào cuộc khổ nạn là “xin cho mọi người nên một” (Ga 17, 21).  
Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích cao trọng này.Nơi Bí tích cao trọng này, chúng ta được mời gọi sống sự hiệp thông bằng việc sống với nhau trong tình yêu của Chúa: “Thánh Thể làm cho ta hiệp nhất trong Nhiệm Thể. Dâng lễ, dự lễ mà không yêu thương là mâu thuẫn, quái gở”(x. ĐHV 362). Bởi vì: “Đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt Qua” (PV, số 47).
  • Thực hành:
  • Đến với Chúa trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy tạo cho mình một tâm hồn cô tịch bằng cách cắt đứt mọi lo toan bề bộn của cuộc sống thường nhật, thay vào đó hãy sống phó thác vào Chúa.
  • Tâm niệm: “Tôi sống nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi”(Gl 2,20). 
  • Hát sau kinh Phụng vụ Sáng và Tối:Cuộc sống tôi hôm nay và mãi mãi … (ĐK)

CN. 3 VỌNG A (11/12/2022):
  • Chủ đề: Trong Giáo hội -Đức ái củng cố sự hiệp thông cộng đoàn
  • Lời Chúa:“Cứ dấu này mà mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35)
  • Gợi ý: Sự hiệp thông trong Giáo hội không chỉ được thể hiện qua Phụng vụ, mà còn qua tình tương thân tương ái, thành tâm lắng nghe nhau trong cộng đoàn, và qua những nghĩa cử bác ái giữa những người đồng đạo cũng như đối với anh chị em không cùng niềm tin. (trích Thư HĐGMVN năm 2022)
Đức ái đưa đến sự hiệp thông: Như Giáo Hội thời sơ khai, chỉ có một trái tim và một tâm hồn. (x. Cv 4, 32)Ngay từ ban đầu, đời sống thánh hiến đã nói lên sự hiệp thông khởi đi từ lời mời gọi của Chúa Giêsu.Chúng ta đã được Chúa quy tụ lại trong một hội dòng, một cộng đoàn, mặc dù mỗi chúng ta khác nhau về nguồn gốc gia đình, quê quán, cách suy nghĩ, khả năng vàcả về tính cách cũng như sở thích… Tuy nhiên, những điều đó không phải là lý do để chúng ta mất đi sự hiệp thông. Bởi vì, mỗi ngày chúng ta được nuôi dưỡng bởi chính Mình Máu Thánh Chúa; Cùng theo sát Đức Kitô trong một đặc sủng, một linh đạo, một truyền thống, một luật lệ, một nếp sống. Có một kỷ luật và chương trình chung để duy trì sự hiệp nhất. Cùng chung một sứ vụ, chị em thực hiện trong sự hiệp thông và nhân danh cộng đoàn. Chúng ta được kêu mời cùng nhau làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu thương nhau. (x. HC chương 3: đời sống cộng đoàn).Với bao nhiêu điểm chung, thì một chút khác biệt có là gì nếu chúng ta nhìn ra được sự hiện diện và ý muốn của Chúa trên cuộc đời mỗi người chúng ta???
Sống đức ái cụ thể trong cộng đoàn thánh hiến là biết tha thứ và yêu thương nhau. Khi có tha thứ, là có sự bình an trong tâm hồn, xây dựng sự hiệp nhất nơi cộng đoàn mà mình được mời gọi sống với nhau.
Mùa vọng là dịp thuận tiện để chúng ta hàn gắn lại những vết thương lòng bằng sự khoan dung tha thứ; Mùa vọng cũng là cơ hội để chúng ta hàn gắn lại những tương quan đổ vỡ với người thân, bạn bè, chị em trong Hội dòng, Cộng đoàn …; Mùa vọng là dịp để chúng ta có những quyết tâm thay đổi những thói quen xấu bằng những việc tốt lành, biết nghĩ tốt, nói tốt và làm việc tốt cho nhau.Mong cho lời mời gọi “củng cố sự hiệp thông” của Giáo Hội tác động nơi từng người chúng ta, để đời sống cộng đoàn giúp chúng ta đi hết hành trình và hoàn tất Lễ Dâng trong niềm vui, bình an và thánh thiện.
Thực hành:
  • Chúng ta được Chúa mời gọi bước đi theo Người, sống chung với nhau trong một cộng đoàn là để chúng ta yêu mến nhau, đó là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Tôi đã sống thế nào?
  • Hãy mỉm cười với người con không ưa mỗi ngày ít nhất 5 lần.(Mẹ Têrêxa Calcutta)
  • Hát sau giờ kinh sáng và tối:Đâu có tình yêu thương … DH3-132 (ĐK+PK2)


CN. 4 VỌNG A (18/12/2022):
  • Chủ đề: Củng cố sự hiệp thông cộng đoàn bằng phương tiện truyền thông
  • Lời Chúa: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được(Ga. 15, 5) 
  • Gợi ý:Theo ĐTC Phanxicô, mục đích của việc sử dụng internet là để “giúp con người gặp gỡ nhau, liên đới với nhau.” Mạng xã hội không chỉ là “một nguồn tri thức”, nhưng còn là “một nguồn tài nguyên của thời đại”. Có điều, mạng xã hội chỉ thực sự là tài nguyên khi nó trở thành phương tiện hữu hiệu giúp ta nối kết với Thiên Chúa, hiệp thông với Giáo Hội, gắn bó với cộng đoàn, hỗ trợ người thân yêu, chia sẻ với tha nhân, tăng thêm nguồn tri thức hoặc thăng tiến sứ vụ. (Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 53 – Năm 2019 – Thông tin và Giáo dục Salêdiêng Việt Nam” – Minh Đức chuyển ngữ)
Các thiết bị truyền thông khi càng gần nguồn wifi thì tín hiệu phát tán càng mạnh, nhưng càng xa nguồn thì nó trở nên yếu và có khi mất hút. Chúa Giêsu đã nói, Không có Thầy, các con chẳng làm gì được (x. Ga 15, 5). Thế nên, để việc sử dụng các phương tiện truyền thông trở nên công cụ thông truyền sứ điệp tình yêu và cứu rỗi của Thiên Chúa, ta cần nối kết với chính nguồn Giêsu. Người của Chúa mà không gần Chúa thì hoặc sẽ thiếu Chúa, hoặc sẽ mất Chúa vì thích chọn làm theo ý mình; Bởi đó, cần lắm một sự gắn liền và mật thiết với Giêsu trong thinh lặng cầu nguyện.Mạng xã hội là một “sân chơi hấp dẫn, nhưng cũng nhiều cạm bẫy. Hấp dẫn vì mọi thông tin dường như đều dễ dàng tìm thấy trên Internet.” (x. Giuse Đình Ngọc, SJ: “Người trẻ và môi trường kỹ thuật số”)  Nhưng, chủ yếu vẫn là sự chọn lựa của mỗi chúng ta. Tôi thực sự muốn gì, tìm gì, hay tìm ai khi tôi sử dụng các phương tiện truyền thông hoặc vào Internet???
  • Thực hành:
  • Tôn trọng kỷ luật cộng đoàn về thời gian và không gian được ấn định cho lãnh vực truyền thông.
  • Hãy tâm niệm lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “INTERNET LÀ MÓN QUÀ TỪ THIÊN CHÚA”. (ĐTC Phanxicô).
  • Hát sau giờ kinh sáng và tối: Xin giữ con … DH4 – 141 (PK1 + ĐK)
 
 
                                                                                                                    
 

Tác giả bài viết:   Vùng Bình Định

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp 

Tuyển tập Mục Đồng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây